Nhật ký hành trình tới Hà Giang của cô gái thích du lịch bụi
Ngần ngại chi, xách balo lên và đi Hà Giang ngay thôi!
Lần đầu, Yến Lee tới Hà Giang vào năm 2019. Những gì còn đọng lại trong cô nàng xinh xắn này là, ở Hà Giang cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp, con người nơi đây vô cùng thân thiện và dễ mến. Chuyến đi này, cô bạn đã tới những địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Hà Giang như Nhà của Pao, phố cổ Đồng Văn, sông Nho Quế…
Lần trở lại này, Yến và người bạn đồng hành không đi checkin các địa điểm nữa mà quyết định vào bản để tiếp xúc nhiều hơn với người dân. Ở Hà Giang, một cái cây ven đường cũng đủ làm lòng người xao xuyến. Lần này, Yến chọn những cung đường khó đi hơn nhưng đổi lại, trải nghiệm sâu sắc hơn.
Nhật ký hành trình tới Hà Giang của Yến Lee
13h chiều xuống xe ở thành phố Hà Giang. Chắc chẳng có mấy ai liều mà đi Đồng Văn luôn cả. Bởi thật sự mà nói, bình thường mọi người đi từ sáng đến tối mới đến thị trấn cơ. Vậy mà bọn mình đã đi 1 chặng đường hơn 140km từ thành phố đến thị trấn Đồng Văn và kịp ăn bữa cơm tối tại homestay Triệu Nghị – một homestay của người Tày. Vẫn cung đường quen thuộc QL4C từ thành phố Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Phố Cáo – thị trấn Đồng Văn. Nghĩ lại thì thấy mình liều thật!
Ảnh: Yến Vi Vu.
Ảnh: Yến Vi Vu.
Ảnh: Yến Vi Vu.
Ảnh: Yến Vi Vu.
Hà Giang mùa này đang độ lúa chín, có nơi thì cũng đã gặt rồi. Trời xanh thì xanh cực, mây nhiều thì nhiều cực. Còn mưa thì cũng dai thật :)) Cả buổi sáng ngồi ở homestay ngắm mưa bay…
Mình đến thôn Lũng Hòa B ở Sà Phìn để cùng người dân thu hoạch quả óc chó. Chắc nhiều bạn chưa biết đến óc chó Hà Giang đâu nhỉ? Tuy nhiên thì mình không có hiểu tiếng dân tộc nên rất khó bắt chuyện với mọi người ở đây. May sao có Dính, một cô gái dân tộc H’Mông rất xinh, ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, Dính nói tiếng Kinh rất giỏi và em đã phiên dịch cho mình.
Ảnh: Yến Vi Vu.
Video đang HOT
Theo lời giới thiệu của anh Nghị, chủ homestay, bọn mình đến làng Thiên Hương, nghe tên đã thấy đẹp rồi phải không nào. Bọn mình chọn đi con đường khó vì anh Nghị bảo nhìn xuống thung lũng lúa chín đẹp lắm. Đúng là phải đi con đường mà không ai đi, thì ta sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp mà không ai thấy. Làng Thiên Hương giống như một ngôi làng cổ tích với những cây cổ thụ 400-500 năm tuổi. Đến nơi thì chỉ một từ thôi: “Wow!”. Ở trong làng có rất nhiều nhà cổ, vẫn giữ gìn được trọn vẹn nét văn hóa của dân tộc họ. Bật mí nhỏ xíu là rượu ngô Thiên Hương rất thơm nha!
Đường đi Thiên Hương – Đây là đường khó bọn mình chọn đi để nhìn thấy thung lũng lúa chín phía dưới. Ảnh: Yến Vi Vu.
Thung Lũng lúa chín. Ảnh: Yến Vi Vu.
Lối vào làng Thiên Hương. Ảnh: Yến Vi Vu.
Vài ngày ở phố cổ Đồng Văn, tuy nhiên mình lại đi vào giữa tuần nên không có chợ phiên, phố cũng vắng, đồ ăn cũng bớt phong phú đi chút. Thế nhưng, vẫn có Bánh cuốn Bà Hà, vẫn có phở, vẫn có thắng dền, vẫn có cháo ấu tẩu… Thật may là anh chủ homestay rất hiếu khách, đã nấu cho mình thưởng thức nhiều món khác, ấn tượng nhất là món Thắng cố dê, còn lại mình không nhớ tên vì hơi khó nhớ.
Ngày về bọn mình ghé sông Nho Quế một chút vì mê con sông màu ngọc bích này quá! Dù hơi gấp nhưng “alo” thuyền anh Phúc – bọn mình đi năm trước, là anh ra đón liền. Hên quá! Đoạn hẻm Tu Sản mưa nhẹ nên mình không chèo kayak, ai thích thì có thể chơi bộ môn này nha.
