Nhật Bản tạm dừng kế hoạch làm mát lò phản ứng
Các kỹ sư Nhật Bản vừa từ bỏ nỗ lực làm mát mới nhất để ổn định một lò phản ứng bị tê liệt tại nhà máy hạt nhân Fukushima I.
Công nhân phát hiện ra mực nước tại lò phản ứng số 1 không còn đủ.
Nhà điều hành Tepco đã có ý định làm mát lò phản ứng số 1 bằng cách đổ đầy nước vào bể chứa. Nhưng các thanh nhiên liệu nóng chảy lại tạo ra một lỗ thủng trong bể chứa khiến 3 nghìn tấn nước nhiễm xạ rò rỉ vào tầng hầm tòa nhà của lò phản ứng, Tepco cho biết.
Nhà máy Fukushima I bị hư hại nặng sau trận động đất và sóng thần vào ngày 11.3. Hệ thống làm mát cho các lò phản ứng bị tê liệt làm những thanh nhiên liệu trở nên quá nóng, dẫn đến nhiều vụ nổ tại tòa nhà của các lò phản ứng. Chính phủ và Công ty Điện lực Toykyo (Tepco) cho hay phải đến tận tháng 1 năm sau, hệ thống làm lạnh mới có thể hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của chính phủ Goshi Hosono, cho hay thất bại mới nhất này sẽ không ảnh hưởng đến thời hạn cuối cùng trên.
“Chúng tôi muốn giữ đúng thời hạn, song đồng thời chúng tôi sẽ phải thay đổi cách tiếp cận”, ông Hosono nói.
Tepco cho biết sẽ lập ra một kế hoạch mới để ổn định các lò phản ứng vào ngày 17.5.
Video đang HOT
Đài truyền hình NHK Nhật Bản đưa tin Tepco đã và đang nghiên cứu một kế hoạch để lưu thông nước từ tầng hầm thông qua một hệ thống khử phóng xạ và đưa trở lại vào các lò phản ứng.
Tuần trước, chính phủ Nhật Bản đồng ý một gói bồi thường thiệt hại rất lớn cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các nhà phân tích cho hay số tiền bồi thường có thể lên tới 100 tỉ USD.
Theo Lao Động
Biệt đội cảm tử Fukushima 50: Tự hào được chết
"Fukushima 50" được giao trọng trách khôi phục hệ thống làm lạnh ở 4 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima. Đội cảm tử này đã được người dân Nhật Bản xem là những samurai cao quý.
Số phận của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I đã được định đoạt khi Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 31.3 khẳng định phải chôn vùi nó. Điều đó cũng có nghĩa là nhiệm vụ ngăn chặn phóng xạ phát tán rộng ra bên ngoài của "biệt đội cảm tử Fukushima 50" đã thất bại.
Được gọi là "Fukushima 50" vì ban đầu nhóm công nhân này chỉ gồm 50 người, được giao trọng trách đặc biệt là khôi phục hệ thống làm lạnh ở 4 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima, vốn bị tàn phá nặng nề sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11.3.
Nhóm Fukushima 50 đang nỗ lực sửa chữa hệ thống điện tại nhà máy .
Những người hùng vô danh
Khi nhận nhiệm vụ này, nhóm "Fukushima 50" đã hình dung trước về những hậu quả mà mình phải hứng chịu khi họ biết sẽ phải làm việc trong môi trường đầy rẫy phóng xạ. Thậm chí cả cái chết cũng đã được nhóm này tính đến, vì dù có mặc đồ phòng hộ nhưng không ai dám chắc rằng phóng xạ sẽ không xâm nhập vào cơ thể. Do vậy, đội cảm tử này đã được người dân Nhật Bản xem là những samurai cao quý - như các chiến binh gan dạ sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước trong lịch sử.
Sau hơn một tuần triển khai, nhóm Fukushima 50 được bổ sung thêm gần 600 người, hầu hết là kỹ sư, binh lính, lính cứu hỏa để làm việc theo ca. Họ là hy vọng cuối cùng để cứu Nhật Bản khỏi một thảm họa hạt nhân tương tự như từng xảy ra ở nhà máy Chernobyl tại Ukraina năm 1986.
Hơn 20 ngày qua, các thành viên của Fukushima 50 hàng ngày phải lao vào nhà máy trong vòng từ 10-15 phút để bơm nước biển làm mát các thanh nhiên liệu trong 4 lò phản ứng bị nung nóng đến mức tan chảy, kiểm tra lò và dọn dẹp những đống đổ nát của các vụ nổ trước. Ca khác sẽ tiếp sức ngay vì càng phơi lâu trong môi trường phóng xạ càng nguy hiểm đến tính mạng.
Trong các ngõ ngách của nhà máy Fukushima bị bóng tối bao phủ vì hệ thống điện bị hư hại, những người anh hùng khoác bộ đồ bảo hộ chống phóng xạ màu trắng bọc kín người phải mò mẫm làm việc chỉ bằng chiếc đèn pin. Bên ngoài nhà máy, các tốp công nhân khác đang phải chạy đua với thời gian để nối lại hệ thống truyền tải điện.
