Nhặt đứa trẻ hàng xóm về nuôi, 12 năm sau mẹ tôi nhận kết cục không ngờ
Nếu hôm qua không có chị Na kịp về nhà thì tôi sẽ ân hận chết mất…
“Mẹ nuôi thêm chị Na thì con có thấy buồn không?”
Tôi vẫn nhớ như in lúc mẹ hỏi câu đấy thì tôi mới 13 tuổi. Mặt Na đen thui vì ám khói, quần áo rách bươm sau khi chui qua rào thoát khỏi đám cháy định mệnh khiến cả nhà Na qua đời. Tôi chơi với Na từ bé, quý mến Na như chị ruột nên đồng ý ngay lập tức. Thế là tôi có thêm một người chị gái dù không phải cùng một mẹ sinh ra.
Vào mùa hè cách đây 12 năm, trời nóng như đổ lửa và chưa có điều hòa mát lạnh như bây giờ. Nhà chị Na nghèo nên phải ở trong cái lều mái xi măng nóng hầm hập. 4 người chung một cái quạt con cóc, nó cũ đến mức quay chậm rì, kêu kẽo kẹt ồn ào cả xóm đều nghe thấy. Mẹ tôi thương chị em Na nên hay gọi sang nhà tôi để ngủ. Tôi với Na rúc rích nằm kể chuyện cho nhau nghe, còn em trai Na thì ngáy khò khò bên cạnh.
Một hôm Na không sang ngủ cùng tôi, cái quạt con cóc quay mấy ngày không tắt nên chập điện rồi cháy. Đang lơ mơ thì tôi nghe thấy có tiếng hô hoán ầm ĩ, ngoài cổng nhà dồn dập bước chân chạy. Nhà Na cháy to như ngọn đuốc khổng lồ, bén sang cả cây xoài chỗ cổng nhà tôi. Bố mẹ và em trai Na ngủ say không chạy kịp. Chỉ có Na dậy đi vệ sinh nên chui rào sống sót.
Cả xóm góp tiền làm đám tang cho những thành viên xấu số trong gia đình Na. Chị mặc đồ xô trắng, quấn khăn tang quỳ giữa bãi tro tàn. 3 chiếc quan tài kê cạnh nhau trên cái nền nhà cũ đã cháy rụi. Tôi nhặt được trong đống đổ nát cái cù quay bằng gỗ, món đồ chơi mà em trai Na rất thích. Đưa cho Na thì chị nhẹ nhàng đặt lên quan tài của em trai. Ai cũng thắc mắc chuyện Na không khóc tí nào, nhưng tôi biết chị đã bấu tay vào đùi chặt đến tím đẫm. Chị già dặn hơn rất nhiều so với một cô bé tuổi 15, cố nén nỗi đau để không ai nhìn thấy.
Lúc dọn sang nhà tôi ở thì Na chẳng có đồ đạc gì. Đến đôi dép cũng mất trong vụ cháy. Mẹ tôi dắt chị đi mua quần áo mới, xin sách vở, mua cặp mua bút cho chị tiếp tục đi học. Na rất ngoan và biết ý. Có lẽ chị hiểu hoàn cảnh được nhận nuôi nên không bao giờ đòi hỏi gì, thậm chí làm gì chị cũng xin phép và hỏi ý kiến bố mẹ tôi.
2 chị em ở chung phòng với nhau, muốn mượn gì Na cũng đợi tôi gật đầu mới lấy. Đôi khi thấy phiền vì chị “lịch sự” quá, tôi phải nói Na rằng người chung một gia đình thì không cần câu nệ. Nhưng phải mất thời gian dài Na mới hòa nhập cùng nhà tôi. Dù sao thì chúng tôi cũng không phải máu mủ ruột thịt, tôi cảm giác trong lòng Na vẫn còn một bức tường ngăn cách.
Bố mẹ tôi thương Na như con gái. Vốn dĩ nhà có mỗi mình tôi cũng buồn, tự dưng có thêm một người chị xinh xắn tháo vát khiến tôi thích phát điên. Tôi đi khoe khắp nơi rằng mình có chị, kết cục lũ bạn là con một tỏ ra ghen tị lắm.
Na bảo bọc tôi y như ngày xưa chị chăm lo cho em trai ruột. Nhiều hôm đi học về đói bụng quá chẳng có gì ăn, Na rủ tôi đi hái hoa dâm bụt rồi 2 đứa ngồi nhấm nháp đợi mẹ. Việc nhà tôi không phải đụng tay vì có Na làm hết. Bố mẹ đi vắng tôi vẫn có cơm ngon do Na nấu, quần áo thơm tho đều do Na giặt. Tôi thèm kem nhưng không có tiền, Na lượm ve chai đổi lấy vài nghìn cho tôi ăn kem mút.
Đầy lần bố cho tôi ăn roi vì tội lười đùn đẩy việc cho chị Na, nhưng rồi chị lại đứng ra che chắn bênh vực giúp tôi thoát nạn. Bố mẹ đối xử với chúng tôi rất công bằng, đôi khi bị ăn đòn tôi còn mếu máo hỏi tại sao bố mẹ không phạt Na. Mẹ nghiêm túc nói cho tôi biết là vì Na ngoan không gây chuyện, trái ngược hẳn với cái đứa “giặc giời” quậy phá như tôi. Kể cả có biến xảy ra thì mẹ cũng biết thừa Na nhảy vào gánh tội thay em gái, nên tôi chẳng có quyền gì để ấm ức so bì với chị.
Video đang HOT
2 chị em tôi lớn lên bên nhau, bình yên và hạnh phúc. Tôi theo đuổi phong cách tomboy cá tính còn Na thì dịu dàng như một bông hoa vậy. Ngày xưa Na bảo vệ tôi, giờ thì đi đâu tôi cũng chở chị. Ai trêu chọc chị là tôi “xù lông” như con nhím. Thậm chí lũ bạn nhắc chuyện cũ gọi Na là trẻ mồ côi, tôi cũng xắn tay mắng cho chúng một trận. Với tôi đó là chị gái ruột, không phải là hàng xóm hay người xa lạ nào hết.
Na học rất giỏi nên chị giành được học bổng đi giao lưu 3 tháng bên Úc khi mới vào năm nhất đại học. Bố mẹ tôi mừng lắm, họ còn mất ngủ trước ngày con gái lớn đi xa. Mẹ tôi vừa xếp đồ vừa dặn dò chị Na đủ thứ. Ai không biết lại tưởng chị đi luôn không về.
Ra trường Na được tuyển thẳng vào một công ty lớn, lương tháng tính bằng đô. Cô bé nghèo đi nhặt ve chai năm nào giờ đã là phó phòng quản lý ở tuổi 27. Na xin phép bố mẹ tôi ra ở riêng vì muốn tự lập. Mẹ tôi đồng ý nhưng trong lòng thì rất bịn rịn, nhắc chị cuối tuần nào cũng phải về ăn cơm.
Na gửi biếu bố mẹ tôi mỗi tháng 10 triệu nhưng họ không nhận. Chị bật khóc xin họ cầm lấy vì công sức nuôi dưỡng hơn 10 năm qua với chị cao hơn trời bể. Na bảo chị cảm thấy may mắn và biết ơn khi gặp được người tốt như gia đình tôi, cưu mang chị qua những năm tháng khó khăn đau khổ. Thế nhưng mẹ tôi ôm lấy Na, nói rằng họ yêu thương chị như con ruột, không mong cầu chị báo đáp điều gì.
Cuối cùng vì Na tha thiết quá nên mẹ tôi đành nhận số tiền chị biếu. Mẹ đã âm thầm giữ lại món tiền đó, mãi đến gần đây tôi mới biết mẹ dùng nó để làm gì.
Tuần trước sinh nhật Na nên cả nhà tôi hẹn nhau đi ăn. Tôi tặng Na chiếc túi mới vì thấy chị xài cái cũ đến rách cả quai rồi. Cuối bữa ăn mẹ tôi đưa cho Na chiếc phong bì, bên trong có chùm chìa khóa nhỏ. Na òa khóc nức nở khi biết bố mẹ tặng chị chiếc ô tô con. Tuy là xe 4 chỗ bé xinh giá mấy trăm triệu thôi nhưng đó là tấm lòng của bố mẹ, mong cô con gái lớn đi làm đỡ vất vả. Một nửa tiền mua xe là mẹ tích cóp hộ Na bấy lâu, còn một nửa bố mẹ bỏ ra coi như quà.
Sau bữa sinh nhật Na thì mẹ tôi bị ốm. Bà cứ mệt mỏi lay lắt, kêu đau đầu ho húng như bị cảm. Hôm qua tôi sắp vali đi chơi, bố khuyên ở nhà chăm mẹ nhưng tôi tiếc vé xe với tiền đặt cọc resort nên ngồi đắn đo mãi. Mẹ liền bảo chắc cảm vặt do thay đổi thời tiết, không cần con gái phải lo lắng làm gì.
Mẹ nói vậy thì tôi cũng yên tâm đi. Không ngờ mới đến resort thì tôi nhận được điện thoại của bố báo tin mẹ đột quỵ! Tôi sợ hãi bắt xe quay về Hà Nội ngay. Gọi cho chị Na thì toàn không liên lạc được, tôi lại càng hoảng hốt thêm vì không biết có chuyện gì. Đen đủi làm sao cái xe khách đi nửa chừng thì hỏng máy, bắt taxi thì vợ anh tài xế đẻ nên lại bị thả giữa đường.
Tôi gọi điện khắp nơi cầu cứu nhưng điện thoại hết pin. Lúc ấy tôi ân hận vô cùng vì tật xấu lười sạc pin của mình. May mà bạn trai tôi gọi được chú họ qua đón, 5h chiều tôi mới có mặt ở bệnh viện.
Đến nơi thấy mẹ nằm im lìm trên giường. Bố và chị Na ngồi úp mặt vào tay ngoài hành lang, trông ai cũng phờ phạc. Bố bảo mẹ đã qua cơn nguy hiểm, bác sĩ nói đang phải theo dõi thêm. Nguyên do chắc dạo này mẹ không ngủ được. Bệnh tiền đình của mẹ vốn nặng rồi nhưng bà kêu đau đầu suốt nên nhà tôi chủ quan, không nghĩ sẽ có ngày lại thành đột quỵ.
Lúc mẹ ngã xuống thì bố đang đi chợ, may mà có chị Na về thăm. Chị phát hiện mẹ nằm trên đất nên gọi cấp cứu ngay lập tức. Sau khi sơ cứu xong thì mẹ được chuyển thẳng vào viện. Lúc nhìn thấy mẹ ngã thì Na hoảng đến nỗi đánh rơi cả điện thoại, nó vỡ tan một góc nên tôi mới không gọi được cho chị.
Bác sĩ bảo khi tỉnh dậy có thể mẹ sẽ bị di chứng. Nặng nhẹ như nào thì phải tỉnh mới biết được. Tôi nắm tay mẹ cầu nguyện suốt đêm, chỉ cần mẹ khỏe lại thì đánh đổi giá nào tôi cũng chấp nhận hết. Nhìn Na lặng lẽ lau tay chân cho mẹ mà tôi thấy tim mình đau nhói. Tất cả là do tôi ham chơi nên vô tâm với mẹ. Đáng lẽ tôi nên nghe lời bố, hủy chuyến đi và ở nhà với mẹ.
Nếu chị Na không về nhà kịp thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu mẹ không còn ở đây nữa, chắc tôi sẽ ân hận đến phát điên…
Bố tôi thất nghiệp bị cả dòng họ coi thường và cái kết hoành tráng sau 10 năm
Chứng kiến thái độ của họ hàng với gia đình mình, bố tôi quyết định dắt vợ con bỏ về ngay lập tức.
Đúng là khi giàu sang bao người quỵ lụy, lúc sa cơ thì lòng người lộ rõ vô cùng.
Hôm nay tôi chính thức được bố mẹ chấp thuận cho giữ quyền quản lý chuỗi cửa hàng kinh doanh hoa quả. Đó là tâm huyết suốt gần 10 năm của bố, sau những tháng ngày vất vả bị coi thường vì không có tiền.
Bố tôi từng là sếp của một cơ quan lớn. Ông tài năng, tháo vát, hiểu biết rộng lại cương trực nên được nhiều người quý mến. Hình như có lần bố được lên tivi nữa, lúc ấy tôi còn bé nhưng đã biết mang bố đi khoe khắp nơi. Bà nội bảo sau này lớn lên phải phấn đấu như bố, còn trẻ mà đã làm lãnh đạo nọ kia.
Suốt bao năm bố chính là tấm gương hoàn hảo đầy tự hào của tôi. Một người làm quan cả họ được nhờ, từ hàng xóm láng giềng đến bà con thân thích đều qua lại nhà tôi liên tục. Mọi người cứ khen tôi xinh ngoan, khen tôi học giỏi, khen mẹ tôi khéo léo rồi cho tôi đủ thứ quà cáp. Tôi thích lắm nhưng toàn bị bố mắng, ông không nhận đồ của ai và bắt tôi đem trả lại hết. Tôi hờn dỗi khóc lóc bố cũng kệ.
Sau này lớn lên tôi mới biết đó toàn là quà người ta biếu để nhờ vả bố. Họ hàng tới xin "chân nọ chân kia" trong cơ quan bố, người quen thì dấm dúi phong bì để nhờ xin việc, nhờ thăng chức. Bố tôi ngay thẳng nên ông luôn từ chối khéo, thậm chí có một thời gian bố tranh cãi kịch liệt với ông bà nội vì họ tự ý nhận món tiền lớn của người khác để ép bố tôi chạy việc hộ. Của biếu là của lo, đâu ai muốn rước cái phiền lo ấy vào người cơ chứ!
Mẹ tôi là người phụ nữ tâm lý nên bà luôn ủng hộ mọi lựa chọn của chồng. Biết bố tôi không thích mua quan bán chức nên mẹ cũng né tránh khi bị nhờ vả. Một lần về quê ngoại ăn giỗ, có ông chú họ hàng xa cứ lân la nói chuyện với mẹ tôi mong giúp con chú vừa ra trường có chỗ làm ở cơ quan nhà nước. Chú thì thầm bảo sẽ tặng bố tôi miếng đất ở quê, nhưng mẹ tôi nhanh chóng lắc đầu.
Ngay sau đó ông chú liền trở mặt, mắng mẹ tôi là giàu nên khinh người, cậy có tí tiền nên kênh kiệu. Bà ngoại cũng đế thêm vài câu ý bảo nhà có người làm quan thì cũng nên để cả họ nương nhờ. Mẹ tôi tức giận bảo dù chồng có làm to thì cũng không đồng ý chuyện khuất tất. Nếu người nhà giỏi giang thì tự khắc sẽ giàu, cần gì phải dựa dẫm rồi ép bố tôi phải có trách nhiệm giúp họ mua ghế nọ ghế kia.
Mọi người liền xúm vào mắng mẹ tôi vô ơn. Lúc ấy tôi còn bé nhưng nghe người lớn cãi nhau cũng hiểu chuyện ít nhiều. Tôi đứng ra bênh mẹ không cho ai to tiếng. Từ ấy bên ngoại tỏ ra lạnh nhạt với gia đình tôi, thông báo sau này có chuyện gì thì đừng nhờ họ giúp đỡ.
Rồi đùng cái bố tôi gặp tai nạn. Tình trạng khi ấy rất bi đát, lúc cả nhà tôi chạy tới bệnh viện thì bác sĩ nói chậm trễ chỉ vài phút thôi là không cứu được nữa. Mẹ con tôi khóc như mưa, cầu mong bố nhanh chóng khỏe lại.
