Nhật Bản không tàu sân bay vẫn khiến Trung Ấn dè chừng
Mặc dù không có tàu sân bay nhưng 3 khu trục hạm cỡ lớn có khả năng mang theo tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35B của Nhật Bản vẫn sẽ khiến cho Trung Quốc và Ấn Độ phải kiêng nể.
Trung Quốc “đè bẹp” Nhật – Ấn về tàu ngầm và tàu khu trục
Để đánh giá đúng sức mạnh hải quân của một đất nước, chúng ta không chỉ liệt kê quân số và số lượng tàu chiến, mà trước hết phải nhìn từ chất lượng tàu thuyền, được xem xét dưới các tiêu chí: Trình độ tự động hóa, năng lực tác chiến viễn dương và khả năng chiến đấu.
Thứ hai là tình trạng hiện đại hóa và khả năng tự động hóa của các chiến hạm. Tiêu chí này được đánh giá thông qua tải trọng bình quân và biên chế nhân viên bình quân trên chiến hạm. Chiến hạm càng hiện đại, trình độ tự động hóa càng cao thì càng cần ít thủy thủ.
Khu trục hạm mang trực thăng DDH-183 Izumo của Nhật Bản
Về điểm này thì Nhật Bản vượt trội hẳn so với Trung Quốc và Ấn độ. Ví dụ như chiến hạm DDH-183 Izumo có biên chế 470 người, trong đó biên chế của lực lượng không quân hạm là 270 người, tức là chỉ có 200 nhân viên phục vụ cho các hoạt động khác.
Lượng giãn nước đầy tải của Izumo lên tới 27.000 tấn, mà chỉ cần 200 thủy thủ và nhân viên làm công tác bảo đảm, tương đương với khu trục hạm 7.000 tấn của Hải quân Trung Quốc. Do đó rất dễ thấy khả năng tự động hóa của Izumo vượt trội các chiến hạm của PLA.
Số lượng và tính năng của tàu sân bay
Tiếp đó, xét đến khả năng tác chiến viễn dương, Hải quân Ấn độ hiện đang được trang bị 2 tàu sân bay, tuy nhiên hàng không mẫu hạm INS Viraat đóng năm 1944, mua lại của Anh năm 1986 đã quá già lão, tối đa chỉ phục vụ khoảng 2 – 3 năm nữa là sẽ “nghỉ hưu”.
Ngoài ra, Ấn độ đang đóng mới 1 hàng không mẫu hạm hạng trung lớp Vikrant và chuẩn bị đóng 1 chiếc nữa. Trong tương lai, Ấn độ sẽ có ít nhất 3 tàu sân bay (cùng với chiếc INS Vikramaditya do Nga nâng cấp và bàn giao vào tháng11/2013).
Xét về tải trọng, Izumo của Nhật Bản gần bằng với INS Viraat, khả năng tác chiến không hề kém một hàng không mẫu hạm hạng trung, vượt trội so với tàu sân bay cổ lỗ của Ấn Độ và có thể sánh ngang tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Tàu sân bay INS Viraat của Ấn Độ
Hải quân Trung Quốc hiện được trang bị tàu sân bay Liêu Ninh có lượng giãn nước lớn hơn, tuy nhiên chưa hình thành khả năng chiến đấu mà chỉ sử dụng làm phương tiện huấn luyện.
Sức mạnh thực sự của Hải quân PLA chỉ đến khi họ hoàn thành 2 hàng không mẫu hạm quốc nội mang mã số 001A và A002. Vậy sức mạnh các hàng không mẫu hạm của Trung – Nhật – Ấn như thế nào?
Giữa tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ và Liêu Ninh của Trung Quốc có sự tương đồng, thực tế chính là so sánh giữa hàng không mẫu hạm lớp Kuznetsov và lớp Kiev của Liên Xô.
Xét tổng thể thì tải trọng của Liêu Ninh lớn hơn 30% so với INS Vikramaditya, có thể vận chuyển được 54 máy bay chiến đấu các loại, trong khi đó INS Vikramaditya chỉ có thể mang theo 36 chiếc.
