Nhật hoàng đăng quang với nghi lễ truyền thống, hoãn lễ diễu hành
Nhật hoàng Naruhito sẵn sàng tuyên bố chính thức lên ngôi hôm nay (22/10) trong nghi lễ truyền thống có sự tham dự của khách mời từ hơn 180 quốc gia.
Khách mời bao gồm các nguyên thủ quốc gia và hoàng gia khác từ hơn 180 nước. Nhận lời mời của chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự buổi lễ này.
Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu Masako. (Ảnh: Bangkok Post)
Ông Naruhito, 59 tuổi và Hoàng hậu Masako, cựu nhà ngoại giao có học vấn ở Harvard, 55 tuổi, chính thức lên ngôi hồi tháng 5 trong một buổi lễ ngắn, truyền thống, nhưng buổi lễ hôm 22/10, mang tên Sokui no Rei, là một nghi thức phức tạp hơn trong đó ông tuyên bố chính thức địa vị với thế giới.
Naruhito là hoàng đế Nhật Bản đầu tiên được sinh ra sau Thế chiến thứ hai. Ông lên ngôi khi cha ông, ông Akihito, trở thành vị vua đầu tiên của Nhật Bản thoái vị sau hai thế kỷ với lo ngại rằng tuổi cao của ông có thể khiến việc thực thi nhiệm vụ trở nên khó khăn.
Không khí vui mừng chuẩn bị cho ngày lễ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi siêu bão Hagibis xé toạc Nhật Bản 10 ngày trước. Cơn bão khiến ít nhất 80 người thiệt mạng và Nhật phải hoãn cuộc diễu hành mừng lễ Đăng quang theo kế hoạch.
Ông Naruhito sẽ mặc áo choàng truyền thống và đội mũ đến buổi lễ, giống như cha ông làm gần ba thập kỷ trước. Nghi lễ bắt đầu lúc 13h địa phương (11h Việt Nam) tại Cung điện Hoàng gia, Matsu no ma, hay “Hội trường Thông”, không gian cao quý nhất trong cung điện nơi ông chính thức kế vị cha mình “với cảm giác trang trọng” về ngày 1/5.
Video đang HOT
Ông sẽ tuyên bố lên ngôi trên chiếc ghế – ngai vàng được trang trí công phu với tên gọi Takamikura – cao 6,5 mét, nặng khoảng 8 tấn – cùng thanh kiếm cổ và viên ngọc, hai trong số ba thứ được coi là Kho báu Thiêng liêng, được đặt bên cạnh.
Cùng với một chiếc gương có tên là Yata-no-Kagami, được lưu giữ tại đền thờ lớn Grand Ise, nơi linh thiêng nhất trong tôn giáo Nhật Bản Shinto, ba báu vật tượng trưng cho tính hợp pháp của Hoàng đế.
Hoàng hậu Masako cũng sẽ tham gia buổi lễ, mặc áo choàng truyền thống và ngồi trên ngai vàng Michodai bên cạnh
Nhật hoàng Akihito cam kết trong buổi lễ năm 1990 sẽ tuân theo hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và hoàn thành nghĩa vụ của mình như một biểu tượng của nhà nước và sự thống nhất của người dân. Ông Naruhito hứa sẽ đi theo con đường của cha mình trước khi đảm nhận vị trí này.
Bài phát biểu của ông Naruhito theo sau bởi bài phát biểu chúc mừng của Thủ tướng Shinzo Abe.
Bữa tiệc sẽ được tổ chức vào tối thứ Ba và Hoàng đế Naruhito và Hoàng hậu Masako sẽ tổ chức tiệc trà cho hoàng gia nước ngoài vào chiều thứ Tư.
Cuộc diễu hành kỷ niệm bị hoãn lại cho đến ngày 10/11 trong khi chính phủ đang tập trung đối phó với hậu quả của cơn bão.
(Nguồn: Reuters)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Nhật Bản bắt đầu đón khách tham dự lễ Đăng quang Nhật Hoàng Naruhito
Sau Lễ Đăng quang, dự kiến cuộc diễu hành sẽ diễn ra ngoài khu vực Hoàng Cung để dân chúng chúc mừng và chiêm ngưỡng tân Nhật hoàng.
