Nhật, Hàn hành động đối phó máy bay quân sự Nga, Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng tổng cộng 4 máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã thực hiện chuyến bay chung trên vùng biển gần Nhật trong ngày 6.6.
Kyodo News hôm nay 7.6 dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật cho hay hai chiếc máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đã cùng với hai chiếc máy bay ném bom Tu-95 của Nga ở trên vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên và cùng nhau bay đến biển Hoa Đông.
Ảnh chụp ngày 6.6 cho thấy máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc trong chuyến bay chung với máy bay quân sự Nga. Ảnh Chụp màn hình Kyodo News
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nhật, các máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã tham gia cùng với hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc trên vùng biển nói trên.
Bộ Quốc phòng Nhật cho biết thêm Lực lượng Phòng vệ trên không của nước này đã điều động máy bay chiến đấu để đối phó 4 máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga.
Dù không phận của Nhật không bị xâm phạm, Bộ Quốc phòng Nhật đã chuyển những quan ngại sâu sắc của mình tới Trung Quốc và Nga thông qua các kênh ngoại giao, coi động thái này là một hành động phô trương vũ lực rõ ràng.
Ảnh chụp ngày 6.6 cho thấy máy bay ném bom Tu-95 của Nga trong chuyến bay chung với máy bay quân sự Trung Quốc. Ảnh Chụp màn hình Kyodo News
Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc ngày 6.6 khẳng định 4 máy bay quân sự của Trung Quốc và 4 máy bay của Nga cùng ngày đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) mà không được thông báo trước, buộc Không quân Hàn Quốc điều máy bay chiến đấu để đối phó, theo Hãng tin Yonhap.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc và Nga đối với các tuyên bố của Nhật và Hàn Quốc.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo nước này đã tiến hành một cuộc tuần tra chung trên không với Nga vào ngày 6.6 trên biển Hoa Đông và vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên, theo Reuters. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng cuộc tuần tra mới nằm trong kế hoạch hợp tác thường niên của quân đội hai nước.
Đây là cuộc tuần tra chung lần thứ 6 giữa quân đội Nga và Trung Quốc ở khu vực kể từ năm 2019. Trong cuộc tuần tra vào tháng 5.2022, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga đã đến gần không phận của Nhật khi Tokyo tổ chức hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ với các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ và Úc, khiến Nhật báo động, dù Trung Quốc khẳng định các chuyến bay không nhắm vào bên thứ ba, theo Reuters.
Một loạt máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ Đài Loan, vượt đường trung tuyến
27 máy bay quân sự của Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan vào ngày 3.8 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm hòn đảo.
Máy bay chiến đấu Su-30 của quân đội Trung Quốc. Ảnh CHỤP MÀN HÌNH EURASIAN TIMES
Reuters dẫn lại thông báo cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 3.8 cho biết 27 máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo này. Trong số đó, 22 máy bay đã vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết họ đã điều động máy bay chiến đấu để phát cảnh báo và triển khai các hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi máy bay Trung Quốc.
Trong số 29 máy bay vừa xâm nhập ADIZ Đài Loan có 16 máy bay chiến đấu Su-30, 6 máy bay chiến đấu J-11 và 5 máy bay chiến đấu J-16, theo tuyên bố của cơ quan phòng vệ Đài Loan.
Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết 22 máy bay quân sự Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến nhưng không đi quá xa. Thông thường, máy bay quân sự của hai bên đều không vượt qua ranh giới này.
Trung Quốc ra quyết định gì nhắm vào Đài Loan giữa chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi?
Việc một loạt máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập ADIZ Đài Loan là động thái mới nhất thể hiện thái độ phản đối của Bắc Kinh trước chuyến thăm Đài Loan do Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thực hiện. Chiều 3.8, bà Pelosi đã lên máy bay rời Đài Loan, kết thúc chuyến công du lịch sử với "cam kết vững chắc" về việc ủng hộ hòn đảo.
Ngay sau khi bà Pelosi đáp máy bay đến Đài Loan vào tối 2.8, Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành tập trận, trong đó có bắn đạn thật tại 6 khu vực quanh Đài Loan từ trưa 4-7.8. Trung Quốc còn triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và ngừng nhập khẩu một số nông sản từ Đài Loan.
Đài Loan ngày 3.8 cho biết một số cuộc tập trận quân sự theo kế hoạch của Trung Quốc trong tuần này sẽ diễn ra trong phạm vi lãnh thổ 12 hải lý trên biển và trên không của Đài Loan. Một quan chức Đài Loan đã nói hoạt động này "tương đương với một cuộc phong tỏa trên biển và trên không đối với Đài Loan".
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan ngày 3.8 cũng ra thông cáo chỉ trích rằng những hoạt động tập trận của Bắc Kinh xung quanh hòn đảo thể hiện "ý định hủy diệt hòa bình và ổn định trong khu vực", theo Reuters.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 3.8 khẳng định việc quân đội nước này tập trận quanh eo biển Đài Loan là "cần thiết và thỏa đáng".
"Quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận tại vùng biển gần Đài Loan của Trung Quốc là biện pháp cần thiết và thỏa đáng nhằm kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia", bà Hoa nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Nhật, Trung Quốc lần đầu sử dụng đường dây nóng quân sự mới Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc hôm nay 16.5 lần đầu tiên sử dụng đường dây nóng quân sự mới giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada đã có cuộc điện đàm kéo dài 20 phút với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc, theo AFP dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật. "[Bộ trưởng]...