Nhật Bản ghi nhận mức lạm phát lõi cao nhất trong vòng 42 năm
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 23/6, báo Yomiuri đưa tin chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua đã vượt dự báo, trong khi lạm phát tiêu dùng lõi ở mức cao nhất trong vòng 42 năm qua.
Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà phân tích cho biết sự gia tăng này là do giá thực phẩm và nhu yếu phẩm hằng ngày tăng đều đặn, khiến các hộ gia đình đang đối mặt với khó khăn về chi tiêu.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (CPI) trên toàn quốc, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm các mặt hàng năng lượng, trong tháng 5 vừa qua tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng này thấp hơn mức tăng 3,4% trong tháng 4, song cao hơn mức tăng 3,1% dự báo trên thị trường.
Lạm phát tiêu dùng lõi (không bao gồm giá nhiên liệu và thực phẩm tươi sống) trong tháng 5/2023 ở mức 4,3%, cao hơn mức 4,1% trong tháng 4 và là mức cao nhất kể từ tháng 6/1981. Chỉ số này được Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) theo dõi chặt chẽ như một phong vũ biểu quan trọng đánh giá xu hướng giá cả biến động theo nhu cầu trong nước.
Video đang HOT
Việc lạm phát tiêu dùng lõi của tháng 5/2023 ở mức 4,3%, tức là cao hơn mục tiêu 2% của BOJ trong 14 tháng liên tiếp, đang gây nghi ngờ về quan điểm của BOJ cho rằng lạm phát tăng trong thời gian gần đây chỉ là hiện tượng tạm thời.
Đề cập tác động của tình trạng tăng giá các loại thực phẩm không tươi sống đối với CPI cơ bản, nhà kinh tế Darren Tay tại hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho rằng một trong những nguyên nhân chính là lạm phát giá thực phẩm, đồng thời nhận định chỉ số hiện nay chưa thể hiện mức lạm phát thực phẩm cao nhất.
Trong khi chi phí năng lượng giảm 8,2% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các biện pháp trợ cấp của chính phủ, lạm phát lương thực đã tăng từ mức 9% trong tháng 4 lên 9,2% trong tháng 5 do giá các mặt hàng như gà rán, bánh mì kẹp thịt hamburger đến sô-cô-la đều tăng.
Dữ liệu cũng cho thấy mức giá phòng khách sạn trong tháng 5 tăng 9,2%, cao hơn mức tăng 8,1% trong tháng 4. Dấu hiệu này chứng tỏ nhu cầu du lịch hồi phục mạnh mẽ đã cho phép các nhà kinh doanh khách sạn áp mức giá cao hơn.
Với việc lạm phát luôn cao hơn mức mục tiêu trong hơn 1 năm, thị trường đồn đoán BOJ sẽ sớm bắt đầu loại bỏ dần các biện pháp kích thích của ngân hàng này.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nhấn mạnh sự sẵn sàng của ngân hàng này trong việc duy trì chính sách kích thích cho đến khi lạm phát ổn định ở mức khoảng 2% và đi kèm với việc tăng lương. Ông Ueda dự kiến lạm phát tiêu dùng lõi sẽ xuống dưới mức 2% vào tháng 9 hoặc tháng 10, mặc dù giá cả tăng liên tục khiến giới phân tích hoài nghi nhận định này.
Trong lần dự báo gần đây nhất vào tháng 4 vừa qua, BOJ dự kiến lạm phát tiêu dùng cơ bản sẽ ở mức 1,8% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2024. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,6% trong cuộc thăm dò do hãng tin Reuters thực hiện vào tháng 5/2023.
Dữ liệu CPI tháng 5 vừa được công bố càng làm tăng khả năng BOJ sẽ điều chỉnh dự báo lạm phát trong lần đánh giá hằng quý tiếp theo, dự kiến vào tháng 7 tới.
Ngày càng ít cơ sở để các ngân hàng trung ương dừng chu kỳ tăng lãi suất
Trái với những kịch bản trước đó về khả năng các ngân hàng trung ương sẽ dừng tăng lãi suất vào nửa cuối năm 2023, việc lạm phát toàn cầu tiếp tục ở mức cao, thị trường lao động eo hẹp và sức chống chịu tốt hơn kỳ vọng của kinh tế thế giới đã buộc các nhà hoạch định chính sách xem xét lại khả năng sớm cắt giảm lãi suất thời gian tới.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh tại thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, ngày 19/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương Mỹ) đã phát đi tín hiệu ngân hàng này có thể quyết định tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, các chỉ số lạm phát tại Mỹ lại không mấy lạc quan. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tuy đã giảm xuống 4,9% từ mức cao kỷ lục 9% hồi tháng 6/2022, song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Trong đó, CPI lõi- không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 5,5% trong tháng 4. Chủ tịch Fed chi nhánh bang St.Louis và Minneapolis nhiều tuần qua nhấn mạnh lạm phát lõi dai dẳng nên Fed vẫn cần duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.
Dữ liệu từ công cụ theo dõi FedWatch của Tập đoàn CME (Mỹ) cho thấy thị trường kỳ vọng 35% khả năng lãi suất mục tiêu trong năm nay sẽ kết thúc ở mức 5-5,25% trong khi khả năng cao lãi suất sẽ hạ xuống 3,75%-4% vào tháng 11/2024 tới.
Tương tự, ông Sanjay Raja, nhà kinh tế tại Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), nhận định giá cả hàng hóa ít có khả năng hạ nhiệt nhanh như dự kiến trước những cú sốc về nguồn cung, triển vọng kiềm chế lạm phát chưa sáng rõ, thị trường ít chiết khấu khuyến mại... Ông cho biết Deutsche Bank đã nâng dự báo lãi suất cuối cùng lên 5,25%, đồng thời cho rằng những tính toán về quản trị rủi ro sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn và với khoảng độ tăng cao hơn so với dự định trước đó.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đã tăng lãi suất lên 3,25%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008, song lạm phát toàn phần Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 4 tiếp tục tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng kinh tế khu vực quý I/2023 chỉ đạt 0,1%, dưới mức kỳ vọng của thị trường.
Ông Joachim Nagel, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), tuần trước cho rằng ECB cần tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi kinh tế khu vực có khả năng rơi vào suy thoái. Cùng quan điểm, ông Andreas Dombret, cựu thành viên ban điều hành Bundesbank, thừa nhận lãi suất cao sẽ kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế, song nếu không tiếp tục can thiệp để kiềm chế lạm phát thì tác động còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, ECB chưa thể dừng tăng lãi suất khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao.
Trong khi đó, tại Anh đang có những diễn biến phức tạp hơn so với thị trường Mỹ và Eurozone. Trong tháng 4, CPI hằng năm đã giảm 1,4% xuống 8,7%, cao hơn nhiều so với dự báo 8,4% trước đó, trong khi lạm phát lõi tăng mạnh lên 6,8% từ mức 7,2% trong tháng 3. Con số này cao hơn đáng kể so với Eurozone và gần gấp đôi lạm phát ở Mỹ. Ngày 26/5, dữ liệu của Tập đoàn Refinitiv (Anh) cho thấy thị trường tin rằng khoảng 92% khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,75% tại cuộc họp tháng 6 tới.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tiếp tục tăng khiến lạm phát vẫn ở mức cao Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/5 cho thấy giá tiêu dùng của nước này tiếp tục tăng trong tháng 4 do chi phí nhiên liệu và giá thuê nhà tăng, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao. Khách hàng lựa chọn hàng hóa trong siêu thị ở San Mateo, bang California...