Nhật Bản tăng cường giám sát quần đảo tranh chấp với Trung Quốc
Hôm nay, Nhật Bản đã tăng cường công tác tuần tra ở biển Hoa Đông nhân kỷ niệm một năm ngày nước này quốc hữu hóa 3 trên 5 hòn đảo ở Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư.
Tàu cảnh sát biển Nhật Bản PS206 phía trước đảo Houou, một trong những 5 hòn đảo có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa ông.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất Á châu đã suy sụp tới mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Nhật Bản mua 3 trong 5 hòn đảo ở Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật vào ngày này cách đây đúng một năm.
Khi đó, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ hành động của chính phủ Nhật Bản bằng cách thường xuyên đưa tàu bè và máy bay đến tuần tra tại khu vực chiến lược này. Gần đây, các hành động của Trung Quốc còn được đẩy lên nấc thang mới với việc Bắc Kinh phái cả tàu tuần duyên, oanh tạc cơ và máy bay không người lái đến khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói rằng Tokyo sẽ giữ vững lập trường đối với quần đảo Senkaku. Ông cũng bày tỏ “rất lấy làm tiếc” trước việc Trung Quốc không ngớt phái tàu đến vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản.
Hôm qua, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga còn tuyên bố Nhật Bản không loại trừ khả năng phái nhân viên chính phủ đến làm việc trên những hòn đảo không có người ở này, coi đây là một hình thức bảo vệ chủ quyền hợp pháp.
Tuyên bố của ông Yoshihide Suga đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của Trung Quốc, buộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải đề nghị mở các cuộc thảo luận cấp cao để giải quyết. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ đề nghị này và cho rằng Tokyo phải nhượng bộ trước để giảm bớt căng thẳng.
Dưới đây là lịch sử tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc:
1894: Chiến tranh Trung Nhật lần thứ nhất bắt đầu.
1895:
14-1: Nhật Bản đơn phương chiếm 5 đảo và ba nhóm đá không quặng ở biển Hoa Đông, đặt tên là Senkaku.
17-4: Nhà Thanh của Trung Quốc nhượng Đài Loan và các đảo dọc theo đó cho Nhật Bản theo thỏa ước Shimonoseki, chấm dứt cuộc chiến tranh Trung-Nhật thứ nhất.
Quần đảo Senkaku không bao gồm trong thỏa ước này.
1896: Chính phủ Nhật Bản cho ông Tatsushiro Koga thuê 4 hòn đảo thuộc Senkaku là Uotsuri, Minami, Kita, và Kuba. Ông Koga thiết lập các cơ sở sản xuất cá khô và thu thập lông chim.
1932: Chính phủ Nhật Bản bán 4 đảo này cho Zenji, con trai của ông Koga. Đảo thứ 5, Taisho, vẫn thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Gia đình ông Koga xuất khẩu hải sản từ những đảo này.
Video đang HOT
1940: Gia đìnhKoga chấm dứt các hoạt động sản xuất tại 4 hòn đảo trên do tác động của cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhì. Từ đó, các hòn đảo này không có người ở.
1945: Nhật đầu hàng, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhật Bản trao trả Đài Loan và các hòn đảo quanh đó cho Trung Quốc theo các tuyên cáo Cairo và Potsdam. Quân đội Mỹ chiếm quyền kiểm soát chuỗi đảo Senkaku và Rykyu của Nhật Bản.
1951: Nhật Bản chấp nhận để Mỹ quản lý các đảo Rykuyu và Senkaku, có ghi trong hiệp ước San Francisco.
1969: Phúc trình của Liên hợp quốc dẫn kết quả khảo cứu cho thấy có trữ lượng lớn dầu lửa trong vùng biển của dãy đảo Senkaku.
1971: Đài Loan, Trung Quốc chính thức đòi chủ quyền trên các đảo này và gọi đó là Điếu Ngư.
1972: Nhật Bản lấy lại quyền kiểm soát Okinawa và các đảo Senkaku từ Mỹ. Đổi lại, Nhật Bản cho quân đội Mỹ sử dụng đảo Kuba (thuê lại của gia đình Koga) và đảo Taisho làm nơi tập bắn “vô thời hạn”.
