Nhật ký trong tù’ trở thành Bảo vật Quốc gia
Ngoài trống đồng Ngọc Lũ, bộ Cửu đỉnh và Cửu vị thần công, nhiều hiện vật lịch sử như pháo cao xạ 37 ly, xe tăng tiến vào dinh Độc lập, cuốn Nhật ký trong tù… cũng nằm trong danh sách 30 Bảo vật Quốc gia.
Ngày 1/10, Thủ tướng vừa ký quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt 1) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật. Các Bảo vật Quốc gia gồm:
Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn, cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hóa Đông Sơn) trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn) ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn” (thời Trần) bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê Sơ) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Bìa cuốn “Ngục trung Nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu.
Cuốn “Đường Kách mệnh”, “Nhật ký trong tù”, bản thảo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh) bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc viết từ ngày 10/5/1965 – 19/5/1969, lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).
Tượng Phật Đồng Dương, tượng Nữ Thần Devi (Hương Quế) (Văn hóa Chăm Pa) tượng Thần Vishnu, tượng Phật Lợi Mỹ, tượng Thần Surya (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM) tượng Bồ tát Tara, đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Trà Kiệu (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng).
Video đang HOT
Tượng Phật A Di Đà (thời Lý, lưu giữ tại chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh) tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng, lưu giữ tại chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh) bộ Cửu vị thần công, bộ Cửu đỉnh (thời Nguyễn, hiện lưu tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế – Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).
Bộ Cửu đỉnh đặt tại phía Nam Kinh thành Huế. Ảnh: Nguyễn Đông.
Pháo cao xạ 37mm (súng phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hiện lưu tại Bảo tàng Phòng không – Không quân) Máy bay Míc 21 F96, số hiệu 5121 (máy bay chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (chép tay tình hình chiến sự ngày 25/4 – 1/5/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 7).
Xe tăng T54B, số hiệu 843 (tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Xe tăng T59, số hiệu 390 (tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp).
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, Thủ trưởng Bộ, ngành, người đứng đầu tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo VNE
Siêu bảo tàng: Đắt, rẻ, nên, không nên
Nhìn ra thế giới có bao bảo tàng đồ sộ ngốn hàng chục tỷ đô mà người ta vẫn chịu chơi, chịu chi và thực tế họ đã thu lãi bộn cả tiền bạc cũng như tinh thần. 11.000 tỷ có là gì, khi một Vinashin, một Vinalines đã ném sông ném biển mấy lần như thế...
Dư luận lại rộ lên chuyện xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Mỗi người mỗi ý kiến. Từ những chuyên gia chuyên ngành cho đến dân thường. Hay! Trong thời buổi giá cả leo thang sốt sít sìn sịt từng ngày, tưởng chuyện xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia nó thuộc tầm vĩ mô, thuộc hình thái thượng tấng kén người quan tâm chứ, ai dè người bàn ra kẻ tán vào xôm đáo để!
Tôi lẩn thẩn đọc những ý kiến đó trên cả báo viết, báo mạng và cả những diễn đàn blog để rồi thực sự hoang mang không biết nên nghiêng về ý kiến nào. Ý kiến nào cũng có cái lí của nó. Mà đã có lí thì ắt hẳn trong một chừng mực, bối cảnh, trạng huống nào đó nó đều có thể tồn tại. Tại sao không?
Dẫu có hoang mang nhưng thú thực trong thẳm sâu tôi mừng. Mừng bởi từ khoá "Lịch sử Quốc gia" luôn thu hút sự quan tâm và luôn đánh thức tinh thần tự cường tự hào và yêu nước của mỗi con dân đất Việt, nhất là trong thời điểm chủ quyền quốc gia đang nóng từng ngày trên Biển Đông. Mừng bởi, trong khi các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khối C đại học, môn sử luôn là thảm hoạ và bội thu điểm 0, thì lúc này đây, những người vẫn đang đau đáu ngành sử học có thể ấm lòng. Mừng bởi, đáng lẽ ra, một đại công trình lớn lao về cả ý tưởng, quy mô và tiền bạc như thế nên trưng cầu ý kiến dân chúng, mặc dù động tác ấy chưa hay không diễn ra nhưng, những công dân Việt Nam đã vô tư bình, bàn như chuyện của nhà mình, như chuyện miếng cơm manh áo. (Liệu có bị phê là "nhanh nhẩu đoảng", là "Cầm đèn chạy trước ô tô" quá chăng?).