Hơn 400 thượng khách là Nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao... của hơn 190 quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế dự kiến sẽ tới Nhật Bản để tham dự Lễ Đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito diễn ra vào ngày mai 22/10.
Hoàng Thái tử Anh Charles, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy... sẽ tham gia vào Lễ Đăng quang này.
Hoàng cung Nhật Bản.
Bắt đầu từ ngày hôm nay (21/10). Thủ tướng Abe Shinzo bắt đầu đón tiếp và gặp gỡ riêng với lãnh đạo các quốc gia, khu vực tham dự Lễ Đăng quang. Trong ngày hôm nay, Thủ tướng Abe sẽ hội đàm riêng với lãnh đạo hơn 10 quốc gia, khu vực trong đó có Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi, Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy, Quốc Vương Tây Ban Nha... Dự kiến cho đến ngày 25/10, Thủ tướng sẽ hội đàm, gặp riêng rẽ với 50 lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế trong đó có Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak- yeon.
Các quan khách được mời tham dự buổi Lễ sẽ chứng kiến Nhật Hoàng Naruhito tuyên bố chính thức kế vị tại Điện Matsuno Ma bên trong Hoàng cung. Tại đây, quan khách có thể chiêm ngưỡng ngai vàng và tân Nhật Hoàng trong bộ Hoàng bào chính thức của Nhật Bản.
Sau Lễ Đăng quang, dự kiến một cuộc diễu hành sẽ diễn ra ngoài khu vực Hoàng Cung nhằm để dân chúng chúc mừng và chiêm ngưỡng tân Nhật Hoàng. Tuy nhiên, do cơn bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản vừa qua đang gây thiệt hại lớn khiến cuộc sống người dân chưa ổn định, nên Nhật Hoàng đã quyết định hoãn lễ diễu hành này cho tới ngày 10/11.
Sau Lễ Đăng quang, Nhật hoàng Naruhito sẽ tham dự một số nghi thức Thần đạo khác có tên là Daijosai, dự kiến diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11. Daijosai là một nghi lễ mang tính bí mật nên chỉ có một số quan chức đặc biệt mới được xuất hiện.
Khoảng 500.000 tù nhân sẽ được ân xá trong ngày Nhật hoàng Naruhito đăng quang, ít hơn con số 2,5 triệu khi cha ông, Thượng hoàng Akihito kế vị năm 1990.
Hơn 16 tỉ yen đã được giải ngân cho các nghi lễ trong Lễ Đăng quang của Nhật hoàng. Khoảng 3,8 tỉ yen được dành riêng cho công tác an ninh, 5,1 tỉ cho công tác lễ tân ngoại giao.
Nhật Hoàng lên ngôi, đồng nghĩa với việc bắt đầu Niên hiệu mới Reiwa (Lệnh Hòa) cũng sẽ chính thức bắt đầu, đánh dấu sự phát triển của thời đại mới.
Niên hiệu Nhật Bản là kết quả của một hệ thống hóa thời kỳ lịch sử do chính Nhật Hoàng Kotoku thiết lập vào năm 645. Hệ thống niên hiệu của Nhật Bản chỉ từ sau năm 701 mới tuần tự phát triển mà không bị gián đoạn trong suốt mấy thế kỷ. Tại Nhật Bản hiện nay, năm có thể được đánh số bằng niên hiệu của Nhật Hoàng tại vị. Niên hiệu lâu dài nhất của Nhật Bản là Chiêu Hòa (64 năm) của Thiên hoàng Hirohito (1926-1989).
Đến nay, Nhật Bản đã có 250 niên hiệu khác nhau. Trong khoảng 200 năm trở lại đây, một triều đại cũng là toàn bộ thời gian trị vì của một Nhật Hoàng.
Theo BÙI HÙNG/VOV-TOKYO
'Họ giống thường dân' - nhà vua thổi làn gió mới vào hoàng gia Nhật Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako đã đem lại nhiều điều mới mẻ cho vương triều lâu đời nhất thế giới. Họ nói tiếng Anh với người nước ngoài, đùa với trẻ em và chơi với chó. Họ là cặp vợ chồng hoàng gia đầu tiên của Nhật Bản có bằng đại học, nói được nhiều ngoại ngữ và có nhiều năm...