Nhật ký đêm cuối tại quê nhà
Đây là ngày cuối cùng sau những chuỗi ngày nghỉ lễ của tôi tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Nha Trang ngày 12 tháng 5 năm 2016,
Ngày mai là tôi lại phải tiếp tục lên đường chiến đấu với cuộc sống xô bồ nơi thành thị kia, cảm giác hiện tại thật khó tả. Tôi vu vơ nghĩ về gia đình, nghĩ về ba mẹ, nghĩ về cô em gái của mình. Tôi chợt nhận ra, bản thân mình thật may mắn biết bao!
Gia đình tôi vốn dĩ chỉ là gia đình tầm trung, cũng không khá giả gì mấy, ba mẹ là công nhân viên chức nhà nước bình thường. Em tôi cũng chỉ là học sinh cấp 2. Còn tôi thì đang là sinh viên đại học năm nhất tại Sài Gòn.
Cuộc sống ở nơi đất khách quê người vốn dĩ rất khó khăn vì mọi chi phí đều đắt đỏ, bản thân tôi như một gánh nặng kinh tế của ba mẹ. Lắm lúc tôi muốn đi làm thêm để giảm bớt đi gánh nặng ấy, nhưng ba tôi, ông luôn khuyên tôi rằng “Ba mẹ cày bao nhiêu cũng được con ạ, con cứ lo học đi, đừng đi làm thêm, đi làm thêm khổ lắm con ơi”.
Thế đấy, ba tôi ông luôn muốn tôi sống sung sướng nhất, từ bé đến giờ ông chưa hề la mắng hay đánh đập tôi, ông luôn ủng hộ mọi quyết định của tôi. Còn mẹ tôi ngược lại hoàn toàn, mẹ là người rất kĩ tính và vô cùng khắt khe. Mẹ chưa bao giờ ủng hộ bất kì quyết định gì của tôi cả.
Hồi còn bé, tôi thường hay bị mẹ đánh vì cứng đầu, mẹ luôn nói với tôi rằng “Thương là cho roi cho vọt”. Tôi nhớ ngày ấy tôi ghét mẹ lắm, mỗi khi bị mẹ đánh tôi hay khóc lóc với ba để được ba dỗ dành. Nhưng khi lớn lên, tôi mới dần cảm nhận được sự vất vả và tình thương của mẹ nhiều hơn.
Những hôm tôi đi học về, mẹ thường nhắn tin trên facebook cho tôi bằng những câu cộc lốc như “Ăn chưa?” hay “Về chưa?” trái ngược hoàn toàn với ba tôi, ông thường nhắn rất tình cảm “Con đã ăn chưa?” hay “Con đã về chưa?”.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng, tôi không hề thấy ghét mẹ hay khó chịu gì cả, thậm chí mỗi khi tôi nhận được tin nhắn của mẹ tôi còn hay mỉm cười. Tôi không biết tại sao mình cười nữa, chắc có lẽ là tôi thấy hạnh phúc với điều đó.
Tôi còn nhớ như in cái ngày đầu tiên tôi vào Sài Gòn, mẹ theo tôi vào để xem xét việc nhà trọ, tối hôm đó mẹ về để tôi lại một mình. Đến khi mẹ vừa lên xe, tôi nhận được cuộc gọi từ mẹ.
Và tôi đã nghe được thứ tôi chưa bao giờ nghe được trong suốt 18 năm ở cùng với gia đình, đó chính là tiếng mẹ khóc. Đúng vậy, mẹ đã khóc, nhưng mẹ sợ tôi lo nên mẹ đã cố kiềm nén tiếng khóc của mình, câu duy nhất mẹ nói với tôi lúc đấy cũng cộc lốc như mọi lần “Nhớ đóng cửa cẩn thận!”.
Dù mẹ đã cố gắng nhưng tôi vẫn nghe được tiếng nấc của mẹ ở đầu dây bên kia. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thương mẹ đến vậy trong suốt 18 năm qua. Và sau cú nhấn kết thúc cuộc gọi ấy, tôi cũng khóc theo mẹ.
