Nhặt được tài sản không trả có thể bị phạt tù đến 5 năm
Về trách nhiệm hình sự sẽ đặt ra khi bạn cố tình không trả lại tài sản và được xử lý theo quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Tôi nhặt được chiếc ví bên trong có 150 triệu đồng, iPhone cùng một số giấy tờ. Tôi muốn giữ lại số tiền trên để sử dụng thì có phạm pháp không? Công an có quyền cưỡng chế tôi phải trả lại số tiền trên không?
Nhặt được tài sản không trả có thể bị phạt tù đến 5 năm
Trả lời:
Trường hợp bạn nhặt được ví tiền trong đó có 150 triệu đồng, điện thoại iPhone, cùng một số giấy tờ của người khác đánh rơi thì bạn không được giữ lại để sử dụng. Lý do đó không phải là tài sản của bạn, và việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. Trong trường hợp bạn vẫn cố tình chiếm giữ, sử dụng trái quy định, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để xử lý số tài sản mà bạn nhặt được như trên, bạn cần thực hiện theo quy định như sau:
Về trách nhiệm dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 187 Bộ luật dân sự 2005 thì:
“1. Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Video đang HOT
Theo quy định vừa trích dẫn ở trên, về mặt nguyên tắc khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi, bỏ quên…, người nhặt được phải có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu hoặc phải thông báo, giao nộp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu không biết ai là chủ sở hữu.
Về trách nhiệm hình sự
Nếu người nhặt được tài sản cố tình giữ lại tài sản đã nhặt được có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Quy định cụ thể tại Điều 141 như sau:
“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, nếu nhặt được tài sản của người khác đánh rơi, bạn hãy thực hiện việc trả lại theo quy định của pháp luật dân sự, nếu không trả lại bạn có thể bị khởi tố theo quy định của pháp luật hình sự. Và cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế bạn phải trả lại tài sản cho người đánh rơi.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theodoisongphapluat.com
Theo_Giáo dục thời đại
Nữ CN nhặt vàng ở Cà Mau: Không có căn cứ để trả lại đơn kiện
Việc TAND TP. Cà Mau không thụ lý vụ án, mà trả lại đơn kiện cho bà Mai là trái với các quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành.
Vừa qua, TAND TP. Cà Mau có thông báo trả lại đơn kiện của bà Phạm Tuyết Mai (36 tuổi, ngụ xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), người nhặt được gần 5 lượng vàng khi phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau, với lý do, Trưởng Công an TP. Cà Mau ra thông báo trả lại toàn bộ số vàng nữ trang cho chủ sở hữu là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan công an, không phải quyết định hành chính hay hành vi hành chính. Vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.
Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP. HCM)
Hoạt động nghiệp vụ là hoạt động gì?
Trước hết, cần xác định rằng, theo quy định của pháp luật, trong vụ việc này, thẩm quyền xử lý tài sản của Công an TP. Cà Mau đối với 5 lượng vàng do bà Mai giao nộp, chỉ có thể được tiến hành theo hai thủ tục:
Một là, thủ tục tố tụng hình sự. Đây là trường hợp, sau khi tiếp nhận thông tin về việc trình báo mất tài sản của bà Ngân, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Trộm cắp tài sản".
Trong trường hợp này, nếu số vàng do bà Mai giao nộp, được xác định là tài sản của bà Ngân bị mất trộm trước đó, thì cơ quan công an có thể ra quyết định giao trả tài sản lại cho chủ sở hữu theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về xử lý vật chứng.
Việc giao trả tài sản trong trường hợp này, được tiến hành theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, nên không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Hai là, thủ tục hành chính. Đây là trường hợp cơ quan công an xử lý tài sản theo quy định tại các Điều 239 và 241 Bộ luật dân sự (BLDS). Theo đó, với tư cách là cơ quan tiếp nhận tài sản do người khác nhặt được và mang đến giao nộp (theo quy định tại các Điều 239, 241 BLDS), cơ quan công an có nhiệm vụ thông báo để tìm chủ sở hữu tài sản. Nếu quá thời hạn thông báo mà không có người đến nhận, thì căn cứ quy định tại các Điều 239, 241 BLDS, giao lại tài sản cho người tìm thấy, nhặt được để họ xác lập quyền sở hữu theo các điều luật nêu trên.
Trường hợp có sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa người nhặt được và người cho rằng mình là chủ sở hữu tài sản, thì cơ quan công an cũng không có thẩm quyền công nhận hoặc giao tài sản cho bất kỳ bên nào, mà cần chuyển hồ sơ vụ việc sang toà án để cơ quan này giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, không có bất kỳ một hoạt động nghiệp vụ nào liên quan đến việc xử lý tài sản trong trường hợp này.
Phải xem là hành vi hành chính
Bà Phạm Tuyết Mai
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì, hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Tại thời điểm bà Mai giao nộp tài sản nhặt được, cũng như cho đến thời điểm này, cơ quan Công an TP. Cà Mau không có bất kỳ một quyết định khởi tố vụ án hình sự nào theo nội dung trình báo mất vàng của bà Ngân. Hơn nữa, hiện nay bà Ngân cũng đã thừa nhận, số vàng trên là do bà bị thất lạc, chứ không phải bị mất trộm.
Như vậy, việc Công an TP. Cà Mau giao trả lại 5 lượng vàng cho bà Ngân, rõ ràng không thuộc trường hợp xử lý vật chứng, và cũng không phải là hành vi tố tụng trong vụ án hình sự nói chung, mà đây chính là hành vi hành chính, vì nó liên quan đến nhiệm vụ tiếp nhận và giao trả tài sản của cơ quan công an được quy định tại các Điều 239, 241 BLDS.
Việc TAND TP. Cà Mau cho rằng, Trưởng Công an TP. Cà Mau ra thông báo trả lại toàn bộ số vàng nữ trang cho chủ sở hữu, là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan công an, không phải quyết định hành chính hay hành vi hành chính, để từ đó không thụ lý vụ án, mà trả lại đơn kiện cho bà Mai là trái với các quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành.
Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM)
Theo_Người Đưa Tin
Từ ngày 1/7, sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị phạt tù Sa thải người lao động trái pháp luật có bị xử lý hình sự? Quy định mới khi sa thải lao động trái luật của Bộ luật hình sự 2015. Bộ luật lao động 2012 quy định như sau về hình thức xử lý kỷ luật sa thải: Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp...