Nhật Bản ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân cuối cùng
Nhật Bản hiện có 54 lò phản ứng hạt nhân, nhưng vào ngày thứ Bảy (5/5) tới sẽ không còn một lò phản ứng nào được hoạt động. Vậy câu hỏi đặt ra là: “Đất nước mặt trời mọc sẽ sống như thế nào khi không có điện hạt nhân?”
Làn sóng phản đối điện hạt nhân bùng nổ khắp Nhật Bản
Nhật Bản sẽ chính thức bắt đầu chặng đường dài không sử dụng nguồn năng lượng được sản xuất từ các nhà máy điện hạt nhân từ ngày 5/5 – một điều mà có lẽ chưa ai từng nghĩ tới trước khi thảm họa rò rỉ các chất phóng xạ xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sau tác động của trận động đất sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái.
Công ty điện Hokkaido sẽ chính thức đóng cửa lò phản ứng số 3 nằm trong nhà máy Tomari – lò phản ứng cuối cùng còn hoạt động tới ngày mai. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng gần 50 năm qua, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ sống mà không có điện hạt nhân.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima đã khiến người dân Nhật Bản suy ngẫm lại về việc tiếp tục chung sống với điện hạt nhân. Với quyết định ngừng hoạt động của toàn bộ 54 lò phản ứng sẽ đánh dấu một bước chuyển dịch lớn trong chính sách năng lượng của nước này.
Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục triệu dân Nhật Bản sẽ phải sống trong cảnh tiết kiệm điện, tránh bật điều hòa, luôn đối mặt với nguy cơ mất điện và các nhà máy sẽ không có điện để sản xuất hàng hóa.
Ngay trong tuần này, Cơ quan chính sách quốc gia của chính phủ Nhật Bản đã ước tính trong mùa hè này Tokyo sẽ bị thiếu 5% lượng điện tiêu dùng, trong khi các nhà máy điện thuộc phía tây Nhật Bản – nơi có thành phố công nghiệp lớn Osaka, cũng sẽ buộc cắt giảm 16% công suất.
Trước khi xảy ra thảm họa 11/3, Nhật Bản gần như phụ thuộc hoàn toàn vào điện hạt nhân – nguồn cung cấp 30% nhu cầu điện và hy vọng tới năm 2030, lượng điện cung cấp sẽ đạt 50% nhờ xây dựng thêm các lò phản ứng mới.
Video đang HOT
Song với một lượng lớn các chất phóng xạ phát tán vào bầu không khí và môi trường biển, nguồn thực phẩm và nước sạch bị ô nhiễm, cũng như hàng chục ngàn người dân buộc phải đi sơ tán đã đẩy những kế hoạch trong tương lai của điện hạt nhân – nguồn năng lượng phát thải lượng carbon thấp, gần như bị phá sản.
Chỉ trong vòng 14 tháng qua, hàng chục lò phản ứng dù không phải chịu tác động trực tiếp từ thảm họa động đất sóng thần vẫn buộc phải ngừng hoạt động để bước vào quá trình bảo trì và kiểm tra an toàn định kỳ. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất điện đã chuyển thành các nhà máy điện sử dụng nguồn nguyên liệu là than, dầu mỏ và khí gas để duy trì nguồn cung cấp điện cho ngành công nghiệp và các hộ gia đình.
Việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu để sản xuất điện cũng đã khiến Nhật Bản lần đầu tiên bị thâm hụt ngân sách thương mại trong vòng hơn 30 năm qua.
Hiện tại, Nhật Bản đã trở thành nước nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất trên thế giới, vượt qua cả mức nhập khẩu vào hồi năm ngoái để thay thế cho năng lượng hạt nhân.
Cơ quan năng lượng quốc tế dự báo việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Nhật Bản tăng thêm 4,5 triệu barrel/ngày, kéo chi phí tăng thêm 100 triệu USD/ngày.
Ngay cả, nỗ lực thuyết phục dân chúng ủng hộ việc tái khởi động 2 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Oi thuộc quận Fukui, phía tây Nhật Bản của thủ tướng Yoshihiko Noda mới đây cũng đã gặp thất bại sau hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối điện hạt nhân bùng nổ.
Sẽ không một lò phản ứng nào của Nhật Bản được phép tái khởi động khi chưa trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt để kiểm chứng khả năng chống chọi với các thảm họa thiên nhiên như đứng vững trước những cơn sóng thần cao 14 m từng tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi – thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới sau sự kiện tại nhà máy Chernobyl năm 1986.
Trong một cuộc khảo của tờ Kyodo, có tới 59,5% số người được hỏi phản đối việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Oi, trong khi con số ủng hộ chỉ là 26,7%.
