Nhật có thể trợ giúp các tàu Mỹ nếu bị tấn công
Chính sách mới của Nhật về hành động quân sự có thể cho phép các lực lượng nước này trợ giúp tàu hải quân Nhật trong trường hợp bị tấn công, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản ngày 11/7 cho biết.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật gặp nhau tại Washington ngày 11/7.
Trong chuyến thăm Washington, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera đã đưa ra các viễn cảnh giả định khi ông tìm cách giải thích quyết định gây tranh cãi mới đây của chính phủ nhằm nới lỏng các hạn chế kéo dài nhiều thập niên đối với quân đội nước này.
Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), một tổ chức cố vấn tại Washington ngày 11/7, ông Onodera nói rằng nếu các tàu chiến của Mỹ được điều tới để bảo vệ Nhật và nếu các tàu này bị tấn công, “hiến pháp Nhật từng được diễn giải rằng chúng tôi không thể trợ giúp tàu đó”.
Nhưng hành động để trợ giúp một đồng minh là “điều mà một đồng minh thường làm. Và đó là ví dụ về sự thay đổi chính sách an ninh”.
Ông Onodera cho hay sự thay đổi chính sách, vốn được nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phê chuẩn hôm 1/7, sẽ đẩy mạnh liên minh của Tokyo với Mỹ, mở đường cho các dạng hợp tác quân sự mới.
“Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ”, Bộ trưởng quốc phòng Nhật nhấn mạnh.
Video đang HOT
Quyết định của Tokyo nhằm thay đổi chính sách an ninh đã gây giận dữ ở trong nước cũng như đối với một số láng giềng, khi Trung Quốc bày tỏ lo ngại.
Sự thay đổi mang tính bước ngoặt trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản vì quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Nhưng Mỹ đã ủng hộ sự thay đổi đó, và trong một cuộc họp báo chung trước đó với ông Onodera tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã hoan nghênh động thái của Tokyo.
“Quyết định quan trọng, mang tính lịch sử và bước ngoặt này sẽ cho phép Nhật Bản tích cực đóng góp cho an ninh khu vực và toàn cầu và mở rộng vai trò trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Chuck Hagel nói.
Đẩy mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa
Washington từ lâu đã ủng hộ Nhật Bản thay đổi chính sách an ninh nhằm cho phép Tokyo chia sẻ nhiều trọng trách hơn trong mối quan hệ quốc phòng không cân xứng giữa hai nước.
Ông Onodera đã tìm cách bác bỏ các chỉ trích về sự thay đổi chính sách của Tokyo, nói rằng điều đó sẽ cho phép Nhật bảo vệ tốt hơn các công dân của mình và chống lại các đối thủ tiềm tàng.
Bộ trưởng Onodera cũng cho biết Nhật sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong nhiều năm qua và đang đẩy mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cỡ thế giới, thiết lập các lực lượng đổ bộ và tăng cường các lực lượng hàng hải để bảo vệ các đảo.
Sự gia tăng về chi tiêu quốc phòng được xem là một nỗ lực nhằm chống lại sức mạnh quân sự và thái độ hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ.
Ông Onodera cho hay Nhật luôn để ngỏ đối thoại với Trung Quốc nhưng nếu đối mặt với các hành động đơn phương, “chúng tôi phải đáp trả kiên quyết”.
An Bình
Theo Dantri/AFP, Kyodo
Bộ trưởng quốc phòng Úc thăm tàu ngầm tàng hình Nhật
Bộ trưởng quốc phòng Úc David Johnston sẽ lên thăm một tàu ngầm tàng hình của Nhật khi ông tới Tokyo vào tuần tới, Bộ trưởng quốc phòng Nhật hôm nay 6/6 cho biết, trước các cuộc hội đàm vốn có thể dẫn tới một thỏa thuận về hợp tác phát triển vũ khí.
Bộ trưởng quốc phòng Úc David Johnston (trái) và người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera trong cuộc gặp hồi tháng 4.
"Chúng tôi định mời Bộ trưởng Johston xem các thiết bị quân sự khác nhau, trong đó có các tàu ngầm", Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cho biết trong một cuộc họp báo. Chúng tôi muốn xây dựng một mối quan hệ hợp tác hơn với Úc".
Một phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nhật cho hay ông Johnston sẽ là bộ trưởng quốc phòng nước ngoài đầu tiên được "mục sở thị" tàu ngầm tàng hình của Nhật.
Ông Johnston và người đồng cấp Onodera sẽ thảo luận sự hợp tác trong cuộc gặp vào ngày 11/6 tới, vốn cũng có sự tham gia của ngoại trưởng hai nước.
Các cuộc hội đàm có thể đi đến một thỏa thuận tương tự một thỏa thuận đạt được giữa Anh và Nhật hồi năm ngoái nhằm tạo khung pháp lý cho sự hợp tác chặt chẽ hơn về phòng thủ và an ninh, giới chức Nhật tiết lộ.
Một khung pháp lý như vậy có thể mở đường cho một thỏa thuận để Nhật Bản cung cấp công nghệ và các thiết kế tàu ngầm cho Úc.
Các cuộc hội đàm diễn ra sau những động thái của chính thủ Nhật hồi tháng 4 nhằm nới lỏng các hạn chế kéo dài nhiều thập niên về xuất khẩu vũ khí. Điều này đã hối thúc giới chức tại Nhật và Úc đẩy nhanh các cuộc thảo luận.
Một thỏa thuận giữa hai nước có thể cho phép Úc tiếp cận công nghệ của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki nhằm giúp chế tạo một hạm đội tàu ngầm trị giá 37 tỷ USD để mở rộng khả năng của hải quân Úc ra Ấn Độ Dương.
Đổi lại, Tokyo sẽ có được mối quan hệ an ninh thân thiết hơn với Úc trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tìm kiếm các mối liên hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia châu Á để chống lại sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.
Theo Dantri
Trung Quốc lo quan hệ Mỹ-Nhật mạnh lên sau Đối thoại Shangri-La Trung Quốc đã phản ứng giận dữ đối với các bình luận của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La 13, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại về mối quan hệ mạnh lên giữa Mỹ và Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) gặp Bộ trưởng quốc phòng Mỹ...