Nhật Bản đẩy mạnh khai thác tiềm năng thể thao du lịch mùa Đông
Được biết đến là một trong những địa điểm có chất lượng tuyết tốt nhất thế giới phù hợp với các môn thể thao mùa Đông, ngành du lịch Nhật Bản đã có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế khi đến với quốc gia Đông Bắc Á này, bao gồm mở rộng hơn nữa hoạt động trượt tuyết tự do cả chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Liên đoàn tổ chức giải đấu vô địch thế giới trượt tuyết tự do (Freeride World Tour- FWT) đã quyết định bổ sung thêm Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Yuzawa Nakazato (tỉnh Niigata) vào danh sách các địa điểm diễn ra các trận thi đấu FWT mùa giải 2024. Như vậy, cùng với 3 địa điểm trước đó là Hakuba Valley (tỉnh Nagano), Lotte Arai Resort (tỉnh Niigata) và Maiko (tỉnh Niigata), Nhật Bản hiện đăng cai tổ chức các trận thi đấu trong khuôn khổ FWT tại 4 địa điểm.
Trượt tuyết tự do (Freeride) là một phong cách thể thao mùa Đông mới xuất hiện trong khoảng 30 năm gần đây và ngày càng được nhiều người yêu thích trên toàn thế giới. Đặc trưng của bộ môn thể thao này là các vận động viên sẽ thi đấu trượt tuyết ở địa hình rừng núi hoàn toàn tự nhiên, không có sự can thiệp của con người và máy móc. Giải đấu FWT lần đầu tiên được tổ chức tại Thụy Sĩ vào năm 1996 và đến năm 2017, làng Hakuba (tỉnh Niigata) lần đầu tiên được đưa vào danh sách các địa điểm thi đấu. Năm nay, khoảng 5.600 vận động viên đăng ký tranh tài FWT với tổng cộng khoảng 150 cuộc thi diễn ra ở các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương và châu Á, trong đó có Nhật Bản.
Video đang HOT
Tuyết ở Nhật Bản được xem là có chất lượng tốt nhất và phù hợp nhất đối với bộ môn thể thao trượt tuyết, nhất là trượt tuyết tự do, do các hạt tuyết mịn, tơi xốp và địa hình đồi núi đa dạng, chủ yếu còn hoang sơ. Tại quốc gia Đông Bắc Á này, trượt tuyết là một trong những môn thể thao rất được ưa thích vào mùa Đông với nhiều giải đấu chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và nghiệp dư được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm. Tuy nhiên, đa số giải đấu đều tập trung ở các khu trượt tuyết chuyên dụng, trong khi nhiều du khách nước ngoài tìm đến Nhật Bản để trải nghiệm cảm giác phiêu lưu, khám phá những điều mới mẻ của trượt tuyết tự do ở các địa điểm vùng núi hẻo lánh. Một nhân viên của Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Manza Onsen (tỉnh Gunma) cho biết số lượng du khách Trung Quốc đến đây thường chiếm khoảng 50% tổng lượng du khách quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu do số người Trung Quốc yêu thích môn trượt tuyết đã tăng đáng kể sau Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh năm 2022, trong khi phần lớn các khu trượt tuyết tại Trung Quốc đều là nhân tạo.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, khái niệm trượt tuyết tự do không quá xa lạ với người dân nước này nhưng vẫn bị coi là “nguy hiểm”, “gây phiền toái” và không được khuyến khích tự ý thực hiện. Các nguy cơ tai nạn liên quan đến hoạt động này luôn được giới chức địa phương và báo chí khuyến cáo hằng năm, như tai nạn do không nắm rõ địa hình rừng núi, lạc đường, bị vùi lấp do lở tuyết…
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cũng như khai thác triệt để tiềm năng du lịch dịch vụ mùa Đông của các địa phương, Hiệp hội hướng dẫn leo núi Nhật Bản đang xây dựng một đề án tổng thể phát triển bộ môn trượt tuyết nói chung và môn thể thao trượt tuyết tự do nói riêng. Hiệp hội sẽ tăng cường đào tạo các nhân viên chuyên trách và cấp chứng chỉ hành nghề để tạo một đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ những người có sở thích trượt tuyết tự do. Những người được lựa chọn đào tạo là người bản địa, am hiểu địa hình, khí hậu và thông thạo tiếng Anh. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng kêu gọi sự tham gia của chính quyền các địa phương trong việc xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các vận động viên cũng như giảm thiểu các hoạt động trượt tuyết tự do theo hình thức tự phát, có nguy cơ cao dẫn đến các tai nạn đáng tiếc.
Những thay đổi trên đang mang lại nhiều hy vọng mới cho những người yêu thích bộ môn trượt tuyết tự do trên toàn thế giới có thể đến trải nghiệm thực tế ở Nhật Bản, đồng thời góp phần mở rộng đa dạng hóa các hoạt động du lịch vào mùa Đông tại quốc gia này.
