Nhật lập “đê” phòng Bắc Kinh
Việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên cả biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến Nhật lo ngại, tìm cách thắt chặt quan hệ với các nước ASEAN và Ấn Độ để ngăn chặn mối nguy cơ chiến tranh trên biển.
Tàu khu trục Nhật có hệ thống tên lửa Aegis – Ảnh: Defenseindustrydaily
Trước những màn gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, Tokyo đã tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Sách trắng quốc phòng Nhật công bố hôm 31-7 bày tỏ sự lo ngại về việc hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động trên Thái Bình Dương. Theo báo Asahi Shimbun, Bộ Quốc phòng Nhật mới đây khẳng định quần đảo Okinawa sẽ là “con đê” ngăn chặn Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trên các vùng biển xung quanh nước Nhật.
Video đang HOT
Tăng cường hợp tác
Giới quan sát cũng nhận định việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa của VN và đưa quân đồn trú đến đây đã khiến Tokyo lo ngại Bắc Kinh có thể lặp lại chiến thuật này trên biển Hoa Đông. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto nhấn mạnh cả Đông Á đều lo ngại về các chính sách, phương hướng của Trung Quốc.
Báo Asia Times dẫn lời nhà phân tích Mỹ Brendan O’Reilly nhận định Chính phủ Nhật lựa chọn thời điểm này để thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ đối với Trung Quốc là để thể hiện lập trường chung cùng các quốc gia Đông Nam Á đang bị Bắc Kinh gây sức ép trên biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), Tokyo cũng quan ngại việc Bắc Kinh đòi độc chiếm biển Đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nhật, bởi đây là tuyến hàng hải đưa hàng hóa Nhật sang Đông Nam Á và châu Âu, ngược lại đây là đường nhập khẩu đến 90% lượng dầu của Nhật.
Tokyo vừa công bố kế hoạch tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh an ninh đặc biệt với ASEAN vào năm 2013. Dù Nhật vẫn họp với ASEAN hằng năm, nhưng đây sẽ là một cuộc đối thoại đầu tiên tập trung chủ yếu vào an ninh hàng hải. Chính phủ Nhật cũng cam kết tăng cường hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Nhật với các đối tác Đông Nam Á, như mới đây Nhật đã cam kết hỗ trợ Philippines 10 tàu tuần tra.
Tokyo cũng đề nghị mở rộng Diễn đàn hàng hải ASEAN này với các đối tác như Úc, Ấn Độ, Mỹ… để phát triển các cơ chế đa phương nhằm giải quyết vấn đề biển Đông. Hải quân Nhật cũng bắt đầu đẩy mạnh hợp tác với hải quân Ấn Độ, như cuộc tập trận của hải quân hai nước ngoài khơi Tokyo hồi tháng 6. “Chuyện đó chẳng có gì là lạ. Tất cả đều phản ánh mối lo ngại về Trung Quốc” – New York Times dẫn lời chuyên gia quốc phòng Ấn Độ Rahul Bedi nhận định.
So sánh hải quân Trung – Nhật
Philippines ủng hộ quan điểm của Mỹ về biển Đông Theo báo Daily Inquirer, Bộ Ngoại giao Philippines mới đây tuyên bố ủng hộ việc Thượng viện và Chính phủ Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đưa quân đến đây đồn trú. Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng các tuyên bố của Mỹ phù hợp với quan điểm dùng luật để giải quyết tranh chấp trên biển Đông mà chính quyền Manila đang theo đuổi.
Theo Asia Times, giới quan sát nhận định việc nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu vừa đề xuất thành lập một bộ quy tắc ứng xử (COC) trên biển Hoa Đông cho thấy Đài Loan đang lo ngại Nhật và Trung Quốc có khả năng đụng độ quân sự trên vùng biển này do tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku. Đáng chú ý là gần đây Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời một quan chức quân đội Trung Quốc đánh giá Lực lượng phòng vệ biển Nhật (JMSDF) mạnh hơn hải quân Trung Quốc.
Trang Global Security nêu ra các con số để so sánh: JMSDF có 45.800 binh sĩ và nhân sự, thua xa con số 250.000 của hải quân Trung Quốc. JMSDF có khoảng 110 tàu chiến, bao gồm 4 tàu sân bay trực thăng, 8 tàu khu trục tên lửa, 29 tàu khu trục nhỏ, 16 tàu ngầm tấn công, 179 máy bay chiến đấu và 135 máy bay trực thăng. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc có khoảng 515 tàu chiến với 1 tàu sân bay, 63 tàu ngầm, 25 tàu khu trục…Tuy nhiên, trong chiến tranh, chất lượng có ý nghĩa quan trọng hơn số lượng. JMSDF được đánh giá có hạm đội tàu khu trục mạnh thứ hai trên thế giới, chỉ thua Mỹ. Bởi sáu tàu khu trục Nhật được trang bị hệ thống tên lửa tối tân Aegis, và tàu sân bay trực thăng cũng cực kỳ hiện đại. Nhật mới đây cũng đã chi đậm để mua máy bay tàng hình siêu hiện đại F-35 của Mỹ, mỗi chiếc có giá lên tới 123 triệu USD.
“Thiếu tàu chiến công nghệ cao với hệ thống chỉ huy C4I tân tiến, quân đội Trung Quốc sẽ khó có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến trên biển với Nhật” – Asia Times dẫn lời nhà phân tích Nhật Kosuke Takahashi, tác giả nhiều bài viết trên tạp chí quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly”.
Theo Tuổi trẻ