Nhật hạ nhiệt với Triều Tiên để dồn sức đối phó Trung Quốc?
Thời gian gần đây, quan hệ Nhật – Triều Tiên đã có dấu hiệu lắng dịu rõ nét. Đây là điều tích cực trong hoàn cảnh Đông Bắc Á trước đó rất căng thẳng do Triều Tiên liên tục đe dọa thử hạt nhân. Thậm chí, ông Abe có thể sẽ thăm Triều Tiên trong thời gian tới và bàn việc nối lại bang giao.
Nhật đã chìa tay với Triều Tiên
Hạ nhiệt với Bình Nhưỡng
Hôm 1.6, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết phía Bình Nhưỡng đã chấp thuận đòi hỏi của Tokyo để cho một phái bộ điều tra Nhật Bản sang Triều Tiên, tìm hiểu về chuyện các công dân Nhật bị bắt cóc trong thời chiến tranh lạnh.
Video đang HOT
Chính quyền Bình Nhưỡng chấp nhận mở lại hồ sơ công dân Nhật bị bắt cóc, sau khi được Nhật cam kết sẽ nới lỏng một số biện pháp cấm vận cũng như thực hiện các chương trình viện trợ. Nhật Bản và Triều Tiên đã đạt được sự nhất trí quan trọng sau 3 ngày đàm phán tại Thụy Điển, đánh dấu một sự ràng buộc tích cực nhất giữa Bình Nhưỡng với thế giới bên ngoài trong thời gian dài. Thậm chí nó là tiền đề để 2 bên nối lại bang giao trong tương lai.
“Kết quả của các cuộc hội đàm Nhật Bản – Triều Tiên là phía Triều Tiên cam kết với phía Nhật rằng họ sẽ thực hiện một cuộc điều tra toàn diện và triệt để về các vụ bắt cóc cả được xác nhận lẫn còn tình nghi”, Thủ tướng Shinzo Abe nói với báo chí. “Để giữ lời hứa, nước này sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt phụ trách điều tra”.
Dồn sức đối phó Trung Quốc
Việc ông Abe – một người theo đường lối cứng rắn chấp nhận hạ nhiệt với Triều Tiên được đánh giá là nước cờ khôn ngoan. Chuyện Triều Tiên khiến giới chức Nhật và đồng minh rất đau đầu trong suốt thời gian qua, ảnh hưởng đến các chiến lược khác của họ. Nay Nhật muốn giải quyết dứt điểm để không chịu nhiều mối đe dọa từ Triều Tiên, để rảnh rang đối phó những vấn đề khác.
Không cần nói thì người ta cũng biết vấn đề chính mà Nhật lo lắng hiện giờ là sự hung hăng của Trung Quốc. Đây mới là mối lo sát sườn của ông Abe và nước Nhật. Các quan chức Nhật nhấn mạnh Tokyo liên lạc mật thiết với cả Washington và Seoul, một số chuyên gia cho rằng Nhật Bản sẽ hiệu chỉnh hành động của mình để tránh làm xáo trộn Mỹ.
“Tôi nghĩ ông Abe đã nhận thức ra rằng đối với ông, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, vấn đề thực sự là Trung Quốc (chứ không phải Triều Tiên). Và cái khó là làm thế nào để Mỹ tán thành vấn đề này”, ông Jun Okumura, học giả tại Viện Minh Trị chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu phân tích.
Ông Abe và Obama có lẽ đã hiểu rằng…
… kẻ nào đang gây bất ổn tại châu Á
Nhưng có vẻ Nhật đã thuyết phục được với Mỹ rằng vấn đề đáng lo ngại nhất với an ninh châu Á lúc này là Trung Quốc, chứ không phải Triều Tiên.
Trên thực tế, chính Trung Quốc đang gây sóng gió trong khu vực những ngày qua, khi đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đâm chìm thuyền ngư dân Việt Nam… Ngoài ra, Trung Quốc còn có hành động khiêu khích quanh khu vực quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát.
Chính Mỹ cũng thừa nhận Trung Quốc là người khiêu khích tại khu vực và trong bài phát biểu tại Shangri-La, bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đích thân chỉ trích Trung Quốc bằng những từ nặng nề. Có lẽ Mỹ cũng sớm nhận ra rằng đây là lúc phải tập trung lo đối phó với Trung Quốc thay vì “mất thời gian” về vấn đề Triều Tiên.
Theo Một Thế Giới