Nhật Bản phát triển du lịch tâm linh
Từng là nơi trú ẩn của người hành hương và giới quý tộc, các ngôi chùa và đền ở Nhật Bản hiện cho phép du khách thoát khỏi các thành phố nhộn nhịp, trải nghiệm cuộc sống như một nhà sư.
Một ngôi đền thu hút du khách trải nghiệm cuộc sống của các nhà sư
Trong nhiều thế kỷ, những người hành hương và quý tộc đã đến các đền chùa tìm kiếm kiến thức và sự giác ngộ. Sau một ngày dài lang thang trên những con đường rừng núi, họ luôn tìm kiếm một ngôi đền để nghỉ ngơi. Chỗ ở đơn giản mà các ngôi đền có thể cung cấp cho họ, cùng với các bữa ăn và lời cầu nguyện truyền thống, được gọi là “shukubo”. Ngày nay, các ngôi đền đang mở cửa cho du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Nhà sư Kaiji Yamamoto tại đền Zenkoji (tỉnh Gifu) cho biết: “Một số người vẫn sử dụng shukubo khi họ đi hành hương để thể hiện đức tin của mình, nhưng số lượng những người đó đang giảm dần”. Ngày càng có nhiều du khách sử dụng shukubo như một nơi lưu trú độc đáo và mang lại nhiều trải nghiệm. Trải nghiệm cuộc sống của một tu sĩ Phật giáo thông qua shukubo khá đơn giản, giống với các thực hành khổ hạnh của những người hành hương. Du khách thường ngủ trong phòng chung, tham gia các buổi thiền định và cầu nguyện vào những thời điểm khác nhau trong ngày và đêm cùng các nhà sư.
Các bữa ăn “shojin ryori” truyền thống của Phật giáo được phục vụ không có thịt, cá hoặc các sản phẩm động vật khác. Các thành phần điển hình trong bữa ăn nhiều món, bao gồm các loại rau và quả theo mùa, được thu hoạch từ những ngọn núi xung quanh ngôi đền, cùng với đậu phụ và thực phẩm làm từ đậu tương. Khi kết hợp những thành phần với nhau, được cho là mang lại sự cân bằng và liên kết giữa cơ thể, tâm trí và tinh thần.
Từ những khởi đầu cơ bản này, shukubo đã phát triển đáng kể. Một số ngôi đền và chùa cung cấp chỗ ở ngang tầm với các khách sạn chất lượng tốt, nhưng đồng thời vẫn giữ được cảnh quan và môi trường truyền thống. Du khách thời hiện đại có thể tham gia các buổi thiền định, các buổi cầu nguyện, yoga, sao chép thư pháp và các chuyến đi bộ có hướng dẫn viên ở những ngọn núi xung quanh. Vào những dịp đặc biệt, du khách cũng có thể tham gia vào các nghi lễ tẩy trần bằng cách đứng dưới thác nước đọc kinh.
Theo nhà sư Yamamoto, sức hút của shukubo đang tăng vì ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc tìm hiểu về Phật giáo và tham gia các khóa đào tạo như thiền, chánh niệm và các hình thức điều hòa thể chất và tinh thần khác. Điều đó giúp nhiều ngôi chùa nằm ở các vùng nông thôn của Nhật Bản thu hút du khách nước ngoài, những người đã khám phá các thành phố và đang muốn tìm trải nghiệm các truyền thống cổ xưa.
Video đang HOT
Một số ngôi chùa cũng đã bắt đầu cung cấp các khóa tu cho công ty, kỳ nghỉ team building, hội nghị… Chùa Houkouji, ở vùng nông thôn tỉnh Shizuoka phía Tây Nam Tokyo, là một trong những nơi tổ chức các sự kiện, tận dụng sảnh chính được trang trí công phu có thể chứa vài trăm người cho các buổi thiền, thuyết pháp và hội họp. Khuôn viên chùa rộng 15.000m2 cũng có phòng trà đạo, phòng họp, chỗ ở cho tối đa 50 khách.
Hàng nghìn du khách về dự lễ Vu Lan trên đỉnh thiêng Fansipan
Giữa giăng giăng mây ngàn và cái lạnh se se nơi đỉnh thiêng Fansipan mùa Vu Lan, màu áo lam của hàng nghìn du khách như tệp vào sương phủ.
