Nhật tập giáng trả đòn tấn công từ phía biển
Nhật Bản đang diễn tập quân sự đối phó với tình huống bị tấn công từ phía biển trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng.
Ngày 20/8, Nhật Bản tổ chức một cuộc diễn tập thường niên ở chân núi Phú Sĩ nhằm biểu dương sức mạnh phòng thủ của nước này đồng thời thu hút sự ủng hộ đối với kế hoạch tăng cường vai trò của quân đội Nhật Bản ở trong và ngoài nước.
Cuộc diễn tập mang tính trình diễn này mô phỏng tình huống Nhật Bản bị tấn công từ phía biển. Trong khi người thuyết minh giải thích tình huống tấn công cho hàng ngàn khán giả đứng xem, hàng loạt máy bay, pháo, xe tăng và trực thăng đồng loạt nã đạn vào các mục tiêu ở dưới chân núi.
Xe tăng đồng loạt khai hỏa trước sự chứng kiến của khán giả
Cuộc diễn tập năm nay thu hút sự tham gia của 2.400 binh sĩ, 20 máy bay chiến đấu và 80 xe tăng, xe thiết giáp. Các lực lượng này sẽ tiếp tục diễn tập trong vài ngày tới. Cuộc diễn tập thường niên được tổ chức từ năm 1961 này là sự kiện lớn nhất trong năm do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tổ chức.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết cuộc diễn tập này thể hiện khả năng Nhật Bản giải quyết “những bất ổn ngày càng sâu sắc” trong khu vực và bảo vệ lãnh thổ của mình.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã trở nên ngày càng căng thẳng trong nhiều tháng trời trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Video đang HOT
Quân đội Nhật Bản phóng tên lửa chống mìn
Tranh chấp chủ quyền nhóm đảo này đã khiến quan hệ giữa hai người khổng lồ châu Á này xuống dốc trầm trọng và làm dấy lên những lo ngại rằng Nhật Bản sẽ phải tăng cường sức mạnh quân sự của mình để đối phó với sự uy hiếp ngày càng lớn từ Trung Quốc.
Ông Onodera đã nhấn mạnh yêu cầu nâng cấp khả năng do thám của Nhật Bản, chủ yếu là để giám sát hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc xung quanh nhóm đảo tranh chấp, và cho cho biết quân đội Nhật Bản sẽ tham gia tích cực hơn vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình quốc tế với các đồng minh của mình.
Từ lâu Nhật Bản vẫn dựa vào đồng minh chính của mình là Mỹ để đảm bảo năng lực phòng thủ. Tuy vậy, cả Mỹ và Nhật Bản đều muốn Nhật Bản đóng một vai trò to lớn hơn trong việc duy trì cán cân quyền lực ở châu Á.
Xe tăng Type-74 của Nhật Bản khai hỏa
Thủ tướng Shinzo Abe đã coi việc tăng cường sức mạnh quân sự là một trong những mục tiêu chính sách hàng đầu của mình. Ông Abe đặc biệt muốn nới lỏng những quy định của hiến pháp Nhật Bản đối với quân đội để lực lượng này có thể hoạt động tự do hơn.
Theo hiến pháp hiện hành, quân đội Nhật Bản bị giới hạn chặt chẽ trong vai trò phòng thủ và không thể tham chiến cùng các đồng minh trừ phi chính nước này bị tấn công.
Việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản và thái độ ngày càng hung hăng trên biển của Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại rằng một sự cố xảy ra ở nhóm đảo tranh chấp giữa hai nước có thể dẫn đến một cuộc đụng độ vũ trang giữa hai cường quốc, hoặc hai nước này có thể hủy hoại sự ổn định trong khu vực bằng cuộc chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt.
93% dân Nhật không ưa Trung Quốc
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa số người dân Hàn Quốc và Nhật Bản tỏ ra không ưa Trung Quốc và lo ngại trước sức mạnh quân sự của nước này.
Cuộc khảo sát do một tổ chức nghiên cứu ở Washington tiến hành gần đây cho thấy hơn 90% người dân Hàn Quốc và Nhật Bản tin rằng việc Trung Quốc gia tăng xây dựng lực lượng quân sự sẽ có tác động tiêu cực đối với đất nước họ.
Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Mỹ đã lấy ý kiến của 37.653 người trên 39 quốc gia trong tháng Ba và tháng Tư với câu hỏi: "Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc có ảnh hưởng tốt hay xấu đến đất nước bạn?"
Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Khoảng 91% người Hàn Quốc và 96% người Nhật Bản cho rằng ảnh hưởng đó là xấu, trong khi số người cho rằng quân đội Trung Quốc mạnh lên có lợi cho đất nước họ tương ứng chỉ là 6% và 2%.
Trong cuộc khảo sát tương tự được thực hiện năm 2010, 86% người Hàn Quốc và 88% người Nhật cùng cho rằng họ phải chịu tác động xấu từ việc Trung Quốc không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự.
Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân Nhật Bản
Khi được hỏi ý kiến của mình về Trung Quốc, 46% người Hàn Quốc trả lời là rất hoặc tương đối thiện chí, trong khi 50% trả lời rằng tương đối hoặc rất không ưa Trung Quốc.
Còn ở Nhật Bản, chỉ có 5% người dân tỏ ra có thiện chí với Trung Quốc, còn lại tới 93% người dân tỏ ra phần nào hoặc cực kỳ không ưa Trung Quốc.
Trung tâm Nghiên cứu Pew cho rằng kết quả khảo sát này thể hiện căng thẳng ngày càng leo thang trong tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong những năm gần đây, khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng và quyết liệt hơn với các tuyên bố chủ quyền của mình.
Theo Khampha
Vì Biển Đông, người Philippines yêu Mỹ hơn Trung Quốc Hình ảnh của Trung Quốc đã trở nên tiêu cực đối với rất nhiều người dân ở đất nước Philippines vì cuộc tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông hiện nay. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho biết, cứ 5 người Philippines thì có đến 2 người nói rằng, họ coi nước láng giềng khổng lồ của mình là kẻ...