Nhật Bản chủ trì cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G7
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki ngày 11/4 cho biết Nhật Bản sẽ chủ trì cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào ngày 12/4 tại thủ đô Washington (Mỹ).
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp này là các vấn đề cơ bản liên quan đến nền kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng, lạm phát và cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tại cuộc họp này, G7 dự kiến sẽ nhất trí về việc hỗ trợ tài chính để Ukraine khắc phục hậu quả xung đột. Nhật Bản mới đây cũng đã tiến hành sửa đổi pháp lý cần thiết để cung cấp các khoản vay và các biện pháp khác nhằm hỗ trợ những quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
Phát biểu với báo giới trước khi lên đường tới thủ đô Washington của Mỹ, ông Suzuki cho biết: “Với vai trò chủ trì cuộc thảo luận với tư cách là Chủ tịch G7, chúng tôi sẽ trao đổi thẳng thắn về sự phát triển thị trường tài chính thời gian gần đây, cũng như tình hình lạm phát, đồng thời muốn duy trì sự phối hợp chặt chẽ về hợp tác quốc tế trong tăng cường chuỗi cung ứng”.
Video đang HOT
Cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G7 sẽ được tiến hành bên lề các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhật Bản đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên G7 (gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Mỹ và Nhật Bản). Tổng cộng có 15 cuộc họp cấp bộ trưởng của G7 được lên kế hoạch tiến hành theo phương thức trực tiếp tại Nhật Bản trong năm nay.
Trong số các sự kiện nói trên có 9 cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày (từ ngày 19/5 tới) giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và những người đồng cấp trong G7 tại thành phố Hiroshima, miền Tây Nhật Bản.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cảnh báo về tình hình tài khóa 'chưa từng có'
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 23/1 cảnh báo tình hình sức khỏe tài khóa của nước này đang xấu đi với quy mô "chưa từng có" sau các đợt chi tiêu lớn liên quan đến đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Suzuki nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo không gian tài khóa đề phòng các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản trong ngày họp đầu tiên của phiên họp thường kỳ, Bộ trưởng Suzuki cho rằng môi trường xung quanh nền kinh tế Nhật Bản đang ngày càng xấu đi do giá cả tăng và nỗi lo suy thoái toàn cầu liên quan đến các chính sách thắt chặt tiền tệ.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu phục hồi kinh tế trước khi tái cơ cấu tài khóa. Ông Suzuki nói: "Tài chính công là nền tảng của tín nhiệm quốc gia. Điều quan trọng là phải đảm bảo không gian tài khóa để ngăn ngừa mức độ tín nhiệm của Nhật Bản và sinh kế của người dân bị ảnh hưởng trong tình huống khẩn cấp... Sau các biện pháp đối phó với đại dịch và phải sử dụng ngân sách bổ sung, chúng ta (Nhật Bản) đang đối mặt với tình hình tài chính nghiêm trọng ở mức độ chưa từng có".
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự thảo ngân sách kỷ lục 114.380 tỷ yên cho tài khóa 2023, bắt đầu từ ngày 1/4 tới. Dự thảo ngân sách vừa được trình lên Quốc hội ngày 23/1, bao gồm các khoản chi nhằm hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lạm phát, vốn đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, cùng với các kế hoạch chi cho quốc phòng kỷ lục.
Ông Suzuki nhấn mạnh: "Vào thời điểm bước ngoặt này, ngân sách 2023 sẽ vạch ra con đường để giải quyết những thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt ở trong và ngoài nước, qua đó định hình tương lai (của Nhật Bản)".
Theo dự báo mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, quy mô nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế, sẽ tăng lên mức kỷ lục 558.500 tỷ yên trong tài khóa 2023, trong khi chỉ số giá tiêu dùng lõi sẽ giảm từ 3% của năm 2022 xuống còn 1,7% trong năm nay. Chính phủ dự kiến tăng trưởng thực tế sẽ vào khoảng 1,5%, trong khi tăng trưởng danh nghĩa là 2,1% trong tài khóa 2023.
Bộ trưởng Tài chính G7 nhất trí tăng hỗ trợ cho Ukraine Ngày 22/12, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) ra tuyên bố chung cho biết các nước thành viên sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ khác tăng hỗ trợ. Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol,...