Nhật Bản bổ sung đối tượng quân nhân vào diện tiêm vaccine
Ngày 14/6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cơ quan điều phối hoạt động của các trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn tại Tokyo, đã quyết định bổ sung lực lượng cảnh sát và quân nhân công tác trong lĩnh vực xử lý khủng hoảng vào danh sách tiêm chủng cùng với những người cao tuổi trên 65 tuổi nhằm lấp đầy những suất còn trống.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/6/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, mặc dù đã mở rộng đối tượng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ra phạm vi toàn quốc với các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở Osaka và Tokyo, số lượng đặt trước vẫn còn rất hạn chế so với năng lực phục vụ của các trung tâm này. Do đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định sẽ bổ sung đối tượng tiêm chủng là các cán bộ, nhân viên công tác trong lĩnh vực quản lý khủng hoảng như nhân viên Lực lượng phòng vệ (SDF), sỹ quan cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên Lực lượng bảo vệ bờ biển.
Công tác tiêm chủng sẽ được bắt đầu từ chiều 14/6 tại Trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở thủ đô Tokyo với số lượng dự kiến khoảng 1.600 người sinh sống tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Kanagawa, Chiba. Một quan chức của Bộ Quốc phòng phụ trách vấn đề tiêm chủng cho biết công việc tương tự có thể sẽ tiếp tục được tiến hành vào ngày 15/6 trong trường hợp lịch đặt trước dành cho đối tượng người trên 65 tuổi vẫn còn trống.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 12/6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tỷ lệ đặt lịch tiêm chủng trong 2 tuần từ ngày 14/6 đến ngày 27/6 chỉ đạt khoảng 20% tại Trung tâm Tokyo và 30% tại Trung tâm Osaka. Cơ quan này cũng kiến nghị chính phủ cho phép mở rộng thêm đối tượng tiêm chủng là người dưới 64 tuổi, trước mắt là những người có bệnh lý nền, người phục vụ trong các viện dưỡng lão. Điều này mới có thể vận hành tối đa năng lực phục vụ của các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn, tránh lãng phí nguồn nhân lực, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia công nghiệp phát triển khác.
Cùng ngày, hãng hàng không Japan Airlines Co. (JAL) đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên, một ngày sau khi hãng hàng không All Nippon Airways Co. (ANA) trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên thực hiện chương trình tiêm chủng tại nơi làm việc.
Với mục tiêu trước hết tiêm chủng cho các phi hành đoàn trên các chuyến bay quốc tế, cả hai hãng hàng không đã quyết định triển khai tiêm chủng tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo trước thời điểm ngày 21/6 mà chính phủ đặt ra cho các công ty và trường đại học. Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng việc tiêm chủng tại nơi làm việc sẽ đẩy nhanh việc tiêm chủng trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, dự kiến sẽ khởi tranh trong chưa đầy 40 ngày tới.
Với mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 36.000 nhân viên, JAL trước hết ưu tiên tiêm chủng cho những người lao động làm việc trên các tuyến đường quốc tế. Trong khi đó, ANA Holdings Inc., công ty mẹ của hãng hàng không ANA, cho biết khoảng 46.500 nhân viên đủ điều kiện tiêm chủng song hãng sẽ ưu tiên tiêm cho khoảng 10.000 nhân viên bao gồm phi công và tiếp viên làm việc trên các chuyến bay quốc tế.
Nhiều công ty khác, trong đó có Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, công ty thương mại Itochu Corp., và các trường đại học cũng đang rục rịch triển khai tiêm chủng cho nhân viên hoặc sinh viên vào ngày 21/6. Từ 17h chiều 11/6, Chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận đơn xin phép của các công ty và trường đại học để tiêm chủng cho khoảng 9,07 triệu người tại 1.821 địa điểm. Chiến dịch tiêm chủng này sẽ sử dụng vaccine 2 mũi tiêm của Moderna (Mỹ).
Nhật Bản kỳ vọng Olympic 2020 trở thành hình mẫu mới hậu COVID-19
Thống đốc Tokyo cho biết Nhật Bản sẽ tạo ra một hình mẫu mới thời kỳ hậu COVID-19 và muốn bàn giao lại hình mẫu này cho Paris (Pháp) và Los Angeles (Mỹ).
Hai ngọn đuốc Olympic và Paralympic được trưng bày tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 2/11/2020. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Ngày 24/11, Thống đốc Tokyo (Nhật Bản) Yuriko Koike bày tỏ hy vọng Đại hội Thể thao Olympic và Paralympic Tokyo 2020 , lùi đến mùa Hè 2021, sẽ trở thành hình mẫu cho các thế vận hội tổ chức sau đại dịch.
Phát biểu họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Nhật Bản, bà Koike nêu rõ: "Sau Tokyo, Paris (Pháp) sẽ tổ chức Olympic mùa Hè 2024 và sau đó là Los Angeles (Mỹ) vào năm 2028. Chúng tôi sẽ tạo ra một hình mẫu mới thời kỳ hậu COVID-19 và tôi muốn bàn giao lại hình mẫu này cho hai thành phố."
Chính phủ Nhật Bản tái khẳng định Olympic Tokyo sẽ khai mạc đúng kế hoạch vào ngày 23/7/2021. Ban đầu sự kiện này dự kiến diễn ra trong năm 2020, nhưng ban tổ chức phải hoãn lại hồi tháng Ba do cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Ban tổ chức đã thảo luận về các biện pháp để tổ chức các môn thi đấu "an toàn và bảo đảm an ninh" bất chấp số ca nhiễm mới virus SAR-CoV-2 tăng mạnh gần đây.
Theo Thống đốc Koike, Olympic Tokyo 2020 cũng có thể tượng trưng cho sự kiên cường của nhân loại khi các nước cùng hợp tác chống lại dịch COVID-19. Bà khẳng định Tokyo sẽ thực hiện "tất cả các biện pháp có thể" để đảm bảo an toàn cho các vận động viên và những người liên quan.
Trong bối cảnh còn tám tháng nữa là khai mạc Olympic, thủ đô của Nhật Bản đang chứng kiến số lượng ca nhiễm mới COVID-19 cao kỷ lục.
Tuần trước, Nhật Bản ghi nhận hơn 500 ca nhiễm mới trong ba ngày liên tiếp, với số ca cao nhất là 539 ca ngày 21/11.
Thế giới ghi nhận trên 59,1 triệu ca mắc COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 23/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 59,127 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1,396 triệu ca tử vong. Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 22/11/2020....