Nhật cảm ơn Việt Nam hỗ trợ máy bay P-3C mắc kẹt
Bộ Quốc phòng, Đại sứ quán Nhật cảm ơn Việt Nam hỗ trợ máy bay P-3C gặp sự cố và kẹt ở sân bay Tân Sơn Nhất trong hai tháng.
Máy bay tuần thám P-3C số hiệu 5071 của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản hôm 29/6 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất để trở về Nhật Bản. Phi cơ gặp sự cố động cơ khi quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29/4 nên không thể tiếp tục hành trình theo kế hoạch.
“Sau hai tháng với sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công An, Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan Việt Nam, sự cố đã được khắc phục thành công để máy bay lên đường về nước”, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết trong bài viết trên Facebook hôm nay.
Video cảm ơn được Bộ Quốc phòng Nhật Bản thực hiện. Video: Twitter/JapanJointStaff.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết chiếc P-3C dừng chân ở Việt Nam để tiếp dầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra chống cướp biển, thu thập tin tức tình báo ở Trung Đông. “Trong lúc chúng tôi gặp khó khăn khi tìm điểm quá cảnh vì Covid-19 lây lan, Việt Nam đã sẵn lòng tiếp nhận chiếc P-3C tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất”, Bộ Tổng tham mưu Liên quân Nhật Bản cho biết trong bài đăng trên Twitter.
Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo với tổ bay sau khi sự cố phát sinh, cho phép họ nhập cảnh khẩn cấp, đồng ý cho Nhật cử máy bay vận chuyển động cơ mới và nhân viên kỹ thuật sang Việt Nam để sửa chữa.
“Nghĩa cử đẹp của Việt Nam thể hiện tình cảm đối với Nhật Bản và tinh thần sẵn sàng hỗ trợ khi nước bạn gặp khó khăn. Đại sứ quán Nhật Bản xin thay mặt chính phủ Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản và các cơ quan liên quan gửi lời cảm ơn chân thành, lòng tri ân sâu sắc tới các cơ quan hữu quan của Việt Nam”, bài viết của Đại sứ quán Nhật có đoạn.
Tổ bay P-3C và nhân viên kỹ thuật tại sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 6. Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản.
Nhật Bản cuối năm ngoái quyết định điều một tàu khu trục và hai máy bay tuần thám P-3C tới Trung Đông để bảo đảm an ninh cho tàu hàng nước này. Lực lượng Nhật Bản tuần tra tại vịnh Oman, vịnh Aden và khu vực phía bắc biển Arab nhưng không hoạt động tại eo biển Hormuz, ngoài khơi Iran.
Các phi đội P-3C và tàu chiến sẽ được thay luân phiên sau vài tháng. Chiến dịch này dự kiến kết thúc ngày 26/12 và có thể được gia hạn.
Nhật Bản triển khai lực lượng phòng vệ biển tới Trung Đông
Động thái này nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại liên quan đến Nhật Bản đi qua khu vực này, nơi Tokyo phụ thuộc lớn về nhập khẩu dầu thô.
Tàu Takanami. (Nguồn: wikipedia.org)
Ngày 11/1, hai máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản đã rời Okinawa tới Trung Đông trong nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo dài hạn đầu tiên của Lực lượng phòng vệ trên biển (SDF) ở nước ngoài.
Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono ban hành lệnh điều động lực lượng tới Trung Đông nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại liên quan đến Nhật Bản đi qua khu vực này, nơi Tokyo phụ thuộc lớn về nhập khẩu dầu thô.
Theo bộ trên, các máy bay P-3C của SDF sẽ bắt đầu nhiệm vụ vào ngày 20/1, trong khi tàu khu trục Takanami sẽ rời Nhật Bản vào ngày 2/2.
Các quan chức bộ này cho biết thời gian thực hiện nhiệm vụ trên là một năm, nhưng có thể được gia hạn với sự phê chuẩn của nội các.
Phát biểu với báo giới trước khi rời Tokyo cho chuyến thăm 5 ngày tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: "Đảm bảo an toàn cho các tàu liên quan đến Nhật Bản là vô cùng quan trọng. Tôi muốn thúc đẩy sự chuẩn bị (cho nhiệm vụ đó) trong khi tranh thủ sự hiểu biết của các quốc gia liên quan."
Theo kế hoạch, khu vực hoạt động của MSDF sẽ giới hạn ở Vịnh Oman, vùng phía Bắc Biển Arab, và Eo biển Bab el-Mandeb nối Biển Đỏ với Vịnh Aden.
Eo biển Hormuz không nằm trong khu vực hoạt động trên, trong bối cảnh Iran chỉ trích sáng kiến của Mỹ lập liên minh quân sự với mục đích được Washington công bố là đảm bảo an ninh tại eo biển này.
Nhật Bản đã phải chịu sức ép của Mỹ trong việc tham gia liên minh này, trong khi Tokyo đang duy trì quan hệ hữu nghị với Iran.
Để đáp ứng các yêu cầu của Mỹ mà không cần tham gia liên minh, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch triển khai các tàu của SDF tới Trung Đông làm nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu tại khu vực từ Vịnh Oman đến Biển Arab và Eo biển Bab el-Mandeb mà không đi vào Vịnh Persia./.
Theo Phương Hoa (TTXVN/Vietnam )
Iran khoe 'thành phố tên lửa' dưới lòng đất Tướng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết nước này có nhiều thành phố tên lửa dọc bờ biển nhằm gửi cảnh báo đến "những kẻ thù của Iran". "Iran đã thiết lập hàng loạt thành phố tên lửa ngầm ở dọc bờ biển giáp vịnh Ba Tư và vịnh Oman, chúng sẽ là cơn ác mộng với những kẻ thù của Iran",...