Nhật ký nàng dâu thực tập
Ai đó đã nói rằng, mẹ chồng chỉ là người quen, quen qua chồng. Nhưng em đã biết cách để biến người quen thành người thân của mình.
Chúng em yêu nhau được hơn ba năm rồi. Và khi đã quen đủ lâu để mối quan hệ tình cảm của hai người đứng ở giữa hai vạch mốc Mới yêu và Đám cưới, tất nhiên em sẽ phải trải qua một điệp vụ thần thánh: Ra mắt bố mẹ chồng.
Nói thật là em quá cẩn thận để có thể xảy ra sơ suất. Buổi ra mắt thành công mỹ mãn. Em tự tin hơn, đến nhà chàng chơi nhiều hơn vì nghĩ rằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bất khả thi là lấy lòng mẹ chồng. Cho đến một hôm…
Trận chiến số 1: Ai là nữ hoàng nội trợ?
Chàng qua đón em sang nhà chàng ăn cơm, vì có cô chú sang chơi. Và em vẫn hí hửng như mọi lần, vì đây đâu phải bữa cơm đầu tiên. Đến sớm chừng một tiếng, em vẫn hăng hái chạy vòng ngoài, nhặt rau thái thịt để mẹ chàng đứng một mình một bếp múa chảo ở vòng trong. Đấy, hợp tác ăn ý thế cơ mà.
Cô chú cứ tấm tắc khen em nhanh nhẹn, thạo việc. Rồi đến bữa ăn, khi em vừa gắp miếng thịt chuẩn bị cho vào mồm, thì mẹ chàng chậm rãi quay sang em hỏi: “ Con có biết làm gà không? Đã cắt tiết gà bao giờ chưa?“. Em vốn đơn giản, nên hồn nhiên nghĩ gì đáp nấy: “ Cháu không ạ. Mua gà thì bảo nó làm luôn, về chỉ việc rửa lại thôi chứ ạ“.
Mẹ chàng im lặng chừng ba giây (em đã bắt đầu có dự cảm chẳng lành), rồi lại nhẹ nhàng hỏi tiếp: “ Thế con có biết làm cá, làm cua với lươn không?“. Em mắt mũi trợn ngược luôn. Nhưng không thể nào nói dối trắng trợn là: “ Cháu biết làm hết” được cả. Mai mẹ chàng bắt em lên nấu súp lươn chắc chết. Thế là em đành lí nhí: “ Cháu không ạ“, rồi cắm cúi và cơm.
Chú chàng ngồi nghe xong phán ngay một câu: “ Thế thì còn phải cố gắng nhiều!“. Huhu, có phải em đã bị dìm hàng một cách quá tinh tế hay không?
Em ấm ức lắm, giận lây sang cả người yêu. Đưa em về nhà mà thấy mặt em xị ra, chàng đoán ngay được nguyên nhân. Chỉ một câu hỏi: “ Em làm sao thế?” là quá đủ để em gào mồm lên ăn vạ. Chàng nghe xong, chỉ bảo em đúng một câu: “ Sao khi ấy em không hỏi ngược lại mẹ rằng bác có biết làm spaghetti không? Có biết làm pizza hay sườn nướng BBQ không? Mẹ mù tịt mấy món ấy, mà em làm cực giỏi đấy thôi!“.
Video đang HOT
Ai cũng có sở trường thế mạnh riêng. Không biết không phải là tội, không chịu học để tiến bộ mới đáng đánh đòn. (ảnh minh họa)
Đang tức tối tủi thân mà em vẫn không thể nhịn được cười. Em “bật” lại thế thật chắc nổ ra đại chiến luôn và ngay. Mà ngàn lần em chẳng muốn hục hặc như thế với mẹ chàng. Rồi em hiểu ra một điều, những gì chàng nói không hẳn là vô lý.
