Nhật Bản: “Cơn địa chấn” quyết liệt trở lại về quân sự?
Với sự phản đối mạnh mẽ từ công luận, tương lai của đạo luật này vẫn còn khá bấp bênh, và cho dù có được thông qua, việc triển khai nó cũng sẽ là một vấn đề lớn.
Chiều 16/7 vừa qua, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Luật an ninh mới với đa số phiếu thuận có được nhờ số ghế chiếm ưu thế của Liên minh cầm quyền Tự do Dân chủ – Komei. Như vậy, sau 70 năm trung thành với chính sách an ninh chỉ hướng tới phòng vệ được quy định trong Hiến pháp, Nhật Bản đang thực hiện sự “trở lại” đầy quả đoán về mặt quân sự, theo đó chính phủ nước này được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, hoặc trợ giúp Mỹ và đồng minh khác, khi các nước này bị tấn công vũ trang.
Đây được coi là thành công lớn của Thủ tướng Shinzo Abe trong quá trình thực hiện một kế hoạch bài bản nhằm tăng cường sức mạnh quân sự suốt hơn 10 năm qua. Nhưng, nó lại gây sự phản đối từ phía người dân Nhật Bản và sự chia rẽ trong nội bộ chính giới nước này. Thậm chí, nó còn đẩy chính phủ của thủ tướng Abe vào thế phải đối mặt với sự giảm sút uy tín đáng kể.
Có thể nói đây là Đạo luật gây tranh cãi nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản. Thủ tướng Abe, nhằm trấn an dư luận, đã nhấn mạnh: “Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng phức tạp. Dự luật này hết sức quan trọng vì nó giúp bảo vệ tính mạng và cuộc sống của người dân Nhật Bản và ngăn ngừa các cuộc xung đột từ khi chưa diễn ra”.
Sự chia rẽ trong chính giới
Mỗi khi các đảng cầm quyền đưa ra một chính sách hay đạo luật mới… phe đối lập lên tiếng phản đối và tận dụng yếu tố này để công kích nhằm làm giảm vị thế của đối thủ âu cũng là lẽ thường tình trong chính trường các nước. Nhưng xung quanh Luật an ninh mới của Nhật Bản lần này, sự phản đối của các đảng đối lập tại Nhật Bản như Đảng Dân chủ, Đảng Duy tân, Đảng Cộng sản… lại mang một màu sắc khác, thể hiện sự quan ngại thật sự trước chính sách được coi là khá mạo hiểm của Thủ tướng Abe.
Người đứng đầu Đảng Dân chủ – đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản, ông Okada Katsuya thẳng thừng gọi Thủ tướng Abe là “tội đồ lớn”. Ông nói: “Chỉ bằng một Nội các mà dám thay đối cách giải thích Hiến pháp đã được nhiều kỳ Nội các và nhiều kỳ Quốc hội tích lũy suốt mấy chục năm qua là một sai lầm lớn. Tội lỗi của Thủ tướng Abe là rất lớn… Các nội dung chính, định nghĩa về tình trạng báo động… của Luật này đều rất chung chung, không có gì cụ thể ngoài sự vi phạm Hiến pháp một cách rõ ràng và nghiêm trọng…”.
Còn ông Yorihisa Matsuno – Chủ tịch Đảng Duy Tân lại nhìn nhận từ một khía cạnh khác không kém phần gai góc khi nhấn mạnh: “Đạo luật này bị cưỡng bức thông qua”. Ông Matsuno chỉ trích: “Điều luật này được thông qua mà không hề tính đếm gì đến vai trò, trách nhiệm của các đảng đối lập. Trong khi các quy định liên quan đến nội dung cốt yếu như tình trạng báo động, phạm vi địa lý của hoạt động phòng vệ… còn chưa được chế định mà đã thông qua Luật là điều không thể chấp nhận”.
Luật an ninh mới đang tạo ra tranh cãi mạnh mẽ tại nước Nhật.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Kazuo Shii – Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản nêu vấn đề: “Tại sao đạo luật này lại được thông qua trong khi bản thân Thủ tướng cũng phải thừa nhận là vẫn chưa có được sự đồng thuận từ người dân”. Đây được coi là câu hỏi lớn liên quan đến khẩu hiệu mà các Chính phủ của Nhật Bản từ trước đến nay vẫn giương cao là: “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Ông Shii còn cho rằng đây là “hành vi bạo ngược mang tính lịch sử” và nhấn mạnh sẽ cùng người dân Nhật Bản đấu tranh kiên quyết nhằm xóa bỏ đạo luật “nguy hiểm tiềm tàng” này.
Các ý kiến phản đối trong chính giới có rất nhiều và được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau nhưng đều có một điểm chung khi nhấn mạnh: “đây là một Đạo luật chiến tranh và không có giá trị”.
Tiếng nói của người dân
Đa số người dân Nhật Bản cũng lên tiếng và có nhiều hành động phản đối bước đi mới của ông Shinzo Abe.
Ngay trước khi đạo luật này được thông qua người Nhật đã tiến hành biểu tình quy mô lớn để phản đối. Bắt đầu là vụ biểu tình ngày 14/7 tại Nhà hát nhạc ngoài trời Hibya (thủ đô Tokyo) với sự tham gia của khoảng 3-4000 người.
Tiếp đó là ngày 16/7, ngay sau khi Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Luật An ninh mới, khoảng 2.500 người đã tập trung tại công chính Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản tiến hành biểu tình phản đối lần thứ 4. Những người biểu tình giương cao và hô vang các khẩu hiệu: “Bảo vệ Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản”, “Chính quyền Abe hãy dừng ngay bạo lực”…
Đáng chú ý, trong số những người tham gia biểu tình có rất nhiều thanh niên – những người tưởng chừng không mấy quan tâm đến chính trị.
Không chỉ dừng lại ở Tokyo, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra khắp nước Nhật như vệt dầu loang. Hiroshima, Yamaguchi, Kumamoto… đều dấy lên phong trào phản đối, tuy quy mô không lớn như Tokyo, nhưng sự mãnh liệt thì không hề thua kém. Phong trào phản đối này khiến người ta liên tưởng tới những cuộc tuần hành phản đối khi Chính phủ Nhật Bản gửi quân sang Iraq vào năm 2004.
Hệ lụy
Sự chia rẽ trong chính giới cũng như sự phản đối gay gắt của người dân đã kéo theo những hệ lụy cho Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo kết quả cuộc điều tra dư luận do Hãng thông tấn JIJI Press Nhật Bản tiến hành từ ngày 10 – 13/7, tỷ lệ ủng hộ của người dân Nhật Bản đối với Chính phủ của ông Abe đã giảm 5,7 điểm xuống còn 40,1%, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 39,5%. Đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất và tỷ lệ phản đối cao nhất đối với Thủ tướng Abe kể từ khi ông quay lại nắm quyền vào năm 2012.
Cũng theo kết quả cuộc điều tra, liên quan đến Luật an ninh mới, có tới 73,7% số người được hỏi cho rằng Chính phủ chưa giải thích đầy đủ. Cũng có tới 53,8% người được hỏi chỉ trích đạo luật này là vi phạm Hiến pháp. Đây là con số được coi là lời tiên tri cho một đạo luật “chết yểu”.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Abe vẫn còn một cửa ải nữa phải vượt qua để đạo luật này chính thức có hiệu lực, đó là Thượng viện. Hiện nay, Liên minh cầm quyền Tự do Dân chủ – Komei đang triển khai nhiều bước nhằm vận động tại Thượng viện. Nhưng với sự phản đối mạnh mẽ từ công luận, tương lai của đạo luật này vẫn còn khá bấp bênh và cho dù có được thông qua, việc triển khai nó cũng sẽ là một vấn đề lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo Tuấn Nhật
Vietnamnet
Làn sóng biểu tình từ Baltimore lan rộng khắp nước Mỹ
Biểu tình diễn ra rầm rộ ở các thành phố khác của New York, ở Washington, ở Nhà Trắng. Riêng ở Baltimore, 3.000 cảnh sát và vệ binh được huy động.