Là con gái, tôi nghĩ rằng người tôi thương nhất chính là ba tôi. Người ta thường nói “Con gái là người tình kiếp trước của ba” quả là không sai. Ba thường hay bảo rằng “Ngày xưa chiến tranh ba khổ lắm con ạ, cơm còn không có mà ăn, nên giờ ba không muốn con khổ nữa”.
Cứ mỗi lần ngồi một mình trong phòng trọ, nghĩ về câu nói này tôi lại bật khóc. Ông luôn muốn đem mọi điều tốt đẹp đến với tôi, có những hôm tôi hết tiền dù chưa hết tháng, ông lại lén mẹ gửi tôi một ít, ông dặn “Có làm gì làm cũng đừng để đói nha con”.
Video đang HOT
Ba tôi là một người trải đời, ông hiểu nỗi khổ của mọi người. Ông luôn giúp mẹ trong công việc nhà thậm chí cả việc cơ quan.
Ông chưa bao giờ cãi nhau hay lớn tiếng với ai trong gia đình. Ông muốn tự mình chở hai cô con gái đi học, dù nắng gắt hay mưa bão, dù ông có bận, đường xá có xa xôi ông vẫn tự mình chở tôi và em đi học vì ông không an tâm khi để con tự đi.
Có một thời gian ở Sài Gòn, tôi cãi nhau với người yêu liên tục, cũng không biết tại sao tôi chợt nghĩ tới ba. Tôi nghĩ rằng ba luôn nói ông muốn tôi hạnh phúc, tại sao tôi lại để mình suốt ngày đau khổ như thế này, thế là tôi quyết định chia tay người yêu của mình. Lúc ấy tôi khóc rất nhiều, tôi còn hét lên rằng “Ba ơi con muốn về với ba”!
Ngày xưa còn bé, sống dựa dẫm gia đình nên tôi thường quên mất tình thương gia đình là gì. Ấy vậy mà giờ đây, con bé bướng bỉnh ngày ấy lại ngồi đây để viết lên cảm xúc yêu thương này dành cho gia đình. Có đi xa mới thấm được rằng: ngoài kia xã hội phải có điều kiện họ mới yêu mình, còn gia đình thì yêu mình vô điều kiện.
Có nhiều lúc tôi muốn “ăn chơi” được như bạn bè. Nhưng cứ mỗi lần tôi định làm gì đấy thì tôi lại nhớ đến hình ảnh ba mẹ ở quê nhà, tôi lại thôi. Tôi nghĩ mình thật sự rất may mắn vì tôi có một gia đình hạnh phúc và cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mình.
Gia đình như một động lực thúc đẩy tôi thực hiện ước mơ của mình vậy. Tôi thường hay vỗ ngực tự hào là tôi được sinh ra bởi người đàn ông và người phụ nữ tuyệt vời nhất thế giới.
Bây giờ là 2:15 sáng, tôi nghĩ có lẽ mình nên kết thúc tâm trạng đêm cuối ở quê của mình tại đây và sẵn sàng đi tiếp con đường mà ban đầu tôi đã chọn ở nơi thành thị kia.
Theo Người Đưa Tin
Nhật ký đón con chào đời đầy xúc động của ông bố trẻ
Lần đầu tiên được dang rộng đôi tay đón con vào lòng, được đặt đôi môi lên má con, cảm giác ấy thật tuyệt vời.
Con là tất cả với bố mẹ
Gửi Subin, con trai của bố...
Con trai của bố! Trong hơn 9 tháng qua, mỗi ngày với bố mẹ đều là một ngày lo lắng, hồi hộp nhưng cuối cùng khi con cất tiếng khóc chào đời dường như mọi thứ chỉ còn lại là niềm hạnh phúc hòa chung những giọt nước mắt.
Ngày hôm đó, khi lần đầu tiên được dang rộng đôi tay đón con vào lòng, được đặt đôi môi lên má con, cảm giác này thật tuyệt vời. Những ngón tay nhỏ bé xinh xinh, mịn màng của con lần đầu tiên được nâng niu trên tay bố lại càng khiến bố yêu thương mẹ con nhiều hơn
Con trai của bố, con biết không? Để có con ngày hôm nay, mẹ con thật sự kiên định và dũng cảm biết nhường nào. Những đau đớn, mệt nhọc mẹ đều cố gắng vượt qua là vì con và cả nghĩ đến bố nữa đó. Không biết cuộc sống thay đổi thế nào chứ bố biết, bố con mình là tất cả của mẹ. Con trai của bố, để bố kể cho con nghe một câu chuyện về tình yêu, mà bố tin rằng chắc chắn cả cuộc đời này con sẽ không bao giờ quên. Một câu chuyện về tình yêu của người mẹ.
