Nhật Bản diễn tập phòng thủ tên lửa tại căn cứ quân sự Mỹ
Nhật Bản đã tiến hành cuộc diễn tập hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ Mỹ ở Tohoku trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Nhật Bản diễn tập phòng thủ tên lửa tại căn cứ Mỹ
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cải tiến PAC-3 (Ảnh: AFP)
Theo RT, Nhật Bản ngày 7/9 đã điều động lực lượng gồm 30 quân nhân triển khai lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cải tiến (PAC-3) có khả năng đánh chặn tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại căn cứ Misawa, thành phố Aomori, vùng Tohoku, Nhật Bản.
Đây là động thái nhằm tăng cường hợp tác quân sự Nhật – Mỹ và cũng như diễn tập để sẵn sàng ứng phó với mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên. Đây cũng là lần thứ hai Nhật Bản diễn tập hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ quân sự của Mỹ. Lần trước, Nhật Bản diễn tập tại căn cứ Iwakuni ở Yamaguchi và Yokota tại Tokyo vào hồi tháng 8.
Chỉ huy đơn vị Yoshichika Kawahiro chia sẻ với RT rằng mục tiêu của cuộc diễn tập nhằm cải tiến hoạt động của hệ thống tên lửa đánh chặn và chiến lược của Lực lượng phòng không cũng như hợp tác với Lực lượng vũ trang Mỹ.
“Ngoài ra, chúng tôi quyết định diễn tập với hệ thống PAC-3 nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng mà người dân Nhật Bản đang trải qua sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa”, ông Kawahiro chia sẻ. Ông cho biết thời gian để lắp đặt hoàn thiện hệ thống PAC-3 là 20 phút.
Video đang HOT
Nhật Bản đang ở trong trạng thái cảnh giác cao sau chuỗi bắn thử tên lửa và thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngày 3/9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước đến nay của nước này với sức công phá ước tính gấp 10 lần bom nguyên tử quân đội Mỹ thả xuống Nhật Bản năm 1945.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Lý do Triều Tiên tiến nhanh trong công nghệ tên lửa và hạt nhân
Triều Tiên đạt được nhiều tiến bộ có thể vì họ ưu ái các nhà khoa học và tự sản xuất linh kiện để không phụ thuộc vào bên ngoài.
Người dân Bình Nhưỡng ngày 6/9 vẫy hoa và bóng bay chào mừng những nhà khoa học liên quan đến vụ thử bom nhiệt hạch. Ảnh: Reuters.
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12 vào tháng 5, các nhà khoa học phát triển tên lửa đạn đạo đã được vinh danh trên đường phố Bình Nhưỡng như những anh hùng dân tộc.
"Những chiếc xe buýt chở họ đi qua những con đường đầy hoa", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin. "Người dân nhiệt liệt vẫy cờ và hoa chúc mừng họ". Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã "ôm chặt các quan chức trong lĩnh vực nghiên cứu tên lửa, nói rằng họ đã làm việc chăm chỉ và đạt được kết quả tuyệt vời".
Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa trong năm nay, trong số đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuần trước, họ khiến thế giới bất ngờ khi tuyên bố thử bom nhiệt hạch có thể gắn trên ICBM. Những thành tựu này rất ấn tượng vì Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín và bị trừng phạt nặng nề nhất thế giới, theo Atlantic.
Các nhà khoa học ở Triều Tiên được đối xử rất trọng vọng. Có rất nhiều dự án xây dựng nhà ở cao cấp dành cho họ và gia đình. Truyền thông nhà nước Triều Tiên luôn đưa tin về những khen thưởng họ nhận được sau khi thử thành công hạt nhân và tên lửa.
"Có thể nói đây hiện là công việc danh giá nhất nước này", Joshua Pollack, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, nói. "Trước đây họ nhấn mạnh tầm quan trọng của quân đội trong chính trị. Bây giờ họ đã bắt đầu ngừng chú ý đến điều đó và nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học trong xã hội, để thúc đẩy nền kinh tế và phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa".
Mặc dù các nhà khoa học được vinh danh và khen thưởng, họ cũng chịu áp lực phải tạo ra những kết quả ngày càng tốt hơn. Theo Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại MIT, có khả năng rằng ông Kim, giống như cha mình, Kim Jong-il, "đe dọa lấy mạng các nhà khoa học nếu họ không tiến bộ. Đó có thể là động lực mạnh mẽ" để các nhà khoa học tích cực nghiên cứu.