Đường xuống sông Nho Quế. Ảnh: Yến Vi Vu.
Hẻm Tu Sản ở phía sau. Ảnh: Yến Vi Vu.
13h mình và thằng bạn ăn trưa ở thị trấn Mèo Vạc, phân vân không biết nên đi hướng Quản Bạ về thành phố hay đi đường Du Già vì sợ đi Du Già xa, không kịp chuyến xe tối về Hà Nội. Lại một phen nữa mình liều, quyết định đi qua Du Già và thằng bạn mình theo. Trời không phụ lòng người, đường từ Mèo Vạc đi Du Già quá đẹp (đường mới sửa xong và cảnh cũng đẹp nữa). Bọn mình mê quá nên dừng lại rất nhiều lần để chụp hình, không chụp thì chắc chắn sẽ tiếc.
Từ Du Già về thành phố là đoạn đường kinh khủng nhất bọn mình từng đi. Đoạn thì toàn sỏi đá, đoạn lại bùn lầy đang sửa lại gặp trời mưa nên khá trơn, đoạn thì nhiều ô tô chở than bụi mù mịt. 2 đứa vừa đi vừa nản nhưng vẫn cố động viên nhau sắp về đến thành phố rồi! Trong khi đường còn dài. 8km đường núi chứ có phải 8km đường bằng đâu…
Đường đi Du Già đó! Khác gì tranh đâu. Ảnh: Yến Vi Vu.
Với một cô gái mê du lịch bụi, hẳn đây là một chuyến đi vô cùng thỏa mãn. Tuổi trẻ mà, ngại gì xông pha. Càng tích lũy được nhiều trải nghiệm, tuổi trẻ càng giàu thêm…
Trải nghiệm 'đệ nhất hùng quan' Mã Pí Lèng
Bỏ qua những vụ lùm xùm liên quan đến danh thắng Mã Pí Lèng thời gian gần đây như xây biệt phủ trái phép trên đỉnh đèo, rồi du khách chụp ảnh khỏa thân tự sướng đội lốt bảo vệ môi trường... Mã Pí Lèng vẫn là đệ nhất hùng quan say lòng các nhà nghiên cứu và du khách...
Mã Pí Lèng là một trong "đại từ đèo" hiểm trở bậc nhất phía Bắc Việt Nam.
Đèo Mã Pí Lèng có độ cao trên 2000 mét so với mực nước biển, nối liền giữa thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc (Hà Giang). Đây là một trong những "đại tứ đèo" bậc nhất phía Bắc Việt Nam như đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin.
Mã Pí Lèng ngựa phi tắc thở
Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.356,80km, cùng với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là cao nguyên địa chất toàn cầu, nên hàng năm thu hút rất nhiều các đoàn khách du lịch trong nước và nước ngoài tìm về. Vào mùa này trên cao nguyên đá Đồng Văn có khí hậu trong lành, và những giải sương mù chờn vờn. Trên những sườn đồi, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thoạt ẩn thoạt hiện trong sương, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa hoang sơ vừa kỳ bí.
Một vài em nhỏ người Mông tha thẩn vui chơi đỉnh đèo Mã Pí Lèng.
Thời điểm này trên khắp các triền đồi của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, hoa tam giác mạch đã nở thu hút khách du lịch tìm về. Trên đường đến với Mèo Vạc, ngoài các địa điểm chụp ảnh cùng hoa tam giác mạch, du khách không thể bỏ lỡ vẻ đẹp kỳ vĩ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Đứng ở đỉnh đèo, du khách sẽ được ngắm còn sông Nho Quế hiền hòa, cùng với núi non trùng trùng điệp điệp bên những dải sương mây bao phủ.
Để vượt đèo Mã Pí Lèng, phải đi theo con đường Hạnh Phúc nối liền từ thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng). Con đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km này đã được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh Miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động mới hoàn thành. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet, làm trong 11 tháng.
Du khách ngồi ngắm dòng sông Nho Quế trong xanh hiền hòa.
Đèo Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Để chỉ sự hiểm trở của con đèo, theo tiếng Quan Thoại người ta ví nó tựa như sống mũi của con ngựa đen. Để nói về sự dài hơi của con đèo, đồng bào H"Mông sống ở đây họ còn bảo rằng: Những con ngựa cái khi leo lên đến đỉnh cũng phải trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến nỗi các con ngựa khỏe cũng phải tắc thở.
Cảnh quan khu vục đỉnh đèo Mã Pí Lèng lởm chởm, có nhiều núi đá dựng đứng. Các học giả người Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất", nó mang một vẻ đẹp hoang sơ.