Còn tàu khu trục chở trực thăng 22DDH (lớp Izumo) của Nhật có lượng giãn nước chỉ 27.000 tấn nhưng với thiết kế kiểu tàu đổ bộ tấn công của Mỹ, số lượng máy bay chiến đấu mang theo được cũng chỉ kém một chút so với các tàu sân bay hạng trung.
Đến khoảng năm 2025, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có 3 tàu sân bay thực thụ, trong khi đó đến trước năm 2020 Nhật Bản đã sở hữu 3 tàu đổ bộ có thể mang theo tiêm kích F-35B.
Cụ thể, năm 2017 họ nhận thêm 1 tàu đổ bộ lớp 22DDH và năm 2018 mua lại tàu đổ bộ tấn công LHD-2 USS Essex thuộc lớp Wasp của Mỹ sau khi nâng cấp.
Khả năng bảo đảm và tính năng tiêm kích hạm
Video đang HOT
Ngoài số lượng, yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu đối với các hàng không mẫu hạm chính là có thể cho phép bao nhiêu máy bay chiến đấu cất cánh một lần và chất lượng chiến đấu của chúng ra sao.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, tại khu vực bãi đỗ máy bay trên 2 hàng không mẫu hạm thì một lần Liêu Ninh có thể đảm bảo cho khoảng 18 máy bay xuất kích. INS Vikramaditya của Ấn Độ chỉ đảm bảo cho 16 chiếc xuất kích, khoảng chênh lệch không lớn lắm.
Trong khi đó, tàu khu trục chở trực thăng Izumo của Nhật Bản có thể được biên chế tối đa tới 20 chiếc F-35B.
Với ưu thế vượt trội là khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng nên thời gian giải phóng đường băng cất cánh rất ngắn, lại có thể hạ cánh đồng loạt vài chiếc một thời điểm.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Về chất lượng, tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc được phỏng chế từ nguyên mẫu T-10K (phiên bản Su-33 của Ukraine) có chất lượng kém với trọng lượng máy bay lớn, tiêu tốn nhiên liệu nhiều dẫn đến tải trọng bom đạn thấp, động cơ được cho là không đáng tin cậy.
Tàu sân bay Ấn Độ sử dụng phiên bản tiêm kích hạm thế hệ mới nhất và hiện đại nhất của Nga là MiG-29K có lượng bom đạn lớn và hệ thống vũ khí mang theo rất mạnh, ví dụ như tên lửa chống hạm Kh-35UE có tầm bắn lên tới 260 km.
Còn Izumo của Nhật dĩ nhiên là đứng đầu với phiên bản hải quân đánh bộ F-35B của Mỹ, có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Ưu điểm này cũng giúp các chiến hạm Nhật tuy có lượng giãn nước bằng một nửa các tàu sân bay thực thụ, nhưng số lượng tiêm kích hạm không thua kém là mấy.
Ngoài ra F-35B là tiêm kích thế hệ thứ 5, có khả năng tàng hình ưu việt hơn, hệ thống chỉ huy – điều khiển – dẫn đường tiên tiến khiến nó xuyên phá qua được các hệ thống phòng không tốt nhất.
Đồng thời F-35B cũng chiếm ưu được thế trên không trước hai loại tiêm kích hạm kém hơn một thế hệ của Ấn Độ và Trung Quốc.
Biên đội tàu hộ tống
Xét về mặt biên đội chiến đấu trong biên chế của cụm tàu sân bay, lực lượng hộ tống của Liêu Ninh gồm: 1 khu trục hạm Type 052C, 2 khu trục hạm Type 051C, 3 khinh hạm Type 054A, 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 091/093 và 1 tàu vận tải tiếp tế tổng hợp Type 071.
Biên đội của INS Vikramaditya gồm: 3 khu trục hạm lớp Delhi, 1 khinh hạm lớp Talwar, 3 tàu hộ vệ lớp Trishul, 1 tàu hộ vệ lớp Godavari, 1 tàu vận tải tiếp tế tổng hợp lớp INS Deepak cùng nhiều tàu tuần tra khác.
Biên đội tàu Hải quân Trung Quốc
Điều đáng chú ý chính là khu trục hạm Type 052C và tương lai là Type 052D trong đội hình chiến đấu của Liêu Ninh đều thuộc loại “Aegis Trung Hoa”, có tính năng ưu việt hơn các khu trục hạm Ấn Độ. Do đó, khả năng tác chiến tổng thể thì Liêu Ninh có phần trội hơn.
Tuy nhiên, trong tương lai khi Ấn Độ sản xuất hàng loạt các khu trục hạm lớp Kolkata có đầy đủ khả năng phòng không, phòng thủ tên lửa trên tầng khí quyển và tên lửa hành trình Nirbhay thì khoảng cách giữa 2 biên đội tàu hộ tống hàng không mẫu hạm sẽ bị xóa nhòa.
Còn tàu đổ bộ trực thăng lớp Izumo được biên chế làm kỳ hạm trong Cụm tác chiến hải quân 10 tàu (tương đương một Hạm đội thu nhỏ), bao gồm các tàu hộ vệ, khu trục Aegis, tàu chống ngầm, vận tải tổng hợp nên sức mạnh không kém biên đội Liêu Ninh, có mặt còn vượt trội.
Như vậy xét về hàng không mẫu hạm, tuy không có tàu sân bay thực thụ nhưng Nhật Bản không hề kém cạnh so với Ấn Độ và Trung Quốc, thậm chí là có thể vượt lên trong giai đoạn trung hạn.
Theo Tri Thức
Izumo Nhật Bản sẽ khiến tàu sân bay Trung Quốc "ôm hận"?
Việc Nhật Bản đưa vào sử dụng tàu khu trục chở trực thăng DDH-183 Izumo đã thu hút sự quan tâm của truyền thông và học giả thế giới, đặc biệt là các chuyên gia quân sự Trung Quốc.
Tham số kỹ thuật và chức năng của DDH-183 Izumo
Ngày 25/3, Lực lượng tự vệ trên biển (hải quân) Nhật Bản đã đưa vào sử dụng chiến hạm mặt nước lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2 là tàu khu trục chở trực thăng DDH-183 Izumo.
Đây là chiếc đầu tiên trong loạt 4 tàu mà nước này dự định chế tạo (chiếc thứ 2 đã khởi đóng).
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, xét theo các tiêu chí cơ bản từ lượng giãn nước, bố cục cho đến chức năng, DDH-183 Izumo đều thể hiện đặc trưng của một hàng không mẫu hạm hạng nhẹ.
Tuy nhiên, nó lại được Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản phân loại là tàu khu trục chở trực thăng. Do những chế ước trong bản Hiến pháp Hòa bình, Nhật Bản không được phép sở hữu trang bị mang tính tấn công.
Vì vậy nên mặc dù Izumo được được chế tạo theo nguyên mẫu một tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ và trang bị bất cứ loại phương tiện và vũ khí chiến đấu nào, nó vẫn phải gọi là tàu khu trục.
Tokyo đã đầu tư khoản kinh phí rất lớn là 120 tỷ Yen (tương đương 1 tỷ USD), đóng liên tục trong vòng 2 năm mới hoàn thành con tàu này. Izumo được hạ thủy vào ngày 6/8/2013 và đã tiến hành đượt thử nghiệm cuối cùng trên biển bắt đầu từ cuối tháng 9/2014.
DDH-183 Izumo và chiếc cùng lớp chưa đặt tên (DDH-184) được dự định sẽ thay thế 2 kỳ hạm của cụm tác chiến hải quân Nhật là các tàu JS Shirane (DDH-143) và JS Kurama (DDH-144) thuộc lớp Shirane, đã phục vụ từ năm 1980 và 1981.
JS Izumo đã vào biên chế hải quân Nhật Bản đúng theo kế hoạch, trong khi tàu DDH-184 dự kiến sẽ được nhà máy đóng tàu IHI Marine United có trụ sở tại Yokohama hạ thủy vào tháng 8 năm nay và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2017.
Kích thước vượt trội của tàu khu trục Izumo so với Hyuga
DDH-183 Izumo có chiều dài 248 m, rộng 38 m, mớn nước 7 m , lượng giãn nước tiêu chuẩn 19.500 tấn, đầy tải 27.000 tấn. Thủy thủ đoàn 470 người và chuyên chở thêm được 500 lính thủy đánh bộ.
Tàu khu trục này có khả năng chở tối đa 14 chiếc trực thăng, bao gồm trực thăng chống ngầm Sikorsky/ Mitsubishi SH-60K Seahawk và AgustaWestland/ Kawasaki MCH-101. Tại một thời điểm, Izumo được thiết kế để cho phép 5 máy bay đồng loạt cất, hạ cánh trên boong.
Ngoài ra, trong nhiệm vụ tác chiến đổ bộ, nó có thể trang bị loại máy bay vận tải cánh quạt nghiêng, phiên bản hải quân đánh bộ MV-22 Osprey (phiên bản không quân là CV-22), đặt mua từ Mỹ.
Tuy nhiên, do là một tàu đổ bộ chở trực thăng nên Izumo có hệ thống vũ khí không mạnh, chỉ với 2 hệ thống phòng không tầm gần Phalanx và 2 bệ phóng tên lửa phòng không Raytheon RIM-116 SeaRAM để chống lại tên lửa đối hạm.
Trong văn kiện mang tên "Cơ chế vận hành 4 khu trục hạm DDH", ban hành tháng 1/2014, Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản đã quy định, chức năng đầu tiên của 22DDH là "Kỳ hạm chỉ huy thông tin - tình báo" (FIC), là đầu não chỉ huy tác chiến liên hợp quân binh chủng.
Với vai trò này, Izumo sẽ được tích hợp vào "Hệ thống chia sẻ thông tin chiến thuật liên hợp quân binh chủng" (JTIDS) của Mỹ.
Tàu sẽ thu nhận các thông tin từ máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không E-767, E-2C/D, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion... thông qua đường truyền số liệu Link 16.
Izumo có thể chỉ huy toàn bộ các máy bay chiến đấu F-35B, F-15J, F-2, các loại trực thăng cùng toàn bộ tàu chiến trong hạm đội, nâng cao cực đại năng lực chiến đấu của hải quân và khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của Nhật.
Nếu chỉ với tính năng và tham số như trên, Izumo là tàu đổ bộ trực thăng rất bình thường mà bất cứ cường quốc hải quân nào cũng có. Thế nhưng, việc con tàu này được đưa vào sử dụng đã gây rất nhiều chú ý cho các quan sát viên quốc tế và chuyên gia quân sự Trung Quốc.
Vì sao Trung Quốc cảnh giác với tàu khu trục chở trực thăng Izumo?
Trong khi một số chuyên gia cho rằng, DDH-183 Izumo không có ảnh hưởng quyết định hoặc sẽ không gây ra uy hiếp lớn tới cục diện tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư thì một số khác lại nhận định con tàu này sẽ thay đổi cán cân lực lượng trên biển nghiêng về phía Tokyo.
Hiện nay, các chuyên gia quân sự đánh giá có 2 hướng sử dụng tàu khu trục lớp 22DDH.
Một là sử dụng nó như một tàu sân bay trực thăng trong hình thức tác chiến đổ bộ tầm xa. Hai là sử dụng theo mô hình tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ, vừa có khả năng đổ bộ vừa có khả năng kiểm soát không phận và tấn công đất liền.
Tàu khu trục chở trực thăng DDH-181 Hyuga của Nhật
Với phương thức tác chiến thứ nhất, Izumo sẽ đảm nhận đúng chức năng được công bố là phương tiện chuyên chở trực thăng, vận chuyển trang bị và lính thủy đánh bộ từ biển vào bờ, nâng cao năng lực tác chiến đổ bộ, đánh chiếm đảo của hải quân Nhật.
Việc sử dụng Izumo làm phương tiện vận chuyển trực thăng sẽ nâng cao hiệu quả của phương thức đổ bộ nhảy cóc hoặc đổ bộ lập thể, nhưng như vậy sẽ lãng phí khả năng của một chiến hạm tối tân như DDH-183.
Bởi vì Nhật Bản cũng có các tàu đổ bộ trực thăng lớp Hyuga và tàu đổ bộ tăng lớp Osumi đủ khả năng làm nhiệm vụ này.
Hơn nữa, quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư - mục tiêu tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc có diện tích rất nhỏ, khoảng cách đến Okinawa chỉ hơn 400 km, các tàu đổ bộ hạng trung và cỡ lớn sẵn có của Nhật thừa sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đáng chú ý là trong cuộc tập trận chung với thủy quân lục chiến Mỹ mang tên Dawn Blitz được tổ chức ở bang California vào tháng 6/2013, Nhật đã luyện tập phương án cho máy bay MV-22 Osprey cất, hạ cánh trên tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga.
Trong cuộc tập trận đó, JMSDF đã dùng máy bay này đổ quân và trang bị tái chiếm đảo từ tay "quân địch", sau đó trở lại tàu chuẩn bị cho cuộc tấn công đảo tiếp theo.
Rõ ràng, đây là sự chuẩn bị cho khả năng thay thế chức năng đổ bộ của Izumo, để chiến hạm lớn nhất này tập trung cho hướng sử dụng thứ 2.
Việc mang được tới 12 - 15 chiếc F-35B sẽ khiến Izumo "lấn lướt" tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc
Với phương thức tác chiến thứ 2 là sử dụng Izumo theo mô hình tàu đổ bộ tấn công mang máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ.
Nếu Izumo đảm nhận chức năng kiểu này sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận trên biển, có vai trò cực kỳ quan trọng tác chiến đổ bộ quy mô lớn.
Trên thực tế việc thiết kế như một tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ khiến DDH-183 có khả năng tấn công rất mạnh. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ, trong nhiệm vụ kiểm soát không phận, nếu loại bỏ máy bay trực thăng, nó có thể mang theo tới 12 - 15 chiếc F-35B.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc chỉ mang được tối đa 24 chiếc J-15, mà tính năng của những tiêm kích hạm loại này còn kém xa F-35B. Như vậy, hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ hoàn toàn thất bại khi phải đối đầu với tàu khu trục lớp 22DDH của Nhật Bản.
Điều này đồng nghĩa với việc Nhật sẽ hoàn toàn kiểm soát được không phận và hải phận biển Hoa Đông, chiếm ưu thế lớn trong tác chiến đổ bộ đánh chiếm hoặc tái chiếm đảo. Đồng thời những chiếc F-35B có thể kết hợp với F-15J tấn công thọc sâu vào đất liền đối phương.
DDH-183 Izumo sử dụng theo hướng này sẽ là hợp lý và cực kỳ hiệu quả. Đây cũng là mô hình tác chiến mà Trung Quốc sợ nhất.
Bởi vậy, việc Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản đưa vào sử dụng DDH-183 Izumo luôn được các chuyên gia quân sự Bắc Kinh chú ý và phân tích, tìm biện pháp khắc chế.
Theo Tri Thức
Trung Quốc bắt giữ 2 gián điệp do thám cảng Đại Liên Cơ quan an ninh Trung Quốc đã bắt giữ 2 người đàn ông liên quan tới hoạt động gián điệp thực hiện hành vi do thám cảng Đại Liên. Cơ quan an ninh Trung Quốc đã bắt giữ hai người đàn ông có liên quan đến hoạt động gián điệp tại các căn cứ quân sự trọng điểm của nước này. Thời báo...