Nhật điều tra vụ nhà báo bị bắt cóc ở Syria
Nhật Bản hôm qua cho biết đang điều tra các thông tin nghi vấn về việc một nhà báo nước này bị một nhóm vũ trang bắt làm con tin ở Syria.
IS hồi tháng một tung video hành quyết phóng viên chiến trường Kenji Goto (trái) và nhà thầu tự do Haruna Yukawa. Ảnh: IBTimes
Jumpei Yasuda, nhà báo tự do, được cho là bị bắt cóc hồi tháng 7 khi anh này đang vượt qua biên giới để vào Syria, AFP dẫn thông tin từ tổ chức Phóng viên không Biên giới, đồng thời thêm rằng Yasuda hiện vẫn nằm trong tay một nhóm vũ trang.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối xác nhận trực tiếp thông tin trên nhưng cho hay chính phủ phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho các công dân ở nước ngoài.
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức và tận dụng tối đa các mạng lưới tình báo”, ông nói.
Video đang HOT
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi đầu tháng thành lập một đơn vị mới có nhiệm vụ thu thập và phân tích thông tin về chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, tập trung vào 4 khu vực, trong đó có vùng Trung Đông.
Phóng viên không Biên giới hôm 22/12 cho hay nhóm vũ trang trên đã bắt đầu đếm ngược để đòi tiền chuộc. Nếu không được đáp ứng, nhóm này đe dọa sẽ hành quyết Yasuda hoặc bán anh cho một tổ chức khủng bố.
Yasuda từng thường xuyên đăng tải các dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter, bày tỏ nỗi thất vọng trước việc nhiều nhà báo giờ đây cố tình tránh xa khu vực chiến sự Syria. Tuy nhiên, bình luận đột ngột ngừng lại từ ngày 21/7.
Trong bài đăng cuối cùng, Yasuda nói anh “sẽ đưa tin những gì đang xảy ra thông qua blog và Twitter mà không tiết lộ vị trí của mình”. Yasuda cũng thêm rằng có những thế lực chưa xác định được đang gia tăng “can thiệp” vào việc đưa tin của anh đến mức anh có thể sẽ không thể tiếp tục công việc.
Hồi tháng một, Nhà nước Hồi giáo (IS) tung ra đoạn video hành quyết chặt đầu phóng viên chiến trường Kenji Goto của Nhật Bản, một tuần sau khi tổ chức này tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra cái chết cho người bạn của anh là nhà thầu tư nhân Haruna Yukawa.
Trong thời gian IS chuẩn bị hành quyết các nạn nhân, chính quyền Nhật Bản gặp không ít khó khăn trong việc liên lạc với các tay súng, chủ yếu chỉ dựa vào những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay lãnh đạo tôn giáo địa phương.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nan giải nhà báo Nhật bị khủng bố bắt cóc đòi tiền chuộc
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thu thập thông tin về nhà báo Nhật Jumpei Yasuda, người bị bắt làm con tin trên phần lãnh thổ Syria do các chiến binh Al-Nusra kiểm soát.
Nhà báo Nhật Bản bị bắt cóc ở Syria, Jumpei Yasuda - Ảnh: Japan Times
"Tôi đã được thông báo về trường hợp này. Tôi xin chưa đưa ra những bình luận chi tiết, tuy nhiên với chính phủ Nhật Bản, việc bảo đảm an toàn cho công dân nước mình là một trách nhiệm quan trọng, cần được hết sức nỗ lực thực hiện bằng nhiều biện pháp, kể cả việc sử dụng các nguồn thông tin khác nhau", Đài truyền hình NHK ngày 24.12 dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida.
Ngoại trưởng Kishida cũng từ chối bình luận ý kiến của các nhà báo về việc nhà chức trách Nhật Bản chủ trương như thế nào trước yêu cầu chuộc các nhà báo Nhật bị bắt cóc.
Đầu tuần này, tổ chức Phóng viên không biên giới đã thông báo trên trang thông tin điện của mình về việc nhà báo Jumpei Yasuda người Nhật bị bắt cóc hồi tháng 7.2015 trên phần lãnh thổ Syria do nhóm khủng bố Al-Nusra kiểm soát. Thông báo nhấn mạnh rằng những kẻ giam giữ Yasuda đang đếm ngược thời gian cho đến khi nhận được một khoản tiền chuộc cho nhà báo này và dọa nếu không nhận được tiền thì sẽ giết hoặc bán Yasuda cho các nhóm khủng bố khác.
Theo tổ chức Phóng viên không biên giới, Jumpei Yasuda đến Syria vào đầu tháng 7.2015 trong tư cách nhà báo tự do để thu thập tư liệu về vụ nhà báo Nhật Bản Kenji Goto bị IS hành hình. Được biết, nhà báo Kenji Goto và doanh nhân Nhật Bản Harun Yukawa bị IS hành quyết hồi tháng Giêng năm nay.
Lúc đó, IS tuyên bố rằng chúng thủ tiêu hai công dân Nhật là vì chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ tài chính cho các nước tham gia đánh IS. Trong đoạn video đăng tải trên internet, trước khi hành quyết Kenji Goto, IS cho biết chúng sẽ săn lùng người Nhật ở bất cứ nơi nào mà họ hiện diện. Sau đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khuyến cáo công dân nước mình không nên đi tới Syria.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
Tận mục con tàu "chết chóc" nhất mà Nga cử tới Syria Tuần dương hạm Moskva là con tàu mạnh thứ hai của Hải quân Nga hiện nay và nó đang được triển khai ở Syria. Các nhà báo nước ngoài đã được lên tham quan một trong những con tàu mạnh nhất, đáng sợ nhất của Hải quân Nga là tuần dương hạm Moskva, kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen. Con tàu này...