Những bông hoa hồng đỏ thắm, phớt hồng hay trắng tinh khiết bật lên nơi ngực áo, gợi lên muôn vàn cảm xúc của mùa biết ơn và thành kính.
Vu Lan nào cũng vậy, dù tất tả ngược xuôi, những người con luôn dành cho mình một khoảng lặng nơi cửa Phật linh thiêng, để nhắc nhở bản thân về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.
Những năm gần đây, đỉnh Fansipan hội tụ linh khí đất trời, nơi hiện diện quần thể tâm linh mang dáng chùa Việt cổ thế kỷ 15-16 luôn là điểm đến mà Phật tử bốn phương hướng về mỗi mùa Vu Lan. Để làm sâu sắc hơn ý nghĩa của lễ Vu Lan, một trong những ngày lễ quan trọng trong Phật giáo và tôn vinh đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc, cứ vào tháng 7 âm lịch, Sun World Fansipan Legend lại trang trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu. Năm nay lễ Vu Lan bắt đầu từ ngày 6/8 đến 14/8/2022.
Sáng 6/8, hơn 500 Tăng Ni, Phật tử và du khách lên tới "Nóc nhà Đông Dương", khoác lên màu áo lam, tham dự lễ khai mạc pháp hội Vu Lan báo hiếu. Nếu chỉ vài ngày trước, Fansipan nắng nhẹ, trời cao thì đến lễ Vu Lan, sương lại bao trùm nơi đỉnh thiêng, tựa như làn mây đưa bước chân những người con về với chốn linh thiêng, rũ bỏ mọi muộn phiền âu lo, thành tâm báo hiếu cha mẹ.
Hành trình ngày Vu Lan của mỗi du khách mở ra từ tuyến cáp treo xuyên mây ngàn gió núi hướng về đỉnh thiêng. Tựa đầu trên ô kính còn mờ hơi sương, thu vào tầm mắt du khách là tầng tầng sương trắng, mờ ảo phía xa là một màu xanh mướt của những cánh ruộng bậc thang gối nhau trên triền núi, cảnh vật ở chốn địa đầu Tổ quốc đã gợi lên những xúc cảm bâng khuâng, đưa lòng người hướng về những đấng sinh thành.
Đón bước chân du khách sau hành trình từ cáp treo là quần thể tâm linh trải dài từ độ cao 2.900m lên tới gần khu vực đỉnh Fansipan. Đến đây dịp Vu Lan này, những người con ở bất kỳ độ tuổi nào cũng được trang trọng cài lên ngực một bông hồng, tượng trưng cho sự tri ân, lòng hiếu thảo và biết ơn đối với bậc sinh thành. Mỗi sắc hoa hồng mang ý nghĩa khác nhau. Hoa hồng đỏ nhắc nhở cho mỗi người sự may mắn, tự hào vì còn cha mẹ trên đời, để họ trân trọng hơn thời gian quý giá nhất. Hoa màu hồng nhạt được gắn trên ngực áo những người con chỉ còn một trong hai đấng sinh thành. Sắc hoa trắng mong manh tượng trưng cho sự tưởng nhớ và chia lìa âm dương với cha mẹ đã khuất, thành tâm cầu chúc người an yên ở nơi xa.
Trong hàng nghìn du khách về với Fansipan ngày lễ, có cả những em nhỏ, ông bà cụ tóc đã ngả màu, mà trước đây tưởng chừng việc "chinh phục" đỉnh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc chỉ là trong giấc mơ.
Đặt những bước chân khoan thai trên bậc đá xanh hướng về "cổng trời" Thanh Vân Đắc Lộ, ai cũng thấy thanh thản, bình an đến lạ. Xa xa một màu mây trắng ôm ấp dãy núi xanh trập trùng và trước mắt mỗi người là những mái chùa Việt cong cong, được bao bọc trong âm vang tiếng chuông trong thanh không tĩnh lặng nơi đỉnh trời.
Chị Hoàng Phương Mai, du khách từ Hà Nội cho biết năm nào vào lễ Vu Lan, chị cũng cùng cha mẹ đi lễ trong thành phố. Năm nay, thấy tóc đấng sinh thành đã bạc trắng gần như cả mái đầu, chị quyết định đưa họ tới Fansipan, vừa để hành hương, vừa hoàn thành tâm nguyện một lần chạm tay vào cột mốc nơi địa đầu Tổ quốc của cha mẹ.
