Nhật phạt tù người bán lại khẩu trang kiếm lời
Những người Nhật bán lại khẩu trang kiếm lời có thể phải ngồi tù một năm và nộp phạt 9.800 USD, trong bối cảnh Covid-19 đang lan rộng.
Lệnh mới được chính phủ Nhật Bản đưa ra hôm nay sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3, nhằm ngăn những kẻ lợi dụng tình trạng thiếu hụt khẩu trang trên toàn quốc để trục lợi. Theo đó, hành vi bán lại khẩu trang để kiếm lời sẽ bị coi là tội phạm chịu án phạt một năm tù hoặc phạt 1 triệu yên (9.800 USD) hoặc cả hai.
Tuy nhiên, một quan chức Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết lệnh này không áp dụng với việc bán lại khẩu trang với cùng mức giá đã mua hoặc thấp hơn. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người tiêu dùng bình thường có thể tiếp cận được khẩu trang”, quan chức cho hay.
Quy tắc này sẽ được thực hiện thông qua việc sửa đổi một điều luật được ban hành năm 1973 nhằm đối phó với nạn đầu cơ tích trữ trong cuộc khủng hoảng giá dầu. Chính phủ Nhật Bản nói thêm họ có thể áp dụng luật tương tự với các sản phẩm như chất khử trùng và tã bỉm nếu cần thiết, song cũng có kế hoạch dỡ bỏ luật khi nhu cầu tiêu dùng trở lại bình thường.
Người dân Tokyo, Nhật Bản ra đường trong giờ cao điểm hôm 20/2. Ảnh: AP.
Bộ Thương mại Nhật Bản đã yêu cầu các công ty thương mại điện tử tạm thời đình chỉ bán đấu giá khẩu trang trực tuyến từ ngày 14/3, song động thái này được cho là không đủ mạnh với các đại lý. Thủ tướng Shinzo Abe cũng tuyên bố sẽ tăng nguồn cung khẩu trang của đất nước lên tới 600 triệu chiếc mỗi tháng, đặc biệt tập trung vào việc cung cấp chúng cho các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất khẩu trang đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng đột ngột gần đây, khi cảnh tượng các kệ hàng tại hiệu thuốc và siêu thị trống trơn đã trở nên phổ biến. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi một vài đại lý bán lẻ chào bán khẩu trang với giá cắt cổ trên các trang thương mại điện tử.
Video đang HOT
Hiroyuki Morota, 53 tuổi, ủy viên hội đồng tỉnh Shizuoka, đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi kiếm được khoảng 85.000 USD từ việc đấu giá trực tuyến nhiều thùng khẩu trang với giá cao hơn giá gốc, gây bất bình trong dư luận. Quan chức Bộ Thương mại cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu ông Morota có bị truy tố theo luật mới hay không, vì ông điều hành một công ty thương mại và có thể không bị coi là người bán lại khẩu trang.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc và đã xuất hiện tại 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 114.000 người nhiễm, hơn 4.000 người chết. Nhật Bản hiện ghi nhận hơn 500 ca nhiễm nCoV, 9 người tử vong và gần 700 trường hợp nhiễm trên du thuyền Diamond Princess.
Ngọc Ánh (Theo JapanTimes)
Theo vnexpress.net
Khác biệt giữa lệnh phong tỏa của Italy và Trung Quốc
Italy ban hành lệnh cấm di chuyển toàn quốc ngày 9/3 nhằm ngăn Covid-19, tuy nhiên biện pháp phong tỏa của nước này không quyết liệt như Trung Quốc.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ký thông qua luật yêu cầu dân chúng ở nhà đến ngày 3/4, dừng di chuyển trên toàn quốc trừ lý do khẩn cấp hoặc vấn đề sức khỏe. Mọi hoạt động tập trung đông người bị cấm và toàn bộ trường học phải lập tức đóng cửa.
Khoảng 60 triệu người Italy bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Trước đó, Italy ban hành lệnh phong tỏa toàn bộ vùng Lombardy và một phần vùng Veneto, Piedmont, Emilia-Romagna và Marche để ngăn Covid-19.
Các biện pháp của Conte phần nào được mô tả là giống với lệnh phong tỏa gần 50 thành phố và 4 tỉnh để ngăn Covid-19 phát tán của giới chức Trung Quốc. Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/1, toàn bộ các chuyến bay đi và đến thành phố bị hủy, giao thông công cộng bị dừng và dân bị hạn chế đi lại. Lệnh hạn chế đi lại của Trung Quốc vẫn còn hiệu lực trên toàn quốc.
Khác biệt lớn nhất giữa lệnh phong tỏa tại Trung Quốc và Italy là việc cho phép người nước ngoài ra vào khu vực bị ảnh hưởng. Những nơi áp lệnh phong tỏa ở Trung Quốc cấm các chuyến bay, chuyến tàu và xe khách đường dài đi tới và rời khỏi địa phương. Giới chức Hồ Bắc cấm người nước ngoài rời tỉnh trừ khi quốc gia của họ tổ chức các chuyến bay đưa công dân rời khỏi đây như Mỹ, Đức và Anh.
