Nhật Bản mong một cú bắt tay quyết định
Giới chức Nhật Bản đang nuôi hy vọng thủ tướng nước này và chủ tịch Trung Quốc sẽ có một cuộc gặp gỡ vào tháng tới, mở ra cơ hội hàn gắn mối quan hệ rạn nứt của hai quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh:Asia News
Nhật Bản hiện tại không thiếu những vấn đề cần lo lắng, từ làm sao để tăng cường tốc độ phục hồi nền kinh tế trên đà giảm sút đến cố gắng thuyết phục dân chúng chấp nhận quay lại với điện hạt nhân. Tuy nhiên, dù phải đối mặt với những bài toán khó đó, các lãnh đạo đất nước vẫn dành nhiều quan tâm tới một cử chỉ dường như rất nhỏ bé: một cái bắt tay.
Theo New York Times, cử chỉ này mang một tầm quan trong vượt bậc bởi người có khả năng sẽ thực hiện nó là hai nhân vật quyền lực: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những nhà lãnh đạo cứng rắn của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Đôi bên tích cực thăm dò lẫn nhau gần hai năm qua. Phía Nhật Bản mong hành động này, và có thể là một cuộc gặp mặt ngắn sau đó, sẽ là bước khởi đầu trên con đường hàn gắn mối quan hệ hai nước.
Bắc Kinh và Tokyo liên tiếp thực hiện nhiều nước đi ngoại giao tinh tế trong vài tuần gần đây, đưa ra những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Quan chức Nhật Bản bắt đầu bày tỏ lạc quan, tin tưởng rằng, cuộc gặp gỡ đầu tiên từ khi cả hai nhà lãnh đạo lên nắm quyền sẽ diễn ra vào tháng tới, bên lề một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế khu vực, tổ chức tại Bắc Kinh.
Hồi đầu tháng 10, bà Lý Giao Linh, con gái cố chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, có chuyến thăm tới Nhật Bản. Bà gặp ông Abe, ngồi cạnh thủ tướng và cùng xem một buổi biểu diễn của nhóm múa Trung Quốc. Chuyên gia cho rằng đây là một trong những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho sự hàn gắn quan hệ Trung-Nhật.
Các đợt đàm phán cuối vẫn đang được tiến hành, vì thế, chưa thể chắc chắn những diễn biến nơi hậu trường sẽ dẫn tới một bước đột phá như giới chức Nhật Bản mong muốn. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, hai quốc gia dường như đều công nhận họ có quá nhiều thứ để mất, cả trên lĩnh vực kinh tế và chính trị, nếu không tìm ra phương cách hòa giải.
Hai nhà lãnh đạo đang chịu nhiều áp lực trong việc hạn chế gây tổn thương tới quan hệ kinh tế. Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Trung Quốc, so với năm ngoái, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm gần một nửa trong sáu tháng đầu năm. Sức tiêu thụ hàng hóa và ô tô Nhật Bản ở Trung Quốc cũng suy yếu.
Nhiều quan sát viên nhận định hai nhà lãnh đạo cũng bất đắc dĩ trở thành “người xấu” trong khu vực và ở Washington khi ra sức đối đầu nhằm giành ảnh hưởng tại châu Á.
Video đang HOT
Chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông từ lâu là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: Kyodo
Với việc hai nước không nhân nhượng trong vấn đề tranh chấp đảo, giới phân tích đang nghĩ tới một tình thế mới. Theo đó, Bắc Kinh và Tokyo cơ bản chấp nhận sự tồn tại của mối bất đồng và quay lại hợp tác như bình thường. Trong trường hợp này, đôi bên đều sẽ vừa gửi tàu tới nơi tranh chấp nhằm khẳng định quyền làm chủ nhưng cũng vừa thực hiện các động thái kiềm chế căng thẳng leo thang.
