Nhật Bản xúc tiến “tăng trưởng chất lượng cao” ở khu vực Mekong
Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tìm kiếm thỏa thuận với các nhà lãnh đạo của 5 nước Đông Nam Á trong hội nghị sắp tới ở Tokyo, theo đó các nước kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao ở khu vực Mekong.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: WSJ)
Nguồn tin trên cho hay ông Abe muốn đưa cụm từ “tăng trưởng chất lượng cao” vào tuyên bố chung tại cuộc gặp cấp cao tổ chức ngày 27/6.
Điều này cho thấy Tokyo muốn cạnh tranh trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Mekong trong đó có sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) của Bắc Kinh.
Nhật Bản cũng hy vọng sẽ tạo ra sự khác biệt với Trung Quốc xung quanh vấn đề phát triển hạ tầng khu vực bằng cách thúc đẩy kỹ thuật và công nghệ thân thiện môi trường của nước này.
Năm nước tham dự hội nghị cấp cao thường niên được tổ chức từ năm 2009 bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Ông Abe cũng dự kiến sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương với người đồng cấp của mình.
Video đang HOT
Trong cuộc gặp cấp cao này, Nhật Bản cũng có thể sẽ đề nghị các nước Đông Nam Á hợp tác hơn nữa về phương diện an ninh.
Tuyên bố chung kể trên sẽ là văn bản sửa đổi của văn kiện đã được công bố sau Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản hồi năm 2012, trong đó Nhật Bản cam kết hỗ trợ 600 tỷ yen viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong hơn 3 năm kể từ tài khóa 2013.
Ông Abe cam kết hồi tháng 5/2015 rằng Nhật Bản sẽ thúc đẩy đầu tư hạ tầng ở châu Á khoảng 30% trong hơn 5 năm tới so với mức hiện nay.
Cam kết này có thể giúp Tokyo giữ vai trò tiên phong ở một khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đang có nhu cầu rất lớn về phát triển hạ tầng./.
Theo Vietnam
Thủ tướng dự các Hội nghị cấp cao tại Myanmar
Đây là dịp để Việt Nam trực tiếp đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối khu vực... với các quốc gia; củng cố quan hệ, hợp tác với các nước trong khu vực
Sáng 22/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sang Myanmar tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 7 và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 6 trong hai ngày 22&23/6 theo lời mời của Tổng thống Myanmar Thein Sein.
Cơ chế hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN. Xuất phát từ trở ngại lớn nhất đối với hội nhập ASEAN chính là khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN mà cụ thể là giữa các nước Campuchia - Lào - Myanmar-Việt Nam với các nước trong ASEAN.
Đây là khởi nguồn ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước vào tiến trình phát triển chung của khu vực. Hợp tác giữa 4 quốc gia là cơ chế mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước, mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước khác trong ASEAN và các đối tác phát triển.
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Vientiane, Lào vào cuối năm 2004 và lần lượt được tổ chức tại Malaysia, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào và hội nghị thứ 7 lần này được tổ chức tại Myanmar.
Có thể thấy điểm nổi bật qua các hội nghị là cam kết chính trị mạnh mẽ của các quốc gia liên quan đến đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kết nối giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế, môi trường, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực...
Với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ các quốc gia, hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo quyết định những vấn đề lớn và thống nhất định hướng hợp tác trong thời gian tới, nhất là tập trung vào lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, du lịch, phát triển nguồn nhân lực thông qua các dự án hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực cũng như khuyến khích, kêu gọi các nguồn lực quốc tế tham gia vào quá trình hợp tác phát triển.
Tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng các nhà lãnh đạo kiểm điểm quá trình triển khai 10 cơ chế hợp tác Mekong gắn với tiến trình hợp tác song phương giữa các quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững của cả tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng các nước cũng sẽ đánh giá, hoàn thiện các cơ chế hợp tác với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhằm gắn kết hơn, đạt hiệu quả thiết thực hơn cơ chế hợp tác này với quá trình xây dựng, hình thành và phát huy hiệu quả Cộng đồng kinh tế ASEAN, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của các quốc gia trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Cũng tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác Kinh tế mang tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong là Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong. Đây là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Đến nay, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (gọi tắt là ACMECS) có 7 lĩnh vực hợp tác gồm: thương mại - đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp - năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực và y tế.
Tại Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng các nhà lãnh đạo Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013 - 2015 trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể như công nghiệp - năng lượng, du lịch, thương mại - đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, kết nối giao thông, y tế, an sinh xã hội và môi trường nhằm gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
Trên cơ sở này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng các nhà lãnh đạo thống nhất phương hướng, mục tiêu và các lĩnh vực, dự án ưu tiên cần đẩy mạnh hợp tác giữa các nước cũng như với các đối tác phát triển, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm nay.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar- Việt Nam lần thứ 7và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 6 tại Myanmar, không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam thực hiện các cơ chế hợp tác quan trọng này mà còn trực tiếp đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối khu vực, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực giữa các quốc gia, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong hợp tác Mekong cũng như củng cố quan hệ, hợp tác với các nước trong khu vực nói chung và với Myanmar nói riêng.
Theo Thành Chung
VOV
Ký kháng thư phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông Tại Thụy Sĩ, chiều 27.6, đông đảo bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình cùng sinh viên, Việt kiều đã tụ họp tại khu vực quảng trường Liên Hợp Quốc (LHQ), nơi đặt biểu tượng chiếc ghế ba chân khổng lồ tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, để cùng tham gia diễu hành, ký kháng thư phản đối Trung Quốc thay đổi...