Nhật Bản xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp, Australia nới lỏng phong tỏa
Sau gần 3 tuần ban bố tình trạng khẩn cấp ngăn chặn COVID-19, Nhật Bản đang cân nhắc tiếp tục gia hạn, trong khi Australia bắt đầu nới lỏng phong tỏa.
Nhật Bản xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp
Theo Đài NHK, Nhật Bản đang xem xét việc gia hạn tình trạng khẩn cấp, sẽ kết thúc vào ngày 6/5 tới. Mặc dù các trường hợp nhiễm mới ở Osaka và Tokyo bắt đầu giảm, song các chuyên gia cho biết, tốc độ thay đổi không nhanh như mong đợi.
Hôm 8/4, Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho 7 khu vực, sau đó mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Trong khi tốc độ lây nhiễm ở nhiều khu vực chậm lại, tại Tokyo ghi nhận hơn 100 trường hợp nhiễm/ngày liên tiếp trong 2 tuần qua.
Nhật Bản xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp. (Ảnh: Reuters)
Nhiều quan chức nhận định, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, một số quan chức khác cũng cho rằng cần phải duy trì tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 5.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura hôm 25/4 tuyên bố sẽ cách ly tại nhà như biện pháp phòng ngừa, sau khi một thành viên trong đội ngũ nhân viên của ông bị nhiễm virus corona chủng mới.
Khác với nhiều nước, trong tình trạng khẩn cấp ban bố ở Nhật Bản, các quán bar và tiệm làm tóc vẫn mở cửa. Nhật Bản kêu gọi mọi người cắt giảm 80% tiếp xúc với những người khác, đồng thời yêu cầu các gia đình ở nguyên tại nơi cư trú.
Theo tờ Jiji, trong khi nhiều người dân mong đợi Thủ tướng Abe sẽ đưa ra quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế trước ngày 30/4.
Video đang HOT
Hiện Nhật Bản ghi nhận 13.231 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 360 trường hợp thiệt mạng.
Australia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa
Các bang Queensland và Tây Australia sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau các dấu hiệu tiến bộ trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Hôm 26/4, chính quyền Queensland cho biết, bang này sẽ giảm bớt các hạn chế ở nhà từ giữa đêm ngày 1/5.
Quy định mới sẽ cho phép mọi người lái xe, đi dã ngoại, ghé thăm một công viên quốc gia và mua sắm các mặt hàng không thiết yếu. Yêu cầu trong trong vòng 50 km từ nhà và giãn cách xã hội được duy trì. Các chuyến đi chơi sẽ được giới hạn cho các thành viên trong cùng một gia đình.
Một số bang ở Australia bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. (Ảnh: Bloomberg)
Các hạn chế đối với các cuộc tụ họp khác và du khách sẽ vẫn được duy trì. Thủ hiến bang Annastacia Palaszczuk cho biết, chính quyền sẽ theo dõi các trường hợp mắc COVID-19 và sẽ xem xét việc nới lỏng sau 2 tuần.
Trong khi đó, chính quyền bang Tây Australia cho biết sẽ cho phép các cuộc tụ tập trong nhà và ngoài trời không quá 10 người từ thứ Hai (27/4), so với giới hạn tối đa 2 người được ban bố từ hôm 30/3.
“Kể từ ngày mai, 27/4, dựa trên lời khuyên của chuyên gia về sức khỏe, giới hạn 2 người đối với các cuộc họp mặt ngoài trời và trong nhà sẽ được điều chỉnh, với giới hạn số người tăng lên 10,” Thủ hiến bang Tây Australia cho biết thêm.
Tuy nhiên, tất cả các sân chơi công cộng, công viên trượt băng và phòng tập thể dục ngoài trời sẽ vẫn đóng cửa. Trong khi đó các nhà hàng và khu ẩm thực sẽ tiếp tục bị giới hạn bởi lệnh phong tỏa.
Theo dữ liệu thống kê từ Worldometers, Australia hiện ghi nhận 6.711 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 83 trường hợp thiệt mạng.
KÔNG ANH
Nhiều quốc gia vẫn mở cửa trường học
Bất chấp Covid-19 lan rộng, giáo viên, phụ huynh phản ứng, Singapore, Australia, Thuỵ Điển vẫn mở cửa trường học, học sinh đi học bình thường.