Nằm viện 2 tháng ra thì bố tôi bị giáng chức. Công việc nhiều nên cơ quan đã sắp xếp người thay thế ông luôn. Di chứng tai nạn khiến bố bị tật ở chân nên cũng khó đi lại, không thể công tác thường xuyên như trước nữa.
Ông bà nội biết tin xong cứ ngồi trách mắng cơ quan gì mà vô lý, con trai ông bà đang làm sếp tương lai rộng mở, chỉ vì gặp tai nạn mà mất chức. Bố tôi im lặng không nói gì, sau lại bị ông bà mắng là không có chí tiến thủ, không biết đấu tranh giành lại vị trí cho mình. Lúc ấy bố 40 tuổi rồi, không còn trẻ nhưng cũng chưa già. Bố chưa phàn nàn gì mà ai cũng nói ra nói vào chê bố vô tích sự.
Một thời gian sau đó bố xin về hưu sớm, coi như nghỉ việc hẳn. Mẹ con tôi biết do sức khoẻ bố bị ảnh hưởng sau tai nạn, bản thân bố cũng muốn nghỉ ngơi sau thời gian dài cống hiến. Tuy nhiên người khác lại suy diễn là bố bị chèn ép, rồi năng lực kém nên phải "về vườn", rồi xì xào thêu dệt đủ thứ vô lý như qua lại bất chính với kế toán, nhận hối lộ...
Tuy nhiên người ngoài nói bố đều không quan tâm. Đáng sợ nhất là thái độ của người trong nhà. Bố tôi vừa thông báo nghỉ việc thì ông bà nội đã nhảy vào chì chiết. Bà mắng bố là "40 tuổi đầu còn ngu ngốc" cùng với vô số lời lẽ nặng nề khác. Song tôi nhớ nhất đoạn bà nhắc đến tiền nong và thể diện, lo con trai nghỉ việc thì không còn ai đến biếu xén quà cáp nữa. Thấy nực cười nhưng tôi không cười nổi, chỉ thấy thương bố mình vô cùng.
Bố tôi trầm cảm mất một thời gian dài. Nhìn bố tập tễnh đi quanh sân, ngày nào cũng mất ngủ vì suy nghĩ đủ điều mà mẹ con tôi chỉ biết ứa nước mắt. Một hôm bố bất ngờ thông báo giữa bữa cơm rằng sẽ mở cửa hàng buôn hoa quả, ông bà nội bĩu môi nói đừng có mở miệng vay xu nào. Bố mẹ tôi chẳng ý kiến gì thêm, lặng lẽ rút một khoản tiết kiệm ra để chuẩn bị buôn bán.
Bố chọn thuê mặt bằng ở trên phố khá xa nhà. Công việc có vẻ vất vả, mẹ nói bố phải bê vác liên tục hàng tạ bao tải trái cây mỗi sáng. Được một tuần tôi đã nhận ra tay chân bố đầy vết sứt sẹo thâm tím. Chắc là bê vác va quệt nhiều, rồi dao kéo cắt hoa quả vô tình cắt trượt nữa. Mẹ thì da đen sạm hẳn đi, sụt cân trông gầy hẳn.
Họ hàng làng xóm dò la được tin lại bắt đầu mang bố mẹ tôi ra làm chủ đề bàn tán. Mỗi lần đi ra ngoài tôi đều nghe thấy những lời lẽ chẳng có gì hay ho. Kiểu như "Ông Bình sa cơ lỡ vận đi bán hoa quả chả ai mua", "Năm trước làm sếp năm nay đặc cách về làm cu li", "Tưởng ông Bình giàu sang thế nào chứ giờ cũng ngồi bán hoa quả như ai"...
Chẳng biết hạ thấp người khác có làm họ cao lên tí nào không, chứ tôi vẫn nhớ bao năm qua các cô hàng xóm cứ thấy bố tôi là xoắn xuýt lên chào. Chồng của các cô sang nhà rủ bố tôi uống rượu thì toàn bảo phải đặt tên con giống tên chú Bình để sau này phú quý. Đúng là thói đời hài hước!
Riêng họ hàng nhà tôi thì quá quắt hơn. Ngày giỗ cụ nội, bố tôi lái xe đưa cả nhà về quê, chưa kịp ngồi xuống mâm đã bị cô dì chú bác mỉa mai chuyện 40 tuổi còn thất nghiệp. Có người độc miệng còn hỏi kháy rằng bố tôi làm việc gì xấu nên bị đuổi việc đúng không. Bố chẳng đáp lại nửa câu liền đưa vợ con quay trở về thành phố. Khi giàu sang thì bao người luồn cúi, đến khi thôi việc thì thấu tỏ lòng người.
Ngoài giờ đi học, tôi toàn chạy qua cửa hàng phụ giúp bố mẹ. Sạp đằng trước bán trái cây, bên trong nhà làm quán giải khát nhỏ chuyên nước ép. Bố tôi tính toán giỏi, lại biết "bắt trend" nên cứ món gì liên quan hoa quả sắp hot là bố tiên phong bán trước. Cửa hàng gần trường học nên khách đông nghịt, mãi sau này tôi mới biết sự tính toán kinh doanh của bố thật đáng nể phục.
Gần 10 năm cố gắng chăm chỉ, bây giờ bố mẹ tôi đã có trong tay chuỗi cửa hàng bán hoa quả ở quanh thành phố. Gia đình tôi cũng dọn ra căn chung cư khác mua bằng tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ. Ông bà nội vẫn ở lại nhà cũ. Bố tôi nói toàn bộ tiền ngày trước đi làm đều bị bà lấy cả rồi nên chẳng có lý gì để tiếp tục nghe những lời chì chiết gây tổn thương nữa. Ngoại trừ những người vẫn đối xử tốt với bố tôi sau khi ông thất nghiệp, còn lại người quen cũ đều xấu hổ không dám hỏi han.
Chân bố vẫn tập tễnh nhưng nụ cười vui vẻ thì nhiều hơn hẳn ngày xưa. Bố kể lương hồi đi làm cũng không cao như mọi người nghĩ. Bà nội lúc nào cũng đòi lấy một nửa, còn lại mẹ tôi phải co kéo để vừa đi chợ cơm nước vừa lo toan cho tôi đi học. Hóa ra, bố mẹ có nhiều nỗi khổ tâm mà tôi chẳng hay biết. Họ đã chịu đựng quá nhiều để có cuộc sống viên mãn như hôm nay.
Cửa hàng kinh doanh ổn định nên bố mẹ tôi dắt nhau đi du lịch suốt. Ngắm ảnh bố đăng trên mạng xã hội, nhiều người bình luận tỏ ý ghen tị vô cùng. Thậm chí có vài người họ hàng mặt dày không tả nổi, chục năm trước trong đám giỗ cũng góp phần mỉa mai bố tôi mà bây giờ lại tiếp tục nhắn tin xin cho con của họ tới làm quản lý cửa hàng!
Bố dạy tôi nếu trong cuộc đời có lúc ngã xuống thì phải nhớ những ai đã giơ tay giúp đỡ mình. Ai quay lưng thì mặc kệ họ, chẳng cần phải thù hận hay căm tức làm gì. Cuộc sống vốn dĩ công bằng lắm, nếu chúng ta tử tế thì thứ mất đi sẽ được nhận lại gấp nhiều lần.
Hạnh phúc cưới được vợ 2 thảo hiền, vô tình thấy nhật ký con trai, tôi rơi nước mắt viết đơn ly hôn Đọc những dòng nhật ký con viết, tôi bàng hoàng vì không ngờ vợ lại là người như thế. Hôm qua cuối cùng tôi đã quyết định ly hôn với vợ. Nghe tôi đề nghị ly hôn, vợ tôi sốc lắm, liên tục hỏi tại sao đang yên đang lành lại đòi ly hôn. Thành thật mà nói, vợ chồng tôi đều là...