Nhật ký từ phòng cách ly: Nghe tin cách ly như ’sét đánh ngang tai’, nhưng…
‘Khi chuẩn bị về nước thì mình nhận được tin sẽ bị cách ly 14 ngày. Khi nghe tin phải cách ly thì chẳng khác nào sét đánh ngang tai’, nhật ký từ phòng cách ly của một du học sinh tại Hàn Quốc.
Thu thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay để phòng bệnh trong khu cách ly – Ảnh: Cẩm Thu
Mình là một du học sinh, đang theo học tại ĐH Yeungnam ở TP.Gyeongsan – một trong những vùng dịch của Hàn Quốc. Cuộc sống của mình ở đây rất ổn, vừa đến trường vừa tranh thủ đi làm thêm để có tiền trang trải học phí. Nhưng khi Covid-19 bùng phát ở đất nước này, mọi thứ đã khác đi.
Những ngày ở vùng dịch
Đó là vào những ngày đầu tháng 2. Khi dịch bệnh Covid-19 tận Vũ Hán (Trung Quốc) xa xôi xuất hiện và lây lan nhanh chóng ở Hàn Quốc.
Từ lúc biết tin dịch bệnh bùng nổ ở đất nước này, mình và bạn bè không khỏi lo lắng, hoang mang. Nhưng mình vẫn tin rằng, Hàn Quốc sẽ nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, cho đến khi nhận được cuộc gọi từ chủ quán – nơi mình làm thêm, họ thông báo sẽ tạm thời đóng cửa. Mình mất việc. Chủ quán giải thích rằng Covid-19 đang lan rộng, quán không có khách, không thể kinh doanh. Các quán lân cận cũng trong tình thế phải đóng cửa mặc dù ngày trước lúc nào cũng có khách tấp nập ra vào.
Quê hương là vậy, luôn có những tấm lòng ấm áp, sẵn sàng đón nhận và bảo bọc chúng ta. Vậy nên những ai có ý định muốn quay về Việt Nam thì hãy yên tâm nhé, cách ly không hề đáng sợ, ngược lại còn cho chúng ta có thêm những trải nghiệm mới nếu chúng ta biết nhìn với con mắt lạc quan và trách nhiệm
Sau đó, mình nhận ra rằng, không chỉ quán xá, những khu mua sắm, khu vui chơi giải trí sầm uất nay cũng yên tĩnh hẳn, những con phố đông người qua lại nay cũng thưa thớt thấy rõ. Nó yên tĩnh một cách đáng sợ.
Mọi người ở đây bắt đầu phòng chống dịch bằng cách hạn chế ra ngoài, mua sẵn thức ăn đồ uống dự trữ, sắm cả khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. Chưa bao giờ mình cảm nhận được việc dù có nhiều tiền vẫn không thể mua kịp vài cái khẩu trang chưa kể giá bán cũng rất cao. Còn với sinh viên như mình, vừa bị mất việc thì lấy đâu ra tiền để mua khẩu trang mà dùng dài lâu. Thật sự cảm thấy hoang mang.
Mỗi ngày thức dậy, mình đều nhận được tin nhắn cảnh báo khi số người nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân, thậm chí nhiều người đã chết vì dịch Covid-19. Đến lúc này mình cảm thấy lo sợ nhiều hơn, mọi thứ diễn biến quá nhanh. Ba mẹ, anh chị ở Việt Nam ngày nào cũng hối thúc về sớm, đứng ngồi không yên, lúc đó mình rối lắm.