Bởi đi trên đèo, khi nhìn xuống vực sâu, sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ. Và nó chia cắt một bên là đỉnh Mã Pí Lèng còn một bên là Săm Pun nơi cắm mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điển Bồng (Trung Quốc).
Du khách check-in sống ảo trên mỏm đá thuộc đỉnh đèo Mã Pí Lèng.
Theo các nhà khoa học, vùng núi thuộc đèo Mã Pí Lèng được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra.
Để phá bức tường đá nối Đồng Văn với Mèo Vạc, công nhân phải mất thêm hai năm lao động vất vả mới hoàn thành. Họ phải xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Chính vì vậy nên sau khi hoàn thành đoạn đèo khó khăn này cũng đã có rất nhiều người phải bỏ mạng nơi đây.
Hùng vĩ, hoang sơ Mã Pí Lèng
Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pí Lèng là một trong những con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, nó được ví như "vua" của các con đèo ở Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở rộng chỉ đủ chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ hàng, về sau nó được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì có nhiều đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau.
Những năm gần đây, con đường Hạnh Phúc đã được mở mang tu sửa và dễ đi hơn, con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa mà đã trở thành di sản độc đáo về địa chất và cảnh quan. Nằm giữa cao nguyên đá Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế. Phía Bắc và Đông Bắc trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá, một màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối...
Hẻm vực sông Nho Quế vào một ngày trời nắng đẹp.
Những năm gần đây, lượng du khách đến với Mã Pí Lèng rất đông, mặt trái của phát triển du lịch cũng có tác động tiêu cực đến thiên nhiên và con người nơi đây. Bản sắc hoang sơ ít nhiều đã đổi thay. Mặc dù vậy, hầu như du khách trong nước hay ngoài nước, khi đi qua đây cũng đều phải thảng thốt vì vẻ đẹp hoang sơ đầy bí ẩn của thiên nhiên và con người nơi này.
Bất kỳ mùa nào, chỉ cần đứng ở đỉnh đèo là có thể cảm nhận đa chiều của vẻ đẹp, nó được trải rộng theo chiều sâu của trí tưởng tượng. Bởi ở đỉnh đèo, có nắng có gió, có mây mù, ở phía dưới lại có dòng sông xanh, một vùng sơn cước hoang sơ như thuở khai thiên lập địa.
Từ đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng là các ngôi nhà của đồng bào H'Mông.
Đứng trên mỏm đá, chúng tôi có cảm giác như đang ở giữa lưng chừng trời, chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi. Vào những ngày nắng đẹp trời trong, những gì sương mù che lấp sẽ hiện ra. Đó là thấp thoáng những mái nhà, chòm bản, cả những ruộng lúa, nương ngô và hoạt động bình dị của người dân nơi thâm sơn quỷ cốc.
Từ trên đỉnh đèo nếu muốn xuống dòng sông Nho Quế thì sẽ mất một ngày trời. Tuy đường xa, nhưng du khách sẽ được trải nghiệm cùng những khoảnh khắc đẹp nhất hẻm vực. Vực sông này được ví như một trong những hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, dòng nước còn có màu xanh lam quện với màu xanh của núi rừng tạo nên một bức tranh thủy mặc, đầy mê hoặc làm say đắm lòng người.
Vẻ đẹp lao động thường ngày của người Mông ở đèo Mã Pí Lèng.
Từ chân đèo, hất mắt nhìn lên phía sườn núi là những đường cong mềm uốn khúc của một con đường đèo, nó mềm mượt, tựa như một dải lụa, kiêu hãnh mà ôm lấy vách đá dựng đứng. Phía trên các ngọn núi là những áng mây phiêu bồng lấp lửng, xen lẫn những ngôi nhà của đồng bào H'Mông.
Người Mông sống ở Mã Pí Lèng mang một vẻ đẹp hoang sơ, từ tập quán canh tác đến trang phục và ẩm thực. Đặc biệt, họ rất hiếu khách và không ngừng ngợi ca về vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Chính con người nơi đây đã tôn lên vẻ đẹp hoang sơ mà chẳng nơi nào có được.
Năm 2019 Mã Pí Lèng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh thắng quốc gia. Đèo Mã Pí Lèng được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hẻm vực sông Nho Quế cũng là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị, là nơi trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước đến thăm.
Lịch trình phượt Hà Giang 2 ngày 3 đêm Cung đường phượt Hà Giang là một trong những hành trình đáng trải nghiệm nhất Việt Nam. Bạn có thể thực hiện chuyến đi ngắn đến Hà Giang vào cuối tuần theo lịch trình sau. Hà Giang là miền đất thu hút rất nhiều bạn trẻ yêu thích tự do và thả mình vào thiên nhiên. Đặc biệt, mùa thu đến, hoa tam...