Ai cũng có sở trường thế mạnh riêng. Không biết không phải là tội, không chịu học để tiến bộ mới đáng đánh đòn. Thế là em lại cười hơ hơ, và tự nhủ với lòng: “ Mình chỉ chưa biết thôi, rồi chắc chắn sẽ làm được!“
Rắc rối số 2: “Mẹ làm tất, làm hết, mẹ là nữ cường nhân!”
Hôm ấy, em qua nhà chàng chơi, lại đúng lúc có bác hàng xóm sang mời ăn cưới. Mẹ chồng (tương lai) của em thì đang vừa nấu cơm, vừa phơi quần áo, cứ gọi là sấp ngửa đúng kiểu bà nội trợ gương mẫu. Thấy em ngồi một đống chẳng làm gì, bác hàng xóm vừa cười vừa bảo: “ Để con dâu nó làm bớt cho. Như con dâu chị ấy, nó đảm lắm. Cứ một mình ôm hết việc rồi lại kêu ca là sao việc gì cũng đến tay mình!“.
Ôi. Em cứ tưởng nhân vật bí ẩn “con nhà người ta” mà bố mẹ hay lôi ra làm kiểu mẫu đã đáng sợ lắm rồi, hóa ra vẫn chưa nhằm nhò gì với “con dâu nhà người ta”. Không biết mẹ chồng tương lai của em đã than vãn những gì mà để cho bác hàng xóm phải comment nửa đùa nửa thật như thế.
Mà khổ nỗi, đâu phải em lười và không biết việc? Em đòi nấu cơm, mẹ chàng chỉ nhờ em làm chân trợ giúp. Em muốn rửa bát, mẹ chàng gạt gạt ngay và nhỏ nhẹ: “ Để bác làm“.
Nhưng làm một cách vui vẻ là một chuyện, vừa là vừa cáu kỉnh rồi quát mắng con trai mình trước mặt người yêu lại là chuyện khác. Không biết mọi người thấy sao chứ lúc ấy em bối rối kinh khủng. Ai mà dám lôi quần áo ra phơi hay gấp cất vào tủ cơ chứ? Oan hơn oan thị Kính!
Em mang ấm ức về, nhỏ to với vài bà chị cùng phòng đã có thâm niên làm dâu. Các chị nghe xong gật gù: “ Ôi, mẹ chồng nào chẳng thế. Chưa phải dâu con gì thì đừng dại mà lấn sân ở căn cứ bí mật là bếp và những công việc “mẹ đang làm rất tốt”. Nhưng này cứ mạnh dạn lên cho chị. Không làm ít thì làm nhiều. Làm dần cho quen chứ!“.
Em ngồi như nuốt lấy từng lời, rồi quyết tâm làm theo bí kíp. Mấy bữa cơm gần đây, lần nào em cũng giành được suất rửa bát, bằng cách nhanh nhẹn bê mâm ra chậu rửa. Mẹ chàng trước có gàn, sau cũng đành lắc đầu cười chịu thua. Thế hóa ra trước nay, em vẫn chưa ĐỦ dứt khoát và dũng cảm đây mà!
Vấn đề số 3: “Ở khu nhà con làm gì có mà ăn!”
Lại thêm một rắc rối khác xuất phát từ đồ ăn. Có ăn thôi mà sao khổ thế không biết? Số là hôm đấy mẹ chàng mua được thịt quay ở phố cổ (mà nói thật em cũng chẳng thèm quan tâm nó là phố nào), rồi quảng cáo là ngon nức nở. Kể thì cũng ngon thật, nhưng không đến nỗi phải thần thánh hóa lên như thế.
Em không còn ngại ngùng khi giúp mẹ chàng rửa bát, nấu cơm hay gấp quần áo.(ảnh minh họa)
Rồi, mẹ chàng vừa gắp miếng thịt quay cho em, vừa nhanh nhảu: “ Ăn nhiều vào con ạ. Ở đây mới mua được thịt ngon thế chứ ở khu nhà con làm gì có mà ăn!“. Nói thật là nghe xong em tý nghẹn. Em ăn đúng miếng mẹ chàng gắp rồi tuyệt nhiên không đụng đũa thêm lần nào.
