Nhật Bản cân nhắc đánh chặn tên lửa của Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka ngày 17/3 cho biết bộ này đã bắt đầu cân nhắc xem có cần áp dụng các biện pháp chuẩn bị để phá hủy vệ tinh được phóng bằng tên lửa mà Triều Tiên chuẩn bị phóng vào tháng tới hay không.
Tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: AP)
Phát biểu với các nhà báo tại căn cứ không quân Hyakuri ở Omitama, tỉnh Ibaraki, ông Tanaka nói rằng Bộ quốc phòng đang cân nhắc xem có triển khai các tên lửa đánh chặn PAC-3 bố trí trên mặt đất và các tên lửa đánh chặn SM-3 trang bị cho tàu khu trục lớp Aegis hay không.
Ông Tanaka nói: “Chúng tôi đang thực hiện bài tập trí óc chuẩn bị (đối phó với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên), trong đó có sử dụng vụ việc trước đây như hướng dẫn của chúng tôi.”
Ý ông Tanaka muốn nhắc đến quyết định của Chính phủ Nhật Bản khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm xa hồi tháng 4/2009.
Tháng 3/2009, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông Yasukazu Hamada đã ra lệnh cho lực lượng phòng vệ phá hủy tên lửa của Triều Tiên hoặc các mảnh vỡ của tên lửa trong trường hợp chúng rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.
Theo TTXVN
"Khả năng tác chiến hạt nhân Trung Quốc có hạn, dễ bị Mỹ tiêu diệt"
"Mỹ đang toàn lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á-Thái Bình Dương, nhằm loại bỏ mối đe dọa từ hàng trăm quả tên lửa của Trung Quốc".
Tuần san "Bình luận quân sự độc lập" Nga ngày 17/2 đưa tin, Trưởng Phòng nghiên cứu Mỹ và Canada - Viện Khoa học Nga Sergei Rogov có bài viết cho rằng, hiện nay đối thủ chính trong thế kỷ 21 khiến Mỹ lo ngại nhất là Trung Quốc, chứ không còn là Nga nữa.
Mặc dù thực lực quân sự của Trung Quốc liên tục được tăng cường, nhưng mạng lưới phòng thủ tên lửa được Mỹ toàn lực xây dựng hiện đã tạo ra mối đe dọa trực tiếp và hiện thực đối với lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.
Mộng đẹp siêu cường tan biến
Rogov cho rằng, hiện nay Mỹ đã bị rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Hậu quả của "Đại suy thoái" các năm 2008-2009 vẫn chưa mất đi, gánh nặng nợ công khổng lồ vẫn rất lớn, lòng tin của người dân vào các hệ thống cơ bản đã bị "đóng băng", tầng lớp tinh hoa chính trị đang chia rẽ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh chấp quyết liệt, khiến cho nợ công tiếp tục tăng lên, xếp hạng tín dụng quốc gia bị hạ thấp, giấc mơ trở thành siêu cường duy nhất thế giới của Mỹ đã tan biến.
Tên lửa chiến lược kiểu mới phóng giếng của lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc
Chiến tranh Iraq và Afghanistan khiến cho Quân đội Mỹ căng thẳng cao độ trong thời gian dài, chính quyền Obama buộc phải ra quyết định rút quân, nỗ lực giảm thiểu hậu quả thất bại từ sự phiêu lưu quân sự.
Đồng thời, trật tự thế giới đang từ đơn cực chuyển sang đa cực. Trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2010, Chính phủ Obama thừa nhận, những trung tâm quyền lực mới, mà Mỹ buộc phải hợp tác, đang tiếp tục tăng lên, vừa có trung tâm quyền lực toàn cầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga; vừa có trung tâm quyền lực khu vực như Brazil, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Nigeria.
Mặc dù điều này hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ sẽ không tiếp tục là cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng ít nhất cho thấy, khoảng cách giữa Mỹ và các nước lớn khác đang thu nhỏ.