Con số 800, 900, rồi 1.000 ca dương tính cứ thế tăng lên. Mình quyết định đổi vé về nước sớm hơn dự định. Nhưng “thôi xong”, khi chuẩn bị về nước thì mình nhận được tin những người về từ vùng dịch sẽ bị cách ly 14 ngày. Mình vốn sợ chỗ đông người, giờ nghe tin phải cách ly thì chẳng khác nào “sét đánh ngang tai”. Mình đã tưởng tượng ra đủ thứ, nếu lỡ bạn cùng phòng cách ly có bệnh thì sao, cuộc sống chật chội, tù túng trong phòng cách ly suốt hai tuần chắc sẽ chán lắm, rồi sợ việc ăn uống ở những nơi này sẽ không đảm bảo…
… và bình yên ở bệnh viện dã chiến Củ Chi
Video đang HOT
Ngày 26.2, sau 5 tiếng ngồi trên máy bay, từ Busan (Hàn Quốc) mình đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lúc 15 giờ. Khi được hỏi thông tin đến từ vùng nào, vốn sợ cách ly nên lúc đầu mình cũng có ý định khai lệch, nhưng suy đi nghĩ lại mình đã quyết định khai đúng vì lo lắng nguy cơ lây bệnh cho gia đình, cộng đồng và cũng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Sau đó, mọi người trên chuyến bay đã phải đợi gần 6 giờ đồng hồ ở sân bay, để các nhân viên y tế sắp xếp kiểm tra và hỗ trợ xe đưa rước.
Thật sự, khi phải ngồi hơn 5 giờ trên máy bay, đã rất mệt rồi nhưng lại phải đợi thêm 6 giờ nữa, thời tiết ở TP.HCM lại khá nóng khiến mình gần như kiệt sức. Nhưng, khi nhìn thấy những nhân viên ở sân bay, dù mệt mỏi vì phải hỗ trợ hàng trăm hành khách mà vẫn vui vẻ đo nhiệt độ, phát cơm, nước cho mọi người, mình đã ý thức được trách nhiệm của bản thân.
Một bữa cơm với đầy đủ dinh dưỡng trong khu cách ly của Thu – Ảnh: Cẩm Thu
Tối đó, xe đến đón, mọi người sát khuẩn tay, đồ dùng rồi lên xe và bắt đầu hành trình của chuyến “nghỉ dưỡng” đặc biệt tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Đến khu cách ly, mọi người được hướng dẫn nhận phòng, tùy vào số lượng giường mỗi phòng thì có số người khác nhau. Có phòng 2 người, có phòng 4 người, cũng có phòng 5 người. Khác với suy nghĩ ban đầu của nhiều người, phòng cách ly được dọn dẹp sạch sẽ, mỗi góc giường của mỗi người đều có tủ đựng đồ. Mình thật sự cảm động khi họ chuẩn bị cả những dụng cụ cá nhân cần thiết cho mọi người từ khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng đến cả lược, dao cạo…
Giường chiếu cũng được chuẩn bị gọn gàng, tinh tươm. Không những thế, trước cửa phòng, nhà tắm và nhà vệ sinh đều được trang bị sẵn nước sát khuẩn. Đặc biệt, nhân viên y tế và các anh bộ đội cực kỳ thân thiện.
Những ngày trong “quân ngũ”, mỗi sáng – trưa đều có bác sĩ đến gọi bạn thức dậy mà không cần báo thức. Họ đo thân nhiệt, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Họ quan tâm hỏi han mọi người rằng “có thấy mệt, ho, đau đầu không”, rồi lại phát cho mỗi người 2 cái khẩu trang. Thế là ở trong này, đến khẩu trang cũng không phải lo.
Nhiều khi, mình cảm giác như đang đi nghỉ dưỡng ở khu vực dành cho khách hạng sang. Mọi người đã có đầu bếp lo cơm ngày ba cữ đầy đủ dinh dưỡng, đúng giờ và được mang đến tận phòng mà không phải lo hôm nay ăn gì như khi ở Hàn Quốc.
Thậm chí, đến việc dọn dẹp rác hay vệ sinh phòng, các anh bộ đội đã làm sạch sẽ đâu vào đấy. Hễ có người cần mua gì hay có người thân gửi đồ vào, các anh đều vui vẻ giúp đỡ. Điều này khiến mình rất cảm động và biết ơn.
22 tuổi, được ăn cơm nhà nước, được chăm sóc tận tình, không cần phải lo nghĩ nhiều. Mọi người trong khu cách ly đều thân thiện. Không chỉ vậy, khu “nghỉ dưỡng” còn có khung cảnh rất đẹp để ngắm, sáng sớm mọi người có thể ra ban công tắm nắng, chiều tà thì ngắm hoàng hôn, tối đến ngồi hóng gió ngắm trăng, ở những phòng khác, mọi người còn đàn hát cho nhau nghe. Mình không còn lo lắng, sợ hãi như lúc đầu, thay vào đó là cảm giác bình yên, thấy yêu đất nước mình đến lạ.
