Nhật lo ngại cho sự an nguy của công dân mình ở Trung Quốc
Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc thúc giục công dân Nhật chú ý hơn đến sự an toàn của bản thân, trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ có thể làm trầm trọng thêm phong trào chống Nhật.
AP dẫn thông báo của đại sứ quán Nhật lưu ý, ngày kỷ niệm kết thúc Thế chiến 2 vào 15.8 và hai ngày khác trong tháng 9 đánh dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Đại sứ quán cho biết, đã xảy ra một số vụ quấy rối công dân Nhật ở Trung Quốc, mặc dù không có dấu hiệu của sự tái phát các cuộc biểu tình chống Nhật dữ dội năm 2012.
Tư tưởng chống Nhật đang hừng hực trong nhiều người Trung Quốc, những người tin rằng Nhật Bản không bao giờ thực sự thể hiện sự ăn năn hối hận vì đã xâm lược và chiếm đóng Trung Quốc trong những năm 1930-1940.
Theo thời gian, tư tưởng này ngày càng gia tăng, thường xuyên diễn ra mỗi khi căng thẳng về chủ quyền đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bùng phát.
Video đang HOT
Tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối Bắc Kinh đưa hàng loạt tàu hải cảnh và hàng trăm tàu cá vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng bày tỏ quan ngại về các chuyến thăm dự kiến của nội các Nhật đến đền thờ chiến tranh Yasukuni.
Theo Lao Động
Nga "chọc giận" Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp
Chính phủ Nga đang lên kế hoạch phát triển dài hạn ở quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà Mátxcơva gọi là Kuril, còn Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Phía Nhật Bản đã có ngay phản ứng quyết liệt về vấn đề này.
Quần đảo Kuril/ Vùng lãnh thổ phương Bắc từ lâu đã trở thành "điểm đen" trong quan hệ giữa Nga và Nhật Bản (Ảnh: RT)
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua cho biết ông đã ra chỉ thị yêu cầu các bộ ngành chức năng soạn thảo kế hoạch phát triển 10 năm đối với quần đảo Kuril hiện do nước này kiểm soát nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền.
"Chúng tôi đang nghiên cứu các dự án liên bang về quần đảo Kuril trong giai đoạn từ năm 2016 - 2025", ông Medvedev phát biểu trong cuộc họp chính phủ ngày 23/7.
"Đây là nơi đặc biệt...trước tiên bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên với tiềm năng kinh tế khổng lồ", nhà lãnh đạo chính phủ Nga nói thêm.
Ông Medvedev cũng cho biết vốn đầu tư cho chương trình 10 năm này trị giá khoảng 70 tỷ ruble (hơn 1,22 tỷ USD), trong đó ngân sách liên bang cấp khoảng 28 tỷ ruble.
Thời gian qua, Nga cũng đã khôi phục nhiều cơ sở hạ tầng dân sinh và quân đội trên 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril nhằm, như lời của Thủ tướng Medvedev, nâng cao điều kiện sống của người dân và tăng cường kết nối giao thông giữa Kuril với đất liền.
"Quần đảo Kuril đang và sẽ tiếp tục giữ trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ tiền tiêu của chúng tôi", người đứng đầu Chính phủ Nga nói, không quên nhấn mạnh thêm rằng chính quyền khu vực cần phải ủng hộ toàn diện các lực lượng quân sự Nga sẽ được triển khai tại đây.
Trước khi thông báo về chương trình trên, ông Medvedev đã lên kế hoạch đi thăm quần đảo Kuril (hay Vùng lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản) để kiểm tra tình hình thực tế. Ông còn kêu gọi các quan chức thành viên chính phủ tiếp bước mình.
Động thái trên của người đứng đầu chính phủ Nga đã gây sự bất bình cho phía Nhật Bản.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Mátxcơva tuyên bố chuyến đi của Thủ tướng Medvedev là điều không thể chấp nhận được đối với Tokyo.
"Nếu Thủ tướng Nga thăm Vùng lãnh thổ phương Bắc, nó sẽ đi ngược lại chính sách của chính phủ Nhật Bản và làm tổn thương tinh thần của người dân Nhật Bản", một quan chức Đại sứ quán Nhật Bản nêu rõ.
Tháng 11/2010 khi còn trên cương vị Tổng thống Nga, ông Medvedev cũng đã tới thăm Kuril và trở thành là nhà lãnh đạo Nga đầu tiên đến thăm quần đảo tranh chấp này, gây sóng gió trong quan hệ giữa hai nước.
Nga và Nhật Bản từ lâu đã có tranh chấp chủ quyền đối với chuỗi đảo nằm ở phía Bắc Hokkaido của Nhật Bản. Căng thẳng chủ quyền khiến hai nước chưa thể ký được hiệp ước hòa bình kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II.
Vũ Anh
Theo Dantri/RT, Xinhua