Nhật Bản: Hủy bỏ lễ hội pháo hoa tại nhiều địa phương
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày càng nhiều địa phương Nhật Bản quyết định hủy lễ hội pháo hoa, vốn là một hoạt động truyền thống trong mùa Hè tại nước này.
Nguyên nhân không chỉ vì thời tiết bất lợi như mưa lớn bất ngờ, mà còn vì nhiều vấn đề ảnh hưởng đến người dân.
Lễ hội pháo hoa tại tỉnh Shiga, Nhật Bản ngày 8/8/2023. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN
Thành phố Naruto ở phía Tây tỉnh Tokushima, Nhật Bản thường tổ chức lễ hội pháo hoa dọc theo sông Muya. Năm 2023, lễ hội được tổ chức lần đầu tiên sau 4 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, khi lễ hội kết thúc, chính quyền đã nhận được phàn nàn từ người dân trong khu vực về việc tro pháo hoa làm bẩn xe, cùng nhiều vấn đề khác.
Video đang HOT
Năm nay, ban tổ chức do chính quyền thành phố Naruto, Phòng Thương mại và Công nghiệp và Hiệp hội Du lịch thành lập đã quyết định hủy bỏ lễ hội này do nguy cơ làm bẩn xe và ngày càng nhiều ngôi nhà lắp đặt tấm pin Mặt Trời trên mái. Ban tổ chức đã cân nhắc việc tổ chức tại một địa điểm khác, nhưng do không thể giải quyết được những lo ngại về vấn đề an toàn và khả năng xảy ra cháy nên đã quyết định hủy bỏ lễ hội. Năm tới, họ dự định thu hẹp quy mô và chuyển địa điểm tổ chức. Tuy nhiên, đây không phải là lễ hội pháo hoa duy nhất ở Nhật Bản bị hủy vì lo ngại tro tàn rơi xuống.
Năm 2023, Lễ hội pháo hoa công viên Shinsui, cảng Funabashi tại thành phố Funabashi thuộc tỉnh Chiba, phía Đông Tokyo đã khiến một số du thuyền gần cảng bị bẩn và cháy xém, khiến ban tổ chức cũng phải hủy bỏ sự kiện năm nay.
Tại thành phố Sayama thuộc tỉnh Saitama, gần Tokyo, lễ hội pháo hoa cũng bị hủy vì cần có biện pháp đối phó với việc tro bụi lan ra nhà cửa, đường sá và ô tô.
Trong khi đó, để tránh ảnh hưởng đến người dân và tắc nghẽn, ban tổ chức lễ hội thành phố Sanda, tỉnh Hyogo, miền Tây Nhật Bản đã lên kế hoạch di dời địa điểm tổ chức năm 2023 đến một công viên thể thao cách đó khá xa. Tuy nhiên, người dân lại phàn nàn về việc khó nhìn thấy pháo hoa và cũng có nguy cơ tro pháo hoa sẽ gây cháy rừng gần đó. Vì vậy, ban tổ chức đã thông báo hủy sự kiện năm nay.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Pháo hoa Nhật Bản Haruyuki Kono cho rằng cần quan tâm đúng mức đến các tình huống xung quanh mỗi sự kiện pháo hoa, để đảm bảo việc thưởng thức an toàn lễ hội truyền thống đã tồn tại trong nhiều thập kỷ này.
Nhật Bản lo ngại ốc sên tuyệt chủng
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà khoa học Nhật Bản vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng ngày càng ít ốc sên xuất hiện vào mùa mưa ở nước này khi diện tích các khu vực khô hạn và đô thị tăng lên.
Trong đó, một nửa số loài ở vùng phía Tây Kinki (Osaka và các tỉnh lân cận) có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo thống kê, hiện có khoảng 800 loài ốc sên ở Nhật Bản. Những nỗ lực tạo ra các "khu vực xanh" mới cho ốc sên sinh sống có thể sẽ không hiệu quả vì loài này khó có thể đến được những khu vực như vậy do khả năng di chuyển kém.
Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Bảo tàng Hồ Biwa ở tỉnh Shiga - Katsuki Nakai cho biết, số lượng ốc sên đang giảm dần ở những nơi gần con người sinh sống do quá trình đô thị hóa: "Ngay cả khi cây được trồng gần đó, ốc sên cũng không thể tự mình tiếp cận cây để biến chúng thành nơi trú ngụ vì chúng di chuyển chậm bằng chất nhầy".
Theo ông, khoảng 100 trong số khoảng 200 loài ốc sên ở Kinki đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hầu hết sống trong rừng và nhiều loài được cho là bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong thảm thực vật và đất do mưa acid, một phần là do hươu ăn.
Nhiều loài sống trong những khu vực rất nhỏ, nghĩa là việc mất đi một môi trường sống duy nhất có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nakai cũng cảnh báo về việc chủ động di chuyển ốc sên vì điều này có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của các loài bản địa.
Trong khi đó, Phó giáo sư tại Đại học Toho - Tsukasa Waki, người nghiên cứu về ký sinh trùng ở động vật có vỏ cho biết sự mở rộng của các vùng khô hạn là yếu tố dẫn đến sự suy giảm số lượng ốc sên.
Ốc sên dễ bị tổn thương trong môi trường khô hạn, thường thích sống ở những nơi ẩm ướt như các đống lá rụng. Tuy nhiên, chúng đang "mất nơi ẩn náu" vì lá rụng và cây mục thường bị loại bỏ khỏi các công viên ở khu vực thành thị.
Theo ông Waki: "Điều quan trọng là phải tiếp tục bảo vệ môi trường sống của loài ốc sên hiện tại" để ngăn chặn sự suy giảm quần thể ốc sên. "Điều quan trọng nữa là phải khuyến khích nhiều người biết về tình hình hiện tại và quan tâm đến vấn đề này".
Rượu sake Nhật Bản khó khăn trong nước, hướng ra thị trường quốc tế Ngành công nghiệp rượu sake Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tiêu thụ trong nước giảm sút. Trong bối cảnh đó, công ty Yumesakagura ở trung tâm văn hóa Kyoto đã mang lại hy vọng giúp các nhà sản xuất rượu sake tại địa phương vượt qua khó khăn để vực dậy hoạt động kinh doanh. Rượu sake...