Ngay trước giờ giới nghiêm hôm qua (29/4) theo giờ địa phương, đám đông người dân tại Baltimore nước Mỹ tiếp tục đổ xuống đường biểu tình đòi công lý cho cái chết của một thanh niên da màu 25 tuổi và yêu cầu cải tổ quy trình làm việc của cảnh sát. Không chỉ vậy, làn sóng biểu tình có xu hướng lan rộng ra nhiều thành phố lớn trên toàn nước Mỹ thu hút hàng nghìn người tham gia.
Cảnh sát chống bạo động của Mỹ. (Ảnh: USAtoday)
Các cuộc biểu tình phản đối của người dân sau cái chết của một nam thanh niên da màu 25 tuổi trong lúc bị cảnh sát giam giữ tại thành phố Baltimore bước sang ngày thứ 3 liên tiếp. Ngay trước khi lệnh giới nghiêm bắt đầu vào lúc 10h đêm, hàng nghìn người dân Baltimore tiếp tục đổ xuống đường đòi công lý và cải tổ cách hành xử của bộ máy cảnh sát tại thành phố này.
Trong khi đó, hàng nghìn người dân tại các thành phố lớn khác như NewYork, thủ đô Washington cũng xuống đường biểu tình trước tòa thị chính và Nhà Trắng. Theo các thông tin ban đầu, mặt dù hầu hết đều là biểu tình hòa bình những đã có hơn 60 người tại New York và hàng chục người tại các thành phố khác bị cảnh sát bắt giữ. Khoảng 3.000 cảnh sát và vệ binh quốc gia đã được triển khai tại Baltimore nhằm duy trì trật tự và thực thi lệnh giới nghiêm.
Nhiều người tham gia biểu tình cho rằng phản đối hòa bình là một cách để thể hiện một Baltimore hoàn toàn khác.
Kathleen Byrd, một người dân Baltimore trong đoàn biểu tình cho biết: "Tôi thực sự tin rằng, có một Baltimore hoàn toàn khác so với Baltimore bạo lực đang được mô tả trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Tôi muốn thể hiện rằng, những người biểu tình phần lớn là hòa bình và còn có rất nhiều người tốt ở Baltimore và họ thực sự chỉ muốn cảnh sát phải chịu trách nhiệm".
Đây được xem là đợt biểu tình biến thành bạo động mới nhất liên quan đến người da màu sau các vụ biểu tình tại thành phố Ferguson hồi cuối năm ngoái. Tính đến nay đã có ít nhất 15 tòa nhà, 144 phương tiện bị đốt cháy, 20 cảnh sát bị thương và khoảng 250 người bị bắt giữ. Mặc dù mức độ thiệt hại và nghiêm trọng chưa quá lớn, nhưng xu hướng lan rộng của làn sóng biểu tình xuất phát từ Baltimore khiến nguy cơ bùng phát bạo lực có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Đích thân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch hôm qua cũng khẳng định đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng bang Maryland phải thực hiện mọi giải pháp để giảm bớt căng thẳng tại Baltimore.
Bà Lynch nói: "Tôi đã điện thoại trực tiếp với các quan chức tại bang Maryland, trong đó có cả thống đốc. Tôi cũng đã chỉ thị trực tiếp cho Bộ Tư pháp cung cấp mọi sự hỗ trợ có thế giúp ích cho việc khôi phục trật tự và giải quyết bất ổn đang bùng phát tại thành phố này".
Vụ bạo động Baltimore hiện nay và gần đây nhất là Ferguson cho thấy nước Mỹ một lần nữa phải đối mặt với việc tìm kiếm một giải pháp tháo gỡ phân biệt đối xử, không chỉ gây ra bạo lực, phá hoại, bất ổn mà còn cả sự mất tin tưởng trong các cộng đồng người da màu.
Theo các chuyên gia xã hội học Mỹ, vấn đề hiện nay không phải là thảo luận về các nguy cơ mà người da màu tại Mỹ gây ra cho cảnh sát và xã hội mà phải là thay đổi cơ chế, luật pháp cũng như cách hành xử để không còn các cộng đồng thành phố nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế, giáo dục mà Baltimore là ví dụ rõ nét nhất./.
Theo Vũ Hợp/VOV-Trung tâm Tin