Nhật một tuần sau thảm họa động đất, sóng thần
Một tuần đã trôi qua kể từ khi xảy ra trận siêu động đất/sóng thần, Nhật vẫn phải vận lộn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân và nhân đạo, với các kỹ sư đang nỗ lực phục hồi điện cho nhà máy Fukushima I và số người chết, mất tích đã vượt 16.000.
Nhiều người Nhật vẫn chưa hết bàng hoàng trước những mất mát của trận động đất/sóng thần gây ra.
Một nửa triệu người trong tích tắc đã bị đẩy vào cảnh vô gia cư khi con thủy quái hung dữ tấn công bờ biển đông bắc Nhật Bản và hiện họ vẫn đang phải sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt: vật lộn để giữa ấm trong cái lạnh đóng băng, thiếu thực phẩm, thiếu nhiên liệu.
Tuyết rơi dày đã phủ trắng những thành phố, làng mạc bị sóng thần xóa sổ, biến thành những bãi rác khổng lồ, làm tiêu tan hi vọng tìm kiếm được người sống sót trong đống đổ nát, và làm cuộc sống của những người sống sót đã khốn khổ lại càng thêm khốn khổ, hiểm nguy.
Tuyết lạnh rơi dày làm tiêu tan hi vọng tìm thêm được người sống sót trong trận động đất/sóng thần.
“Chúng tôi đã thấy các gia đình chạy vạy khắp nơi để tìm nguồn nguyên liệu sưởi ấm. Trong thời tiết như thế này, trẻ em là nhóm gặp nhiều nguy cơ nhất, như viêm phổi, cúm”, Tổ chức Save Children của Steve McDonald cho hay. Theo tổ chức này, thảm họa ở Nhật đã đẩy 100.000 em nhỏ vào cảnh không nhà.
Người sống sót vật lộn với giá rét, thiếu lương thực, nhiên liệu.
Nhưng đó chưa phải là lo ngại lớn nhất. Mọi lo ngại của thế giới hiện đang tập trung vào nhà máy điện Fukushima I, cách thành phố Tokyo 250km, lo ngại thảm họa động đất/sóng thần sẽ được tiếp nối bằng một thảm họa hạt nhân nghiêm trọng.
Bên trong khu lấy hành lý của sân bay Sendai, thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, sau khi sóng thần quét qua.
Những lo ngại này đã khiến người nước ngoài ồ ạt di cư khỏi Nhật, đặc biệt là sau khi Anh, Pháp, Đức, Australia, cùng New Zealand khuyên công dân của họ rời Tokyo cũng như vùng đông bắc Nhật.
Giới chức trách Nhật cho hay lượng phóng xạ thoát ra từ nhà máy không đe dọa tức thời đối với sức khỏe của những người sống bên ngoài bán kính cách ly 20km, tính từ Fuksuhima I, mặc dù lượng phóng xạ được phát hiện tăng nhẹ ở Tokyo vào hồi đầu tuần này.
Đường phố đông đúc, náo nhiệt thường thấy ở thủ đô Tokyo bỗng trở nên yên tĩnh lạ thường vào ngày hôm nay 18/3, mặc dù một số người vẫn đi làm như bình thường. Ánh đèn neon làm sáng rực thành phố đã trở nên mờ nhạt khác thường vào ban đêm, để hưởng ứng chiến dịch tiết kiệm điện do hàng loạt nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa sau động đất.
“Thành phố này đã trở nên cô độc lạ thường vào ban đêm, khi nhiều cửa hàng tắt đèn, đóng cửa sớm”, Shin Fujii, chủ một nhà hàng Tây Ban Nha cho hay. Nhịp độ của nhà hàng trùng lại khi chỉ có vài khách tới ăn mỗi ngày.
Video đang HOT
Tokyo tắt đèn để hưởng ứng tiết kiệm điện.
