Nhật ký chống dịch COVID-19 của bác sĩ Việt Nam: Cú sốc chiều giáp tết
‘Dù được báo động về nguy cơ dịch trước đó vài tuần nhưng khi trực tiếp đối mặt với hai bệnh nhân, tôi bất ngờ, lo lắng. Tôi không thể tin rằng từ Trung Quốc, loại virus này lại có thể nhanh chóng có tại TP.HCM’, bác sĩ Võ Hạnh nhớ lại.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam (nay đã khỏi bệnh) – Ảnh: D.PHAN
Dịch COVID-19 vẫn hoành hành, số ca nhiễm, người tử vong vẫn tăng lên. Phía sau những con số ấy là cuộc đua thầm lặng, dũng cảm của đội ngũ nhân viên y tế với hi vọng giành giật sự sống cho người bệnh…
Từ TP Vũ Hán (Trung Quốc), virus corona nhanh chóng xuất hiện tại Việt Nam. Từ hai ca đầu tiên ở TP.HCM, loại virus nguy hiểm này lần lượt có ở Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. 15 người mắc COVID-19 tại Việt Nam may mắn được chữa lành, nay chỉ còn 1 ca đang điều trị tại Vĩnh Phúc.
Khi bài viết này đến với bạn đọc, hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam chính thức được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị khỏi bệnh, về nước.
Những ngày đầu, đứng trước hai ca bệnh còn rất mới, nguy cơ lây nhiễm cao mà cả thế giới đang loay hoay tìm thuốc đặc trị, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm gì?
Kích hoạt khẩn cấp toàn bệnh viện
28 tết, ngày làm việc chính thức cuối cùng của năm 2019. Các nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy ai nấy đều háo hức bởi phía trước là một cái Tết Nguyên đán, mọi người được sum vầy bên gia đình.
Thế nhưng từ 16h30 mọi sự háo hức nhanh chóng đổi chiều. Khoa cấp cứu của bệnh viện bất ngờ tiếp nhận hai bệnh nhân người Trung Quốc, đeo khẩu trang đến xin được thăm khám. Họ là hai cha con, tên Li Ding (66 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi).
Cả hai đến bệnh viện đều có chung triệu chứng sốt lâu ngày không giảm, đau cơ, mệt mỏi. Đặc biệt có một chi tiết khiến cả ca trực giật mình là người cha đến từ Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đang là tâm điểm của vùng dịch tễ viêm phổi cấp.
Với các thông tin có được, bác sĩ Võ Hạnh, trưởng ca trực hôm ấy, có dự cảm rất xấu. “Có thể đây sẽ là hai ca bệnh nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam” – suy nghĩ thoáng qua đầu vị bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm.
“Dù được báo động về nguy cơ dịch trước đó vài tuần nhưng lúc ấy, khi trực tiếp đối mặt với hai bệnh nhân tôi hơi bất ngờ, lo lắng. Tôi không thể tin rằng từ Trung Quốc, loại virus này lại có thể nhanh chóng có tại TP.HCM, ở ngay khoa cấp cứu của bệnh viện” – bác sĩ Hạnh nói.
“Cách ly tuyệt đối, lập danh sách người tiếp xúc” là phương án được ban giám đốc bệnh viện đưa ra ngay lúc đó. Với người cha việc cách ly không mấy khó khăn, bởi ngoài các triệu chứng nghi ngờ, thể trạng lúc ấy của ông khá yếu. Không chỉ thế, ông còn mang trong mình rất nhiều loại bệnh có thể đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, u phổi phải đã phẫu thuật, bệnh mạch vành đã đặt stent.
Còn với người con Li Zichao, vốn sống ở Long An từ tháng 10-2019 và chưa từng đến khu vực dịch tễ là trường hợp khiến các bác sĩ đau đầu. Chàng trai trẻ này nghĩ mình không nhiễm bệnh, từ chối cách ly.
