Nhật Bản dính bê bối côn trùng, răng người trong thực phẩm
Ngành công nghiệp thực phẩm Nhật Bản đang đối mặt với hàng loạt vụ bê bối an toàn vệ sinh thực phẩm, như: côn trùng, sâu bọ được phát hiện trong các sản phẩm thức ăn đóng gói và răng người trong thức ăn nhà hàng.
Một khách hàng đang lực chọn các sản phẩm thức ăn đóng gói trong một siêu thị ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản – Ảnh: Reuters
Tập đoàn Nhật Bản Asahi Holdings ngày 8.1 cho biết họ đang thu hồi khoảng 120.000 gói sản phẩm thịt trộn khoai tây cho trẻ em sau khi người tiêu dùng phát hiện một gói sản phẩm có chứa một con dế, một loại côn trùng nhỏ trông giống con cào cào, theo AFP.
Nhãn hàng thức ăn trẻ em Wakodo, công ty con của Asahi Holdings, hồi tháng 12.2014 nhận được phản ánh của một khách hàng ở tỉnh Tochigi cho biết bà phát hiện một con dế dài 7,4 mm trong gói sản phẩm thịt trộn khoai tây cho trẻ em Wakodo.
Cả Wakodo và Asahi Holdings cho hay họ không biết liệu rằng con dế lẫn vào thức ăn trong quá trình sản xuất hay không, nhưng vẫn ra quyết định thu hồi sản phẩm. “Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khách hàng vì khiến khách hàng lo âu”, AFP dẫn lời thông cáo của Wakodo.
Vụ việc này xảy ra sau khi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald chi nhánh ở Nhật Bản ngày 7.1 cho biết một chiếc răng người đã được phát hiện trong khoai tây chiên ở nhà hàng này tại thành phố Osaka. McDonald Nhật Bản còn cho biết thêm một số mảnh nhựa được phát hiện trong món gà rán và trong kem nước quả.
Đến ngày 9.1, xuất hiện trên kênh truyền hình Asahi (Nhật Bản), một người phụ nữ Nhật, chưa xác định danh tính, cho hay người này đã phát hiện 3 mảnh vụn trong giống răng người trong bánh burger mua tại nhà hàng McDonald ở thành phố Kushiro hồi tháng 9.2014.
Video đang HOT
“Tôi cắn một miếng và nghe tiếng răng rắc. Tôi nghĩ nó trong thịt, tưởng là cát hay sỏi”, người phụ nữ nói, đồng thời cung cấp hình ảnh mảnh vụn nghi là răng người.
Một siêu thị ở Nhật Bản – Ảnh: Reuters
Nữ phát ngôn viên Miwa Yamamoto của McDonald Nhật Bản xác nhận các mảnh vụn trắng đục là “vật liệu nha khoa”, một chất liệu thường dùng để trám răng sâu.Tuy nhiên, bà Yamamoto không xác nhận liệu rằng mảnh vụn này có nằm trong bánh burger của nữ khách hàng kể trên hay không.
Không có nhân viên nào của nhà hàng bị vấn đề về răng miệng vào thời điểm xảy ra vụ việc và “hiếm có khả năng” có vật thể rơi vãi vào thức ăn trong quá trình chế biến được quản lý nghiêm ngặt của McDonald, theo bà Yamamoto.
Trước đó, hồi tháng 12.2014, Nissin Frozen Foods, công ty con chuyên sản xuất mì ăn liền của tập đoàn Nissin Foods Holdings (Nhật Bản), đã thu hồi hàng trăm ngàn gói sản phẩm mì đông lạnh sau khi một con gián được phát triển bên trong một gói hàng.
Nhà sản xuất mì ăn liền Maruka Foods Corp trước đó cũng đã tuyên bố ngừng hoạt động sản xuất sau khi phát hiện sâu bọ trong sản phẩm của họ.
Nhật Bản lâu nay hiếm có vụ bê bối an toàn vệ sinh thực phẩm và người tiêu dùng nước này quen thuộc với những tiêu chuẩn, chất lượng cao. Những vụ việc kể trên có thể ảnh hưởng đến danh tiếng công ty Nhật và niềm tin của người tiêu dùng, theo AFP.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Bê bối tham nhũng ở Thái Lan lan rộng
Gia đình bên vợ của thái tử Thái Lan Vajiralongkorn được cho là dính líu đến vụ bê bối tham nhũng rúng động giới cảnh sát nước này.
Thái tử Thái Lan Vajiralongkorn và vương phi Srirasmi - Ảnh: AFP
Mối liên hệ giữa gia đình vương phi Srirasmi Akharaphongpreecha và vụ bê bối tham nhũng liên quan đến nguyên Cục trưởng Cục Điều tra trung ương (CIB) Thái Lan Pongpat Chayapan chỉ được truyền thông nước ngoài nhắc đến ngày 29.11 sau khi thái tử Vajiralongkorn yêu cầu tước bỏ họ hoàng gia của gia đình vợ ông, vương phi Srirasmi Akharaphongpreecha.
