Nhật ký của một bà mẹ mang trong mình đứa con bị dị tật
Tôi đã từng nghĩ mình sẽ chỉ vào bệnh viện Phụ sản khi làm thủ tục để sinh em bé. Nhưng số phận đã đưa đẩy tôi tới đây sớm hơn…
ảnh minh họa
Theo lịch hẹn của bác sĩ khám cho tôi (cũng là bác sĩ làm tại bệnh viện Phụ sản T.Ư ở Hà Nội), vợ chồng tôi đến tầng 3, nhà H. Tại đây, bác sĩ khám đưa chúng tôi đến trung tâm chuẩn đoán trước sinh để làm thủ tục khám
Vì đến muộn, không đăng ký số thứ tự, bác sĩ khám có nói phải chờ tới 12 giờ trưa mới được khám vì mình “chen ngang”. Cũng không còn cách nào khác, lúc đó mới hơn 9 giờ sáng, ngoài hành lang rộng chừng 1,5 m trước cửa trung tâm đã trung tâm đã đông kín bệnh nhân và người nhà. Kẻ đứng người ngồi, mỗi người một tâm trạng. Nhưng có một điều chung, đã vào tới trung tâm này thì chắc chắn thai nhi ít nhiều có những vấn đề nào đó, vì thế, vẻ mặt ai cũng lo lắng, buồn buồn.
Chờ đợi lâu, vợ chồng tôi tranh thủ tìm hiểu qua về trung tâm. Nó quá nhỏ so với lượng người tới khám, vẻn vẹn có 4 phòng: phòng xét nghiệm, phòng thủ thuật, phòng tư vấn và phòng trả kết quả các xét nghiệm như thử nước ối, tripper test, máu…
Chúng tôi làm thủ tục tại phòng tư vấn, tại đây, theo như bảng hướng dẫn dán trước cửa, nếu muốn bác sĩ tư vấn chúng tôi phải trả 20.000 đồng cho 10 phút, nếu quá thời gian thì trả thêm tiền. Rất muốn nghe bác sĩ tư vấn, nhưng xem chừng điều đó rất khó, vì sau khi làm thủ tục, lập tức chúng tôi được mời ra ngồi ngoài hành lang và chờ đợi được gọi tên. Nhân viên y tế ở đó nói vợ chồng tôi cứ đăng ký, sẽ được tư vấn trước khi khám nhưng chờ mãi, chẳng thấy ai gọi…
Hai vợ chồng ra ngoài hành lang ngồi, ở đây, cũng có nhiều bà bầu ngồi chờ đợi mà không dám đi đâu xa, chỉ sợ y tá đột ngột gọi không có mặt vừa bị mắng, lại phải chờ tới lượt sau. Ngồi tại đây quan sát một lúc, tôi mới biết, nguyên tắc để khám tại trung tâm là cả vợ, cả chồng đều phải đi, khi vào phòng, y tá thường gọi tên sản phụ và chồng. Nếu không có chồng đi kèm thì nhất thiết phải có thêm người nhà, họ hàng. Nhưng khi vào phòng khám, liên quan tới một quyết định nào đó, thì bắt buộc phải là chồng hoặc người thân trong gia đình.
Video đang HOT
Nếu như ở phòng khám, đa số gặp các bà bầu ở Hà Nội thì tới trung tâm phần nhiều là từ các tỉnh thành trong cả nước về đây. Do đó, 1 bà bầu nhưng kéo theo từ 1 tới 3,4 người thân đi kèm. Tôi ngồi chờ đối diện với phòng thủ thuật, nơi bác sĩ sẽ siêu âm, khám thai. Thông thường một ca khám thường kéo dài từ 15 tới 20 phút. Sau đó bệnh nhân tiếp tục chờ đợi bác sĩ hội chẩn và trả kết quả.
Ba tiếng đồng hồ ngồi chờ đợi, chứng kiến nhiều bà bầu và nghe các câu chuyện của họ, vợ chồng tôi như phần nào được chia sẻ về vấn đề của mình. Tôi ngồi cạnh người nhà của một chị đã ngoài 30 tuổi từ Lạng Sơn xuống.
Chị đã mang thai tới tháng thứ tuần thứ 30 thì biết đường tiêu hóa của em bé có vấn đề khá nghiêm trọng, liên quan tới một loại men nào đó mà nếu sinh ra, em bé sẽ không thể tự mình tiêu hóa được thức ăn. Sau 10 phút đi vào phòng khám, chị bước ra ngoài, mắt đỏ hoe, kết quả ban đầu bác sĩ khuyên nên giữ lại thai vì nó quá lớn. Khi sinh ra, bác sĩ sẽ tiêm cho em bé 1 liều thuốc nhưng vấn đề cơ thể em bé có tiếp nhận hay không thì chưa thể khẳng định được.