Coi Trung quốc là đối thủ chính
Chuyên gia Nga cho rằng, hiện nay quan hệ Trung-Mỹ đã bước lên bình diện của hệ thống quan hệ quốc tế, Trung Quốc đã bị Mỹ coi là đối thủ chính trong thế kỷ 21. Một cuộc điều tra năm 2011 ở 22 quốc gia có kết quả cho thấy, đa số người được hỏi của 16 quốc gia cho rằng, Trung Quốc đã vượt hoặc sẽ nhanh chóng vượt Mỹ, trở thành siêu cường thế giới mới nổi, trong đó 72% người Pháp, 67% người Tây Ban Nha, 65% người Anh, 61% người Đức, 63% người Trung Quốc và 45% người Nga giữ quan điểm này.
Hiện nay, sản lượng công nghiệp, đầu tư, nhu cầu năng lượng, xuất khẩu hàng hoá, dự trữ tiền tệ của Trung Quốc đều đã vượt lên đứng đầu thế giới, về mặt tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nghiên cứu khoa học và chi tiêu quốc phòng đã đứng thứ hai thế giới.
Video đang HOT
Trung Quốc tăng cường chi tiêu quân sự. Trong hình là tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc phóng tên lửa chống hạm.
Các chuyên gia dự đoán, nếu xu thế phát triển hiện nay được duy trì, sau năm 2015, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về một số chỉ tiêu quan trọng, dù là tổng GDP hay về sức mua bình quân đầu người, tỷ giá hối đoái và thị trường vốn.
Rogov cho biết, tạp chí "Economist" Anh dự đoán, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đến năm 2025 cũng sẽ vượt Mỹ. Nền tảng kinh tế khổng lồ giúp cho Trung Quốc có khả năng tiến hành hiện đại hóa toàn diện quân đội nước này. Hiện nay Trung Quốc không chỉ đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ của họ, mà còn có thể phát triển hạm đội tầm xa, có khả năng điều động lực lượng tầm xa.
Phòng tuyến của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã không còn giới hạn ở chuỗi đảo thứ nhất nữa (Nhật Bản-Đài Loan-Philippinese), mà đã đột phá chuỗi đảo thứ hai (Guam). Trung Quốc còn tích cực sử dụng hải quân để bảo vệ lợi ích kinh tế của họ, đặc biệt là biển Đông và Ấn Độ Dương - những vùng biển đóng vai trò rất quan trọng về vận chuyển dầu mỏ và các nguyên liệu khác mà Trung Quốc có nhu cầu.
Hải quân Trung Quốc đã đảm đương các nhiệm vụ tấn công cướp biển, hộ tống tàu thuyền, đã hộ tống 4.200 tàu thuyền chạy hướng biển Ả-rập. Ngoài ra, còn tích cực tham gia các chiến dịch sơ tán công dân Trung Quốc quy mô lớn ở các khu vực điểm nóng, từ năm 2006-2010 đã sơ tán 6.000 người Hoa ở Lebanon, Chad, Haiti, Togo, quần đảo Solomon và một số nước khác; năm 2011, sơ tán 48.000 người Hoa từ Ai Cập, Libya và Nhật Bản.
Chuyên gia Nga cho rằng, những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc và Mỹ đã hình thành nên cục diện phụ thuộc lẫn nhau, nó được thể hiện trực quan hơn trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay. Kim ngạch thương mại hai nước lên tới 440 tỷ USD, Trung Quốc không chỉ trở thành nước cung ứng hàng hóa chính cho Mỹ, mà còn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Hiện nay, Chính phủ Obama kêu gọi Trung Quốc hợp tác với Mỹ, gánh vác một phần trách nhiệm bảo vệ sự ổn định của hệ thống kinh tế và tài chính thế giới.
Biên đội hộ tống số 8 và số 7 của Hải quân Trung Quốc làm nhiệm vụ hộ tống tại vịnh Aden
Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh, quan hệ Trung-Mỹ thiết thực, hiệu quả là cần thiết để ứng phó với các thách thức chủ yếu của thế kỷ 21.