Cùng năm đó, gia đình Zenji Koga bắt đầu làm thủ tục bán các đảo Kuba, Uotsuri, Minami và Kita cho gia đình Kurihara. Vụ mua bán hoàn tất năm 1988.
1978:
Tháng 4: Hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển quanh các đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa lúc hai nước đang đàm phán hòa ước.
Tháng 6: Quân đội Mỹ đình chỉ các cuộc thao diễn bắn đạn thật tại các đảo Kuba và Taisho.
Tháng 8: Trung Quốc, Nhật Bản ký hòa ước đồng ý gác lại tranh chấp và để cho các thế hệ sau giải quyết.
1992: Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố các đảo Điếu Ngư là “lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc” theo một đạo luật mới về “Lãnh hải và vùng tiếp giáp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
1996: Đoàn thanh niên Nhật Bản dựng hải đăng trên đảo Uotsuri. Nhiều người Hồng Kông theo chủ nghĩa dân tộc toan tính đổ bộ lên đảo Uotsuri để phản đối hành động của Nhật Bản.
2002: Gia đình Kurihara cho Bộ Nội vụ Nhật Bản thuê các đảo Uotsuri, Minami và Kita.
2010: Một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh Điếu Ngư/Senkaku ngày 7/9 và dẫn tới vụ đụng độ với các tàu tuần duyên Nhật Bản.
Nhà chức trách Nhật bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng 2 tuần lễ khiến Trung Quốc rất tức giận và đã quyết định ngừng mọi hoạt động trao đổi cũng như xuất khẩu đất hiếm.
2012:
Tháng 4: Lãnh đạo chính quyền Tokyo, ông Shintaro Ishihara, công bố thông tin về viêc mua lại các đảo thuộc Senkaku từ gia đình Kurihara.
Tháng 7: Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cho biết chính phủ trung ương cũng đang đàm phán để mua các đảo này.
15-8: 14 người hoạt động ủng hộ Trung Quốc đi thuyền tới các đảo tranh chấp để khẳng định chủ quyền. 5 trong số này bơi vào bờ trước khi lực lượng tuần duyên Nhật bắt giữ cả 14 người và trục xuất họ.
19-8: Các nhà chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản đổ bộ lên Uotsuri bất chấp cảnh báo của chính phủ.
Vũ Anh
Theo Dantri
TQ "bắt nạt" Nhật Bản như với Philippines?
Sau khi lấn lướt đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines, Trung Quốc định áp dụng chiến lược này với nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật kiểm soát.
Ngày 8/8, Trung Quốc đã xua tàu công vụ ra vùng biển gần nhóm đảo Senkaku tranh chấp với Nhật Bản và trụ lại đây trong thời gian kỷ lục là 28 tiếng đồng hồ với mục đích được cho là lặp lại chiến lược giành giật biển đảo bằng sự hiện diện ngày càng tăng của các lực lượng trên biển.
Ngày 9/8, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển mới được thành lập của Trung Quốc đã lởn vởn trong vùng biển do Nhật Bản quản lý trong thời gian lâu nhất kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku hồi năm ngoái. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã triệu tập một quan chức ngoại giao Trung Quốc để "phản đối mạnh mẽ" động thái này.
Tàu công vụ Trung Quốc trụ lại ngày càng lâu hơn ở vùng biển xung quanh Senkaku
Đây chính là chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng thành công sau khi chiếm được quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough trên Biển Đông từ tay Philippines. Những động thái này được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ngân sách quốc phòng với tham vọng trở thành một cường quốc trên biển trong khu vực.
Ông Chiaki Akimoto, giám đốc Viện Hoàng gia về Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Nhật Bản cho rằng chiến lược này được Trung Quốc áp dụng giống nhau ở Philippines và Nhật Bản: "Mục tiêu của họ là làm leo thang tình hình từng chút một. Đồng thời, họ muốn thử xem Nhật Bản phản ứng như thế nào."