"Bắt đầu từ nhà ga cáp treo lên đến quần thể tâm linh, không khí ngày lễ diễn ra vô cùng trang trọng với cờ ngũ sắc Phật giáo, những con đường đá sạch đẹp trang trí nhiều cây xanh và hoa tươi. Mình hạnh phúc khi được cùng cha mẹ cảm nhận được sự thanh tịnh, thiêng liêng của đất trời như vậy", chị Mai nói.
Năm nay lễ khai mạc pháp hội Vu Lan báo hiếu được long trọng tổ chức trong lòng Đại tượng Phật, với sự tham dự của bậc trụ trì cùng hàng trăm Tăng ni, Phật Tử. Họ chắp tay nguyện cầu trước xá lợi Phật - Pháp bảo quý giá lưu giữ trong Đại tượng Phật, lắng nghe và cùng nguyện cầu theo từng hồi kinh Vu Lan bồn vang vọng giữa đại ngàn.
Sau đại lễ, Phật tử cùng du khách tham gia lễ diễu hành từ Đại Tượng Phật, dạo bước trên đường La Hán chiêm bái 18 tượng Vị Sư tổ rồi dâng hương tại Kim Sơn Bảo Thắng tự.
Những hình ảnh ấn tượng và đáng nhớ nhất trong buổi lễ là những gia đình 2-3 thế hệ cùng thong thả rảo bước trên những đường đá quanh co men sườn núi, bao quanh là trời mây, những dãy núi hùng vĩ và giữa tiếng chuông ngân vang vọng một cõi. Giữa tiết trời se lạnh nơi đỉnh thiêng, sự ấm áp toát lên trong từng ánh mắt, nụ cười và cái siết tay của những người hành hương.
Cũng có những giọt nước mắt đã lăn trên đôi má những người con, khi được lắng nghe tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ, lời giảng về đạo hiếu của sư thầy. Lúc này chắp tay thành kính trước tượng Quan thế âm Bồ tát và Đại tượng Phật A Di Đà tôn nghiêm giữa đại ngàn, Phật tử bốn phương một lòng hướng thiện, nguyện cầu cho cha mẹ trên đời được bình an trường thọ; tổ tiên, cha mẹ khuất núi được siêu sinh tịnh độ.
Hành trình mùa Vu Lan còn là dịp để du khách cùng những người thân yêu chạm tay tới đỉnh Fansipan - "Nóc nhà Đông Dương", ghi thêm những dấu mốc trong cuộc đời mỗi người và thưởng ngoạn vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc.
Trời dần chuyển sang thu, khung cảnh ở Fansipan càng thêm thi vị, khi những thửa ruộng bậc thang trong thung lũng đang dần ngả vàng, tựa những dải lụa trải tít tắp tận chân trời; nếu dưới chân núi khu vực Ga đi cáp treo, muôn ngàn sắc hoa hồng, cúc magic, đuôi công... đương thì nở rộ, thì khu vực đỉnh Fansipan đang bạt ngàn sắc cam đỏ của dơn lúa, đem đến những trải nghiệm thú vị trong mùa Vu Lan báo hiếu.
Cũng từ nay đến 14/8, du khách còn có dịp trải nghiệm không khí lễ hội truyền thống tưởng chừng đã mai một ở Sa Pa, trong mùa giải "Vó ngựa trên mây". Cuối tuần màn trình diễn đua ngựa sẽ lại diễn ra tại khuôn viên nhà ga đi cáp treo. Tiếng vó ngựa rộn rã nơi rẻo cao, những màn trình diễn nghệ thuật đậm đà bản sắc Tây Bắc khiến hành trình mùa Vu Lan của du khách ý nghĩa hơn bao giờ hết.
"Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Khắp thế gian này không gì sánh bằng mẹ đâu...", thanh âm ấy lẫn trong tiếng gió như tạc vào kẽ đá, nhắc nhớ mỗi mùa Vu Lan, những người con hiếu thuận lại tìm về nơi đỉnh thiêng Fansipan, để thấy công ơn sinh thành của cha mẹ, núi thái sơn cũng sánh sao bằng.
Tìm về chốn bình yên nơi chùa Phật Quang - Hà Nam Bên cạnh chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Tam Chúc... chùa Phật Quang là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Hà Nam được nhiều người biết tới. Chùa Phật Quang tọa lạc ở thôn Dư Nhân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 70km. Toàn cảnh chùa có diện tích 13ha,...