Nhưng, giữa Trung-Mỹ cũng tồn tại một số vấn đề, chẳng hạn Mỹ phê phán Trung Quốc xây dựng hiện đại hóa quân đội, vấn đề kích động các thế lực đòi độc lập cho Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ nổi lên mạnh mẽ, liên tục yêu cầu tăng giá đồng nhân dân tệ.
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế buộc Trung Quốc và Mỹ thường xuyên thỏa hiệp, nhưng Mỹ vừa không sẵn sàng từ bỏ tìm kiếm vị thế bá chủ thế giới, vừa không sẵn sàng thừa nhận Trung Quốc là một đối tác bình đẳng.
Mỹ lo ngại sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng lên
Rogov cho rằng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc không ngừng được tăng cường, khả năng hạn chế Mỹ can dự Đông Thái Bình Dương, ngăn chặn Mỹ chiếm không gian vũ trụ và không gian thông tin không ngừng tăng lên, khiến cho Lầu Năm Góc ngày càng lo ngại.
Huống hồ, Trung Quốc còn là nước lớn hạt nhân duy nhất công khai tăng cường toàn diện sức mạnh hạt nhân.
Các chuyên gia Mỹ thống nhất cho rằng, phải ngăn chặn Trung Quốc. Quỹ Di sản và Viện Doanh nghiệp kiến nghị Mỹ liên minh với Nhật Bản, Ấn Độ, cùng ngăn chặn Trung Quốc. Quỹ Tự do mới Mỹ đề nghị tăng cường hợp tác với Nga trên phương diện này.
Một loạt văn kiện an ninh quân sự được Chính phủ Obama thông qua đều đặc biệt coi trọng Trung Quốc. Mỹ công khai bày tỏ lo ngại đối với sự tăng cường nhanh chóng về thực lực quân sự của Trung Quốc.
"Sát thủ tàu sân bay" - tên lửa chống hạm Đông Phong-21D của Trung Quốc
Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đã tuyên truyền "Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc", chỉ trích Trung Quốc cản trở Quân đội Mỹ tự do can dự ở một số khu vực.
Những chỉ trích này thường cho rằng Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, nỗ lực ngăn chặn Hải quân Mỹ đi vào vùng biển duyên hải Trung Quốc, can thiệp vấn đề Đài Loan.
Cách đây không lâu, chính quyền Obama công khai tuyên bố chuẩn bị quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương về quân sự, bảo đảm cho việc can dự khu vực này.
Động thái này không chỉ làm tăng cấp độ đối đầu quân sự Trung-Mỹ, mà sẽ còn liên quan tới vấn đề xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực.
Mỹ đang toàn lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á-Thái Bình Dương, nhằm loại bỏ mối đe dọa từ hàng trăm quả tên lửa của Trung Quốc.
Chuyên gia Nga cho rằng, ngày 5/1/2012 Lầu Năm Góc tuyên bố, trọng điểm chiến lược của Mỹ sẽ chuyển tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về phương hướng ưu tiên khu vực triển khai binh lực của quân Mỹ, Trung Đông hiện đã rút xuống đứng thứ hai, châu Âu thứ ba.
Lầu Năm Góc quyết định cắt giảm 2 trong số 4 lữ đoàn lục quân của Mỹ ở châu Âu, đồng thời ra sức tăng cường các cụm chiến đấu của quân Mỹ ở Thái Bình Dương, có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự mới, triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ ở Australia.
Hơn nữa, trong chiến lược quân sự mới, lần đầu tiên Lầu Năm Góc đặt song song Trung Quốc và Iran là mối đe dọa chính cần phải ngăn chặn, yêu cầu Mỹ cần tăng cường triển khai binh lực tương ứng,
duy trì khả năng điều động binh lực khu vực, bảo đảm ngăn chặn được đối thủ tiềm tàng, ngăn chặn họ thực hiện mục tiêu.
Tàu ngầm hạt nhân Ohio mang theo tên lửa hành trình neo đậu tại căn cứ Yokosuka - Nhật Bản.