Vào một ngày trời chớm thu, cũng là ngày người anh của con rời xa bố mẹ khi mới được 10 tuần nằm trong bụng mẹ. Thực sự lúc này bố mẹ không tin những gì đang xảy ra, mẹ con đã khóc rất nhiều, nhất là lúc bác sĩ làm thủ thuật mang anh con ra.
Về nhà, mẹ con như không còn sức sống, nằm bệt trên giường chỉ khóc và khóc.
Hơn một tuần trôi qua, mẹ đã có sức khỏe hơn cũng là lúc bố đưa mẹ đi khám. Bác sĩ kết luận nội tiết kém, phải đặt thuốc 3 tháng và 6 tháng sau mới có thể mang bầu trở lại. Con biết không, lúc đó bố biết mẹ đang rất lo sợ dù vẻ bên ngoài mẹ luôn tỏ ra mạnh mẽ. Mẹ con là vậy, luôn chịu đựng nhẫn nhịn và mạnh mẽ mặc dù tâm hồn rất yếu đuối. Mẹ chỉ khóc khi nỗi đau quá lớn mà thôi.
Con biết không, 6 tháng trời đằng đẵng với bao nhiêu áp lực, đi đến đâu, làm gì, gặp ai họ đều hỏi có gì chưa? Mặc dù biết là người ta quan tâm nhưng mỗi một câu hỏi được nói ra thì mẹ con lại thêm một phần gánh nặng. Đến nỗi mẹ sợ phải về quê nội quê ngoại để tránh những lời hỏi thăm động viên từ ông bà, các cô, các bác, thậm chí cả những ánh nhìn dè bỉu đến khó chịu.
Cuối cùng, ngày ấy cũng đến, ngày báo hiệu con đã bước vào cuộc đời bố mẹ. Cảm giác đó đến giờ bố vẫn còn nhớ mãi, buổi sáng ngày 25/9/2015 khi mẹ làm xét nghiệm nước tiểu vì thấy chậm kinh hơn một tuần. Cả hai bố mẹ đều run rẩy, hồi hộp mong chờ kết quả rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi 2 vạch đỏ hiện ra trước mắt. Bố không dám ôm chặt mẹ, không dám hét to lên, không dám làm gì hết, tất cả, tất cả chỉ dám kìm trong trái tim...
Hạt đậu nhỏ chứa bao tình yêu của bố mẹ (Subin 2 tuần tuổi)
Ngay sáng hôm đó, bố đưa mẹ đi khám để chắc chắn rằng con trai của bố đã thực sự đến với bố mẹ. Bố ngồi ngoài chờ đợi, chăm chú nhìn vào cái màn hình LED cũ kỹ lồi lồi của bệnh viện để dõi theo nhịp đưa siêu âm của bác sĩ. Bố nhìn thấy con, một mầm sống nhỏ đang lớn dần lên trong bụng mẹ, con giờ này chỉ giống như một hạt đậu nhỏ xíu. Bác sĩ lại một lần nữa khẳng định mẹ con đã mang thai, khiến bố không thể nào giấu nổi niềm vui sướng, hạnh phúc đến nỗi những giọt nước mắt đã rơi và lăn dài trên má quện vào nụ cười mãn mãn nguyện.
3 tháng đầu ốm nghén bắt đầu hành hạ mẹ con, từ một cô gái xinh đẹp, dáng chuẩn, dần dần mẹ con trở nên thật "xấu xí" vẻ bề ngoài khi da mặt mọc mụn chi chít, gầy đi, chân tay nổi gân xanh chằng chịt. Nhiều lúc bố không nghĩ đây là vợ mình nữa, bố phải động viên mẹ rất nhiều để mẹ cố ăn uống cho tốt đảm bảo sức khỏe. Mỗi lần ăn lại là một lần nôn ọe ra cả mật xanh mật vàng, vậy mà mẹ con vẫn cố nuốt cho trôi đến nghẹn cả cổ. Nôn bao nhiêu, mẹ lại ăn lại bấy nhiêu để không làm thiên thần bé nhỏ trong bụng thiếu chất. Không những ăn, mẹ còn đánh vật với bao nhiêu thứ thuốc để an thai, bổ xung vitamin và dưỡng chất. Động lực để mẹ con vượt qua 3 tháng đầu thai kỳ chính là nhìn thấy thiên thần bé bỏng đang lớn dần lên, phát triển tốt với những tiếng nhịp tim đều đặn.
Bố mẹ hạnh phúc khi có con.
Sau ba tháng đầu mẹ dần khỏe lên và ăn uống tốt hơn con trai ạ, nhưng cũng chính từ tháng thứ 4 này bố lại là người chịu khổ nhiều nhất đó. Mẹ béo dần lên bao nhiêu thì bố thêm phần vất vả bấy nhiêu khi mà có những lúc nửa đêm mẹ bắt bố dậy đi mua chân gà nướng, bún bò Huế... thậm chí kẹo mút về cho mẹ ăn. Cũng may nhà mình ở thành phố nên đêm đến vẫn còn nhiều hàng quán phục vụ chứ như ở nông thôn thì không biết phải làm như thế nào.
Một lần mẹ thèm ăn bún bò Huế, mà phải mua cách nhà đến 10km, bố lấy xe đi mua nhanh cho mẹ, cũng vì sợ nguội, bố đi rất nhanh và bị tai nạn, xe vỡ hết yếm, chân bố bị chảy máu nhiều rất đau. May mắn là khám không bị gãy chân, tuy vậy bố vẫn phải nghỉ làm mất 1 tuần vì đau.
Những vết rạn đen được mẹ che bằng tay khi chụp ảnh kỷ niệm lúc mang thai
Con trai của bố, con có biết không vì con mà mẹ đã gác lại nét đẹp, quyến rũ của tuổi thanh xuân đấy. Sự thay đổi hiện diện vào 3 tháng giữa thai kỳ khi mẹ dần béo lên, vóc dáng dần trở nên xồ xề, trên bụng và mông đã xuất hiện các vết nứt toác vì rạn da.
Mặc dù vậy mẹ con vẫn luôn tự hào khi mang trên mình các vết rạn đó cho đến suốt cuộc đời. Mẹ hỏi bố có chê mẹ xấu đi không? Bố nói rằng mẹ luôn là người vợ đẹp nhất trong mắt bố vì bố hiểu những cố gắng, sự vất vả và trách nhiệm thiêng liêng mẹ đang gánh. Cho đến suốt cuộc đời bố cũng sẽ không quên và cũng sẽ yêu mẹ nhiều hơn nữa.
Con trai yêu quý, một điều tuyệt vời nữa, như một sự kết nối giữa gia đình nhỏ nhà mình chính là ngày mẹ lần đầu tiên cảm nhận đôi chân của con nhẹ nhàng đạp vào tử cung. Mẹ kể cho bố nghe, rồi cuối cùng bố cũng được nhìn thấy các cử động của con trên làn da bụng đầy rạn nứt của mẹ. Những cú đá, trườn lộn, rồi những lần nấc cụt sao mà đáng yêu đến thế.
Mỗi lần chơi với con bố lại selfie để lưu lại làm kỷ niệm
Bố nhớ như in những đêm hai bố con mình nằm chơi với nhau, mặc dù không nhìn thấy mặt nhưng mỗi lần bố gõ nhẹ lên bụng mẹ con đều đáp trả bằng hai cái đạp. Rồi những lúc bố nằm ê a hát con nghe, con đều nằm yên nghe chỉ đến khi bố ngừng hát con lại đạp liên hồi. Mẹ con bảo, bố có giọng hát hay nên con thích nghe khiến bố lại càng vui không tả xiết.