“Nhật Bản và Trung Quốc đang tìm kiếm điểm cân bằng mới”, New York Times dẫn lời Narushige Michishita, giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh và Quốc tế tại Viện Đại học Quốc gia về Chính sách ở Tokyo, nhận định. “Điều tốt nhất ta có thể làm lúc này là tiếp tục cuộc chơi, nhưng ở một mức độ thấp hơn, và tìm cách giảm bớt đối đầu”.
Từ khi ông Abe nhậm chức tháng 12/2012, ông Tập luôn từ chối gặp mặt lãnh đạo Nhật Bản. Giới chức Trung Quốc cho rằng ông Abe cần thể hiện sự chân thành hơn nữa bằng việc ngừng đến viếng đền Yasukuni. Đây như một điều kiện tiên quyết để dẫn tới các cuộc đàm phán quan trọng khác. Ngôi đền được xây dựng nhằm tưởng niệm những người Nhật Bản chết trận nhưng Bắc Kinh cho đây là biểu tượng của sự thiếu ăn năn từ phía Tokyo.
Trung Quốc hôm 17/10 phản ứng gay gắt khi ông Abe gửi một nhánh cây “masakaki” tới đền Yasukuni nhân dịp lễ hội mùa thu tại đây bắt đầu. Trái lại, các quan chức Nhật Bản thì cảm thấy hành động này ít ảnh hưởng tới quá trình đàm phán bởi ông Abe không đích thân đến ngôi đền.
Điểm mấu chốt của các cuộc đàm phán vẫn là tìm ra phương pháp đối phó với căng thẳng trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông, kéo dài suốt hai năm nay. Trung Quốc và Nhật Bản dường như bị khóa trong một tình thế gần giống với Chiến tranh Lạnh từ khi chính phủ của người tiền nhiệm ông Abe mua lại quần đảo này giữa năm 2012.
Giận dữ với những gì được cho là hành động đơn phương nhằm gia tăng kiểm soát đối với các quần đảo của Nhật Bản, Trung Quốc bắt đầu triển khai tàu bán quân sự đến những vùng biển gần đó và thiết lập một vùng phòng không mới trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh yêu cầu tất cả phi cơ qua đây phải thông báo kế hoạch bay cho nhà chức trách Trung Quốc.
Về phần mình, ông Abe cũng không nhân nhượng, phát triển đội Tuần duyên Nhật Bản nhằm đuổi các tàu Trung Quốc hiện diện gần quần đảo. Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản thừa nhận Senkaku/Điếu Ngư đang trong tình trạng tranh chấp nhưng đây là điều mà Tokyo đến nay vẫn từ chối thực hiện.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản hôm 17/10 đưa tin ông Abe đã bắt tay người quyền lực số hai của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường, tại một bữa tối dành cho các nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu diễn ra ở Milan. Hành động này càng bồi đắp cho niềm hy vọng về một cuộc gặp gỡ chính thức giữa ông Abe và ông Tập.
Những nỗ lực ngoại giao nhằm đưa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng ngồi vào bàn đàm phán được thực hiện từ hồi tháng 7 khi ông Yasuo Fukuda, cựu thủ tướng Nhật Bản, tiếp xúc với ông Tập. Ông Fukuda trao tận tay người đứng đầu Trung Quốc bức thư từ ông Abe và lần đầu tiên đề xuất hai nhà lãnh đạo nên gặp mặt trực tiếp tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
“Nếu như là một tháng trước, tôi sẽ nói với bạn cơ hội diễn ra một cuộc gặp mặt là rất ít”, một quan chức cấp cao Nhật Bản đề nghị giấu tên cho biết. “Hiện tại, đôi bên đang xem xét điều đó vì lợi ích của chính mình”.
“Nếu ta nhận thấy ông Abe đang nghiêm túc trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc và bày tỏ một thái độ có trách nhiệm hơn với các vấn đề lịch sử thì điều đó sẽ dẫn tới sự cải thiện mối quan hệ song phương”, nhà phân tích Trung Quốc Wu Xinbo, phó chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Fudan, Thượng Hải, bình luận.