Ông Keiichi Nakagawa - Giáo sư ngành nguyên tử ở Tokyo khẳng định: "Fukushima 50 chẳng khác gì những chiến binh quyết tử trong chiến tranh. Họ không e ngại cái chết và tự hào được chết vì đất nước".
Các chuyên gia cho rằng bộ đồ bảo hộ không thể ngăn chặn được các bức xạ vô hình thấm vào cơ thể các chuyên viên cảm tử này. Hiện 500 trung tâm cấy tuỷ xương ở 27 nước châu Âu đã được báo động chuẩn bị sẵn sàng điều trị cho họ.
Ý thức rõ sứ mệnh...
Mặc dù đã rất nỗ lực song các samurai hiện đại vẫn không thể cứu vãn được nhà máy vì nó bị hư hại quá nặng nề sau thảm họa. Tình trạng rò rỉ phóng xạ vẫn ngày càng nghiêm trọng, đến mức Chính phủ Nhật Bản phải quyết định chôn vùi nhà máy. Tuy nhiên, những ngày gian khổ vật lộn trong nhà máy của biệt đội cảm tử Fukushima 50 không hẳn đã vô ích, vì nếu không có họ, phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng chắc chắn đã cao hơn giờ đây gấp nhiều lần.
Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, hiện đã có thêm 20 tình nguyện viên xung phong làm nhiệm vụ ở nhà Fukushima khi hoàn tất các chiến dịch làm nguội đầy gian khổ này. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, một cô gái bày tỏ niềm tự hào lẫn đau khổ khi hay tin người cha sắp về hưu của cô tham gia đội cảm tử Fukushima 50: "Cha tôi đã nói rằng, tương lai của điện hạt nhân phụ thuộc vào việc chúng tôi xử trí chuyện này như thế nào. Vì thế ông ra đi với ý thức rõ ràng về sứ mệnh của mình".
Trong lúc đó, hôm qua (1.4) mẹ của một thành viên trong nhóm Fukushima 50 nói rằng, các thành viên của nhóm đều biết mình sẽ chết vì nhiễm phóng xạ "chỉ trong vài tuần tới" hoặc sau này bị chết vì bệnh ung thư.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với giọng đầy nước mắt, mẹ của một công nhân 32 tuổi nói với hãng tin Fox News: "Con trai tôi và các đồng nghiệp đã bàn bạc và nguyện sẽ chết nếu cần thiết để cứu đất nước. Họ biết chắc sẽ bị nhiễm xạ ở mức gây chết người".
Hiện các công nhân tại nhà máy được yêu cầu không tiếp xúc với báo chí hoặc chia sẻ thông tin chi tiết với người nhà để giảm thiểu sự hoảng loạn.
Tình trạng nhiễm xạ của các samurai Fukushima được tiết lộ trong bối cảnh có thông tin cho biết hàng nghìn thi thể nạn nhân động đất và sóng thần vẫn chưa được thu gom do lực lượng cứu hộ - cứu nạn lo sợ phóng xạ. Cảnh sát cho hay, thi thể các nạn nhân được phát hiện trong phạm vi 20km quanh nhà máy "đã bị nhiễm phóng xạ ở mức cao".
Trước đó, một thi thể đã được tìm thấy ở Okuma, chỉ cách nhà máy khoảng 5km, trong tình trạng bị nhiễm xạ cao độ. Lo ngại càng tăng cao khi các cảnh sát, bác sĩ và gia quyến của người chết nhiều khả năng bị nhiễm phóng xạ trong quá trình thu gom tử thi.
Theo các chuyên gia, quá trình hỏa táng thi thể các nạn nhân đang được hạn chế vì việc này có thể càng làm cho phóng xạ lan xa ra rộng hơn, trong khi việc chôn cất các nạn nhân có thể gây nhiễm xạ cho đất. Các nhà chức trách được tin là đang tính đến việc làm sạch các thi thể ngay tại nơi họ được tìm thấy.
Ngày 1.4, Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành rải nhựa thông để hạn chế sự phát tán của các chất phóng xạ ở nhà máy Fukushima số I. Nhà chức trách dự định sử dụng một robot điều khiển từ xa mượn của quân đội Mỹ để xịt nhựa thông lên khoảng 80.000m2 trong tổng diện tích 120.000m2 của nhà máy này.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản từng xem xét phương án sử dụng trực thăng để phun nhựa thông nhưng do khả năng vận tải hạn chế nên cần phải tiến hành khoảng 3.000 chuyến bay mới hoàn thành công việc này. Để bảo vệ an toàn cho phi hành đoàn, chính phủ đã từ bỏ phương án này.
Theo Dân Việt
Phóng xạ tại Việt Nam còn không đáng kể Kết quả quan trắc mẫu nước mưa mới nhất do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) kiểm nghiệm cho thấy đồng vị phóng xạ hạt nhân đã ở mức không đáng kể. Tối 21/4, chuyên gia Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cho biết, mẫu nước mưa được xét lấy ngày 17/4...