Nhật Bản: Thủ đô Tokyo nâng cảnh báo về hệ thống y tế lên cấp cao nhất
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 3/2, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã quyết định nâng cấp độ cảnh báo về sự sẵn sàng của hệ thống y tế lên cấp cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp, đồng thời giữ nguyên mức độ cảnh báo về đại dịch COVID-19 ở cấp độ 4.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 10/1/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong cuộc họp về tình hình dịch COVID-19, chính quyền Tokyo nhận định hệ thống chăm sóc y tế ở thành phố “đang trong tình trạng căng thẳng”, mà nguyên nhân chính là do số ca nhiễm mới ở thành phố này đã liên tục tăng. Ngày 2/2, chính quyền Tokyo ghi nhận thêm 21.576 ca nhiễm mới COVID-19, cao nhất từ trước tới nay, và 6 ca tử vong. Đáng chú ý, trong số các ca nhiễm mới này, có tới 3.300 ca là trẻ dưới 10 tuổi và 2.458 ca trong độ tuổi từ 10 đến 19. Điều này cho thấy số bệnh nhân là trẻ em đã tăng mạnh so với 5 làn sóng lây nhiễm trước đó.
Đối với hệ thống y tế, tỷ lệ sử dụng giường bệnh dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện tiếp tục tăng và lên mức 51,4%. Số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng theo tiêu chí của chính quyền thành phố hiện là 30 người. Hiện nay, theo tiêu chí của chính quyền thủ đô Tokyo, các bệnh nhân cần phải sử dụng máy thở hoặc hệ thống trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO) được coi là các bệnh nhân nặng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Masataka Inokuchi, Phó Chủ tịch Hội Y tế Tokyo, cho biết số lượng bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc tích cực (ICU) đang gia tăng do có triệu chứng của các bệnh khác.
Nhật Bản thúc đẩy tiêm mũi vaccine tăng cường
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đẩy nhanh việc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại nước này liên tục ở mức cao kỷ lục trong nhiều ngày qua.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại Tokyo do Bộ Quốc phòng nước này điều hành đã bắt đầu hoạt động kể từ ngày 31/1, tuy nhiên, lịch tiêm chủng trong thời gian hai tuần đầu tại trung tâm này đã kín chỉ sau 15 phút mở cổng thông tin đăng ký. Do nhu cầu tiêm chủng của người dân tăng cao, bộ trên cho biết sẽ mở rộng quy mô tiêm lên mức trên 5.000 người/ngày kể từ ngày 10/2 tới.
Ngoài khu vực Tokyo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ triển khai một trung tâm tiêm chủng quy mô lớn khác tại thành phố Osaka trong thời gian từ ngày 7/2-31/7 với quy mô khoảng 1.000 người/ngày. Bên cạnh đó, để thúc đẩy tiêm mũi vaccine tăng cường trong các doanh nghiệp, chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức các điểm tiêm chủng chung cho nhân viên và người lao động.
Theo quy định mới, mức hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng chung sẽ tăng từ 1.000 yên/mũi lên mức 1.500 yên/mũi và điều kiện được nhận hỗ trợ cũng được nới lỏng từ mức 1.000 mũi tiêm xuống còn 500 mũi tiêm.
Chính phủ Nhật Bản hiện đã cấp phép sử dụng vaccine của hai hãng Pfizer và Moderna để tiêm mũi tăng cường. Theo lộ trình, đối tượng được ưu tiên tiêm là các nhân viên y tế, tiếp đến là người cao tuổi, người bị bệnh nền và sau đó là các đối tượng còn lại.
Hiện tại, Thủ tướng nước này Fumio Kishida đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho những người bình thường kể từ tháng 3/2022, tuy nhiên theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, tính đến đầu tháng 2/2022, số người hoàn thành tiêm mũi vaccine tăng cường tại nước này mới chỉ đạt khoảng hơn 5 triệu người (chiếm 3,96% dân số), trong khi số mũi tiêm cho nhân viên y tế và người cao tuổi cũng chỉ mới đạt khoảng 30,5%.
Chính phủ Nhật Bản thận trọng trước quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 Mặc dù tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã vượt mốc 50% nhưng chính phủ nước này vẫn thận trọng trước quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật...