Nhật Bản khích lệ doanh nghiệp rút Trung Quốc: Tính xa cho đối sách gần
Dịch bệnh Covid-19 đã lây lan khắp thế giới và làm đảo lộn chương trình nghị sự của nhiều mối quan hệ song phương giữa các quốc gia và đối tác trên thế giới, trong đó có mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản hiện đều vẫn phải bận rộn và dành ưu tiên chính sách cao nhất cho công cuộc chống dịch bệnh này. Dịch bệnh đã làm lu mờ hai động thái mới đây nhất ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng của mối quan hệ song phương này là việc chuyến thăm Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào cuối tháng 4 này đã bị trì hoãn vô thời hạn và việc Chính phủ Nhật Bản bỏ ra khoản tiền lớn khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang các nước khác.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Davos 2019. (Ảnh: Reuters)
Chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình được cả hai bên nhìn nhận và đề cao như dấu mốc chuyển quan hệ hợp tác song phương sang thời kỳ mới. Chẳng gì thì cũng đã hơn 10 năm nay chưa có người đứng đầu nhà nước của Trung Quốc sang thăm Nhật Bản.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian qua không được suôn sẻ chứ chưa nói đến tốt đẹp vì bất đồng quan điểm về quá khứ lịch sử chung và vì có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tốn nhiều thời gian, mất nhiều công sức và dùng nhiều thiện chí và mềm mỏng để thu xếp được chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình.
Khác với Mỹ và EU, Nhật Bản không làm găng hay tỏ thái độ định kiến với Trung Quốc trong những chuyện liên quan đến nguồn gốc dịch bệnh này và cách thức Trung Quốc đối phó dịch bệnh mà luôn tỏ ra cảm thông và săn sàng trợ giúp. Dịch bệnh đã làm cho cặp quan hệ song phương này chưa thể có được cú hích cải thiện và phát triển quyết định mới.
Video đang HOT
Trong bối cảnh ấy, việc Chính phủ Nhật Bản bỏ ra khoản tiền lớn để khích lệ giới kinh tế Nhật Bản rời Trung Quốc hồi hương hoặc chuyển dịch sang các nơi khác trên thế giới càng đáng được chú ý. Việc các đối tác nước ngoài rời khỏi Trung Quốc trong điều kiện bình thường thôi đã khiến Trung Quốc không hài lòng và ở thời dịch dã này lại càng thêm tai hại đối với Trung Quốc. Nhật Bản làm việc ấy thì Trung Quốc càng không dễ bỏ qua.
Theo những gì đã được Chính phủ Nhật Bản công bố thì trong gói tài chính đã được Chính phủ Nhật Bản đưa ra nhằm đối phó dịch bệnh có phần 2 tỷ USD dành cho các công ty của Nhật Bản hiện đang hoạt động sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc nếu hồi hương về Nhật Bản và 216 triệu USD dành cho các doanh nghiệp của Nhật Bản dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc sang các nước khác.
Hiệu ứng sâu xa của biện pháp chính sách này là giảm thiểu rủi ro từ mối quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất đối với Nhật Bản.
Bài học nhãn tiền đối với Nhật Bản là việc Trung Quốc áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt Hàn Quốc, nhằm trực tiếp vào các doanh nghiệp của Hàn Quốc hoạt động sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc sau khi Hàn Quốc để cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Quan hệ chính trị song phương càng không ổn thì rủi ro đối với giới kinh tế của Nhật Bản ở Hàn Quốc càng thêm thực tế và càng lớn.
Hơn nữa, dịch bệnh hiện tại đã bộc lộ rõ nếu lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì sẽ bị nguy hiểm như thế nào khi thị trường này không còn bình thường, bất kể vì sao không còn bình thường. Đa dạng hóa và mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng là một trong những bài học xương máu mà tất cả chứ không chỉ có riêng gì Nhật Bản phải rút ra được từ dịch bệnh hiện tại.
Càng giảm được mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc trong quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại thì Nhật Bản càng giữ được thế trong quan hệ với Trung Quốc. Ông Abe chủ ý vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc vừa không sẵn sàng nhượng bộ cơ bản gì cho Trung Quốc để không gặp khó khăn trong nội bộ, vì thế nếu Nhật Bản chỉ có càng ít điểm yếu và dễ bị tổn thương trong quan hệ với Trung Quốc thì càng thêm yên tâm và tự tin trong xử lý quan hệ của xứ Phù Tang với Trung Quốc.
Dịch bệnh hiện tại chẳng khác gì đang hợp pháp hóa cho ông Abe chủ trương khích lệ giới kinh tế Nhật Bản triệt thoái khỏi Trung Quốc. Toan tính ấy là định hướng chiến lược cho lâu dài nhưng lại phục vụ ngay cho đối sách trước mắt.
Nguyên Sa
Việt Nam trở thành 'ngọn hải đăng' về ứng phó với dịch COVID-19
Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 30/3 đã đăng bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming, đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trở thành "ngọn hải đăng" về cách làm với nguồn lực hạn chế.
Các công dân được lực lượng chức năng hướng dẫn về khu cách ly nhận phòng tại Trường Quân sự tỉnh Hòa Bình. Ảnh Trọng Đạt/TTXVN
Bài viết nhận định virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hiện là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia phát triển đang điêu đứng. Nhà báo Sean Fleming cho rằng Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng rằng nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển, và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.
Theo tác giả Fleming, Việt Nam đã tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình và giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã khởi động một loạt các sáng kiến để ngăn chặn virus lây lan ngay từ ngày 1/2, đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc; đóng cửa các trường học sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. Hai tuần sau đó, giới chức y tế cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp kiểm dịch 21 ngày tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có người lao động trở về từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.
Tác giả bài báo đề cập một loạt biện pháp của Việt Nam, bao gồm cách ly 14 ngày bắt buộc đối với bất kỳ ai nhập cảnh và hủy bỏ tất cả các chuyến bay nước ngoài, cách ly những người nhiễm virus và theo dõi bất cứ người nào đã tiếp xúc với người mắc bệnh. Ngoài ra, người dân Việt Nam có tinh thần giám sát cao, chủ động phản ánh những hành động sai trái tới cơ quan chức năng, các hành vi như chia sẻ tin giả, thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 đều bị xử lý.
Tác giả bài viết nêu bật những nỗ lực chủ động của Việt Nam chống COVID-19 diễn ra trong bối cảnh chất lượng cuộc sống người dân tại quốc gia này đã có sự cải thiện lớn sau hai thập niên qua. Theo đó, từ năm 2002 đến 2018, chính sách chuyển đổi kinh tế đã giúp đưa hơn 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng hơn gấp đôi, lên hơn 2.500 USD trong năm 2018, mức tăng trưởng GDP thực tế là 7,1%. Y tế quốc gia cũng được cải thiện - tuổi thọ tăng từ 71 năm 1990 lên 76 vào năm 2015. Bài báo nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng đang được cải thiện.
Nhà báo Fleming nhận định với nguồn lực hạn chế, Việt Nam dường như đã làm cho sự bùng phát dịch bệnh này ở trong tầm kiểm soát.
Tố Uyên
Trồng 1.000 tỷ cây xanh để hấp thu khí thải Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa Mỹ hôm 12-2 đề xuất dự luật đặt mục tiêu trồng 1.000 tỷ cây xanh vào năm 2050 để chống lại quá trình nóng lên toàn cầu, một kế hoạch nhằm giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách hút carbon ra khỏi không khí thay vì cắt giảm khí thải. Mỹ đang có kế hoạch...