Ngồi cạnh bên trái tôi là hai vợ chồng cũng khá trẻ ở Hà Nội, hỏi ra, chồng sinh năm 1980, còn chị vợ sinh năm 1984, hơn tôi 1 tuổi đang mang thai ở tháng thứ 4. Họ vào đây vì kết quả siêu âm ở một vài nơi có sự khác nhau liên quan tới dị tật của em bé về đốt sống, chân và mũi. Chị vợ tên là H. chia sẻ: “tuần trước mình đi siêu âm thì bác sĩ nói em bé không có mũi, thiếu một đốt sống. Đến hôm qua, đi siêu âm ở nơi khác thì nói đã nhìn thấy mũi, nên mình muốn kiểm tra lại. Dù thế nào thì mình vẫn muốn sinh em bé, mẹ chồng mình nói em bé thế nào thì cũng là con của mình, phải để em bé ra đời”.
Một chị ngồi đối diện hàng ghế chờ của chúng tôi cũng sinh năm 1984, tên là Hương, mang thai ở tuần thứ 34 góp chuyện: “nhưng mình nghĩ vẫn phải nghe theo lời khuyên của bác sĩ, như thế tốt cho cả hai…”. Chị kể, em bé của chị là con gái, đi siêu âm tới tháng thứ 7, bác sĩ mới phát hiện bị hở môi trên, trước đó, khi siêu âm, em bé cứ để tay che miệng nên rất khó phát hiện ra. Chị cũng đã rất lo lắng, nhưng thai to quá, thêm nữa, với sự tiến bộ của y học, việc phẫu thuật tái tạo môi trên giờ rất dễ dàng. Chị muốn đi kiểm tra thêm một lần nữa cho chắc chắn.
Chúng tôi an ủi chị, dù sao, trường hợp của chị còn rất may mắn, những dị tật về hình thể như khèo chân, khèo tay hay hở hàm ếch hoặc nặng như về tim đều có chương trình quốc gia như Phẫu thuật hở hàm ếch hay Trái tim cho em. Tuy nhiên, người mẹ cũng phải chuẩn bị tâm lý cũng như các kỹ năng thật tốt để đón con ra đời vì nuôi em bé có dị tật sẽ vất vả hơn rất nhiều so với em bé bình thường.
Câu chuyện của chị Hương vẫn tiếp nối, chị kể về hoàn cảnh của mình, về người chồng đầu bị tai nạn qua đời, về cuộc sống bôn ba của chị đất Hà Thành. Khi mọi người hỏi chồng chị đâu, chị nói đi một mình. Rồi một lúc sau, một người đàn ông khá già xuất hiện… Có thể, vì câu chuyện khá cởi mở, chị mạnh dạn chia sẻ: “đây là bố của bé gái trong bụng mình, nhưng chưa phải là chồng, mong mãi mình mới có bé, vậy mà bé lại bị thế này…”
Rồi chúng tôi cũng đến lượt được gọi vào phòng khám. Siêu âm cho tôi là một bác sĩ khá nổi tiếng tại miền Bắc. Ông là người có tài thực sự, nhìn hình ảnh thai nhi rất tốt, tuy nhiên, về tính tình thì hơi hơi khác người khiến nhiều “chị em” e ngại.
Lúc tôi lên giường siêu âm đã là 12h30 phút, ông đặt đầu dò lên bụng tôi, ấn khá mạnh và… quát: “cô dậy đi vệ sinh ngay cho tôi, đã dặn là phải đi vệ sinh rồi mới vào phòng cơ mà”. Tôi khá bất ngờ nhưng răm rắp làm theo. Quả thật, mải ngồi buôn với lại cũng vừa mới đi nên tôi đã không làm theo lời cảnh báo trên cửa phòng.
Quay trở lại phòng, lúc này tâm lý của tôi và chồng đã nghĩ tới điều xấu nhất, chỉ mong một điều kỳ diệu sẽ xảy ra mà thôi. Đầu dò đều đặn lướt trên bụng tôi. Bác sĩ đã biết qua về tình hình nên đi ngay vào vấn đề chính. Ông trầm ngầm, chống tay vào cằm: “vẫn có hốc mắt, mũi, nhưng đúng là không có đường phân chia thùy não”. Ông cầm đầu dò đậm khá mạnh vào bụng tôi: “tay phải bình thường, bàn tay xòe ra, nhưng tay trái có vấn đề, không chỉ khèo mà ngón tay còn có màng”.
Khoảng 3 phút sau, quá trình siêu âm của tôi kết thúc. Vì là người cuối cùng, bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra kết quả với vợ chồng tôi luôn.
“Đây là dị tật Nhiễm sắc thể số 13, ảnh hưởng tới não, nó là tổn thương nghiêm trọng. Tốt nhất cháu nên đình chỉ thai kỳ sớm”. “Thưa bác sĩ, việc não không phân chia có thể nào là do thai nhi quá bé không?”, chồng tôi hỏi. “Không, nếu phân chia thì nó đã phân chia từ đầu, thời điểm 12 tuần là lúc có thể nhìn thấy rõ”. “Thế nguyên nhân của việc này là do đâu ạ”, tôi hỏi tiếp. “Khó có thể tìm ra đúng nguyên nhân, tôi sẽ cho cháu chọc ối để nuôi cấy tế bào xem nó là do quá trình phân chia hay là từ di truyền”.
