Nhật Bản chi 4,7 tỷ USD từ quỹ dự phòng để mua thêm vaccine ngừa COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 14/5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chi 512 tỷ yen (khoảng 4,7 tỷ USD) từ quỹ dự phòng của tài khóa 2021 để mua thêm vaccine phòng COVID-19.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người già tại Okayama, Nhật Bản ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp việc nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 4 tỉnh, thành và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 8 tỉnh khác. Dự kiến, số tiền trên sẽ được sử dụng để mua tổng cộng 250 triệu liều vaccine từ các công ty Pfizer, Moderna và Novavax của Mỹ trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu về vaccine COVID-19 đang ngày càng quyết liệt, trong đó Pfizer dự kiến sẽ cung cấp 50 triệu liều trong quý III.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết chính phủ nước này đang đàm phán với Moderna và Novavax về việc mua 200 triệu liều vaccine để sử dụng trong năm tới.
Video đang HOT
Nhật Bản đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 17/2. Trong giai đoạn đầu, hơn 40.000 nhân viên y tế tại 100 bệnh viện trên khắp cả nước được ưu tiên tiêm phòng. Sau đó, người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm gần 30% dân số nước này, đã bắt đầu được tiêm phòng từ ngày 12/4. Tiếp theo là những người có các bệnh lý nền như tiểu đường và các nhân viên ở các cơ sở chăm sóc người già. Cuối cùng, Nhật Bản sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng cho tất cả mọi người dân.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Chính phủ Ấn Độ ngày 13/5 khẳng định hơn 2 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 sẽ có sẵn tại nước này trong vòng 5 tháng từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay, đủ để tiêm cho toàn bộ dân số.
Phát biểu tại một cuộc họp báo của Bộ Y tế, ông V.K. Paul, thành viên phụ trách lĩnh vực y tế của Ủy ban cải cách thể chế quốc gia Ấn Độ (Niti Aayog) cho biết vaccine Sputnik V của Nga có thể sẽ có sẵn tại nước này vào tuần tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong chương trình tập huấn tiêm chủng tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trước tình trạng nguồn cung trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, một số bang và lãnh thổ liên bang của Ấn Độ như Delhi, Maharashtra, Karnataka và Telangana đã quyết định mở thầu quốc tế mua vaccine phòng COVID-19. Thừa nhận điều này, ông Paul cho hay vaccine rất quan trọng “nhưng cần có thời gian” để sản xuất và cung cấp. Tuy nhiên, ông cũng cho biết đến cuối năm sẽ có đủ vaccine trong nước để tiêm cho toàn bộ người dân. Liên quan đến việc mua vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson, ông Paul nêu rõ Chính phủ Ấn Độ đang liên hệ với các công ty này thông qua Cục Công nghệ sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo ngày 13/5 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), cho biết tính đến thời điểm hiện tại, các nước châu Phi đã mua tổng cộng khoảng 38,03 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Theo cơ quan trên, 22,4 triệu liều trong số vaccine trên được cấp phát theo cơ chế COVAX. Con số này tương ứng với tỷ lệ bao phủ khoảng 1,48% ở cấp lục địa và khoảng 0,4% dân số của châu lục này đã được tiêm hai liều vaccine.
Cũng theo CDC châu Phi, các nước châu Phi đã sử dụng gần 58,87% lượng vaccine dự trữ có sẵn để tiêm chủng. Trong số các quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi (AU), Maroc, Nigeria, Ethiopia, Ai Cập và Kenya là những quốc gia dẫn đầu trong việc tiêm chủng đại trà.
IOC và Nhật Bản kiên định với kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo
Người phát ngôn Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Mark Adams bày tỏ tin tưởng rằng Olympic Tokyo sẽ là sự kiện "lịch sử", bất chấp dư luận phản đối việc tổ chức sự kiện này.
Linh vật Olympic 2020 Miraitowa (phải) và biểu tượng Olympic tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 13/5, ông Adams khẳng định IOC hiểu rõ những lo ngại của mọi thành phần trong xã hội Nhật Bản, song vẫn kiên định với kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo. Ông Adams nêu rõ: "Chúng tôi lắng nghe, nhưng sẽ để dư luận dẫn dắt các quyết định của mình. Tôi rất tin tưởng rằng chúng ta rồi sẽ thấy đông đảo dư luận ủng hộ Thế vận hội. Sẽ có những ý kiến trái chiều (trong quan điểm của công chúng). Chúng ta phải xét tới ý kiến dư luận ở thời điểm xa hơn. Với những công việc hiện nay, chúng ta đang tiến lên phía trước. Chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch toàn diện cho Thế vận hội. Đó là điều mà chúng tôi phải làm".
Trước cuộc họp báo này, Ủy ban điều hành IOC ngày 12/5 đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến nhằm thảo luận về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Nhật Bản hiện nay. Ông Seiko Hashimoto, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo, cho biết IOC bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ Nhật Bản.
Cũng trong ngày 13/5, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cam kết Olympic và Paralympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức theo đúng kế hoạch vào mùa Hè năm nay. Theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản, Thủ tướng Suga khẳng định như trên trong cuộc gặp với cựu Thống đốc tỉnh Chiba - ông Morita Kensaku. Ông Suga nêu rõ để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản sẽ đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine đại trà.
Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23/7 sau một năm trì hoãn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, ban tổ chức sự kiện này đang phải đối mặt với sóng gió từ dư luận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp và số ca mắc mới ghi nhận theo ngày vẫn còn ở mức cao. Kết quả khảo sát mới nhất tại Nhật Bản cho thấy có 59% số người được hỏi muốn hủy tổ chức Olympic Tokyo. Bản thân Thủ tướng Suga hồi đầu tuần này cũng đã tuyên bố trước Quốc hội Nhật Bản rằng ông không "đặt việc tổ chức Olympic là ưu tiên hàng đầu", làm dấy lên lo ngại rằng sự kiện này có thể sẽ bị hoãn lại thêm một lần nữa.
Tokyo: Cho phép lái xe taxi từ chối chở khách không đeo khẩu trang Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản ngày 4/11 đã cho phép tài xế taxi ở thủ đô Tokyo từ chối chở những hành khách không đeo khẩu trang mà không có lý do hợp lệ, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19...