Nhật Bản cam kết hoàn tất đàm phán hiệp ước hòa bình với Nga
Kyodo đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 16/11 khẳng định quyết tâm cùng với Tổng thống Vladimir Putin hoàn tất đàm phán hiệp ước hòa bình song phương.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát biểu trên được Thủ tướng Abe đưa ra tại một cuộc họp báo ở Australia, hai ngày sau khi ông nhất trí với Tổng thống Putin trong cuộc gặp tại Singapore rằng tuyên bố chung năm 1956 sẽ là nền tảng cho các cuộc đàm phán sắp tới.
Tuyên bố chung này chỉ rõ việc trả lại đảo Shikotan và quần đảo Habomai cho Nhật Bản sau khi ký kết một hiệp ước hòa bình.
Thủ tướng Abe cho biết thỏa thuận tăng tốc các cuộc đàm phán dựa vào nền tảng tuyên bố trên sẽ “không đi ngược lại” chính sách lâu nay của Tokyo về việc giải quyết tình trạng của 4 đảo tranh chấp trước khi ký một hiệp ước hòa bình.
Theo ông Abe, các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình dựa trên nền tảng tuyên bố chung sẽ bao gồm 4 đảo ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc của Hokkaido nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô cũ sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945.
Chuỗi đảo này được Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc còn Nga gọi là quần đảo Nam Kuril./.
Theo vietnamplus
Nhật Bản-Ấn Độ nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao và quốc phòng
Ngày 29/10, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 12, trong đó hai bên đã nhất trí khởi động cuộc đối thoại 2 2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Reuters)
Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, phát biểu trong cuộc họp báo chung sau đó, Thủ tướng Modi khẳng định nếu không có sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản, thế kỷ 21 không thể là thế kỷ của châu Á.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cho hay ông và Thủ tướng Abe đã nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao và quốc phòng nhằm thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trên thế giới.
Thủ tướng Modi khẳng định quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản sâu sắc và rộng lớn, dựa trên cam kết chung về các giá trị dân chủ cũng như tự do và thượng tôn pháp luật.
Ông nhấn mạnh hai bên đã nhất trí sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác, từ kỹ thuật số tới không gian mạng, y tế tới quốc phòng và từ đại dương tới vũ trụ.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước sẽ tiếp tục được tăng cường.
Ngoài ra, để thúc đẩy kết nối khu vực, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ hợp tác với nhau ở các nước thứ ba trong khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương như Bangladesh, Sri Lanka hay Kenya. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định mối quan hệ giữa Tokyo và New Delhi đầy tiềm năng, dựa trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí khởi động các cuộc thảo luận hướng tới một thỏa thuận cho phép quân đội hai nước chia sẻ nguồn tiếp tế quân sự như khí tài và xăng dầu.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy một Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương mở cửa và tự do, hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Nhật Bản cam kết cung cấp các khoản vay lãi suất thấp trị giá 316,4 tỷ yên (28,1 tỷ USD) cho Ấn Độ.
Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận về hợp tác hải quân, trong lĩnh vực y tế, các công nghệ kỹ thuật số và công nghệ mới, tàu cao tốc và chế biến thực phẩm.
Năm 2017, Nhật Bản đã khởi công dự án tàu cao tốc đầu tiên tại Ấn Độ với tổng giá trị đầu tư lên tới 19 tỷ USD. Tuyến tàu cao tốc này sẽ nối Ahmedabad với trung tâm tài chính Mumbai và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Kể từ năm 2005, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh gần như thường niên./.
Theo vietnamplus
Các nước Mekong ủng hộ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của TT Abe Nhật Bản đồng ý thắt chặt quan hệ với các nước vùng Mekong bằng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương với mục tiêu để Tokyo duy trì và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Trước hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Mekong ngày 9/10 tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp riêng trong ngày...