“Mọi quyết định là do hai cháu, nhưng nên đưa ra ý kiến sớm tốt cho cả mẹ, cả con…”, bác sĩ kết luận.
Buổi trưa hôm đó, chúng tôi ăn tại một quán nhỏ gần bệnh viện để buổi chiều làm thủ tục chọc nước ối và có thể nhập viện luôn để làm thủ tục. Lại tiếp tục những giây phút chờ đợi dài dằng dẵng trong bệnh viện vì vô vàn những thủ tục loằng ngoằng. Tôi và chồng ký cam kết chấp nhận rủi ro khi chọc ối, lấy mẫu đơn để chuyển qua trung tâm kế hoạch hóa gia đình ngay đối diện trung tâm chuẩn đoán trước sinh để có thể làm thủ thuật phá thai.
Mọi chuyện không hề đơn giản như chúng tôi tưởng tượng khi phải qua rất nhiều khâu, làm đủ các xét nghiệm, rồi lại ra về chờ tới lịch hẹn. Tới đây, vì không còn đủ kiên trì và quá mệt mỏi cho quãng thời gian 1 ngày tại bệnh viện, chúng tôi “cầu cứu” lại bác sĩ khám để nhờ anh giúp.
Nhưng kết cục, tôi vẫn phải ra về, chờ chọc ối, chờ xin chữ ký lãnh đạo bệnh viên về “đơn phá thai tình nguyện”. Khi chạy qua nộp đơn tại Trung tâm kế hoạch hóa gia đình, chân tôi đã run bủn rủn, rồi lại thở phào khi chưa phải nhập viện. Đưa tay xuống cái bụng hơi to to của mình, tôi chảy nước mắt, dù sao sinh linh bé bỏng vẫn còn một đêm ấm áp trọng bụng. Đêm đó, gió mùa Đông bắc tăng cường, trời mưa và rất lạnh…
Theo VNE
Con sẽ thôi trách hờn
Con đã biết vì sao mẹ lại dừng ngay ở ngã tư đó. Mẹ bảo con mua giùm người bán tăm dạo mấy bịch tăm tre. Con đang giận mẹ nên lầm lũi bước tới, đến khi ngẩng lên thì con giật thót cả người:
Bạn ấy chắc trạc tuổi con, cái khác là bạn khiếm thị. Bạn nhìn con bằng hai hốc mắt đen ngòm và lấy hàng cho con bằng cánh tay phải bị cụt tới khuỷu tay.
Con trả tiền, lầm lũi bước lên xe. Chỉ trong tích tắc, con đã nhận ra mình là kẻ quá ích kỷ; chỉ biết đòi cái này, muốn cái kia. Con chưa hề nghĩ mình đã làm gì để xứng đáng với tình yêu thương, sự chăm lo của ba mẹ. Mỗi sáng con thức dậy, quần áo đã có mẹ ủi sẵn, bữa điểm tâm đã được dọn lên, ăn xong là có ba đưa con đến trường. Con cần bất cứ thứ gì để phục vụ chuyện học hành, ba mẹ đều đáp ứng cho con.
Thế mà, con lại cho rằng mình là một đứa trẻ bất hạnh; thua sút bạn bè về mọi thứ: Con không được ở biệt thự như bạn Lan, nhà không có xe hơi như bạn Minh, ba không làm chủ tịch quận như bạn Thùy... Con đã quên mất một điều là các bạn ấy nhiều lúc đã rơi nước mắt khi nhìn con được ba mẹ đưa đón, họp phụ huynh, dắt đến nhà sách, vào siêu thị...
Và giờ đây, con lại biết thêm một điều nữa là có bạn bằng tuổi mình đã không được đến trường, không có cơm ngon, không được mặc đẹp mà phải vất vả mưu sinh chỉ với một bàn tay và đôi mắt mù lòa.
Mẹ ơi, con sẽ không đòi mua điện thoại đắt tiền, đồng hồ cao cấp, quần áo hàng hiệu. Con sẽ không bao giờ trách móc, hờn giận, nói những lời khiến ba phải buồn, mẹ phải khóc. Bởi con vừa nhận ra mình là một đứa trẻ hạnh phúc khi con đứng cạnh một mảnh đời bất hạnh... Cảm ơn mẹ đã cho con thấy mình thật nhỏ bé giữa cuộc đời này chứ không phải là "cái rốn của vũ trụ" như con hằng nghĩ...
Theo VNE
Còn ai nữa đâu mà về... Mỗi khi nhắm mắt, tôi lại thấy gương mặt hiền từ của mẹ, giọng nói ấm áp, bàn tay chai sần thô ráp của mẹ... Tất cả những thứ đó, khi mẹ còn, tôi thấy thật bình thường; chỉ khi mẹ mất đi rồi, nó mới trở thành hoài niệm làm buốt nhói trái tim. Bà xã hay nói tôi thật là lẩm...