Còn tại nhà máy Fukushima I, các nhóm cứu hộ đang nỗ lực đưa một đường điện vào trong nhằm khởi động lại các máy bơm nước để làm lạnh các lò phản ứng đang tăng nhiệt, ngăn chặn nguy cơ lõi lò tan chảy.
“Đường cáp điện đã tới gần nhà máy. Chúng tôi sẽ tăng tốc hoạt động này”, người phát ngôn chính phủ Edano cho hay.
Trực thăng quân sự cùng đội xe cứu hỏa một lần nữa được tập hợp tại nhà máy, sẵn sàng nối lại sứ mệnh bơm nước khổng lồ làm lạnh các lò phản ứng.
Không chỉ Nhật mà cả thế giới đang theo dõi sát tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Công ty điện Tokyo (Tepco) đêm qua cho rằng sứ mệnh đổ nước vào nhà máy của họ đã gặp hái được chút ít thành công, mặc dù một số chuyên gia quốc tế vẫn tỏ ra lo ngại và coi đó như là nỗ lực tuyệt vọng.
Dịch vụ tàu cũng bị cắt giảm để tiết kiệm điện.
Cảnh thiếu nhiêu liệu thường thấy trong những ngày này ở Tokyo.
Những kệ hàng trống trơn tại siêu thị.
Người dân nhiều nước rời Nhật Bản.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cho biết tình hình không xấu đi “đáng kể” trong 24 giờ qua nhưng cảnh báo còn quá sớm để nói đến một tia hi vọng.
Trong chỉ dấu chứng tỏ vai trò trực tiếp hơn của quân đội Mỹ, Lầu Năm Góc cho hay đã cử một nhóm chuyên gia tới đánh giá xem lực lượng Mỹ có thể hỗ trợ được gì cho nhà máy.
Con số chính thức người thiệt mạng và mất tích trong thảm họa kép 1 tuần trước đã tăng lên 16.600, với 6.405 người được khẳng định thiệt mạng, cảnh sát Nhật hôm nay 18/3 cho hay. Và số này sẽ tăng cao hơn trong những ngày tới, giống như suốt một tuần qua.
Theo Dân Trí
Ảnh khủng hoảng hạt nhân Nhật qua từng ngày
Trong khi vẫn phải vật lộn với hậu quả của trận siêu động đất/sóng thần vào ngày 11/3, những ngày qua, người Nhật đang đau đầu đối phó với một cuộc khủng hoảng khác mang tên hạt nhân, mà nếu xấu đi, nó có thể gây ra nguy hiểm với cả các nước khác.
Tâm điểm của cuộc khủng hoảng hạt nhân này là nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, thuộc tỉnh Fukushima, do công ty điện Tokyo Tepco quản lý, với tổng cộng 6 lò phản ứng.
Theo thông tin mới nhất hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo dẫn lời Cơ quan an toàn hạt nhân nước này, nồng độ phóng xạ quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã giảm nhẹ sau khi quân đội Nhật dùng trực thăng đổ nước xuống các lò phản ứng, nhằm làm nguội bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng đang nóng lên.
Phóng xạ đạt mức 279,4 microsievert/giờ ở điểm cách tây lò phản ứng số 2 của nhà máy vào 5h sáng nay 18/3, so với 292,2microsievert/h vào 8h40 tối qua 17/3, không lâu sau khi lực lượng quân đội Nhật SDF đổ nước từ xe cứu hỏa vào.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, có tới 64 tấn nước được trực thăng và xe cứu hỏa của SDF cũng như xe vòi rồng của lực lượng cảnh sát Tokyo đổ vào bể chứa tại lò phản ứng số 3 tại nhà máy điện Fukushima I vào ngày 17/3.
Sứ mệnh trên sẽ được tiếp tục vào ngày hôm nay, nhằm ngăn chặn phóng xạ rò rỉ từ bể chứa vào không khí.
Trong khi chính phủ Nhật cho biết, họ cũng nỗ lực phục hồi lại hệ thống làm lạnh đã bị hỏng bằng cách đưa điện trở lại nhà máy qua các đường dây cáp từ bên ngoài.
