Nhật Bản nín thở chờ chiến tranh mafia bùng nổ
Sự tan đàn xẻ nghé của một nhóm yakuza lớn ở Nhật đã dẫn tới tình trạng đấu đá nội bộ gia tăng, nhiều khả năng sẽ bùng phát lớn vào dịp sinh nhật một ông trùm vào cuối tháng.
Bàn tay bị chặt ngón út của một yakuza. Ảnh: Daily Beast
Gần 6 tháng sau khi tổ chức tội phạm mafia (yakuza) lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi “tan đàn xẻ nghé”, với hàng nghìn thành viên tách ra thành nhóm mới là Kobe Yamaguchi-gumi (KY), các báo Nhật Bản đã dự đoán một “cuộc tắm máu” sắp diễn ra. Nhiều người lo ngại hai băng nhóm sẽ bước vào một cuộc chiến toàn diện, cuốn theo các băng nhóm yakuza khác.
Taro Kono, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, cơ quan giám sát cảnh sát Nhật Bản, thừa nhận tại một cuộc họp báo hôm 4/3 rằng: “Không thể phủ nhận rằng một cuộc chiến tranh băng đảng đang diễn ra”.
Một ngày sau, một chiếc xe tải đâm vào văn phòng của KY tại thành phố Mito. Sau đó, một xe tải khác đâm vào văn phòng của Yamaguchi-gumi ở Mie. Tại Kobe, xe của một thành viên cấp cao KY bị đập nát. Sáng ngày 6/3, văn phòng KY tại Ibaraki hứng 5 phát đạn.
Kono cho biết ông đã ra lệnh cho cảnh sát trấn áp các nhóm để họ không gây rắc rối cho người dân. Các nhóm tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản tự tuyên bố là những tổ chức huynh đệ đề cao giá trị nhân đạo. Họ thừa nhận họ tham gia vào các hành vi gian lận, tống tiền, và đòi tiền bảo kê, nhưng luôn đề cao khẩu hiệu “không gây phiền hà cho dân thường”. Tuy nhiên, Daily Beast đánh giá, khi các yakuza đã quay lưng lại với nhau thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Khi mâu thuẫn nội bộ trong Yamaguchi-gumi trở nên rõ ràng vào tháng 8 năm ngoái, một nguồn tin cảnh sát ở Hyogo đã nói rằng: Lần Yamaguchi-gumi tách nhóm năm 1984 “đã dẫn đến 5 năm chiến tranh băng đảng. Chúng tôi đang đề cao cảnh giác đề phòng lịch sử lặp lại, và nhiều khả năng là nó sẽ như vậy”.
Theo Cơ quan cảnh sát quốc gia, kể từ khi KY tách ra khỏi Yamaguchi-gumi hôm 27/8 năm ngoái, đã có 49 vụ bạo lực bùng phát giữa thành viên hai nhóm. Các cuộc tấn công bao gồm ẩu đả, đấu súng, lao xe vào các tòa nhà, ném bom xăng, và có ít nhất một vụ giết người tàn bạo. Cảnh sát đã bắt 65 yakuza liên quan đến chiến tranh băng đảng.
Do Nhật Bản có những quy định nhằm kiềm chế các tổ chức yakuza, Yamaguchi-gumi, nhóm được thành lập vào năm 1915, gặp bất lợi trong cuộc chiến. Được xác định là nhóm tội phạm có tổ chức, họ bị kiềm chế bởi một số luật và quy định, khiến cho cảnh sát dễ dàng đột kích văn phòng họ, bắt giữ các thành viên và kiểm soát hoạt động. Người quyền lực thứ ba trong Yamaguchi-gumi đã bị bắt, để lại một khoảng trống trong cơ cấu quyền lực của nhóm này.
Trong khi đó, KY mới chỉ được lập ra vài tháng trước và chưa được chính thức coi là nhóm tội phạm có tổ chức. Vì vậy, họ có thể di chuyển tự do hơn.
Video đang HOT
Đón bão
Tình hình những tháng đầu tiên sau vụ tách nhóm tương đối yên ắng cho đến hôm 26/10, khi Toshiyuki Kawachi, một thành viên cấp trung bị đuổi khỏi Yamaguchi-gumi, bị bắn vào đầu. Cảnh sát Osaka cho rằng đây là một vụ tự tử.
