Nhật Bản tập trung vào 5 trụ cột phòng dịch COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, từ ngày 21/3, Nhật Bản bước vào giai đoạn mới phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba, Kanagawa.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản ngày 19/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại buổi tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh chính phủ và chính quyền các địa phương vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát trở lại với 5 trụ cột chính. Thứ nhất là ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh tại các cơ sở ăn, uống đông người. Bên cạnh việc chấp hành thời gian mở cửa đến 21h00′, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch như giữ khoảng cách về chỗ ngồi, giữ không gian thông thoáng. Ngoài ra, cố gắng hạn chế các bữa tiệc tụ tập đông người như tiệc ngắm hoa anh đào, bế giảng năm học… Cơ quan chức năng sẽ duy trì thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.
Thứ hai, cần tăng cường các biện pháp phát hiện và ngăn chặn sự lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2. Theo đó, 40% số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc sẽ được rà soát để kiểm tra biến thể, thay vì 10% như hiện nay. Ngoài ra, Nhật Bản cũng thắt chặt các biện pháp kiểm soát lượng người nhập cảnh qua đường hàng không nhằm sớm phát hiện và cách ly các ca nhiễm biến thể.
Thứ ba, lực lượng chức năng cũng cần duy trì xét nghiệm PCR, kể cả là những người không có triệu chứng. Nhật Bản sẽ nâng năng lực xét nghiệm tại các đô thị lớn lên 5.000 ca/ngày, đồng thời đặt mục tiêu đến cuối tháng 4 sẽ hoàn thành việc rà soát 30.000 viện dưỡng lão trong cả nước.
Tiếp đó, liên quan đến vấn đề tiêm vaccine ngừa COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Theo ông, Chính phủ Nhật Bản sẽ duy trì quy mô tiêm chủng như hiện nay, với 80.000 người/ngày đối với các nhân viên y tế và từ ngày 12/4 sẽ bắt đầu tiêm chủng cho đối tượng người cao tuổi. Mục tiêu đặt ra là đến tháng 6 sẽ hoàn thành khoảng 100 triệu lượt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Cuối cùng, cần tăng cường củng cố hệ thống y tế, sẵn sàng ứng phó với khả năng bùng phát làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Các địa phương sẽ tập trung chuẩn bị mọi điều kiện về trang thiết bị y tế, giường bệnh, thuốc men và duy trì số nhân viên y tế cần thiết để đảm bảo điều trị hiệu quả bệnh nhân COVID-19. Số giường bệnh tại các cơ sở y tế sẽ được yêu cầu phân loại theo từng đối tượng gồm bệnh nhân mới mắc COVID-19, bệnh nhân nặng, bệnh nhân hồi phục. Việc điều trị dành cho bệnh nhân nhẹ ở các cơ sở lưu trú hoặc điều trị tại nhà cần tiến hành theo hướng đảm bảo tính chủ động trong tổng thể hệ thống y tế.
Video đang HOT
Những nỗ lực trên của Chính phủ Nhật Bản cho thấy quyết tâm của nước này trong việc khống chế dịch COVID-19 – điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Olympic và Paralympic Tokyo, dự kiến sẽ khai mạc trong chưa đầy 4 tháng tới.
Dịch COVID-19: Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận
Ngày 18/3, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo cùng 3 tỉnh lân cận gồm Chiba, Kanagawa và Saitama.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản ngày 5/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, quyết định trên - có hiệu lực từ ngày 21/3, được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản đã cải thiện đáng kể nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 tỉnh, thành từ tháng 1/2021 và cấm nhập cảnh tất cả người nước ngoài không cư trú ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản đã giảm mạnh xuống còn khoảng 1.500 ca/ngày, từ mức trên 7.800 ca ghi nhận ngày 8/1, trong khi số ca tử vong cũng giảm từ mức đỉnh 121 ca vào đầu tháng này xuống dưới 50 ca/ngày. Hệ thống y tế ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận đã cải thiện đáng kể khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 giảm xuống dưới 50%, đáp ứng tiêu chí để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của chính phủ.