Vũ Hoàng
Theo New York Times
Cảnh sát Hồng Kông lại đụng độ với người biểu tình
Các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình Hồng Kông đã tái diễn trong tối 4/10, khi lực lượng chức năng dùng dùi cui và hơi cay để đẩy lùi đám đông, trong bối cảnh các lãnh đạo của thủ lĩnh lực lượng sinh viên tái để ngỏ khả năng đối thoại.
Trong đêm qua, hàng chục nghìn người biểu tình vẫn tụ tập một cách hòa bình trên các tuyến phố tại quận trung tâm Admiralty, gần tòa nhà trụ sở chính quyền. Họ hô vang "Hòa Bình! Chống bạo lực!" và hát bài hát của những người ủng hộ dân chủ.
Tuy nhiên tại khu vực quân Mong Kok, căng thẳng lại bùng phát khi đám đông biểu tình bao vây cảnh sát, cáo buộc họ bắt tay với các băng nhóm tội phạm. Cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay.
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông hiện đã có 8 ngày xuống đường, để yêu cầu quyền được đề cử ứng viên tham gia cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính này trong cuộc bầu cử 2017. Bắc Kinh khẳng định chỉ các ứng viên được họ phê chuẩn sẽ được phép tranh cử.
Sinh viên để ngỏ khả năng đối thoại
Trong sáng nay, lãnh đạo của các sinh viên tham gia biểu tình cho biết họ sẽ gặp gỡ chính phủ để đối thoại nếu được đáp ứng những điều kiện nhất định.
"Chính phủ cần điều tra xem tại sao cảnh sát lại quá nơi lỏng trong việc thực thi pháp luật, những cáo buộc về giúp đỡ tội phạm, và lí giải điều này cho công chúng sớm nhất có thể", thông báo của Liên đoàn sinh viên Hồng Kông viết. "Chừng nào chính phủ đáp ứng các điều kiện trên, sinh viên sẵn sàng nối lại đối thoại".
Tại Mong Kok, những người biểu tình giận dữ khẳng định, những kẻ phá hoại biểu tình đến từ các băng nhóm tội phạm tam hoàng đã bị bắt, nhưng sau đó lại được trả tự do để trà trộn vào đám đông.
"Cảnh sát đang bắt tay với những kẻ côn đồ", David Chan, một sinh viên 22 tuổi cho biết. "Chúng tôi đã chứng kiến cảnh sát tha bổng cho những kẻ côn đồ. Đó là lí do vì sao người biểu tình hòa bình rất tức giận. Chúng tôi không còn tin vào họ nữa".
Cảnh sát đã bác bỏ những cáo buộc trên. "Những cáo buộc này là ngụy tạo và quá đáng", người đứng đầu cơ quan an ninh Hồng Kông Lai Tung-kwok tuyên bố.
Lãnh đạo Hồng Kông đề ra thời hạn chót giải tán biểu tình
Trong khi đó, lãnh đạo Hồng Kông ông Lương Chấn Anh có tuyên bố trên truyền hình yêu cầu người biểu tình quanh trụ sở chính phủ giải tán trước ngày thứ Hai.
"Chúng ta phải đảm bảo sự an toàn tại các cơ sở của chính phủ và khôi phục hoạt động tại đây", ông Lương phát biểu trên truyền hình trong tối 4/10, và tuyên bố sẽ "thực hiện mọi hành động cần thiết để khôi phục trật tự xã hội", nhằm cho phép người dân "trở lại cuộc sống và làm việc bình thường".
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
'Đành phải chờ xem Trung Quốc làm gì tiếp với 4 giàn khoan khác' Đó là nhận định của ông Gregory Poling, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS-Mỹ), trước phiên thảo luận kín về giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) diễn ra sáng nay 21.6 tại hội thảo quốc tế về biển Đông ở Đà Nẵng. Các tàu hộ tống của Trung Quốc tăng cường co cụm quanh giàn khoan trái...