Ngày 15/11, tại tỉnh Mie, Tatsuyuki Hishida, thủ lĩnh nhánh Aiokai của Yamaguchi-gumi, bị đột nhập vào nhà sát hại. Ông ta bị trói chân tay, còn đầu bị đánh đập bằng một ống sắt. Kẻ giết người đột nhập vào nhà qua cửa sổ tầng hai.
Kể từ tháng một, các cuộc đụng độ leo thang tại khu phố đèn đỏ khét tiếng của Tokyo, Kabukicho. Các thành viên KY và Yamaguchi-gumi hai lần ẩu đả với nhau, lần đầu tiên vào ngày 15/1 và lần thứ hai vào ngày 15/2.
Trong một cuộc đụng độ, thành viên Yamaguchi-gumi đã tấn công một thành viên KY đi vào địa bàn của họ. Các nhân chứng kể lại rằng họ thấy vài người đàn ông đấm đá túi bụi một thành viên KY mặc quần áo rằn ri và cạo đầu trọc. Thành viên KY bị đánh gãy xương và nứt hộp sọ tại nơi chỉ cách văn phòng chính quyền phường Shinjuku vài mét. Cảnh sát Shinjuku đã đến hiện trường và phong tỏa nó trong một thời gian ngắn.
Một số nhân chứng kể rằng có tổng cộng khoảng 60 yakuza đánh nhau trên đường phố như trong trò chơi điện tử. Không có ai bị bắt.
Ngày 17/2, tại Osaka, một chiếc xe tải hai tấn lao vào văn phòng nhánh Akira Rengo-kai của Yamaguchi-gumi. Tại Fukui, ngày 23/2, trước mặt những cảnh sát đang canh chừng bên ngoài văn phòng nhánh Masaki-gumi của KY, một thành viên 38 tuổi của Yamaguchi-gumi, Toshiyuki Yamamoto, bắn 5 phát đạn vào cửa và bị bắt ngay tại chỗ. Trước đó, ông này đã gửi thư cho các kênh truyền thông và tạp chí của yakuza.
Trong thư, Yamamoto viết lời kêu gọi hòa bình: “Hỡi những người ở KY, chúng ta từng là anh em dưới một mái nhà, tại sao bây giờ chúng ta lại đấu đá lẫn nhau, tôi không thể hiểu nổi. Rồi sẽ có nhiều thanh niên phải đổ máu. Bây giờ là thời điểm để dừng lại. Hãy tìm cách quay lại. Hãy trở về. Đừng khiến công sức của tôi thành vô ích”.
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi này, ngày 29/2, tại quận Toyama, một quả bom xăng được ném vào nhà một thành viên Yamaguchi-gumi. Ngày 8/3, cảnh sát Nhật thiết lập một trụ sở đặc biệt và các cơ sở tại 44 trong 47 tỉnh của Nhật Bản để theo dõi và xử lý các vụ đụng độ. Tuy nhiên, bạo lực chưa có dấu hiệu dừng lại. Sáng sớm ngày 16/3, một chiếc xe của thành viên cấp cao và một văn phòng của Yamaguchi-gumi bị bốc cháy, nghi ngờ là do bom xăng, theo Tokyo Report.
“Tháng này sẽ rất căng thẳng, vì có nhiều lý do để dẫn đến những cuộc đụng độ”, một quan chức Nhật chuyên điều tra tội phạm có tổ chức nói. “Sinh nhật thủ lĩnh đời thứ ba của Yamaguchi-gumi, Kazuo Taoka, rơi vào ngày 28/3. Cả hai nhóm đều tuyên bố họ đi theo bước chân của ông này. Đó sẽ là cái cớ để xung đột nổ ra”.
Phương Vũ
Theo VNE
Đại chiến mafia Nhật
Cảnh sát Nhật Bản đặt trong tình trạng báo động giữa lúc các băng đảng tội phạm lớn nhất nước phát động một cuộc thanh toán đẫm máu.
Cảnh sát xuất hiện tại văn phòng của một nhóm liên quan đến Yamaguchi-gumi ở thành phố Hita, tỉnh Oita - Ảnh: Japan Times
Hồi tháng 9.2015, cảnh sát Nhật Bản phải đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ khi Yamaguchi-gumi, băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất ở Nhật, khét tiếng với tên gọi yakuza, lâm vào cảnh "tan đàn xẻ nghé". Khi đó, 11 nhóm phụ thuộc tách khỏi Yamaguchi-gumi và lập yakuza mới lấy tên Kobe Yamaguchi-gumi. Vụ ly khai này châm ngòi cho một cuộc thanh toán giữa hai băng nhóm, vốn đã leo thang thành "cuộc chiến tổng lực", theo tuyên bố của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) ngày 7.3.