Hồi tháng 6, Philippines đã phản đối cái mà họ gọi là "sự hiện diện dày đặc của tàu quân sự và tàu bán vũ trang Trung Quốc" xung quanh những hòn đảo mà họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Hồi tháng 1, Philippines đã đề nghị Liên Hiệp Quốc đứng ra phân xử tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: "Rõ ràng nhóm đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản cả về phương diện lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Sự xâm phạm của tàu công vụ Trung Quốc vào lãnh hải Nhật Bản trong thời gian dài nhất từ trước tới nay là hành động cực kỳ đáng tiếc và chúng tôi không chấp nhận điều đó."
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tiến vào vùng biển xung quanh Senkaku
Cảnh sát biển Nhật Bản cho hay bốn tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến vào vùng biển chỉ cách đảo Minami Kojima 5 km và ở lại đó trong suốt 28 giờ đồng hồ, và chỉ rời đi vào trưa ngày hôm nay.
Về phần mình, đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố trên website của mình rằng tàu công vụ Trung Quốc đã xua đuổi các "nhà hoạt động cánh hữu" Nhật Bản ra khỏi vùng biển xung quanh nhóm đảo tranh chấp và đòi tàu Nhật Bản ngay lập tức rời khỏi "vùng lãnh thổ" này.
Tình hình ngày càng leo thang chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến 2 vào ngày 15/8 tới đây, một sự kiện nhạy cảm đối với các quốc gia châu Á từng bị Nhật Bản xâm lược hồi đầu thế kỷ 20.
Các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ những người lính Nhật chết trong chiến tranh, trong đó có cả những nhân vật bị phe Đồng minh coi là tội phạm chiến tranh. Còn Thủ tướng Abe sẽ không đến thăm ngôi đền này để tránh gây thêm căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi trông thấy kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku và ảnh hưởng đến hoạt động giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Số liệu thống kê cho thấy lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật đã giảm 2% so với năm ngoái, và là lần sụt giảm thứ 6 liên tiếp.
Từ tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã thường xuyên cho tàu công vụ ra vùng biển xung quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku. Tháng 12/2012, lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện một máy bay do thám Trung Quốc bay trên không phận Nhật Bản gần nhóm đảo này. Hồi tháng trước, Nhật Bản xác nhận tàu chiến Trung Quốc đã lần đầu tiên đi qua eo biển phía bắc nước này.
Theo các nhà phân tích, những động thái này của Trung Quốc đều nhằm một mục đích, đó là ép Nhật Bản phải thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với nhóm đảo này.
Giáo sư Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nhận định: "Giống như ở Scarborough, Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một hiện trạng mới ở Hoa Đông. Điểm khác là Trung Quốc đang tìm cách thể hiện rằng họ phản đối sự kiểm soát của Nhật Bản đối với nhóm đảo này chứ không tìm cách chiếm giữ chúng."
Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc phải cải thiện khả năng bảo vệ quyền lợi hàng hải của mình trong khi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và nhấn mạnh "Không đời nào Trung Quốc từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình."
Sự hiện diện trong thời gian kỷ lục của tàu tuần tra Trung Quốc tại Senkaku diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Nhật Bản ra mắt chiến hạm lớn nhất của mình kể từ sau Thế chiến 2. Ngày 8/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra tuyên bố cho rằng các quốc gia châu Á cần phải cảnh giác với sự tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản sau khi chiến hạm Izumo này được hạ thủy.
Tàu sân bay trực thăng mới hạ thủy Izumo của Nhật Bản
Tuy nhiên, chính Trung Quốc cũng đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng của nước này thêm 10,7% trong năm nay sau khi hạ thủy tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh vào hồi năm ngoái. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013 đạt mức 121 tỉ USD, hơn gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản (51,7 tỉ USD).
Theo Bloomberg
Đại sứ Mỹ bị người biểu tình TQ bao vây Người biểu tình Trung Quốc phản đối Nhật Bản mua lại đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku Xe chở Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã bị hư hại nhẹ sau khi trở thành mục tiêu bao vây của những người biểu tình phản đối việc chính phủ Nhật Bản mua lại đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Trong tuyên bố đưa ra ngày hôm...