Nhật cung cấp tàu cho Philippines để bảo vệ biển
Nhật Bản sẽ cung cấp những chiếc tàu tuần tra hiện đại cho Philippines để nước này tăng cường sức mạnh khi đối mặt với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng lãnh hải trong khu vực.
(Ảnh minh hoạ)
Trong cuộc gặp gỡ ở thủ đô Tokyo ngày hôm qua (22/5), Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Philippines đã nhất trí sẽ hợp tác với nhau trong việc củng cố và tăng cường năng lực cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines.
Theo lời ông Kishidam, Nhật Bản sẽ sắp xếp để sớm chuyển giao các tàu tuần tra hiện đại cho phía Philippines. Dự án này sẽ được tài trợ bởi nguồn viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản. Đây là trường hợp đầu tiên nằm trong thoả thuận đạt được giữa Mỹ và Nhật Bản hồi tháng 4 năm ngoái.
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ, Nhật đã nhất trí với nhau rằng, những khoản viện trợ nước ngoài của Nhật Bản sẽ được sử dụng để cung cấp tàu tuần tra cho các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đang tìm cách chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Video đang HOT
Cả Philippines và Nhật Bản trong thời gian vừa qua đều có những cuộc đối đầu quyết liệt và căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp trên biển. Philippines đã rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với nước láng giềng to lớn Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong khi đó, Tokyo và Bắc Kinh “chạm trán” căng thẳng vì cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Philippines đã yêu cầu Nhật Bản cung cấp cho họ những chiếc tàu tuần tra hiện đại. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe mới đây đã cử đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đến Philippines để bàn về chuyện cung cấp tàu tuần tra.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đưa tàu tuần tra ra khỏi danh sách cấm xuất khẩu vũ khí mà nước này tự đặt ra cho mình.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong đó có nhiều vùng lãnh hải nằm sát bờ biển của Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên “tung” ra các hành động hiếu chiến và hung hăng với Philippines và Việt Nam nhằm xác lập chủ quyền một cách phi pháp.
Philippines tố cáo, từ năm ngoái, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough của họ. Đây là nơi cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230km trong khi cách khu vực gần nhất của đại lục Trung Quốc là 1.200km.
Trước diễn biến trên, Philippines đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự để có thể sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Mới đây, hôm 21/5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino từng tuyên bố sẽ đầu tư 1,8 tỉ USD để mua vũ khí, bổ sung nguồn lực cho các lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ lãnh hải trước “những kẻ bắt nạt”.
Theo vietbao
Mỹ dành hơn 53 tỷ USD cho viện trợ nước ngoài
53,3 tỷ USD là khoản ngân sách mà hai viện Quốc hội Mỹ đã nhất trí dành cho viện trợ nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong năm tài chính 2012.
Ngân sách này đã giảm 2,4 tỷ USD so với đề nghị của chính quyền Barak Obama, trong đó giảm mạnh đóng góp của Mỹ cho Liên hợp quốc và hoạt động gìn giữ hòa bình của thể chế đa phương lớn nhất toàn cầu này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ngày 19/12, Chủ tịch Tổ chức các công dân vì các giải pháp toàn cầu (CGS) - tổ chức ủng hộ Liên hợp quốc, ông Don Kraus cho rằng, trong bối cảnh sức ép mạnh mẽ tại Hạ viện đòi cắt giảm ngân sách, đặc biệt là ngân sách đóng góp cho Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, ngân sách viện trợ quốc tế 53,3 tỷ USD cho năm tài chính 2012 đã cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích ở Liên hợp quốc.
Trong khoản ngân sách trên có 11,2 tỷ USD chi cho các hoạt động phi quân sự đột xuất ở nước ngoài (OCO). Phần đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giảm 130 triệu USD, ảnh hưởng không nhỏ tới các kế hoạch gìn giữ và kiến tạo hòa bình của tổ chức này.
Mặc dù chính quyền Mỹ đề nghị tăng 300% ngân sách năm 2012 đóng góp cho các cơ quan đa phương liên quan đến biến đổi khí hậu và sự nóng lên của Trái Đất so với năm 2011, nhưng Quốc hội vẫn giữ nguyên mức đóng góp như năm 2011.
Cũng như vậy, Nhà Trắng đề nghị đóng góp 144 triệu USD cho Cơ quan Tiện nghi môi trường toàn cầu và 190 triệu USD cho Quỹ Khí hậu chiến lược của Liên hợp quốc, nhưng Quốc hội chỉ phê chuẩn mức đóng góp trong năm tài chính 2012 lần lượt là 90 triệu USD và 50 triệu USD.
Ngân sách đóng góp của Mỹ cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc và cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine trong năm tài chính 2012 cũng giảm mạnh.
Đặc biệt, Quốc hội Mỹ cắt giảm 80 triệu USD đóng góp cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), chiếm 22% toàn bộ ngân sách năm 2011 của tổ chức này.
Hầu hết các đề nghị của chính quyền Mỹ về viện trợ song phương năm 2012 cho các đối tác chủ chốt như Ai Cập (1,3 tỷ USD viện trợ quân sự và 250 triệu USD viện trợ kinh tế), Pakistan và chính quyền Palestine với hàng trăm triệu USD đều được giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ so với mức năm tài chính 2011. Tuy nhiên, chúng được gắn với các điều kiện chặt chẽ hơn và dành cho Ngoại trưởng Hillary Clinton quyền phủ quyết./.
Theo TTXVN