Cảnh sát và binh sĩ Italy kiểm tra hành khách lên tàu rời Milan ngày 9/3. Ảnh: AP.
Trong khi đó, chưa rõ Italy sẽ ban hành lệnh phong tỏa thế nào khi nước này vẫn cho phép người có lý do công việc, nhu cầu y tế hoặc trong trường hợp khẩn cấp di chuyển. Những người cần di chuyển cần điền vào đơn giải thích lý do và mang bên mình. Nếu bị phát hiện gian dối, họ có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.
Italy đã triển khai lực lượng quân cảnh (Carabinieri), cảnh sát địa phương để giám sát lệnh cấm di chuyển trên cao tốc và các tuyến đường nhỏ hơn. Cảnh sát đường sắt, nhân viên y tế và nhân viên phòng vệ dân sự giám sát thực hiện lệnh cấm đi lại trên đường sắt. Tuy nhiên, nhiều chuyến bay vẫn đến và đi từ thành phố Milan thuộc vùng Lombardy bất chấp lệnh cấm.
Tại các địa phương Trung Quốc bị phong tỏa, những địa điểm đông người như rạp chiếu phim, chợ trung tâm và các cơ sở giải trí khác phải đóng cửa. Giới chức một số nơi như thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang chỉ cho phép một thành viên trong mỗi gia đình ra ngoài sau hai ngày để mua nhu yếu phẩm.
Trong khi đó, Italy vẫn cho phép các nhà hàng hoặc quán bar có thể mở cửa từ 6h-18h nếu đảm bảo khách hàng ở cách nhau ít nhất một mét. Các trung tâm thương mại vừa và lớn phải đóng cửa vào cuối tuần, các cửa hàng thực phẩm không bị hạn chế thời gian mở cửa.
Chính sách của Thủ tướng Conte cho lãnh đạo các địa phương quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa nào. Điều này khác với Trung Quốc khi lãnh đạo trung ương điều phối các chính sách toàn quốc và chỉ đạo cấp dưới ở các địa phương thi hành lệnh phong tỏa.
Các địa phương Italy nằm trong "vùng đỏ" bị hạn chế đi lại trước lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 9/3. Đồ họa: CNN.
Hệ thống y tế tại Italy có dấu hiệu khủng hoảng vì Covid-19. Các ca phẫu thuật không khẩn cấp và hoạt động kiểm tra y tế thông thường ở "vùng đỏ", nơi bị cách ly từ trước, đã bị ngừng lại. Người đứng đầu đơn vị ứng phó khủng hoảng vùng Lombardy, Antonio Pesenti, cảnh báo tình hình "chỉ còn cách ngưỡng sụp đổ một bước chân".
Giới chức các địa phương miền nam Italy, nơi có thu nhập thấp hơn khu vực miền bắc, lo ngại hệ thống y tế có nguy cơ bị Covid-19 áp đảo. Thống đốc Sicily Nello Musumeci cảnh báo hệ thống y tế của vùng không thể đối phó tốt với Covid-19 như các địa phương phía bắc, yêu cầu bất cứ ai từ "vùng đỏ" tới hòn đảo đều phải thông báo cho bác sĩ và tự cách ly.
Chưa rõ dân Italy sẽ chịu đựng lệnh phong tỏa toàn quốc để chống dịch Covid-19 thế nào và họ sẽ hợp tác với chính quyền ra sao. Nhiều người tháo chạy khỏi vùng Lombardy khi nghe tin chính phủ Italy áp lệnh phong tỏa hơn 16 triệu dân.
"Dân Italy quan tâm nhiều đến tự do cá nhân trong khi người Trung Quốc có tính kỷ luật. Dân Italy chưa có ý thức cộng đồng cao, ngay cả ở vùng dịch phía bắc đất nước. Không ai coi trọng vấn đề, không ai đeo khẩu trang và không có dung dịch vệ sinh tay tại nơi công cộng", doanh nhân Pietro Borsano nói.
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán từ tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 115 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 114.000 ca nhiễm, hơn 4.000 ca tử vong và hơn 64.000 người đã hồi phục.
Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nặng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. 21 vùng tại Italy đã ghi nhận Covid-19 với hơn 9.100 ca nhiễm, hơn 460 ca tử vong và hơn 720 ca đã hồi phục.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP, Reuters)
Theo vnexpress.net
Người Việt sống giữa lệnh phong tỏa ở Italy Sáng 8/3, chưa kịp mừng sinh nhật chồng, Stella Vũ sững sờ khi nghe tin cả vùng Piedmont mà mình sinh sống bị áp lệnh phong tỏa. Sắc lệnh phong tỏa của Thủ tướng Giuseppe Conte được thông qua lúc 2h sáng 8/3, khi nhiều người Italy, trong đó có Stella Vũ, vẫn đang say ngủ. Theo sắc lệnh này, vùng Lombardy cùng...