Trong những tháng cuối thai kỳ, điều bố mẹ mong ngóng nhất chính là được nhìn mặt trai yêu mỗi lần siêu âm, nhưng con thật cứng đầu, chẳng bao giờ cho bố mẹ xem mặt cả. Lần nào cũng thế, con lấy tay che, quay mặt vào trong mà không thèm để ý đến tâm trạng của bố mẹ. Nhưng bác sĩ nói con đang khỏe mạnh, tăng cân đều là bố mẹ đã vui lắm rồi.
Không bao giờ con chịu để bố mẹ xem mặt.
Cũng chính vì con không cho bố mẹ nhìn mặt, bác sĩ cũng không nói giới tính thai nhi nên bố mẹ đã có nhiều câu chuyện vui để nói, cả hai đều mong con giống mình, không ai chịu nhường ai thậm chí bố đã phải tìm hai cái tên để đặt cho con đó là Nhật Anh và Nhã Phương vì lúc ấy chưa thể biết con trông như thế nào là trai hay là gái. Tuần cuối cùng cuối thai kỳ cũng đến, lúc này mẹ con đã nặng nề lắm rồi, chân đi lạch bạch hai hàng với cái "ba lô" đeo ngược cồng kềnh đến người khác nhìn vào còn thấy nhọc. Vậy mà mẹ vẫn đòi theo bố đi mua sắm những đồ dùng tất yếu để chuẩn bị chào đón con ra đời.
Và cái ngày con ra đời cũng đến, sáng 29/6/2016 mẹ bắt đầu chuyển dạ, cả nhà nhanh chóng đưa mẹ đến bệnh viện. Thế mà sự "gan lỳ" của con cũng khủng khiếp lắm cơ, đến tận 3 giờ 45 phút sáng 30/6/2016 con mới chịu chui ra. Tuy nhiên, con biết không trước đó là khoảng thời gian bố thấy mẹ mạnh mẽ và anh hùng hơn bao giờ hết.
Ngày con trai yêu ra đời (30/6/2016)
Mẹ đến bệnh viện trong những cơn gò co bóp tử cung, mẹ chịu đựng đau đớn cố đi lại để dễ đẻ hơn. Mỗi khi đau mẹ ghì chặt vào vai bố, nước mắt cứ rơi, sau đó mẹ lại tiếp tục đi lại để cho con chào đời dễ dàng hơn. Thậm chí, các y bác sĩ thấy mẹ quằn quại còn tư vấn dịch vụ đẻ không đau nhưng mẹ con nhất định đẻ thường để con có sức đề kháng tốt nhất. Mẹ thật là mạnh mẽ và phi thường phải không con trai của bố?
3 giờ sáng mẹ được đưa vào phòng sinh, bố ở bên ngoài lo lắng không khác gì chính bố là người mang thai con. 45 phút trôi qua không một động tĩnh thì bất ngờ tiếng khóc của trẻ con cất lên. Cái tiếng khóc đó sao mà thân thương đến thế, con trai của bố đã ra đời. 10 phút sau cô y tá bế con ra trao cho bố và nói giới tính của con cũng như giờ sinh. Bế con trai trên tay, nhìn ánh mắt mở to tròn xoe nhìn bố và mọi thứ xung quanh, bố hạnh phúc hơn bao giờ hết, bố thầm cảm ơn mẹ con, người đã luôn vì gia đình nhỏ của mình mà cố gắng.
Bố sẽ luôn là điểm tựa cho con.
Con trai của bố ạ, bố chỉ viết đến đây thôi, mong rằng một ngày nào đó con sẽ đọc được để hiểu rằng với bố mẹ con là tất cả. Còn hiện tại, bố mẹ chỉ mong muốn trai yêu khỏe mạnh, chăm ăn, chóng lớn. Đó chính là niềm hạnh phúc to lớn nhất của bố mẹ rồi!
Theo PNO
Nhật ký 5 ngày chăm vợ ốm của ông lười việc nhà Chẳng ngờ vợ ốm mấy hôm anh mệt mỏi tới vậy. Anh vốn là người đàn ông lý tưởng mẫu hình chăm chỉ ở cơ quan (Ảnh minh họa). Anh vốn là nhân viên xuất sắc của phòng, suốt 7 năm làm việc ở cơ quan anh chưa nghỉ buổi nào. Hễ sếp gọi là anh có mặt ngay bởi chẳng vướng bận...