“Đã tiếp xúc là có nguy cơ, không thể không cách ly. Lúc chúng tôi yêu cầu cách ly, anh ấy không đồng ý và phải mất một thời gian phân tích yếu tố nguy cơ lây bệnh, cuối cùng anh ấy mới chịu. Nếu lúc ấy không có sự cảnh giác, cách ly từ đầu, có thể chính anh ấy là người có nguy cơ gieo rắc bệnh ra ngoài cộng đồng” – bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nhớ lại.
Và ngay trong chiều 28 tết, tình huống khẩn cấp được kích hoạt trong toàn bệnh viện.
Đại diện Bộ Y tế trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thành công ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam – Ảnh: D.P.
6 giờ hồi hộp…
Khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) chính là nơi được chọn để cách ly hai bệnh nhân. Thời điểm ấy số người bệnh khá đông, trên 60 người bệnh. Nếu không có sự điều chỉnh, rất khó “toàn tâm toàn ý” chăm sóc bệnh nhân, chưa kể nguy cơ lây nhiễm cao.
“Giải quyết sớm một số trường hợp nhẹ chuyển về tuyến dưới hoặc cho xuất viện, điều chuyển một số bệnh nhân nặng qua các khoa hồi sức trung tâm” – giải pháp tình thế được đưa ra ngay lúc đó.
Ngay trong đêm, bác sĩ Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới – cùng ca trực nhanh chóng thiết kế khu “cách ly đặc biệt” để kịp “đón” hai bệnh nhân vào lúc 23h cùng ngày. Và kể từ đó, dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng trong suy nghĩ của các bác sĩ “cuộc chiến” với virus corona đã chính thức bắt đầu.
“Với ca bệnh nghi ngờ như thế, các bác sĩ buộc phải xử lý như một ca bệnh thực sự. Đó là tiến hành lấy mẫu ngay, việc lấy mẫu càng sớm, có kết quả sớm giúp xác định chính xác bệnh lý để có hướng cách ly, điều trị thích hợp” – bác sĩ Lê Quốc Hùng nói.
Và sau 6 giờ gửi mẫu bệnh phẩm qua Viện Pasteur, ngành y tế cả nước nhận một cú sốc thực sự khi cả hai kết quả xét nghiệm hiện rõ: “dương tính với virus corona”.
Những người dũng cảm… “mất tết”
Và từ lúc này, cái tết sum vầy tạm gác qua một bên, bởi phía trước là cuộc chiến “không khoan nhượng” với virus corona.
32 năm mới có dịp họp mặt đông đủ anh em trong gia đình, kế hoạch về An Giang du xuân được chuẩn bị từ trước của bác sĩ Lê Quốc Hùng phút cuối bị “phá sản”. “Các anh chị tôi đều lớn tuổi, sinh sống ở nước ngoài mấy chục năm nay. Năm nay về nước họ có nguyện vọng đi tham quan các điểm ở địa đầu Tổ quốc, nhưng từ khi có hai ca bệnh dương tính coi như… mất tết” – bác sĩ Hùng chia sẻ.
Không chỉ “mất tết”, khi có dịch nhiều người sợ lây bệnh, nhưng riêng các bác sĩ trong khoa bệnh nhiệt đới, vốn là nơi “đầu sóng ngọn gió”, lại phải “nhào tới” thật gần để chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Đó là lúc họ phải đối diện với nguy cơ có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào.
“Những người được chọn tham gia chữa trị cho bệnh nhân lần này đều là bác sĩ, điều dưỡng giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm tác chiến ở các đợt chống dịch SARS, H5N1, H1N1 trước đó. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu nguy cơ lây nhiễm sẽ đến bất cứ lúc nào. Và phải nói thật chính họ là những người dũng cảm nhất” – bác sĩ Lê Quốc Hùng tâm sự.
