Nhật Bản kiên quyết hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc
Nhật Bản đã tái khẳng định rằng nước này không có ý định bãi bỏ hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.
Nhật Bản không có ý định bãi bỏ hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Ảnh: asia.nikkei.com
Một quan chức Bộ Thương mại Hàn Quốc ngày 12/7 đã đưa ra thông báo trên sau cuộc họp kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ cùng ngày trước đó với quan chức thương mại cấp cao Nhật Bản nhằm thảo luận việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu đối với 3 mặt hàng nguyên liệu công nghệ cao sang Seoul. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức hai nước sau khi Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu ngày 4/7 vừa qua
Theo quan chức trên, trong cuộc họp này, phía Nhật Bản tuyên bố rằng biện pháp này chỉ là một phần trong quyền kiểm soát của nước này đối với các nguyên liệu mang tính nhạy cảm hoặc bị cấm. Nhật Bản cho biết quyết định này không có nghĩa là Hàn Quốc đã chuyển nguyên liệu công nghệ cao sang các nước thứ ba, ví dụ như Triều Tiên, song có những vấn đề “không phù hợp” trong xuất khẩu sang Hàn Quốc. Phía Nhật Bản cũng ám chỉ rằng xuất khẩu nguyên liệu này phục vụ mục đích dân sự có thể được phép thực hiện trong tương lai, song cần phải có thời gian.
Trong khi đó, phía Hàn Quốc đã bày tỏ lấy làm tiếc trước tuyên bố của phía Nhật Bản, đồng thời bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra do hạn chế này của Nhật Bản gây ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quan chức Seoul nêu rõ điều đáng tiếc là phía Tokyo đã không giải thích đầy đủ hoặc thông báo trước với Hàn Quốc trước khi thực hiện quyết định hạn chế này.
Video đang HOT
Theo quan chức trên, Bộ Thương mại Hàn Quốc đã đề xuất vòng đàm phán nữa với Nhật Bản về vấn đề này vào thời gian trước ngày 24/7. Tuy nhiên, phía Nhật Bản không tuyên bố rõ có chấp nhận đề nghị này hay không.
Trước kết quả không tích cực này, giới phân tích nhận định, đây là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á này có thể kéo dài.
Từ ngày 4/7 vừa qua, Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình – gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Biện pháp này của Nhật Bản được cho là sẽ ảnh hưởng đến các “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display. Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.
Quyết định của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Tokyo khăng đinh biên phap nay đươc đưa ra vì ly do an ninh, không phai đê tra đua Seoul trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Giới chức Nhật Bản cho rằng một số lượng hydrogen fluoride xuất khẩu sang Hàn Quốc đã được chuyển đến Triều Tiên. Loại vật liệu này thường được sử dụng để sản xuất thiết bị bán dẫn song cũng có thể dùng để chế tạo bom hóa học. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) cho rằng Nhật Bản thực hiện biện pháp trên nhằm gây tổn hại nền kinh tế Hàn Quốc “vì mục đích chính trị”, đồng thời giới chức Hàn Quốc cho biết nước này đang cân nhắc “mọi kế hoạch có thể” để đáp trả.
Theo Minh Châu (TTXVN)
Cuộc gặp "nằm ngoài giáo trình ngoại giao" mở ra hy vọng mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) đã mở ra hy vọng mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mở ra hy vọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã làm nhiều điều lịch sử. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên trong lịch sử tại Singapore với cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Triên, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên này đã có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên trong lịch sử tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ), hơn thế ông Donald Trump còn là Tổng thống Mỹ đương chức đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên khi bước qua đường biên giới chia cắt giữa hai miền Triều Tiên tại DMZ.
Có thể vài chục bước chân của Tổng thống Donald Trump cũng như việc nhà lãnh đạo Mỹ này chỉ lưu lại trên lãnh thổ Triều Tiên trong thời gian ngắn ngủi vài chục giây chỉ mang tính biểu tượng, song điều đó cũng đủ làm lên lịch sử trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên suốt 7 thập kỷ qua. Không chỉ có vậy, cuộc gặp thượng đỉnh sau đó giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un mở ra hy vọng về việc tái khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa vốn giậm chân tại chỗ suốt hơn 1 năm qua.
Cuộc gặp giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong-un trong ngôi Nhà Tự do ở DMZ vào chiều 30-6 dự kiến ban đầu khá ngắn nhưng lại kéo dài tới 80 phút. Chưa có thông tin chính thức nào về những nội dung cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un được hai bên công bố, ngoài việc Tổng thống Mỹ cho biết hai bên sẽ nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa trong thời gian 2-3 tuần tới.
Cuộc gặp gỡ "phá cách" được mô tả "nằm ngoài giáo trình ngoại giao" giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại DMZ còn cho thêm một lần nữa cho thấy mối quan hệ cá nhân được thiết lập giữa hai nhà lãnh đạo này mà chính bản thân họ thường nói về nhau là "người bạn tốt". Đây là điều được giới quan sát cho rằng có tác động tích cực trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa vô cùng khó khăn.
Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể nói đã giậm chân tại chỗ suốt từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên đến nay. Trong hơn 1 năm qua, sau khi đạt được cam kết mang tính nguyên tắc tại Singapore, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên gần như không có bất cứ một tiến triển thực chất nào.
Đi vào thực thi cam kết phi hạt nhân hóa sau thỏa thuận tại Singapore, cả Mỹ và Triều Tiên mới nhận thấy có quá nhiều bất đồng, khác biệt giữa hai bên trong tất cả các vấn đề, từ xác định những cơ sở hạt nhân, nội dung, cách thức, lộ trình cụ thể của từng giai đoạn, bước đi... Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội cuối tháng 22-2019 là cơ hội để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un nhìn nhận rõ những khác biệt và đòi hỏi của nhau trong việc thực thi cam kết phi hạt nhân hóa.
Giải quyết một vấn đề vô cùng khó khăn mà hàm chứa trong đó cả những mâu thuẫn, đối đầu tích tụ suốt 7 thập kỷ giữa hai quốc gia chắc chắn không thể chỉ bằng một vài cuộc gặp thượng đỉnh hay thời gian đàm phán ngắn ngủi. Đó có lẽ là điều mà hai ông Donald Trump và Kim Jong-un hiểu rõ hơn ai hết.
Bởi thế, "sợi dây" đối thoại luôn được duy trì giữa hai nhà lãnh đạo này, kể cả trong những lúc sóng gió nhất, đã đưa họ tới cuộc gặp lịch sử tại DMZ ngày 30-6. Điều đó cho thấy ý chí mạnh mẽ của cả Tổng thống Donald Trump cũng như Chủ tịch Kim Jong-un muốn tiến trình phi hạt nhân đạt được những bước đi thực chất, và điều đó mở ra hy vọng giải quyết vấn đề không chỉ liên quan tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Bắc Á mà cả thế giới.
Theo TPO
Những hình ảnh ấn tượng nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Kim-Putin lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc hội đàm lần đầu tiên tại thành phố Vladivostok ở Viễn Đông, Nga. Ngày 25/4, hai nhà lãnh đạo Nga-Triều Tiên đã thảo luận các giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đảm bảo an ninh ở Đông Bắc Á nói...