Quê hương là vậy dù ta có đi đâu, còn nhớ hay đã quên. Ở đây luôn có những tấm lòng ấm áp, sẵn sàng đón nhận và bảo bọc chúng ta. Vậy nên những ai có ý định muốn quay về Việt Nam thì hãy yên tâm nhé, cách ly không hề đáng sợ, ngược lại còn cho chúng ta có thêm những trải nghiệm mới nếu chúng ta biết nhìn với con mắt lạc quan và trách nhiệm.
Theo Thanh niên
Người Việt ở Daegu tìm cách tránh dịch
Nghe tin số người nhiễm nCoV tăng gần gấp đôi sau một đêm, Thanh Hoài, 28 tuổi (quê Hà Nội) vừa xếp vali vừa khóc, trong đầu chỉ có ý nghĩ muốn về Việt Nam.
Bật TV nghe bản tin lúc 10h sáng ngày 22/2, Ngô Thanh Hoài được biết thành phố Daegu nơi cô đang ở đã có 346 trường hợp dương tính với nCoV, trong khi một ngày trước mới là 204. Cũng giống như người dân địa phương, nghe đến đâu, Hoài tái mặt tới đó, ý nghĩ trong đầu cô lúc đó là muốn về Việt Nam ngay hoặc chạy sang thành phố khác. Nhưng sau khi trấn tĩnh lại, cô gái từng tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Kongju xác định: "Dù không chống được thì cũng không thể làm lây cho cộng đồng".
Đường phố xung quanh nhà Thanh Hoài vắng vẻ hôm 22/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Daegu là thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc, với 2,5 triệu dân. Thanh Hoài sống ở quận Namgu, cách nhà thờ Shincheonji mà bệnh nhân số 31 đi lễ hàng tuần, chỉ hơn một km. Bên cạnh quận Namgu là bệnh viện đông y nơi bệnh nhân số 31 điều trị và gia đình bà này cũng ở gần đó.
"Ba ngày nay chỗ tôi vắng như chùa Bà Đanh", Hoài nói về quận Namgu. Hàng quán ế ẩm, mọi người đều tự cách ly trong nhà, nếu có ra ngoài cũng khẩu trang kín mít và sử dụng phương tiện cá nhân. Cảnh sát và đội khử trùng đi lại liên tục. Các trường trì hoãn kỳ học mùa xuân. Nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà.
Sau khi bệnh nhân số 31 làm bùng dịch, cư dân Daegu vội vàng tích trữ lương thực, một số siêu thị lớn hết đồ ăn, kênh shopping online bị quá tải và tê liệt, ngừng hoạt động trong vài giờ. Khẩu trang không có để mua, nếu có thì một hộp 50 chiếc là 60.000 won (khoảng 1,2 triệu đồng). Quyết định ở lại chống dịch, trưa 23/2, Ngô Thanh Hoài chở mẹ đi mua đồ ăn tại một tạp hóa nhỏ và tránh xa các siêu thị. Lượng thực phẩm mà cô mua lần này nhiều hơn hẳn mọi khi, chất kín trong hai chiếc tủ lạnh 2 buồn, đủ dùng trong 3 tuần.
Hai hôm đầu bùng dịch, cả nhà cuống cuồng, mất ăn mất ngủ. Chồng Hoài làm việc tại một thành phố khác, cách nhà 1,5 tiếng chạy xe. Từ khi Daegu "thất thủ", anh đã không thể về nhà vì sợ ảnh hưởng đến công ty. Anh cũng muốn đón mẹ con Hoài đến chỗ mình, song cô từ chối vì không muốn gây nguy hiểm cho chồng.
Ngoài lên thư viện lấy tài liệu, Vinh hạn chế ra ngoài thời điểm này. Anh cũng tích trữ đồ ăn và nấu nướng tại nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cũng giống như tâm trạng của chị Hoài, Vũ Vinh (quê Quảng Ninh), sinh viên cao học tại Đại học Yeungnam, thành phố Gyeongsan "cảm nhận dịch đến rất gần mình". Sống ở Hàn 7 năm, lần đầu tiên Vinh thấy tàu điện ngầm rất ít người. Bạn của Vinh tan làm lúc 7h tối 23/2 nhưng đường tàu điện ngầm Line số 2 đi từ thành phố Gyeongsan lên Daegu và ngược lại vắng tanh. "Đây là tuyến tàu duy nhất giữa hai thành phố. Vào giờ cao điểm mà nay vắng như vậy thì không tin nổi", Vinh chia sẻ.