Nghi ngờ “rất nghiệp vụ”
Chia sẻ về quá trình điều trị cho các bệnh nhân, PGS.TS Phan Trọng Lân – viện trưởng Viện Pasteur – cho rằng khi dịch đang còn ở đâu đó thì Bệnh viện Chợ Rẫy, đặc biệt là kíp trực, có các nghi ngờ “rất nghiệp vụ”.
“Về mặt lâm sàng anh Li Zichao chưa nhất thiết phải nhập viện nhưng khi nhận thấy các yếu tố nguy cơ, các bác sĩ lập tức vận động anh này ở lại bệnh viện điều trị. Và ngay trong đêm bệnh viện kết nối với Viện Pasteur làm xét nghiệm, ngày hôm sau có ngay kết quả xét nghiệm dương tính” – PGS Lân nói.
Một chi tiết khá thú vị được ông Lân chia sẻ là ngay thời điểm đánh giá dịch bệnh có thể tràn vào Việt Nam, Viện Pasteur gấp rút phối hợp với một công ty trong nước cho ra đời ngay một sinh phẩm ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Và chỉ sau hai ngày sinh phẩm chống dịch ra đời. Dĩ nhiên việc sản xuất ra sinh phẩm xuất phát từ nhu cầu thực tế cấp bách lúc bấy giờ, được chuyên gia kiểm soát chặt chẽ.
Nhiều khả năng khống chế được dịch
Nhận định về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, ông Phan Trọng Lân cho rằng với nhiều biện pháp mạnh của Chính phủ hiện nay sẽ ngăn chặn được sự lây lan của virus từ tâm điểm của dịch bệnh sang Việt Nam. Ở các nơi khác, các nước khác nếu tình hình dịch gia tăng, đặc biệt là các nước trong khu vực thì vẫn có khả năng xâm nhập vào Việt Nam.
TP.HCM đang phòng chống dịch bệnh này khá tốt. Mỗi trường hợp nghi ngờ ở TP.HCM đều được coi như một trường hợp mắc bệnh, có hướng xử lý triệt để nên TP.HCM nhiều khả năng sẽ khống chế được dịch. (T.Dương)
(còn tiếp)
Theo tuoitre.vn
Clip hai phụ nữ chửi đánh nhau vì giành mua khẩu trang ở quận 4, TP.HCM
Tâm lý sợ hãi nCoV và tình trạng khan hiếm khẩu trang khiến hai người phụ nữ đi mua mặt hàng này ở cửa hàng thuốc thuộc quận 4, TP.HCM có hành động phản cảm.
Kể từ khi dịch viêm phổi cấp bùng phát ở TP Vũ Hán, Trung Quốc và một số người Việt dương tính với nCoV (Covid-19), khẩu trang luôn cháy hàng nên hệ thống cửa hàng thuốc này chỉ bán tại chỗ không cho khách đặt mua online.
Giành mua khẩu trang tối 13.2 trước cửa hàng thuốc trên, hai phụ nữ chửi bới và lao vào đánh nhau. Một nam thanh niên vào can ngăn cũng bị vạ lây.
Chỉ khi công an xuất hiện thì mọi chuyện mới được giải quyết ổn thỏa.
Anh công anh xuất hiện xử lý vụ việc.
Trang bị đủ khẩu trang cho bản thân và gia đình là điều nên làm khi dịch nCoV bùng phát. Thế nhưng, Bộ Y Tế khuyến cáo người dân chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp sau đây:
1. Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCov.
2. Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi...
3. Khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí, có thể tạo cảm giác yên tâm "ảo", khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.
Theo motthegioi
Ước tính bom tấn: Đã có hơn 75.000 người nhiễm virus corona ở "ổ dịch" Vũ Hán? Tạp chí uy tín The Lancet hôm 31-1 công bố nghiên cứu cho thấy ước tính 75.815 người đã bị nhiễm virus corona ở TP Vũ Hán - Trung Quốc. The Lancet, một trong những tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới, cho biết kể từ ngày 25-1 tới nay, 75.815 người đã bị nhiễm bệnh ở TP Vũ Hán, trong...