Tự ái và máu nóng bốc lên phừng phừng. Em đã phải rất kiềm chế để không đứng dậy và xin phép đi về ngay lúc ấy. Tối chàng đưa em về, em thẳng thắn bày tỏ quan điểm luôn. Ừ thì nhà chàng ở phố cổ, nhà em ở ven đô. Nhưng có nhất thiết phải phân chia ranh giới địa phận rõ ràng thế không? Em tức lắm, nên xổ một tràng.
Chàng ngồi im, chờ em nói hết rồi chậm rãi: “ Em này, em quên mất nhà bà ngoại anh ở đâu à?“. Em giật mình. Ừ nhỉ, nhà ngoại chàng ở ngay phố nhà em, chỉ cách vài cái ngõ. Mẹ chàng ngày xưa cũng từng ở đó mãi.
Em ngượng ngịu không nói gì, chàng mới ôm em thủ thỉ: “ Mẹ nói vậy thôi chứ không có ý gì đâu. Tại ngày xưa mẹ ở đấy lâu rồi nên mới biết rõ thế chứ!“. Ừ, lại là em quá nhạy cảm và suy diễn rồi. Thế thực sự có rắc rối nào không?
Có. Chắc chắn là có. Chẳng ai dám mạnh mồm tuyên bố rằng mẹ chồng nàng dâu sẽ ngọt ngào với nhau cả đời. Nếu đúng thế thật thì đã chẳng có truyền kỳ tranh đấu giữa hai người đàn bà vắt từ đời này qua đời khác như thế. Nhưng, những rắc rối ấy, có được giải quyết theo hướng hòa bình nhất hay không, điều đó nằm ở lựa chọn của mỗi người.
Em đã từng rất ấm ức và tức tối vì những lời nói, hành động của mẹ chàng. Nhưng suy cho cùng, tất cả cũng chỉ vì bà muốn em thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Và rõ ràng là như thế. Em bây giờ đã biết làm gà, làm cá, thậm chí tuốt lươn hay làm chả rươi với em cũng chẳng thành vấn đề.
Em không còn ngại ngùng khi giúp mẹ chàng rửa bát, nấu cơm hay gấp quần áo. Em cũng chẳng lo rằng mẹ chàng sau này sẽ mang em đi so sánh này nọ. Vì mẹ chàng cũng yêu quý em lắm. Bà thỉnh thoảng vẫn mua cho em cái áo, vẫn rủ em đi shopping, vẫn hỏi em thích ăn gì mỗi khi biết em đến chơi. Rắc rối sẽ chỉ thực sự đi vào ngõ cụt, khi cả hai không cố gắng hiểu, và thông cảm cho nhau.
Ai đó đã nói rằng, mẹ chồng chỉ là người quen, quen qua chồng. Nhưng em đã biết cách để biến người quen thành người thân của mình. Giờ thì em đã sẵn sàng để làm một nàng dâu vừa ngoan vừa đảm! Và em tin, mình sẽ làm tốt!
Theo Eva
Lấy vợ làm ô sin
"Sáng nấu ăn, đưa con đi học, trưa về đi chợ rồi ăn lót dạ. Chiều đón con, tắm rửa, nấu cơm, dọn nhà, xong lại xem con học. Lọ dưỡng da mua nửa năm còn nguyên, ngủ còn 'đói' lấy đâu thời gian làm đẹp", chị Thảo Yến kể điệp khúc mỗi ngày.
Vợ chồng chị Yến (35 tuổi, Hà Nội) đều là viên chức nhà nước, không khá giả nhưng thu nhập ổn định. Gia đình chị hiếm khi xích mích về tiền bạc hay phân bì sự nghiệp, nhưng lại hay cãi vã về việc phân chia việc nhà, con cái.
"Trước khi cưới, anh cũng có vẻ đảm đang, thấy tôi làm việc thì cũng xúm xít hay đứng bên trò chuyện. Lấy về rồi mới biết anh lười làm việc nhà, ngày hai bữa chỉ cắp đít đi làm, rồi thể thao hay nhậu nhẹt đâu đó xong mới về. Cả năm họa hoằn lắm anh làm được đúng một việc là thỉnh thoảng chơi với con lúc tôi nấu cơm, dọn nhà. Lần nào tôi đi công tác là bị giục về rối rít như trái đất sập đến nơi. Mà đúng là về nhà sập thật, đồ đạc trong nhà lộn xộn, rác rưởi, mùi hôi hám, còn ba bố con thì nheo nhóc. Nhìn vừa tức, vừa tội", chị Yến kể.
Chị Yến phân tích, hai vợ chồng cùng đi làm, thu nhập như nhau nhưng bao giờ chị cũng phải làm nhiều hơn chồng từ 3 đến 4 tiếng mỗi ngày vào việc nhà. "Nếu tính số giờ này vào lương của một người giúp việc thì tôi còn kiếm được nhiều tiền hơn chồng. Anh ấy mang tiếng là đàn ông, &'sức dài vai rộng' nhưng chẳng giúp mình được việc gì. Khổ nhất là sau mỗi lần đi công tác về nhà đều phải 'làm bù' khoảng thời gian đi vắng. Mình là vợ, là mẹ, chăm lo cho gia đình là niềm hạnh phúc, song nếu được sẻ chia dù chỉ một chút cũng đỡ đi bao nhiêu. Đôi lúc ngồi nghĩ cũng thấy tủi thân", chị xót xa.
Ở cái tuổi 35, chị Thảo Yến có vẻ hạnh phúc hơn nhiều người khi công việc ổn định, con cái đủ đầy, song chị luôn cảm giác mệt mỏi bởi lúc nào cũng phải căng mình với công việc. Bà mẹ hai con tiết lộ nhiều khi trong giấc mơ chị thấy mình thanh thản được nằm nghe nhạc, đọc sách hay thoa một lớp kem dưỡng da thiu ngủ, đến giờ là được chồng gọi dậy ăn cơm...
"Nhưng đó chỉ là những điều trong mơ. Còn thực tế tôi có cải tạo, nhờ vả, thậm chí là thẳng thừng đề cập thì chồng cũng không đỡ đần được gì. Thú thật, nhiều hôm mệt tôi chẳng còn nhu cầu chuyện chăn gối nữa, mặc kệ lão thích làm gì thì làm", chị Yến cho biết thêm.
Nếu tính số giờ này vào lương của một người giúp việc thì tôi còn kiếm được nhiều tiền hơn chồng (ảnh minh họa)
Cứ nhìn thấy cái vóc dáng tất bật, nhỏ con của Phương (26 tuổi, Nam Định)nhiều người trong xóm chỉ biết lắc đầu, ái ngại cho cô gái trẻ. Đang trong thời kỳ son rỗi mà trông cô như bà mẹ trẻ, cung phụng chồng từ A đến Z.
Chồng Phương làm nhân viên kĩ thuật cho một doanh nghiệp ô tô ở huyện Từ Liêm (Hà Nội), còn cô là nhân viên tạp vụ khách sạn. Công việc của chồng vất vả và thu nhập cao hơn Phương.
"Tuy anh xã làm nhiều tiền hơn nhưng hay bù khú, một tuần mất 3 lần đi nhậu nên hiếm khi thấy anh mang về được đồng nào tử tế. Thế nhưng anh lại có thái độ trịch thượng, chẳng bao giờ đụng tay, chân vào việc gì. Vợ không làm cho thì không ăn, không dọn nhà thì để bẩn, không giặt quần áo thì cứ để thể mặc... Nói chung là anh ấy nghĩ &'việc nhà không phải của đàn ông'", Phương cho biết.
