Nhật Bản : Trung Quốc tiếp tục nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định Trung Quốc tiếp tục nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông.
Hành động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc thay thế sự hiếu chiến của Triều Tiên trở thành mối đe dọa chính với Nhật Bản, theo Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản phát hành hôm nay, 27/9.
“Thực tế là Trung Quốc đang tăng nhanh chi tiêu quân sự… Trung Quốc đang triển khai các khí tài trên không và trên biển ở Tây Thái Bình Dương và qua eo biển Tsushima với tần suất dày đặc hơn“, tài liệu này nêu rõ.
Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019. (Ảnh: VOV)
Nhật Bản trong những năm qua gia tăng chi tiêu quốc phòng để chống lại quá trình cải tổ quân đội của Trung Quốc và Triều Tiên. Để không bị tụt hậu so với Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa quân đội, Nhật Bản mua thêm hàng loạt máy bay tàng hình do Mỹ sản xuất và các vũ khí tối tân khác.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây kêu gọi khoản ngân sách 115,6 tỷ yên (1,1 tỷ USD) để sắm thêm 9 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, bao gồm sáu biến thể cất, hạ cánh thẳng đứng để vận hành từ các tàu sân bay trực thăng.
Hôm 30/8, Bộ này công bố dự toán ngân sách 5,32 nghìn tỷ yên (50,3 tỷ USD) cho năm tài khóa 2020, tăng 1,2% so với năm hiện tại.
Video đang HOT
Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 1/3 số tiền mà Trung Quốc chi tiêu cho quân sự trong năm 2019 là 117 tỷ USD. Bắc Kinh đang phát triển các vũ khí như máy bay chiến đấu tàng hình và tàu sân bay giúp nước này mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội.
Trung Quốc thường xuyên bác bỏ các lo ngại về chi tiêu và ý định quân sự của mình, bao gồm cả sự hiện diện tràn lan ở Biển Đông và nói rằng họ chỉ muốn hòa bình.
Tuy nhiên, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định Bắc Kinh đang tăng cường các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
“Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng Biển Đông”, tài liệu này khẳng định, nói thêm rằng Bắc Kinh đang nâng cao khả năng để mở rộng phạm vi hoạt động ra các vùng biển xa hơn trong những năm tới đây.
Không chỉ ở Biển Đông, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản cho biết Trung Quốc đang điều thêm các đội tàu tới các đảo phía Tây thuộc quần đảo Okinawa của Nhật Bản, cũng như những vùng thuộc Tây Thái Bình Dương. Tài liệu này khẳng định các cuộc tuần tra của tàu và máy bay Trung Quốc tuần tra gần không phận và lãnh hải Nhật Bản đang là “mối quan ngại an ninh quốc gia” với Tokyo.
(Nguồn: Reuters)
SONG HY
Theo VTC
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines: Trung Quốc 'sẽ không bắn phát súng đầu tiên'
Đại sứ Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ "không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ", "không thiết lập các phạm vi ảnh hưởng" và "không thực hiện phát súng đầu tiên".
Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua) khẳng định Bắc Kinh sẽ "không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hoặc không bao giờ thiết lập các phạm vi ảnh hưởng" dù có trở nên mạnh mẽ như thế nào.
Phát biểu của ông Triệu được đưa ra trong bữa tiệc chiêu đãi kỷ niệm 92 năm Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 29/7, sau đó được đăng trên trang facebook chính thức của đại sứ quán Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua). (Ảnh: GMA Network)
"Trung Quốc áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ tích cực, tuân thủ nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và phản ứng sau tấn công. Nghĩa là chúng tôi sẽ không thực hiện phát súng đầu tiên", ông Triệu tuyên bố. "Trung Quốc sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình. Đây là một cam kết với người dân Trung Quốc và thế giới, và điều này đã được ghi vào Hiến pháp Trung Quốc", ông tiếp tục khẳng định.
Theo báo Philippines ABS-CBN, Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên các rạn san hô, gây ra mối lo ngại quốc tế.
Vào tháng 6, một tàu Trung Quốc đâm vào một tàu đánh cá của Philippines và thủy thủ đoàn Trung Quốc bị buộc tội bỏ rơi 22 ngư dân Philippines trên biển, khi tàu của họ bị chìm gần bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Sự cố gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc.
Đại sứ Triệu không đề cập trực tiếp đến sự cố tại bãi Cỏ Rong, nhưng nói hải quân nước này đã hộ tống hơn 6.600 tàu và giải cứu hơn 70 tàu trong tình trạng nguy hiểm, "bao gồm cả tàu và thủy thủ Philippines".
Có một "động lực phát triển" cho sự hợp tác ở Biển Đông và Bắc Kinh "cam kết vì hòa bình và ổn định", ông Triệu nói.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Philippines và các quốc gia khác có liên quan trực tiếp để giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông. Thông qua đàm phán và tham vấn song phương trên cơ sở tôn trọng thực tế lịch sử và theo luật pháp quốc tế, như UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển)."
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 24/7 cũng khẳng định Bắc Kinh không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, bành trướng lãnh thổ hay phạm vi ảnh hưởng.
Tuyên bố này càng cho thấy Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo, chuyên đi bắt nạt và gây hấn với các nước láng giềng, đặc biệt ở Biển Đông. Trong khi vỗ ngực khẳng định Trung Quốc là quốc gia yêu chuộng hòa bình, chưa bao giờ bắt đầu bất cứ một cuộc chiến tranh hay xung đột nào trong 70 năm, nhưng chỉ trong tháng 7 này, Bộ Ngoại giao Việt Nam ít nhất ba lần chỉ ra việc tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
(Nguồn: ABS-CBN)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Washington có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông Thứ trưởng Ngoại giao David Hale cho biết Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải hàng không tại Biển Đông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 26/9 (giờ địa phương) bắt đầu các hoạt động nhân dịp dự Phiên thảo luận cấp cao...