Tờ Bangkok Post ngày 30.11 chỉ đưa tin thái tử Vajiralongkorn yêu cầu những người mang họ Akharaphongpreecha phải quay trở lại sử dụng họ cũ là Kerdampang. Tuy nhiên, tờ báo này nói thêm rằng đó cũng là họ của ba nghi can bị bắt trong vụ bê bối tham nhũng nói trên.
Trong khi đó, BBC cho biết có 7 nghi can trong vụ điều tra là người thân của vương phi Srirasmi. Nhân vật chóp bu: thượng tướng cảnh sát Pongpat là cậu của vương phi. Ông bị bắt vì tình nghi liên quan đến khối tài sản khổng lồ tích cóp qua việc buôn lậu và tổ chức bài bạc.
Ngoài ra, bốn anh chị em ruột cùng hai người bà con gần của vương phi cũng chung số phận. Họ bị cáo buộc dùng danh tiếng hoàng gia để hưởng lợi, thu nợ, bắt giam người trái phép và tống tiền.
Theo BBC, yêu cầu nói trên của thái tử Vajiralongkorn được xem như bước đầu tiên của việc ly hôn. Dù chưa chính thức chia tay nhưng trước đó, mối quan hệ của hai người vốn đã lạnh nhạt từ lâu. Vương phi Srirasmi là vợ thứ ba của thái tử Vajiralongkorn.
Họ cưới nhau năm 2001 và có một con trai 9 tuổi. Khi thái tử kế vị ngôi vương của vua cha, bà dự kiến sẽ trở thành hoàng hậu Thái Lan. Vụ bê bối của gia đình vương phi Srirasmi diễn ra trong một thời điểm khá nhạy cảm, khi sức khỏe của vua Bhumibol Adulyadej, 86 tuổi, đang trong tình trạng xấu.
Vụ điều tra tham nhũng liên quan đến ông Pongpat đã được báo chí Thái Lan đưa tin rộng rãi trong 10 ngày qua. Tuy nhiên, do sự khắt khe của luật khi quân ở Thái Lan, không tổ chức truyền thông nào ở nước này nhắc đến mối liên hệ với gia đình vương phi.
Theo Bangkok Post, trong các hầm bí mật tại 11 căn nhà của Pongpat, cảnh sát phát hiện 1 tỉ baht tiền mặt (700 tỉ đồng) cùng khối tài sản khổng lồ trị giá 10 tỉ baht (khoảng 7.000 tỉ đồng) gồm 24 thỏi vàng, 114 giấy tờ sở hữu nhà đất, hàng trăm tượng Phật hiếm, tranh quý, ngà voi...
Tại nhà nguyên Phó cục trưởng CIB Kowit Wongrungroj, hàng loạt mô tô, xe hơi hạng sang, lá bùa bằng vàng... cũng bị phơi bày. Theo cáo trạng, trong 4 năm từ 2010 đến 2014, Kowit và Akkharawut, cựu quan chức Cơ quan Chống tội phạm Thái Lan, đã nhận hối lộ để chạy chức với giá từ 3 - 5 triệu baht/vị trí (khoảng 2 - 3,5 tỉ đồng). Ngoài ra, theo cảnh sát, Pongpat cùng những người tình nghi thừa nhận tội phỉ báng hoàng gia và nhận hối lộ từ đường dây buôn lậu dầu.
Trung tướng Boonsueb, cựu chỉ huy cảnh sát biển Thái Lan, khai đã nhận 2 - 3 triệu baht/tháng (khoảng 1,5 - 2 tỉ đồng), các thành viên khác nhận từ 12 - 13 triệu baht/tháng (khoảng 8 - 9 tỉ đồng) từ đường dây buôn lậu dầu ở miền nam Thái Lan. Để Cục trưởng và Cục phó CIB là Pongpat và Kowit "ngó lơ", Boonseub "biếu" hai ông 153 triệu baht (khoảng 100 tỉ đồng).
Một nguồn tin của Bangkok Post ngày 30.11 cho biết, những kẻ buôn lậu dầu hiện đang bị nghi là hỗ trợ tài chính cho những nhóm ly khai tại miền nam Thái Lan và có hơn 30 quan chức cao cấp ở địa phương dính líu đến vụ này, một số đã lên Bangkok để tìm cách "chạy thuốc".
Lam Yên
Theo Thanhnien
Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha từ chức vì bê bối tham nhũng Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Ana Mato đã từ chức sau khi bị nghi có dính líu đến vụ bê bối tham nhũng lớn trong đảng Nhân dân của Thủ tướng nước này. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Ana Mato - Ảnh: Reuters "Tôi đã quyết định từ chức" , AFP dẫn lời bà Mato (55 tuổi) nói trong...