Huynh đệ tương tàn
Theo công bố của NPA, từ ngày 1.9.2015 đến ngày 6.3.2016 đã xảy ra tổng cộng 49 vụ tấn công liên quan đến Yamaguchi-gumi và Kobe Yamaguchi-gumi ở 22/47 tỉnh của Nhật. Trong đó, Yamaguchi-gumi là mục tiêu của 21 vụ, còn Kobe Yamaguchi-gumi bị tấn công 19 lần. Số còn lại là những vụ gây gổ liên quan đến nhiều thành viên của hai băng nhóm. NPA cho biết thêm trong số 49 vụ, có 3 vụ tấn công bằng bom cháy, 4 vụ bắn súng và 9 vụ tông xe vào tòa nhà văn phòng thuộc Yamaguchi-gumi hoặc Kobe Yamaguchi-gumi.
Tình trạng đối đầu giữa Yamaguchi-gumi và Kobe Yamaguchi-gumi trở nên nghiêm trọng từ tháng trước. Vụ tấn công mới nhất xảy ra vào sáng 6.3, khi một văn phòng của Kobe Yamaguchi-gumi ở tỉnh Ibaraki bị phe Yamaguchi-gumi bắn 5 phát súng, theo tờ The Daily Beast. Một văn phòng khác của nhóm yakuza này ở thành phố Mito thuộc Ibaraki cũng đã bị xe tải tông và bị bắn vào ngày 5.3. Cùng ngày, một văn phòng của Yamaguchi-gumi ở tỉnh Mie bị xe tải tông trong khi xe hơi của một thành viên cấp cao thuộc Kobe Yamaguchi-gumi bị tông ở thành phố Kobe thuộc tỉnh Hyogo.
Ngày 3.3, cảnh sát đã bắt tại trận thành viên băng Yamaguchi-gumi, Akira Matsubara, người lái xe tông vào một ngôi nhà trong thành phố Asahikawa thuộc tỉnh Hokkaido, nơi thủ lĩnh của một băng nhóm thuộc Kobe Yamaguchi-gumi đang ở, theo Kyodo News. Cách đó khoảng 10 ngày, ngay trước mặt những cảnh sát đang tuần tra bên ngoài tòa nhà văn phòng của Kobe Yamaguchi-gumi ở tỉnh Fukui, một thành viên Yamaguchi-gumi đã bắn 5 phát súng vào cửa văn phòng nên bị bắt tại chỗ.
Ngoài ra, cũng có nhiều lời khai về các vụ hỗn chiến với sự tham gia của khoảng 60 thành viên yakuza trên đường phố. Hiện chưa có báo cáo thương vong từ những vụ tấn công trên.
Một thành viên Yamaguchi-gumi khẳng định với tờ Asahi Shimbun rằng trong khoảng 6 tháng kể từ khi "tan đàn xẻ nghé", nhiều thành viên Kobe Yamaguchi-gumi đã quấy nhiễu các "đồng nghiệp" ở Yamaguchi-gumi trên khắp nước Nhật. "Nếu Yamaguchi-gumi án binh bất động, sẽ có thêm vài nhóm đầu quân Kobe Yamaguchi-gumi", thành viên này suy đoán và cho rằng các nguồn lợi tài chính có thể là nguyên nhân cốt lõi của cuộc chiến hiện nay.
Thủ lĩnh Kenichi Shinoda của băng Yamaguchi-gumi - Ảnh: AFP
Tương quan lực lượng
Xét về tương quan lực lượng, Yamaguchi-gumi được đánh giá có ưu thế hơn. Tính đến cuối năm 2015, dù giảm 40% so với năm 2014, Yamaguchi-gumi vẫn còn khoảng 6.000 thành viên. Số thủ lĩnh các nhóm phụ thuộc của băng này hiện còn 56, so với con số 73 trước khi bị chia tách, theo Hãng tin Jiji Press trích nội dung báo cáo do NPA công bố.
