Nhật Bản sẽ hủy bỏ cảnh báo siêu động đất ở Rãnh Nankai
Ngày 15/8, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ hủy bỏ cảnh báo nguy cơ cao xảy ra một trận siêu động đất lớn dọc theo bờ biển Thái Bình Dương sau khi xác nhận không có hoạt động địa chấn mới nào xung quanh Rãnh Nankai.
Ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Osaki, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, ngày 8/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo hãng tin Kyodo, cảnh báo dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào lúc 17h ngày 15/8 (theo giờ địa phương), trừ khi có diễn biến mới.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết tính đến ngày 14/8, cơ quan này đã không phát hiện thấy bất kỳ hoạt động địa chấn nào cho thấy những thay đổi đáng lo ngại trong khu vực.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi công chúng vẫn cảnh giác và chuẩn bị, vì khả năng xảy ra một trận động đất lớn vẫn chưa được loại trừ.
Nhật Bản từ lâu đã lo ngại về nguy cơ cao xảy ra một trận động đất độ lớn 8 đến 9 dọc theo Rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới, với dự đoán rằng một khu vực rộng lớn có thể bị rung chuyển và các vùng ven biển bị sóng thần nhấn chìm.
Nhật Bản đã ban bố cảnh báo siêu động đất chỉ vài giờ sau khi một trận động đất có độ lớn 7,1 làm rung chuyển Tây Nam Nhật Bản vào ngày 8/8, với tâm chấn nằm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Miyazaki, phía tây Rãnh Nankai. Cảnh báo siêu động đất trên Rãnh Nankai sau khi được ban bố đã thúc đẩy chính phủ trung ương và các cộng đồng địa phương tăng cường các biện pháp sẵn sàng ứng phó thảm họa trong tuần qua, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến một số doanh nghiệp du lịch trong mùa cao điểm.
Theo Văn phòng Nội các, cảnh báo đã được áp dụng cho 707 đô thị thuộc 29 tỉnh nơi dự kiến có rung chuyển mạnh và sóng thần cao trong trường hợp xảy ra động đất lớn. Chính phủ Nhật Bản ước tính rằng, trong trường hợp xấu nhất, một trận siêu động đất ở Rãnh Nankai có thể gây thiệt hại hơn 200 nghìn tỷ yên (1.360 tỷ USD).
Lịch sử cho thấy một trận siêu động đất xung quanh Rãnh Nankai xảy ra khoảng 100 đến 150 năm một lần. Khoảng 80 năm đã trôi qua kể từ lần gần nhất.
Ngày 11/3/2011, Nhật Bản hứng chịu trận động đất có độ lớn 9,0, gây sóng thần khổng lồ và dẫn đến thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đây là trận động đất có cường độ mạnh nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản.
Nhà nghiên cứu khí tượng Nhật Bản: Không có cơ sở khoa học về 'mây động đất'
Một chuyên gia khí tượng tại Nhật Bản nhấn mạnh rằng không có cơ sở khoa học nào cho cái gọi là "mây động đất" và kêu gọi mọi người thận trọng không nên lan truyền thông tin sai lệch, sau khi có những bài đăng trên mạng xã hội về sự xuất hiện của những đám mây như vậy sau trận động đất ngày 8/8 ngoài khơi tỉnh Miyazaki.
Ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Osaki, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, ngày 8/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trận động đất độ lớn 7,1 ngoài khơi tỉnh Miyazaki đã khiến Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) lần đầu tiên đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất tại rãnh Nankai.
Có nhiều thông tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội như: "Tôi nghe nói rằng mây động đất xuất hiện trước động đất" hay "Có ba hàng mây động đất".
Kentaro Araki, một chuyên gia về mây và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Khí tượng của JMA khẳng định không thể xác định ảnh hưởng của động đất bằng cách nhìn vào mây.
Theo chuyên gia Araki, mây được phân thành 10 loại, trong đó có đám mây cirrus, đám mây stratus và đám mây cumulonimbus, dựa trên độ cao, hình dạng và các yếu tố khác, và có hơn 400 loại nếu được phân chia theo độ trong suốt và các yếu tố khác. Trong số đó, mây máy bay và mây sóng sọc rõ ràng thường bị nhầm lẫn với mây động đất, nhưng ông khẳng định "khí tượng học có thể giải thích hình dạng và điều kiện của tất cả các đám mây thường được gọi là mây động đất".
Chuyên gia Araki cũng đăng trên tài khoản X ngày 8/8 rằng: "Mây không thể là dấu hiệu báo trước động đất".
Mây động đất đã trở thành một chủ đề mỗi khi xảy ra một trận động đất lớn. Từ năm 1983, sau trận động đất ngoài khơi tỉnh Akita, những tin đồn như vậy đã lan truyền, và báo Mainichi Shimbun khi đó đưa tin rằng JMA tuyên bố không có cơ sở cho những đám mây như vậy. Cơ quan này khẳng định rằng "không có lời giải thích khoa học nào ủng hộ việc mây địa chấn xuất hiện liên quan đến động đất".
Nhật Bản: Tuần lễ Vàng ý nghĩa với hoạt động tình nguyện ở vùng động đất Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, nhiều hoạt động tình nguyện đang diễn ra sôi nổi ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất hồi đầu năm tại tỉnh Ishikawa, trong bối cảnh người dân quốc gia Đông Bắc Á này đang tận hưởng Tuần lễ Vàng (Golden Week), kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Ngôi nhà bị phá...