Trước đó, ngày 7/1, Chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận trong một tháng. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp đã được mở rộng ra 11 tỉnh. Tuy nhiên, tháng trước, tình trạng khẩn cấp đã lần lượt được dỡ bỏ ở các tỉnh Tochigi, Gifu, Aichi, Osaka, Hyogo, Kyoto và Fukuoka.
* Ngày 18/3, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary - ông Gergely Gulyas, cho biết làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ở Hungary sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng và nước này hiện chưa tính đến việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Gulyas nêu rõ: "Căn cứ số ca mắc COVID-19, hiện không phải là lúc nới lỏng các hạn chế". Ông cũng cho biết kế hoạch từng bước mở cửa lại nền kinh tế nước này sẽ được tiến hành dựa trên quy mô chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tổng thống Viktor Orban muốn nhanh chóng tiêm chủng cho nhiều người nhất có thể để tái khởi động hoạt động kinh tế. Cũng theo quan chức trên, hiện Chính phủ Hungary chưa có kế hoạch áp đặt thêm các hạn chế phòng dịch.
Cùng ngày, Hungary ghi nhận thêm 207 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Số ca nhập viện cũng tăng ở mức cao nhất từ đầu dịch, với 10.386 ca, làm gia tăng sức ép lên hệ thống y tế.
Kể từ giữa tháng 11/2020, Hungary áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm và lệnh cấm các cơ sở kinh doanh hoạt động, ngoại trừ các cửa hàng thực phẩm và thuốc. Tất cả các trường học tổ chức học trực tuyến.
* Bộ Y tế Bulgaria ngày 18/3 cho biết nước này sẽ đóng cửa tất cả trường học, nhà hàng và trung tâm thương mại cho đến ít nhất là cuối tháng này.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân tại một trạm kiểm soát ở Bansko, Bulgaria trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Kostadin Angelov nêu rõ số ca mắc và nhập viện do COVID-19 đang có xu hướng tăng mạnh, buộc chính phủ nước này phải áp đặt các hạn chế trên toàn quốc trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 22/3. Trước đó, Chính phủ Bulgaria đã lệnh đóng cửa các nhà trẻ, rạp hát, rạp chiếu phim và phòng tập gym, đồng thời cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người.
Trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 ở Bulgaria đã tăng 40%. Riêng ngày 18/3, quốc gia vùng Balkan này ghi nhận hơn 4.200 ca mắc mới và 7.804 trường hợp nhập viện, trong đó 609 trường hợp nằm phòng điều trị tích cực.
Tình hình dịch bệnh nóng lên ở Bulgaria đang đặt ra không ít quan ngại trong bối cảnh nước này dự kiến tiến hành bầu cử vào ngày 4/4 tới. Bộ trưởng Y tế Angelov cho biết chính phủ nước này sẽ thực hiện tất cả biện pháp phòng dịch cần thiết để đảm bảo bầu cử diễn ra an toàn.
Đến nay, Bulgaria có tổng cộng 291.769 ca mắc COVID-19 và 11.715 ca tử vong.
* Từ ngày 20/3, thủ đô Kiev của Ukraine sẽ bước vào một đợt phong tỏa kéo dài 3 tuần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Theo Thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, trong giai đoạn phong tỏa, các nhà hát và trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa, các sự kiện thi đấu thể thao được phép diễn ra nhưng không có khán giả, các quán cà phê và nhà hàng chỉ được bán mang về. Ngoài ra, tất cả trường học ở Kiev chuyển sang học trực tuyến và các công sở bố trí cho nhân viên làm việc tại nhà.
Nhật có thể sắp ban bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo Nhật xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Tokyo và ba tỉnh lân cận do ca Covid-19 tăng cao gây áp lực cho hệ thống y tế. Đài truyền hình Fuji của Nhật Bản hôm nay đưa tin chính phủ đang xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo và ba tỉnh lân cận gồm Saitama, Kanagawa, Chiba...