Chứng kiến một buổi tối ở nhà Phương mới thấy đúng như điều cô nói. Hai người đi làm về cùng lúc, anh chồng tắm rửa rồi gác chân xem đá bóng. Ngược lại, Phương luôn tay chân với món ốc chuối đậu. Cô nhờ chồng giúp gỡ ốc cho nhanh nhưng anh này từ chối. Phương phải lúi húi với bữa tối cho hai người mất hơn 2 tiếng. Sau khi chồng ăn xong, cô vợ trẻ lại phải bỏ mâm chạy đi gọt hoa quả, lấy kẹo, bánh hay pha nước cho uống.
"Anh xã kén ăn, người lại yếu, thương anh nên em toàn phải nấu món ngon. Trong nhà lúc nào cũng phải có đồ làm sẵn cho chồng ăn như bánh, kẹo, hoa quả, sữa chua, chè - những món em dành cả ngày cuối tuần để làm. Ngoài ra, em còn khổ sở với đống quần áo to, nặng, nhiều dầu mỡ của anh, giặt mất 5-7 lần thời gian giặt đồ của chính mình", Phương chia sẻ.
"Có lần em đã thử nhờ chồng làm thì anh hết kêu mệt lại miệt thị 'làm mỗi việc nhà không được còn làm được gì, đồ ăn hại', em lại hết muốn nhờ luôn. Thà chịu mất thêm ít thời gian còn hơn thấy cái mặt anh xầm xì, 'đá thụng đụng nia'", Phương nói.
Có lẽ "bắt thóp" được vợ nên anh chồng này rất tự hào là không sợ vợ nhất trong đám bạn, luôn khoe khoang mình không sợ vợ, không núp bóng đàn đàn bà hay không phải loại mặc váy, đụt...
Tuy bức xúc vì phải làm nhiều việc nhà song cô vợ trẻ Diệu Thuần (giáo viên mầm non ở Định Công, Hà Nội)cũng không đủ khả năng đấu lại chồng, vì theo cô anh đủ sức gan lì, còn cô lại sợ điều tiếng. Cho nên kế hoạch "cải tạo" chồng làm việc nhà sụp đổ nhanh chóng.
"Trước cưới tôi cũng có tư tưởng bình đẳng lắm, đòi phân chia vợ rửa bát, chồng quét nhà, mỗi người một việc. Cưới về mới thấy ông xã như 'con ngựa bất kham', không chịu làm việc dù mình có thủ thỉ, nhờ vả. Cái hôm mình bị đau đầu, đi làm về là thấy anh xã chạy đi đánh tenis. Mình mệt quá chẳng nấu cơm, thế là lúc anh về vợ chồng chọi nhau, vứt vung nồi ầm ầm. Mình ức quá định bỏ ra ngoài ăn cơm nhưng vừa ra cửa đã thấy mấy nhà hàng xóm đang nhìn, đành phải quay về nấu cơm cho chồng. Ấy thế mà mấy hôm sau mẹ mình còn sang trách mắng 'Mày ăn ở thế nào mà để hàng xóm nói là vụng về, lười biếng, bắt nạt chồng'. Mình muốn bình đẳng nhưng người xung quanh lại không nghĩ thế, và mình thành vai phản diện trong mắt mọi người. Đành chịu ấm ức, chồng giúp tí nào thì hay tí đó", cô giáo trẻ nói.
Theo afamily
Đố ai được bằng chồng tôi! Điểm trừ duy nhất của anh có lẽ là đi đâu, ăn gì cũng... nghĩ đến vợ con. "Người chồng nhân dân" Từ ngày cưới nhau, hễ nghe mọi người chê chồng là Nga lại được dịp "giở" chồng ra khoe. Bạn bè chứng kiến, người nghĩ thầm: "Vừa mới cưới thì mùi mẫn thế thôi, sống lâu ra rận ngay ý mà",...