Về phía các nhà kinh doanh, 71% cơ sở sản xuất cho biết thiếu điện sẽ buộc họ cắt giảm năng suất và 96% chia sẻ giá điện tăng là “bóng ma” đe dọa tới lợi nhuận của công ty họ.
Viện Kinh tế năng lượng Nhật Bản cảnh báo nếu hàng loạt các lò phản ứng vẫn tiếp tục đóng cửa thì mức tăng trưởng GDP của nước này sẽ chỉ giới hạn ở mức 0,1% trong năm nay.
Ngoài ra, việc không sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới bản cam kết cắt giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu của Nhật Bản.
Theo Infonet
Nhật Bản: Đóng cửa lò phản ứng nằm trên vùng động đất
Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga của Nhật Bản có nguy cơ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn do 2 lò phản ứng của nhà máy này nằm ngay trên đỉnh một đới đứt gãy hoạt động mạnh, thường trực nguy cơ xảy ra động đất.
Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga
Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga nằm về phía tây bắc trong thị trấn Fukui của Nhật Bản, với công suất 1.517 megawatt (MW).
Lần đầu tiên trong vòng hơn 40 năm qua, đất nước Nhật Bản đối mặt với việc thiếu điện sinh hoạt trong nhiều tuần do hầu hết các nhà máy điện hạt nhân đang phải đóng cửa để bảo dưỡng định kỳ.
Sau thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái gây ra cuộc khủng hoảng rò rỉ hạt nhân nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, người dân Nhật Bản đã dần mất lòng tin vào mức độ an toàn của điện hạt nhân, đồng thời lên tiếng phản đối việc tái khởi động các lò phản ứng sau giai đoạn bảo dưỡng định kỳ.
Kết quả nghiên cứu được Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (NISA) công bố hôm 24/4 chỉ ra rằng lò phản ứng số 1 và 2 của nhà máy Tsuruga nằm ngay trên một đới đứt gãy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra động đất bất cứ lúc nào.
Cơ quan này lo ngại việc tái khởi động 2 lò phản ứng trên sẽ tác động tới hoạt động của đới đứt gãy và khả năng tái diễn lại sự cố rò rỉ hạt nhân như tại nhà máy Fukushima.
Trong khi đó, ban điều hành nhà máy Tsuruga phủ nhận việc xuất hiện một đới đứt gãy nằm ngay bên dưới khu vực nhà máy và yêu cầu NISA tiến hành điều tra thêm để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Trước thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi, điện hạt nhân vẫn được xem là nguồn năng lượng giá rẻ và an toàn, cung cấp gần 30% tổng điện năng cho Nhật Bản. Tuy nhiên giờ đây, chỉ có duy nhất 1/54 lò phản ứng còn hoạt động cho tới ngày 5/5, còn 53 lò phản ứng còn lại hiện đã ngừng hoạt động để bước vào giai đoạn bảo dưỡng.
Nhật Bản có quy định không cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên các đới đứt gãy, hoạt động trong vòng từ 120.000 - 130.000 năm, và nhà máy Tsuruga có thể sẽ phải đóng cửa vì không đủ điều kiện an toàn hoạt động.
Trước thời điểm đóng cửa để bảo dưỡng vào năm ngoái, lò phản ứng số 1 của nhà máy Tsuruga có công suất 357 MW và lò phản ứng số 2 là 1.160 MW.
Công ty năng lượng nguyên tử Nhật Bản từng có dự định xây thêm lò phản ứng số 3 và 4 tại nhà máy Tsuruga. Dự kiến vào năm 2018, mỗi tổ máy trên sẽ có công suất là 1.538 MW. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đang phải ngừng lại do sự phản đối từ phía công chúng sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào hồi tháng 3/2011.
Ngoài ra, việc tái khởi động lò phản ứng số 1 vốn được vận hành từ năm 1970 tại nhà máy Tsuruga vẫn là một điều chưa chắc chắn mặc dù chính phủ Nhật Bản đã cho phép kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng lên 40 năm.
Trước đây, Công ty năng lượng nguyên tử Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch cho lò phản ứng số 1 của nhà máy Tsuruga "nghỉ hưu" vào năm 2016.
Theo PLXH
Nhật sắp khai tử lò phản ứng hạt nhân Hôm nay, Nhật Bản vừa tắt một lò phản ứng hạt nhân để bảo trì, khiến nước này chỉ còn duy nhất một trong số 54 lò hạt nhân còn hoạt động sau thảm họa động đất sóng thần năm ngoái. Một công nhân đang trong phòng điều hành lò phản ứng số 6 ở tổ hợp Kashiwazaki-Kariwa, sau khi nó được ngừng...