Yamaguchi-gumi hiện vẫn còn duy trì tầm ảnh hưởng ở 44 tỉnh và vẫn là băng yakuza lớn nhất nước. Trong khi đó, Kobe Yamaguchi-gumi có khoảng 2.800 thành viên, trở thành băng yakuza lớn thứ 3, sau Sumiyoshi-kai (có trụ sở ở Tokyo, với khoảng 3.200 thành viên). Kobe Yamaguchi-gumi có 22 thủ lĩnh nhóm phụ thuộc, với sự ảnh hưởng trải rộng trên 36 tỉnh.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Yamaguchi-gumi, được thành lập vào năm 1915 và do ông Kenichi Shinoda (còn gọi Shinobu Tsukasa) cầm đầu, được dự đoán sẽ gặp bất lợi trong cuộc chiến. Tờ The Daily Beast lý giải rằng do đã bị xác định là một băng đảng tội phạm có tổ chức theo luật pháp Nhật, Yamaguchi-gumi, với trụ sở ở thành phố Kobe, thủ phủ tỉnh Hyogo, dễ lâm vào cảnh bị cảnh sát bố ráp văn phòng, bắt bớ thành viên và cản trở hoạt động. Trong khi đó, Kobe Yamaguchi-gumi mới được Kunio Inoue, người bị trục xuất khỏi Yamaguchi-gumi, thành lập hồi tháng 9.2015 nên chưa chính thức bị xác định là một nhóm tội phạm có tổ chức. Do vậy, Kobe Yamaguchi-gumi, đặt trụ sở ở thành phố Awaji, cũng thuộc Hyogo, hiện có thể hoạt động tự do hơn.
Theo Kyodo News, trong cuộc họp báo ngày 4.3, ông Taro Kono, Chủ nhiệm Ủy ban An toàn công cộng quốc gia Nhật, vốn quản lý NPA, cho biết ông sẽ chỉ đạo cảnh sát sớm xác định Kobe Yamaguchi-gumi là một băng nhóm có tổ chức theo luật chống tội phạm. Để ứng phó tình trạng đối đầu giữa Yamaguchi-gumi và Kobe Yamaguchi-gumi, ông Kono cũng yêu cầu cảnh sát truy quét mạnh tay đối với hai nhóm này. "Tôi phải nói rằng đây là những mâu thuẫn giữa hai băng nhóm chống đối nhau. Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn tình trạng này để nó không gây rắc rối cho các công dân", ông Kono tuyên bố.
"Tình trạng chiến tranh"
Theo tờ Daily Beast, mặc dù các vụ tấn công qua lại giữa Yamaguchi-gumi và Kobe Yamaguchi-gumi đã xảy ra trong vài tháng qua, nhưng cảnh sát Nhật chỉ mới chính thức tuyên bố "tình trạng chiến tranh" giữa các băng đảng vào ngày 7.3. Lý do là mỗi khi xác định "tình trạng chiến tranh", cảnh sát Nhật phải dồn nguồn lực để ngăn chặn một cuộc tắm máu. Ngay trong ngày 7.3, NPA đã thiết lập một sở chỉ huy phụ trách ứng phó chiến tranh băng đảng. Các sở cảnh sát trên khắp cả nước cũng được lệnh thiết lập đơn vị điều tra và thu thập thông tin tình báo liên quan đến các hoạt động của Yamaguchi-gumi và Kobe Yamaguchi-gumi.
Ngày 8.3, toàn bộ chỉ huy các đơn vị chống tội phạm có tổ chức trên cả nước được triệu tập về họp khẩn tại thủ đô Tokyo để ứng phó với tình hình. Hiện mọi sự chú ý đang dồn về ngày 15.3, vốn là ngày mà nhóm Kobe Yamaguchi-gumi có cuộc họp tại một địa điểm bí mật ở Tokyo.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Ngày tàn của mafia Nhật Nhiều thành viên các băng đảng mafia Nhật tìm cách thoát khỏi bóng tối và bắt đầu hoàn lương khi thế giới ngầm đang trong giai đoạn khủng hoảng lớn chưa từng có. Satoru Takegaki, từng làm vệ sĩ cho cựu thủ lĩnh Yamaguchi-gumi, giơ tấm áp phích của chiến dịch chống mafia trong buổi phỏng vấn với AFP tại Himeji ngày 7/10....