Nhật ký một ngày sống trong tâm bão
Cô bạn đến từ Huế này đang phải trải qua những ngày khá khủng khiếp, cảnh vật xung quanh khu nhà bạn í ngập chìm trong biển nước…
Ngày 29/09/2009 – một ngày bão.
7h30 sáng, giật mình tỉnh giấc nhìn đồng hồ: “Á á á! Trễ rồi! Răng mẹ không kêu con dậy đi học!”.
7h35’sáng, đã kịp định thần lại và nhớ ra hôm nay trường cho nghỉ vì sắp có bão. Bệnh lười lại trỗi dậy, tớ quyết định trùm chăn và ngủ tiếp. Khò khò…zzz
9h30′, tiếng mưa như trút nước, tiếng gió quất vào cây cối xào xạc làm tớ tỉnh giấc. Phản xạ đầu tiên là chạy ra cửa sổ nhìn xem tình hình bên ngoài thế nào. Bầu trời xám xịt toàn mây là mây. Mưa to gió lớn, cây cối oằn mình nghiêng ngả. Nước sông đã lên đục ngầu khắp mặt đường. Bão đã đến thật rồi…
Video đang HOT
Mỗi năm cứ đến khoảng thời gian này là miền Trung lại chuẩn bị đón những đợt thiên tai lũ lụt. Năm nay cũng vậy, đã được dự báo trước nên nhà tớ đã chuẩn bị sẵn đầy đủ lương thực, 1 đống mì tôm, nến và đèn sạc,… Rỗi việc, tớ lôi quyển Pippi Tất Dài mới mượn được của con bạn ra đọc.
Đến 1h chiều thì mất điện. Mưa gió thì càng lúc càng to và dữ dội. Tớ đành trùm kín chăn và bật iPod nghe nhạc. Bật điện thoại lên thì thấy bao nhiêu là tin nhắn hỏi thăm tình hình. Nào là “Huế sao rồi em?”, “Chỗ mày nước lên ngang nào rồi?”, “Đi lội lụt đi mày :P”, “Ôi thương Huế quá :((“, “Nước vào nhà chưa???”… Trời thì lạnh, còn lòng thì ấm lại. Bất chợt lại thấy thương những người không được may mắn có một mái nhà vững chắc như mình, nghĩ đến cảnh ngoài kia có những ngôi nhà đang xiêu vẹo, có những con người đang nơm nớp lo sợ cảnh nhà tốc mái,… và cả những con thuyền ngoài khơi xa không về kịp.
Mưa cứ ầm ầm, gió cứ quất tới tấp, bao nhiêu cây cối nghiêng ngả thân mình chống chọi suốt mấy tiếng đồng hồ. Lúc còn bé, tớ thường mong những ngày bão đến lắm! Bão đến là được nghỉ học, là được đi lội lụt, là được nằm cuộn tròn trong chăn ấm áp… Nhưng bây giờ, bão trong tớ chỉ gắn liền với chết chóc, với mất mát, đau thương, với sự tan hoang, xác xơ của cây cối, đường phố…
6h30 tối, điện vừa có là tớ ngay lập tức bật internet lên, tìm đọc những bài viết về cơn bão. Không hiểu tại sao dù được dự báo trước mà thiệt hại do cơn bão gây ra vẫn lớn đến vậy! Hơn 100 người chết, bị thương và mất tích… Chao ôi! Những hình ảnh cây cối bị bão quật bật hết gốc rễ, biển quảng cáo tả tơi, gãy đổ khắp nơi cứ đập vào mắt tớ, thoáng thấy buồn.
Theo thói quen, tớ đăng nhập vào Facebook và phát hiện ra khá nhiều Note mới viết về cơn bão. Phần lớn là Note của những anh chị đang học ở xa viết về thành phố quê hương đang phải hứng chịu thiên tai. Có rất nhiều Wall post kiểu “Thương về miền Trung”, “Thổi bão bay đi”, “Cầu nguyện cho miền Trung được bình an!”. Thì ra từ những nơi xa khác, cũng có rất nhiều người đang hướng về miền Trung, về Huế, hồi hộp theo dõi diễn biến của cơn bão, thầm nguyện cầu cho cơn bão qua nhanh. “Huế xinh đẹp rứa mà khi mô cũng bị bão tàn phá.” – chợt thấy chút xót xa, nghèn nghẹn, thấy thương Huế quá!
Mưa đã nhẹ lại, nhưng gió vẫn còn mạnh, nước sông vẫn lên khá nhanh. 8h kém, nước đã ngấp nghé bậc thềm thứ 5, chuẩn bị tràn vào nhà. Bố tớ huy động cả nhà kê hết đồ đạc lên hoặc mang lên tầng 2 bớt, đề phòng đêm khuya nước tràn vào nhà.
Cứ chốc chốc tớ lại nhìn ra đường, hy vọng nước rút bớt đi. Lòng chợt lo lắng, không biết mưa bão thế này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch tổ chức trung thu cho các em khuyết tật không, mà không biết trung tâm các em ở có bị bão tàn phá nhiều không… Tất cả những việc mình có thể làm là cầu nguyện.
Hy vọng ngày mai tỉnh dậy nước đã rút và nắng lại lên.
Cây cối bị quật ngã trước sức mạnh của cơn bão.
Chiều qua, nước đã bắt đầu rút xuống một chút, nhưng người dân xung quanh nhà tớ đi lại vẫn rất khó khăn.
Học sinh từ Quảng Trị tới Quảng Nam nghỉ học từ ngày mai
(Zing) - Sáng sớm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp họp với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương để chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó với bão số 9.
Sáng mai học sinh các tỉnh miền Trung nghỉ học để tránh bão
Do tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của bão gây gió to, sóng lớn, nước dâng với mưa lớn và gây lũ lớn sau bão. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công điện khẩn hôm qua.
Đặc biệt, các địa phương phải kiên quyết và triệt để sơ tán dân đang sinh sống ở vùng bãi ngang, ven biển, vùng đầm phá vào sâu trong đất liền đề phòng nước dâng do bão và gió lớn gây đổ nhà.
Các địa phương cũng chỉ đạo cấm biển, sắp xếp tầu, thuyền tại nơi neo đậu để tránh va, đập gây hư hại, chìm, đắm tầu, thuyền. Để giảm thiểu thiệt hại, những tầu thuyền nhỏ kéo lên bờ hoặc đánh chìm, những nơi không có khu neo đậu phải chạy sâu vào trong sông và không neo đậu tại vùng cửa sông, cửa biển; không để người ở lại trên tầu, thuyền, chòi canh tại các nơi nuôi trồng thủy sản, mọi việc phải xong trước 22h tối nay 28/9.
Các địa phương cũng phải nghiêm cấm tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên sông khi có bão lũ, các ngầm, phà phải cử người và phương tiện ứng trực canh gác trong thời gian lũ, bão để hướng dẫn và hỗ trợ giao thông.
Đặc biệt, UBND các tỉnh từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 29/9. Các tỉnh, thành phố khác tùy tình hình diễn biến của bão, lũ quyết định cấm biển và cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Tuệ Anh