Các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại nhà máy điện đã mất chức năng làm lạnh sau trận động đất/sóng thần 1 tuần trước. Ngoài ra cũng không thể kiểm soát được mực nước cũng như nhiệt độ tại các bể chứa của lò phản ứng số 1 đến số 4 của nhà máy.
Trong 6 lò phản ứng tại Fukushima I, các lò phản ứng số 1, 2 và 3 vẫn đang hoạt động khi xảy ra động đất và đã tự động dừng. Nhưng lõi của các lò này được tin là đã bị tan chảy một phần do mất chức năng làm lạnh sau động đất.
Các tòa nhà chứa các lò phản ứng số 1, 3 và 4 đã bị hư hại nặng do xảy ra nổ khí hydreo và vỏ bọc của lò phản ứng số 2 bị hư hại ở phần đáy.
Chính phủ Nhật đã thiết lập vùng cách ly với bán kính rộng 20km từ nhà máy và kêu gọi người dân trong bán kính từ 20-30km ở yên trong nhà.
Trực thăng bay trên nhà máy Fukushima I ngày 12/3.
Ngày 13/3, một vụ nổ khí hydro đã thổi bay phần trên của tòa nhà chứa lò phản ứng số 1 (trái) của nhà máy điện Fukushima I. Bên cạnh là lò phản ứng số 2.
Bên trái là ảnh nhà máy Fukushima I trong một bức ảnh năm 2004 và bên phải là vào ngày 14/3, khi lò phản ứng số 3 bốc cháy sau một vụ nổ khí hydro.
Lò phản ứng số 3 của Fukushima được thấy đang bốc cháy trong một bức ảnh ngày 14/3.
Ảnh vệ tinh chụp hư hại của Fukushima I ngày 16/3 sau trận động đất/sóng thần.
Ảnh chụp từ trên cao toàn cảnh nhà máy Fukushima I vào ngày 17/3.
Ảnh vệ tinh chụp hư hại tại các tòa nhà chứa lò phản ứng số 1, 3 và 4 ngày 16/3. Ảnh được công bố ngày 17/3.
Ảnh do trực thăng của quân đội Nhật chụp hư hại tại các lò phản ứng ngày 16/3. Ảnh được công bố ngày 17/3.
Ảnh trực thăng của quân đội Nhật cho thấy hơi nước bốc lên từ lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima I ngày 16/3. Ảnh công bố ngày 17/3.
Một bức ảnh do trực thăng quân đội Nhật chụp về hư hại tại lò số 3 ngày 16/3. Ảnh công bố ngày 17/3.
Hai lò phản ứng số 3 và 4 đã được trực thăng quân đội Nhật dội hàng chục tấn nước xuống vào ngày 16/3. Trong ảnh là hư hại của lò 3 ngày 16/3.
Một bức ảnh tương tự khác về lò số 3.
Ảnh do trực thăng quân đội Nhật chụp hư hại tại lò phản ứng số 4 ngày ngày 16/3. Ảnh công bố ngày 17/3.
Một bức ảnh nữa cho thấy hư hại của lò phản ứng số 4.
Một bức ảnh tương tự về lò phản ứng số 4.
Trực thăng của quân đội Nhật dội nước xuống 2 lò phản ứng số 3 và số 4 ngày 17/3.
Theo Dân Trí
Nhật lại rung chuyển bởi 2 trận động đất trước bình minh Hai trận động đất mạnh 6,7 richter, ở độ sâu chỉ có 1km, sáng sớm nay đã tấn công tỉnh miền núi Niigata của Nhật, gây lở đất, lở tuyết. Rung chấn còn được cảm thấy tận Tokyo. Nhiều nhà cửa bị phá hủy trong "siêu động đất" ngày hôm qua tại Nhật. Hãng thông tấn Kyodo cho hay hiện chưa có thông...