Thú thực, tôi mất phương hướng khi lạc vào ma trận của những lập lí qua lại nên hay không nên, nên lúc nào? Cùng với đó là cơ man nào ví dụ, dẫn chứng. Người ta đưa ra hàng chục, có khi hàng trăm bảo tàng cấp tỉnh, cấp ngành, có khi đến cả cấp thôn, cấp xã với cách gọi khác là nhà văn hoá đang ngủ yên, đắp chiếu mà có người gọi rằng, những mô hình bảo tàng đó đang đi vào giấc ngủ ngàn thu. Người ta còn cho rằng, cần khẩn cấp có bảo tàng để đưa những bảo tàng kia vào bảo tàng.
Lại có ý kiến các di tích lịch sử, văn hoá xứ mình cái gì cũng bé tin hin, như là mô hình đồ chơi. Một chùa Một Cột nhỏ xíu. Một Tháp Rùa tí hon. Một cầu Thê Húc bé tẹo... thì lúc này đây, cần phải có một công trình để cho muôn sau nên tấm, nên món...
Lại thêm, 11.000 tỷ có là gì? Nhìn ra thế giới có bao bảo tàng đồ sộ ngốn hàng chục tỷ đô mà ngườì ta vẫn chịu chơi,chịu chi và thực tế họ đã thu lãi bộn cả tiền bạc cũng như tinh thần. 11.000 tỷ có là gì, khi một Vinashin, một Vinaline đã ném sông ném biển mấy lần như thế. Đó là chưa kể hàng trăm công trình, dự án, khu công nghiệp ngốn cả núi tiền giờ đang ủ mền đắp chiếu. Hàng chục ngàn căn hộ bỏ hoang tiêu tốn cả trăm ngàn tỷ.
Thực tế hơn cả có lẽ là luồng ý kiến đánh thẳng vào thực trạng kinh tế hiện thời đang khó. Bao chương trình an sinh đang thiếu vốn ngược xuôi. Cũng 11.000 tỷ ấy, người ta đưa ra bao phép so sánh thay vì xây bảo tàng có thể xây 11.000 nhà trẻ hay 5.000 trường mầm non nông thôn hoặc hơn nửa triệu ngôi nhà tình nghĩa. 11.000 tỷ ấy có thể triển khai hiệu quả chương trình dạy bơi cho học sinh toàn quốc để bớt đi những nỗi đau xé lòng vì những vụ đuối nước tập thể. Số tiền ấy đủ để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, ba bốn bệnh nhân nằm một giường và những cái chết tức tưởi vì chất lượng khám chữa bệnh ngày càng xuống cấp...
Thoát ra khỏi những tranh biện kia, tôi thả bộ đến bảo tàng Hà Nội, công trình chào mừng Một ngàn năm Thăng Long. Toà nhà "thượng thếch, hạ thu" được đầu tư hơn 2.000 tỷ. Tôi tìm hoài Hà Nội ẩn náu đâu đây trong ngổn ngang hiện vật bày biện mà có người nói "theo tư duy bày hàng xén"? Cứ có cảm giác lành lạnh trong cái gió heo may đầu mùa. Có cái chống chếnh chênh vênh như thể Hà Nội bị cắt rời ra hỗn độn, đông lạnh và tê dại. Đâu rồi dòng chảy ngàn năm? Đâu rồi trục tư tưởng cũng như sức sống vững bền nguyên khối của đất Thăng Long?
Thưa thớt bóng người và đứt đoạn dấu xưa!...
Bạn tôi là một tay kinh doanh địa ốc. Thời bất động sản chưa vào cơn hấp hối và bước sang giai đoạn chết lâm sàng như hiện nay thì hắn là một đại gia có máu mặt. Khi hắn hay tin có dự án Bảo tàng lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỷ, đang ủ rủ bỗng nhiên mắt hắn sáng long lanh và phán xanh rờn: Đắn đo gì nữa! Đầu tư. Rẻ chán!
Tôi ngạc nhiên hỏi hắn: Cái gì rẻ? Hắn buông giọng đầy thuật ngữ kinh tế: Tỷ suất đầu tư như thế là rẻ. Tôi lắc đầu chưa hiểu, hắn giải thích: 11.000 tỷ để làm sống lại lịch sử 4.000 năm. Phục dựng lịch sử một dân tộc mỗi năm đầu tư chưa đến 3 tỷ, chỉ ngang một căn hộ hạng trung thôi không rẻ là gì?
Tôi chẳng biết hắn nói thế có đúng không nữa! Lúc đó trong tôi rõ lắm, Bảo tàng Hà Nội chênh vênh, thưa thớt bóng người...
Theo 24h
'Xây bảo tàng nghìn tỷ tốn kém, nhưng có ích' Nếu viện kinh tế khó khăn để không xây bảo tàng là không công bằng. Bảo tàng xây dựng tốn kém song có ích, không được so sánh với những thất thoát, lãng phí như Vinashin", GS sử học Lê Văn Lan trao đổi với VnExpress. - Ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia?...