Nhật Bản cân nhắc biện pháp nếu Biển Đông bị quân sự hóa
Quan chức ngoại giao Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ nhằm gìn giữ hoà bình và đề cao luật quốc tế ở Biển Đông.
Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Ảnh minh họa: Reuters
“Nhật Bản vẫn đang cân nhắc các phương án để thể hiện sự hiện diện của mình ở khu vực này. Chúng ta cần phải thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Biển Đông không nên bị quân sự hoá”, một quan chức thuộc Cục chính sách Ngoại giao Tổng hợp, Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao đổi với VnExpress.
Tuyên bố trên được quan chức này đưa ra khi trả lời câu hỏi về phản ứng của Nhật Bản trước thông tin Trung Quốc có thể đã bố trí vũ khí trên cả 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) hồi giữa tháng 12 cho biết Trung Quốc dường như đã đặt các hệ thống pháo phòng không và phòng thủ tầm gần chống tên lửa trên tất cả 7 đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
Theo quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, mặc dù Nhật Bản chưa cùng Mỹ thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (MSDF) đã tham gia các cuộc diễn tập chung ở khu vực này, các tàu chiến cũng thường xuyên đi qua đây. Quan chức này nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ nhằm gìn giữ hoà bình và đề cao luật quốc tế ở Biển Đông.
Video đang HOT
Trước một số ý kiến cho rằng Nhật Bản đang đứng về phía các nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và Tokyo cố gắng cô lập Bắc Kinh, ông Yuki Tamura, quan chức Cục châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khẳng định đây là “sự hiểu lầm”.
Ông Tamura lý giải nguyên nhân thực sự khiến Nhật Bản quan tâm đặc biệt tới an ninh Biển Đông là vì Tokyo có lợi ích kinh tế rất lớn ở đây và vì nước này đề cao nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế ở các vùng biển.
Về khía cạnh kinh tế, ông Tamura cho biết 80-90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản đi qua Biển Đông. Nếu phải nhập khẩu dầu qua các con đường khác đi vòng qua Biển Đông, Nhật Bản sẽ phải cần đến nhiều tàu hơn và chi phí cũng cao hơn.
“Nếu Biển Đông có chiến tranh, kinh tế Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế an ninh ở khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến Tokyo”, ông Tamura nói.
Phán quyết Biển Đông không bị lãng quên
Trả lời về lo ngại rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài dường như không được đề cao, quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay Tokyo coi đây là phán quyết cuối cùng và hai nước liên quan là Philippines và Trung Quốc cần phải tuân thủ phán quyết ràng buộc này.
“Nếu một bên không thực hiện thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu rằng luật pháp quốc tế có nhưng không cần tuân theo, điều này hoàn toàn đi ngược với chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Tokyo sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa vấn đề ra các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, để phán quyết của Toà Trọng tài không bao giờ bị lãng quên”, ông Tamura nói.
Nhận định về tuyên bố gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về vấn đề Biển Đông, quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định Tokyo “không lấy làm lo ngại” về những phát ngôn này, tin tưởng rằng các cuộc thảo luận giữa Manila và Bắc Kinh sẽ giúp giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông.
Ông Tamura cho biết trong cuộc gặp hồi tháng 10, Tổng thống Duterte đã bày tỏ sự ủng hộ ba nguyên tắc do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra trong giải quyết tranh chấp trên biển. Các nguyên tắc này gồm: nếu một nước trong khu vực khẳng định chủ quyền của mình trên biển được bảo vệ bằng luật pháp quốc tế thì phải chứng minh được điều đó; một nước khi khẳng định chủ quyền thì không được thực hiện bằng bạo lực; và tất cả các tranh chấp liên quan đến bạo lực đều phải được quản lý thông qua đối thoại.
“Ông Duterte khẳng định lập trường của Philippines là sẽ dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài đưa ra hồi tháng 7″, ông nói.
Việt Anh
Theo VNE
Ngoại trưởng Philippines không phản đối Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông
Bộ Ngoại giao Philippines sẽ không phản đối Trung Quốc quân sự hoá các đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong khi hành động này bị Việt Nam và Mỹ coi là phi pháp, đe dọa an toàn, tự do hàng hải.
Ảnh vệ tinh chụp đá Gaven hôm 17/11. Ảnh: AMTI
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm qua cho biết chính phủ nước này sẽ không phát bất cứ công hàm ngoại giao nào gửi Trung Quốc, theo Reuters.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo không có thêm hành động gây gia tăng căng thẳng giữa hai nước, đặc biệt là ở Scarborough", ông Yasay nói, ý chỉ một bãi cạn tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.
"Hãy để họ có bất cứ hành động gì cần thiết khi theo đuổi lợi ích quốc gia của họ, và chúng tôi sẽ để việc đó lại, còn với Philippines, chúng tôi có những ràng buộc song phương với Trung Quốc", ngoại trưởng Philippines cho hay và thêm rằng các nước khác có thể xử lý bất cứ vấn đề gì.
Phát biểu của ông Yasay đi ngược lại tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, người hôm qua cho rằng hành động của Trung Quốc ở Trường Sa là "mối quan ngại lớn" với cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc bị nghi đã triển khai các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa trên các đảo nhân tạo nước này xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo hình ảnh vệ tinh của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), có trụ sở tại Mỹ.
Việt Nam hôm nay tuyên bố "hết sức quan ngại" về thông tin đồng thời phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ cũng nhiều lần cảnh báo nguy cơ gây bất ổn Biển Đông từ việc Trung Quốc quân sự hoá các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Trọng Giáp
Theo VNE
Canh bạc liều lĩnh Trung Quốc bày ra trên Biển Đông Động thái quân sự hóa trên các đảo nhân tạo hé lộ toan tính của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông, buộc Mỹ phải có hành động quyết liệt để chống lại. Nhà chứa máy bay và các cấu trúc lạ Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập của Việt Nam. Ảnh: CSIS Với việc xây dựng các nhà chứa cho...