Nhật Bản công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2014
Ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2014 thể hiện sự quan ngại với những động thái gần đây của Trung Quốc.
Theo nội dung Sách Trắng này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đặc biệt lưu ý tới nước láng giềng Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự và có những hành động độc đoán trên Biển Đông và Biển Hoa Đông như, thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) chồng lấn với Vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản hồi tháng 11/2013, điều tàu và máy bay tuần tra tới các khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền…
Bên cạnh việc thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc thời gian vừa qua, Sách Trắng cũng khẳng định những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ tạo ra những thách thức toàn cầu, gây ra hậu quả xấu cho châu Á và các khu vực khác.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thị sát lực lượng phòng vệ nước này (Ảnh AP)
Trong bối cảnh đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh tiếp tục chú trọng bảo vệ các hòn đảo xa, đặc biệt là những đảo không có người ở Senkaku/Điếu Ngư, nhấn mạnh đến kế hoạch đặt đơn vị đồn trú giám sát bờ biển tại hòn đảo Yonaguni ở khu vực cực Tây Nhật Bản, cũng như việc thành lập lực lượng đổ bộ tương tự như lính thủy đánh bộ Mỹ.
Sách Trắng năm 2014 cũng cho biết, Chương trình phòng thủ quốc phòng của Nhật Bản từ 2014 đến năm 2019 sẽ bao gồm việc bổ sung các máy bay trinh sát không người lái, khu trục hạm chống tên lửa, các trang thiết bị vận chuyển… với chi phí lên đến 247 tỉ USD.
Đối với vấn đề Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng và hiện hữu đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản.
Video đang HOT
Ngoài ra, Sách Trắng của Nhật Bản năm 2014 cũng nhấn mạnh và khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với các quần đảo hiện đang tranh chấp với Hàn Quốc mà Hàn Quốc đang kiểm soát.
Trước việc Chính phủ Nhật Bản công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2014, ngay lập tức Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những phản ứng dữ dội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ trích: “Chúng tôi phản đối việc Nhật Bản bịa đặt ra cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc để phục vụ các mục đích chính trị”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min- seok tuyên bố: “Chúng tôi đã triệu một tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nhật Bản tới để chuyển lời cảnh báo nghiêm khắc và bày tỏ hết sức lấy làm tiếc”.
Được biết, Sách Trắng Quốc phòng 2014 của Nhật Bản được Nội các nước này thông qua trước đó cùng ngày, với 429 trang, chia thành 4 phần quan trọng, trong đó chủ yếu tập trung phân tích môi trường an ninh liên quan Nhật Bản và chính sách an ninh quốc phòng của Nhật Bản.
Đáng chú ý, nội dung Sách Trắng 2014 của Nhật Bản cũng đề cập việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam gây căng thẳng cho cả khu vực trong suốt thời gian qua.
Bìa Sách Trắng minh họa một máy bay trực thăng Osprey của Mỹ đáp xuống một tàu khu trục chở trực thăng của Nhật Bản để minh họa cách Nhật Bản có thể đóng góp cho hòa bình chung của khu vực và thế giới./.
Theo_VOV
Hồng Kông: Biểu tình lớn yêu cầu Trung Quốc tôn trọng dân chủ
Hàng trăm nghìn người Hồng Kông hôm nay (1/7) sẽ xuống đường tuần hành ủng hộ dân chủ, trong sự kiện được khẳng định là lớn nhất từ ngày thành phố này được trao trả về Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu cải cách dân chủ bị Bắc Kinh gọi là "phi pháp"
Nhiều người Hồng Kông đã hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ cải cách dân chủ
Cuộc tuần hành diễn ra sau khi một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải cách dân chủ đã có lượng người tham gia cao bất thường, gần 800.000 người, nhưng lại bị Bắc Kinh tuyên bố là "phi pháp và bất hợp lệ".
Các nhà tổ chức nhận định khoảng nửa triệu người sẽ tham gia cuộc tuần hành vào hôm nay, trong bối cảnh người dân đặc khu hành chính này ngày một lo ngại về sự ảnh hưởng lớn hơn từ Bắc Kinh.
Ngày 1/7 theo truyền thống là ngày tuần hành tại Hồng Kông, và cũng là dịp kỷ niệm ngày nơi này được Anh trao trả về Trung Quốc, năm 1997, theo một thỏa thuận về "một nhà nước, hai chế độ".
Thỏa thuận này cho phép người dân được hưởng các quyền tự do không có tại đại lục, như tự do ngôn luận và quyền biểu tình. Dù vậy, người Hồng Kông đang ngày một lo lắng các quyền này bị thu hẹp.
Đã có nhiều vụ tấn công nhắm vào các nhân viên truyền thông trong những tháng qua - bao gồm vụ một cựu biên tập viên báo tự do bị đâm chết - trong khi các kênh truyền thông ủng hộ dân chủ cho biết họ là nạn nhân của các vụ tấn công qua mạng quy mô lớn.
Hồi tháng 6, việc Bắc Kinh xuất bản "Sách trắng' về tương lai của Hồng Kông, vốn được xem như một lời cảnh báo rằng thành phố này không nên vượt ra ngoài các khuôn khổ, đã khiến sự lo lắng càng lên cao.
"Tâm lý công chúng đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2003. Tôi tin rằng nhiều người sẽ tham gia tuần hành", Johnson Yeung, một trong những thành viên chủ chốt của ban tổ chức khẳng định với hãng tin AFP.
Cuộc tuần hành năm 2003 từng chứng kiến 500.000 người biểu tình chống lại bản dự thảo luật an ninh quốc gia, khiến chính quyền thành phố này phải hủy bỏ.
Đây cũng chính là nhân tố hàng đầu khiến người đứng đầu đặc khu này, ông Tung Chee-hwa phải từ chức 2 năm sau đó.
Cuộc tuần hành hôm nay sẽ bắt đầu tại công viên Victoria lúc 15 giờ (7 giờ GMT), và hướng tới khu trung tâm thành phố.
Bắc Kinh đã lên án cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/6, và cáo buộc các nhà tổ chức vi phạm pháp luật.
Trung Quốc đã hứa sẽ để toàn bộ cư dân Hồng Kông bỏ phiếu bầu nhà lãnh đạo mới của mình từ năm 2017. Hiện tại, một ủy ban gồm khoảng 1200 đại biểu thân Bắc Kinh vẫn là cơ quan lựa chọn người đứng đầu đặc khu hành chính này.
Dù vậy Trung Quốc đòi hỏi các ứng viên phải do một ủy ban đề cử phê chuẩn, khiến các nhà hoạt động dân chủ lo ngại sẽ chỉ có những nhân vật thân Bắc Kinh được ra ứng cử.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ AFP
TQ: 50.000 người bỏ phiếu đòi dân chủ cho Hong Kong Người dân Hong Kong ngày càng bức xúc trước việc Bắc Kinh không ngừng mở rộng quyền kiểm soát đối với thành phố này. Ngày 20/6, giới lãnh đạo Trung Quốc đang vô cùng lo ngại khi hàng chục ngàn người tham gia vào một cuộc bỏ phiếu trên mạng để đòi dân chủ cho đặc khu kinh tế Hong Kong ngay trong...