Nhật Bản: Ngành du lịch thiếu 20% lao động tại các sơ sở lưu trú
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong bối cảnh ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, các cơ sở lưu trú tại các điểm du lịch của Nhật Bản lại đang rơi vào tình trạng thiếu hơn 20% nhân lực cần thiết và đang phải chật vật để thuê đủ nhân công bằng cách đưa ra mức lương và các điều kiện làm tốt hơn.
Khách du lịch tham quan phố mua sắm ở quận Asakusa ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo Hrog - nhà cung cấp dịch vụ cho các công ty nhân sự, từ năm 2023, thông báo tuyển dụng từ các nhà điều hành khách sạn và nhà nghỉ đã tăng lên so với mức trước đại dịch COVID-19. Cụ thể, có hơn 28.000 lời mời làm việc trong hai tháng 11 và 12/2023, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng toàn ngành khoảng 10%. Hrog tổng hợp và phân tích dữ liệu từ các văn phòng việc làm công cộng và 3 trang web tìm kiếm việc làm lớn ở Nhật Bản.
Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI, ông Taro Saito đánh giá: "Vẫn chưa có một giải pháp ổn định nhằm ứng phó với tình trạng khan hiếm lao động". Ông ước tính ngành lưu trú tại Nhật Bản thiếu hụt hơn 150.000 việc làm trong giai đoạn từ tháng 7-9/2023. Điều này đồng nghĩa với việc ngành này vẫn còn thiếu hơn 20% lực lượng lao động cần thiết để bổ sung vào số lượng 600.000 lao động hiện tại.
Theo báo cáo của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, tổng chi tiêu của du khách nước ngoài năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục là 5.292 tỷ yên (35,70 tỷ USD), nhưng các cơ sở lưu trú có thể mất đi lượng khách tiềm năng do khan hiếm lao động. Ví dụ, một nhà nghỉ ở tỉnh Shizuoka, nơi thường kín khách trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và Năm mới, chỉ duy trì được 70% công suất hoạt động trong mùa gần nhất vì họ đã từ chối nhận khách do số lượng nhân viên đã giảm 30% từ mùa Hè năm 2022.
Để đối phó với tình trạng này, một số điểm du lịch đã quyết định trả lương theo giờ cao hơn ở cả ở thủ đô Tokyo. Theo công ty dịch vụ nhân sự Dip, mức lương mà các công ty ở khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Niseko ở Hokkaido đưa ra trên trang web việc làm vào tháng 11/2023 đạt trung bình 1.524 yen/giờ (10,3 USD/giờ), cao hơn 90 yen so với mức trung bình 1.434 yen/giờ ở Tokyo. Tương tự như vậy, mức lương trung bình ở khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Hakone ở tỉnh Kanagawa cũng cao hơn Tokyo ở mức 1.503 yen/giờ. Trong khi đó, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Hakuba, tỉnh Nagano, có mức lương trung bình gần bằng mức lương ở Tokyo là 1.402 yen.
Goryu - nhà điều hành khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Able Hakuba Goryu ở Nagano đã tăng số lượng lời mời làm việc cho mùa Đông này lên khoảng 30 người so với mùa trước với kỳ vọng du lịch nội địa sẽ phục hồi.
Ngoài việc tăng lương theo giờ cho nhân viên mùa Đông trung bình thêm 200 yen/giờ trong mùa này, Goryu còn trả khoản trợ cấp một lần lên tới 30.000 yen (hơn 200 USD) cho những người xin việc sớm có thể làm việc lâu dài hơn. Công ty đã thành công trong việc tuyển dụng 180 nhân viên cho mùa Đông năm nay, con số lớn nhất ở khu vực Hakuba.
Trong khi đó, Hoshino Resorts - tập đoàn điều hành khách sạn và nhà nghỉ ở Nhật - sẽ tăng mức lương khởi điểm cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào năm 2024 thêm 11,7% lên 240.000 yen sau khi nhà điều hành khách sạn hạng sang buộc phải hạn chế hoạt động tại một số cơ sở do thiếu lao động. Theo Giám đốc Điều hành Yoshiharu Hoshino, việc tuyển dụng nhiều nhân sự với mức lương cao hơn có thể giúp công ty tăng doanh thu thông qua việc nâng cao công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú.
Mùa hoa anh đào chào đón du khách đến Nhật Bản Ngành du lịch Nhât Bản đang tràn đầy hứng khởi khi nước này chuân bị đón du khách quốc tế trở lại đúng mùa hoa anh đào, sau 3 năm đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19. Người dân ngắm hoa anh đào tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Các ban quản lý các điêm du lịch nôi tiêng của...