Tại Thuỵ Điển, trẻ em tiếp tục đến trường, cửa hiệu mở cửa, người dân không phải hạn chế đi lại. "Tôi không thể hiểu quyết định của chính phủ. Họ còn chờ điều gì mà chưa đóng cửa trường học cơ chứ?", Theodora Papadimitropoulou, sống tại thủ đô Stockholm nói. Chị là một trong hàng trăm nghìn phụ huynh kêu gọi chính phủ đóng cửa trường học toàn quốc để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Phản hồi ý kiến của phụ huynh, Cục Y tế Công cộng Thuỵ Điển cho biết cha mẹ ở nhà trông con là tình huống chưa từng có và việc đóng cửa trường học có thể mang lại nhiều hậu quả hơn ích lợi.
Johan Giesecke, nhà dịch tễ học tại Cục Y tế Công cộng, đánh giá hầu hết biện pháp đang áp dụng khắp châu Âu như đóng cửa trường học là thiếu nền tảng khoa học. Quyết định này có thể khiến Thuỵ Điển mất đi 1/4 lực lượng lao động, đặc biệt trong y tế. Trong thời gian nghỉ học, học sinh có thể đi chơi, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm, hoặc ông bà trông cháu có thể đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh.
Đến 28/3, Thuỵ Điển ghi nhận 3.447 ca nhiễm nCoV, trong đó 102 người chết.
Tại Singapore, các quan chức cho rằng trẻ em không dễ nhiễm nCoV, nếu nhiễm cũng không bị nặng. Nếu học sinh nghỉ học, phụ huynh sẽ phải ở nhà trông con, dẫn đến không được trả lương, thậm chí mất việc và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội. Vì thế trường học tại quốc đảo này vẫn hoạt động bình thường.
Quyết định duy trì hoạt động của trường học đã gây ra làn sóng tranh cãi khi ngày 26/3 trường mầm non Sparkletots thuộc trung tâm cộng đồng PCF ở Fengshan ghi nhận 20 ca nhiễm. Trong đó, 15 ca là nhân viên nhà trường, 5 ca là người thân của hiệu trưởng. Tất cả trẻ và nhân viên nhà trường được Bộ Y tế cách ly.
Trường mầm non Sparkletots được khử trùng sau khi ghi nhận 20 ca nhiễm ngày 26/3. Ảnh: Lim Yaohui/ Straits Times.
Ngày 27/3, Chính phủ Singapore quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học một ngày mỗi tuần bắt đầu từ tháng 4 như một động thái nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan tại trường học. Thay vì đi học năm ngày trong tuần như bình thường, học sinh Singapore sẽ đi học bốn ngày.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng không nên đóng cửa trường học toàn quốc. "Tôi nghĩ người dân nên xem các trường học như thành phần riêng lẻ. Nếu trường nào có nguy cơ bùng phát dịch, chúng tôi sẽ đóng cửa trường đó nhưng không phải toàn quốc", Thủ tướng nói.
Đến 28/3, Singapore ghi nhận 802 ca nhiễm nCoV, 2 người chết.
Tại Australia, từ ngày 22/3, Chính phủ ra lệnh dừng hoạt động tập trung đông người như quán bar, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, dừng tổ chức đám cưới, thậm chí là tang lễ. Tuy nhiên, các trường học vẫn hoạt động bình thường.
Ông Paul Kelly, Phó giám đốc Y tế Australia, cho rằng việc đóng cửa trường học không có tác dụng ngăn chặn Covid-19 như cấm hoạt động tập trung đông người khác. Quyết định này có thể gây áp lực lên hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe vì ước tính 30% nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch phải ở nhà trông con.
Trong khi đó, một số trường học tại Australia đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt thiết bị, sản phẩm vệ sinh. Giáo viên e ngại học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp có thể là nguồn lây nhiễm virus.
"Tất cả nhân viên nhà trường đều lo lắng. Giáo viên đeo găng tay và rửa tay liên tục. Trường học nên được đóng cửa", Lea Lockwood, giáo viên dạy tiếng Anh tại thị trấn Bendigo, nói và cho hay Hội Liên minh Giáo viên các địa phương đang đề nghị Thủ tướng ra quyết định đóng cửa trường học trước khi quá muộn.
Đến 28/3, Australia ghi nhận 3.635 người nhiễm nCoV, trong đó 14 người chết.
Theo UNESCO, để phòng Covid-19, 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đóng cửa trường học, làm gián đoạn học tập của hơn 1,7 tỷ học sinh, sinh viên.
Tú Anh
Thanh niên Australia chủ quan với Covid-19 Giới thanh niên ở độ tuổi 20-30 của Australia đang khiến chính quyền nước này đau đầu khi liên tục vi phạm lệnh cấm tụ tập đông người của Chính phủ. Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ và của nhiều người dân thời gian qua, số ca Covid-19 tại Australia vẫn tăng mạnh lên tới hơn 3.200 ca vào trưa 28/3,...