Những người Việt là bạn bè, anh em của Vinh hầu hết ở tâm dịch. Mọi người cập nhật tin tức tới nhau liên tục và đều động viên nhau bình tĩnh. Nhưng cũng có những người sợ, đã về Việt Nam tránh dịch. "Bốn người bạn của tôi đã về nước", Vinh cho biết.
Tàu điện ngầm lúc 7 giờ tối 22/2 từ thành phố Gyeongsan lên Daegu và ngược lại vắng tanh. Ảnh: Vũ Vinh.
"Thà cách ly 14 ngày còn hơn chôn chân tại Daegu", Vũ Hiền, quê Bắc Giang đã đổi vé gấp về nước ngày 25/2, thay vì 10/3. "Mẹ mình bảo đã liên hệ để ngay khi mình xuống sân bay là cách ly luôn", cô gái 27 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành Thương mại tại Đại học Daegudae, chia sẻ.
Từ ngày 20/2 tới nay đã có 20 người bạn của Hiền ở Đại học Daegudae về nước vì sợ virus corona. Thậm chí có du học sinh bảo lưu kết quả học tập phòng trường hợp dịch càng ngày càng lan nhanh và không có dấu hiệu dừng lại như hiện nay.
Chỉ còn vài ngày nữa là lên máy bay, nên Hiền cố thủ trong phòng, hạn chế tối đa ra ngoài. Nhưng hôm nay có việc phải ra đường, cô đeo hai khẩu trang, mang theo nước rửa tay khô và rửa tay liên tục. "Đi đường không cầm điện thoại lướt như mọi khi mà quan sát trái phải, trước sau để giữ khoảng cách với người khác", cô chia sẻ.
Tại Daegu hiện có hơn 1.000 lao động, trong tổng số gần 50.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Đây cũng là nơi tập trung nhiều du học sinh Việt, trong khoảng 37.000 sinh viên Việt ở Hàn.
Minh Tùng và Đình Giang, mới sang du học ở Đại học DeaguCatholic được hai tháng. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, hai chàng trai trẻ và gia đình ở Việt Nam cũng cảm thấy bất an. "Bố mẹ cứ gọi điện liên tục lo lắng và dặn dò đủ thứ", Đình Giang, quê Nam Định chia sẻ. Mấy ngày nay tại trường liên tục phun khử trùng, phát khẩu trang và nước rửa tay cho sinh viên nên họ cảm thấy an toàn hơn. Cả hai cho biết sẽ ở trong khuôn viên trường và kí túc, hạn chế đến chỗ đông người.
Nửa đêm 23/2, Thanh Hoài tỉnh sau cữ ăn đêm của con trai. Cô mở điện thoại cập nhật tình hình dịch: 6 người chết, 602 người dương tính, 8.057 người đang chờ kết quả. Hoài vỗ ngực để trấn tĩnh mình. Trên bàn trang điểm là lịch sinh hoạt một ngày của con trai cô phòng trường hợp mẹ bị nhiễm thì các thành viên còn lại trong gia đình có thể dựa vào đó để chăm sóc bé. Dưới bàn là hai vali đồ của hai mẹ con đã chuẩn bị sẵn...
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người, tại tỉnh Gyeongsangbuk (Bắc Gyeongsang) là 18.502 người (trong đó có 333 người tại quận Cheongdo).
Để nhận được trợ giúp, công dân Việt Nam liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc: 821063156618, hoặc số điện thoại Tổng đài Bảo hộ Công dân: 84981848484.
Phan Dương
Theo VNE
Xung phong đi bệnh viện dã chiến Dù bệnh viện bắt thăm ngẫu nhiên thứ tự đi công tác tại bệnh viện dã chiến, tôi đã chủ động đề nghị xin được đi trước. Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: NVCC Sau khi Bệnh viện dã chiến phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 tại Củ Chi (TP.HCM)...