Dù là do động lực nào thì kết quả họ đạt được cũng rất ấn tượng. Năm 2016, Triều Tiên thử nghiệm 26 tên lửa; 16 quả thành công và 10 quả thất bại, tỷ lệ thành công 62%, theo cơ sở dữ liệu của Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, tổ chức phi chính phủ tại Mỹ. Năm nay họ có 18 vụ thử: 12 vụ thành công, 5 vụ thất bại và một không rõ kết quả, tỷ lệ thành công 67%. Những con số cho thấy Triều Tiên rất "quyết tâm đạt được đột phá", theo Pollack.
Một yếu tố cần chú ý là số lượng các vụ thử. "Việc họ sẵn sàng thử tên lửa thường xuyên cho thấy họ không thực sự lo lắng về nguồn cung", Narang nói. "Nếu bạn không có khả năng sản xuất ra nhiều tên lửa thì bạn sẽ lưỡng lự khi thử chúng".
Có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã đẩy mạnh việc sản xuất trong nước các bộ phận cần thiết cho chương trình hạt nhân và tên lửa. Họ đang dần từ bỏ việc phụ thuộc vào chợ đen. Andrea Berger, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước rằng Triều Tiên đã gia tăng tự sản xuất. "Một số hàng hóa trước đây họ phải mua từ nước ngoài thì giờ họ đã có thể chế tạo trong nước, tạo ra một chuỗi cung cấp địa phương", bà nói.
Nhiều thiết kế của Triều Tiên có từ thời Chiến tranh lạnh, khi họ nhận được công nghệ hạt nhân từ Liên Xô. Trong những năm qua, họ đã mua lại công nghệ vũ khí từ Trung Quốc, Iran, Pakistan và những nước khác, theo Atlantic.
"Đó là điều tôi thấy thực sự ấn tượng", Narang nói. "Đó là một quốc gia bị trừng phạt, một đất nước bị đe doạ. Công nghệ, đào tạo và viện trợ mà Triều Tiên nhận được có thể đã cũ, nhưng khi bạn có một đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư quen thuộc với nó thì không có gì ngạc nhiên khi họ đạt được tiến bộ lớn", bà nói.
Pollack chỉ ra rằng mặc dù công nghệ của Triều Tiên không phải là "tối tân, chúng tương xứng với khả năng và mức độ nỗ lực mà họ bỏ ra". Ông nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng của nước này phát triển mạnh mẽ; cơ sở khoa học và công nghiệp ngày càng mở rộng. Hình ảnh các cơ sở sản xuất cho thấy thiết bị của họ "ngày càng tinh vi".
Các chuyên gia không ngạc nhiên khi Triều Tiên có những tiến bộ như vậy, nhưng họ ngạc nhiên trước tốc độ tiến triển của Triều Tiên. Roger Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, nói rằng việc Bình Nhưỡng đạt được tăng trưởng nhanh như vậy là một "bí ẩn". Ông Pollack nhận xét Triều Tiên "đã bị đánh giá thấp trong nhiều năm". Bà Narang cho rằng tốc độ phát triển của Triều Tiên vượt qua các chương trình tương tự ở Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, Israel và thậm chí cả Pháp.
"Việc đó thật ấn tượng", Pollack nói. "Họ đã học được cách làm rất nhiều thứ. Họ cũng sẵn sàng đón nhận thất bại và ít phụ thuộc vào bên khác hơn". Đó có thể là lợi thế lớn nhất của Triều Tiên trong đối đầu với Mỹ và các đồng minh.
Narang chỉ ra rằng khả năng Triều Tiên có thể phóng đầu đạn hạt nhân đến San Francisco, Chicago, hoặc một thành phố ở Bờ Đông nước Mỹ không phải là 100% vì công nghệ của họ chưa chính xác đến mức đó. "Nhưng để răn de Mỹ thì dù tỷ lệ chính xác nhỏ cũng khiến Mỹ phải lo ngại. Anh có muốn mất khoảng 5.000 - 50.000 người Mỹ hay không? Chắc là không rồi".
Phương Vũ
Theo VNE
Hàn Quốc phát triển tên lửa 'khủng' đầu đạn 2 tấn đấu với Triều Tiên Hàn Quốc đang tìm cách phát triển siêu tên lửa được gọi là "frankenmissile" với đầu đạn hạt nhân nặng tới 2 tấn và tầm bắn có thể vươn tới bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Triều Tiên. Tên lửa Hàn Quốc. Ảnh minh họa. Daily Mail dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, loại tên lửa mới của Hàn Quốc...