Mỹ tuyên bố, đối thủ tiềm tàng đã tạo ra mối đe dọa cho việc can thiệp quân sự và tự do hành động của Mỹ, họ sẽ sử dụng các biện pháp phi đối xứng chống lại Mỹ,
phá hoại kế hoạch tác chiến của Mỹ, bao gồm tác chiến điện tử và các biện pháp tác chiến thông tin mạng, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, vũ khí phòng không kiểu mới, thủy lôi và các phương pháp khác.Các nước như Trung Quốc và Iran trong tương lai sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp phi đối xứng, ngăn cản việc điều động binh lực của Mỹ.
Vì vậy, Quân đội Mỹ phải tiến hành đầu tư cần thiết, đảm bảo có khả năng hành động hiệu quả đối phó lại các biện pháp này, phát triển tàu ngầm, thiết bị săn ngầm, máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới và hệ thống phòng thủ tên lửa, tăng cường sức mạnh trong vũ trụ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đe dọa sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc
Rogov cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đang tích cực xây dựng dù ở trong lãnh thổ Mỹ hay ở châu Âu và châu Á, đều đã tạo ra mối đe dọa trực tiếp và hiện thực đối với lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc hiện chỉ có 180-200 đầu đạn hạt nhân, trong đó chỉ có 40-50 đầu đạn có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ (Alaska, Hawaii, các bang ở bờ biển Thái Bình Dương).
Ngoài ra, Trung Quốc thiếu hệ thống cảnh báo sớm các cuộc tấn công của tên lửa chiến lược, do đó lực lượng hạt nhân trong lãnh thổ của họ rất dễ bị Mỹ tấn công "đánh đòn phủ đầu" mang tính hủy diệt.
Mặc dù Trung Quốc còn có vài trăm quả tên lửa tầm trung, nhưng sẽ không tạo ra mối đe dọa quá lớn cho Mỹ.
Hiện nay, cụm chiến đấu chủ lực của lực lượng tàu ngầm Mỹ chủ yếu triển khai ở Thái Bình Dương, chứ không phải là Đại Tây Dương - nơi Mỹ-Xô đối đầu gay gắt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tên lửa đạn đạo Trident II (D5) được phóng từ tàu ngầm, do Công ty Lockheed Martin Mỹ chế tạo.
Quân đội Mỹ triển khai 8 tàu ngầm hạt nhân mang theo tên lửa chiến lược tại căn cứ Bangor - Thái Bình Dương, trong đó 6 chiếc đã triển khai chiến dịch, tổng cộng có 192 quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, trong đó 156 quả có thể đưa vào chiến đấu bất cứ lúc nào.
Ở căn cứ Kings Bay - Đại Tây Dương, quân Mỹ chỉ có 6 tàu ngầm hạt nhân, trong đó 4 chiếc đã triển khai chiến dịch, tổng cộng có 144 quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, trong đó 96 quả có thể phóng bất cứ lúc nào.
Điều này có nghĩa là, Mỹ có khoảng 130 quả tên lửa đạn đạn phóng từ tàu ngầm, mang theo hơn 500 đầu đạn hạt nhân, có thể bắn vào lãnh thổ Trung Quốc trong 10-15 phút bất cứ lúc nào.
Trong tình hình đó, tên lửa đánh chặn chiến lược được Mỹ triển khai ở Alaska (30 quả) và California (6 quả) hoàn toàn có thể đánh chặn những đầu đạn hạt nhân còn dư của Trung Quốc.
Còn đối với tên lửa tầm ngắn và tầm trung do Trung Quốc phóng, hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 xuất khẩu cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển Standard-2 (SM-2), Standard-3 (SM-3) để đánh chặn.
Năm 2010, 18 trong số 21 tàu chiến lớp Aegis của Quân đội Mỹ đã được triển khai ở Thái Bình Dương.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Standard-3 của Hải quân Mỹ
Chuyên gia Nga cho rằng, tình hình đối lập sức mạnh hủy diệt lẫn nhau giữa Trung-Mỹ thực sự không còn dừng lại ở lĩnh vực tên lửa hạt nhân, mà chuyển sang lĩnh vực kinh tế.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế không ngừng sâu sắc, ngày 13/2 Nhà Trắng đã trình lên Quốc hội dự thảo ngân sách Liên bang năm tài khóa 2013, yêu cầu tăng 476 tỷ USD xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế, tăng thâm hụt ngân sách liên bang lên 1.300 tỷ USD, đồng thời chuẩn bị cắt giảm lớn chi tiêu quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Panetta tuyên bố, trong 10 năm tới chi tiêu của quân Mỹ sẽ cắt giảm 487 tỷ USD. Trong khi đó từ năm 1999, chi tiêu quân sự của Mỹ đã liên tục tăng trong 12 năm. Năm tài khóa 2011 đã lên tới 713 tỷ USD, năm tài khóa 2012 cắt giảm xuống 625 tỷ USD.
Năm tài khóa 2013 có kế hoạch cắt giảm đến 625 tỷ USD, nếu không tính số tiền 88 tỷ USD dành cho Chiến tranh Afghanistan, chi tiêu ngân sách của Lầu Năm Góc sẽ là 525 tỷ USD.
Mặc dù chi tiêu dành cho nghiên cứu phát triển và mua sắm vũ khí trang bị của Quân đội Mỹ sẽ cắt giảm đến 179 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ; nhưng Lầu Năm Góc vẫn chuẩn bị tiếp tục mua vũ khí trang bị mới.
Quân đội Mỹ có kế hoạch chi 47,6 tỷ USD mua máy bay, trực thăng và máy bay không người lái, bao gồm 29 máy bay F-35, 26 máy bay F-18, 43 máy bay không người lái, 21 máy V-22 Osprey.
Có kế hoạch mua 196 quả tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đạn đạo phóng ngầm D-5. Chuẩn bị đầu tư 22,6 tỷ USD chế tạo 2 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, 4 tàu chiến đấu duyên hải và 1 tàu sân bay.
Máy bay đa chức năng V-22 Osprey do Hãng Boeing và Bell Helicopters hợp tác sản xuất.
Chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ còn tập trung hơn cho xây dựng chương trình phòng thủ tên lửa, năm tài khóa 2013 có kế hoạch chi 9,7 tỷ USD tiếp tục xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa.
Trong đó 1,3 tỷ USD dùng để mua 29 quả tên lửa đánh chặn Standard-3 Block 1B, sản xuất 24 quả tên lửa cùng loại khác.
903 triệu USD dùng để mua hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược do Công ty Boeing sản xuất. 777 triệu USD dùng để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực chiến lược,
763 triệu USD dùng để mua 84 quả tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3, 401 triệu USD dùng cho hệ thống phòng không tầm trung mở rộng do Mỹ hợp tác với Italia, Đức xây dựng.
Còn trong số tiền 8 tỷ USD chi cho chương trình vũ trụ của Lầu Năm Góc, sẽ có 950 triệu USD dùng cho vệ tinh phòng thủ tên lửa giám sát tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Hiện nay, kinh phí của chương trình phòng thủ tên lửa chiếm khoảng 1,5% ngân sách chung của Lầu Năm Góc, khoảng 5,5% toàn bộ chi phí nghiên cứu phát triển và mua sắm vũ khí trang bị mới.
Có thể thấy, Mỹ rất coi trọng vấn đề phòng thủ tên lửa, cho dù phải cắt giảm lớn chi tiêu quân sự thì họ cũng cố gắng hết sức tăng đầu tư cho phòng thủ tên lửa.
Theo Giáo Dục VN
Israel triển khai tên lửa đánh chặn tại Tel Aviv Phát ngôn viên quân đội Israel ngày 19/2 cho biết quân đội nước này ngày 20/2 quyết định cho triển khai một khẩu đội tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ "Vòm Sắt" (Iron Dome) tại thủ đô Tel Aviv. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)Trong một thông cáo, người phát ngôn trên nêu rõ: "Hệ thống Vòm Sắt sẽ được thiết...